GPVO (3/3/2023) – “Cho dù hoàn cảnh khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại. Khi cỏ cây hoa lá cũng không từ bỏ ước vọng sinh tồn thì có lý do gì con người lại gục ngã? Thiên nhiên “vượt khó” lẽ nào con người lại không thể?”
Đêm sâu! Một đêm cuối tuần buồn… Giọt buồn rơi hắt hiu xuống tâm can như làm rã rời đôi mắt cay. Một cảm giác vắng tênh nhưng sao lại đau nhói ập xuống trong tâm hồn. Tôi chìm lỉm trong dòng suy tư về “những cái bỗng dưng” của phận người. Trong cuộc đời, có những cái tin, những sự việc “từ trên trời rơi độp xuống” như những nhát gươm sáng loáng cắt ngang trái tim người ta và có thể phủ giăng một màn tối uy lực. Trước cảnh này, con người sẽ phải lấy gì làm cái neo trụ tồn?
Miên man… miên man… Dư âm của cuộc viếng thăm chiều hôm trước vẫn còn kéo dài cho đến lúc này khi tôi nghĩ về Trung – một người bạn và cũng là một người học trò cũ. Cách đây hơn 8 năm, chúng tôi gặp nhau ở Huế, mảnh đất của nhạc và thơ. Ngày ấy, khi đang theo đuổi chương trình sau Đại học, suốt mấy năm, tôi dạy tiếng Anh thiện nguyện tại câu lạc bộ Phủ Cam cho các bạn sinh viên Huế, trong đó có Trung. Chị em chúng tôi quen thân nhau lắm. Vả lại, tôi còn vui hơn khi biết em có một người chị gái tu cùng dòng với mình nữa. Lúc đó, cả đất Huế chỉ được một cộng đoàn chị em Mến Thánh Giá Vinh mà phần lớn là các sơ nhí đang tu học nên từ lúc nào đã trở thành địa điểm quy tụ của các bạn sinh viên Vinh và Hà Tĩnh. Ngày đó thật ấm áp và đầy ắp kỷ niệm…
Chiều hôm trước, tôi cùng mấy chị em vào bệnh viện Ung Bướu Nghệ An thăm Trung. Tôi vẫn nhớ như in cái ấn tượng năm xưa về một chàng sinh viên có khuôn mặt thanh tú và một cặp mắt tinh anh đong đầy những hoài bão. Lúc đó, tôi cứ thường gọi em là “Trung kim khẩu” tức là “Trung miệng vàng”, bởi Chúa ban cho em cái khiếu hoạt ngôn, ăn nói dí dỏm, thu hút và thuyết phục. Có lần, vào buổi học đầu tiên của môn Tư tưởng Mác Lênin, giáo sư của em đã mở màn bằng một tràng hạ bệ đạo Công giáo. Bất bình trước những lời lẽ của cô, em giơ tay đứng dậy, xin được bày tỏ quan điểm của mình. Thế là sau một bài hùng biện cực chất, giáo sư đứng thinh lặng, không thể nói thêm điều gì và xin lỗi trước lớp. Vì vậy, tôi cứ ví von Trung giống như anh bạn sinh viên can đảm đối chất với giáo sư trong bộ phim nổi tiếng “God’s not dead – Thiên Chúa không chết!”.
Mấy hôm trước, tôi bàng hoàng chết lặng khi nghe tin Trung mang một cơn ác bệnh tên là UNG THƯ (bệnh K). Căn bệnh này quả là ác vì nó hung hăng phá hoại thể trạng cũng như những khát vọng của em. Tôi biết, ước mơ đời dâng hiến đang từng ngày cuộn trào trong em nhưng “cái THƯ” không cho phép. Mới trở thành một thầy dòng chừng bốn tháng mà nay em phải ngưng lại mọi thứ. Quả như câu nói mà người ta cứ kháo nhau: “Sợ nhất là nhận được chữ K trong bệnh viện”. Tôi không biết em đã đón nhận tin dữ này thế nào? Có chăng cái ngã quỵ đau đớn khi cầm trên tay kết quả? Có chăng sự chơi vơi, bất định? Có chăng sự nổi giận và nổi loạn? Có chăng cái đắng đót trầm kha? Có chăng là một thứ cảm xúc tàn lụi, xé nát tâm can? Có chăng là sự bạc nhược, muộn phiền phủ vây? Có chăng sự suy kiệt trong thể xác lẫn tinh thần? Có chăng là 1000 câu hỏi “Vì sao?” cấu xé đầu óc? Và còn rất nhiều biến động dữ dội khác của tâm thần nữa.
Có lẽ, đây là thử thách khắc nghiệt nhất và em đang phải trải qua những cung bậc cảm xúc kinh hoàng nhất của phận người. Ai mà chẳng sợ đối diện với bạo bệnh? Ai mà hây hây tươi tỉnh khi cuộc đời như đang ném vào mình “cả tấn hung khí” phá hủy sự sống?
Bước vào phòng, ngổn ngang bệnh nhân và người nhà của họ nhưng may mắn thay là điều kiện ở đây thì tốt hơn so với nhiều khoa khác. Có những chỗ tôi chứng kiến ba bệnh nhân chung nhau một chiếc giường, chưa kể người thân lăn lê dưới gầm, chen chúc nằm tràn ra chật kín cả hàng lang. Tôi nghĩ những ai ở ngoài kia nếu cứ cho mình là bất hạnh thì nên đi dạo khắp bênh viện một vòng, rồi họ sẽ cảm thấy mình đang còn may mắn hơn nhiều so với những con người đáng thương ở đây. Không có bệnh gì trên đời mà bệnh viện không có. Vào đây thì chỉ biết xót, biết đau và biết khóc cảm thương mà thôi!
Thế rồi, tôi cố đè nén tất cả các cảm xúc, khóa chặt chúng lại trong tâm can và giữ nét mặt bình thản đến bên Trung. Thấy các chị đến thăm, em mừng quá đỗi, vội bắt lấy tay các chị. Tôi nắm tay em thật chặt. Chưa bao giờ, tôi muốn truyền năng lượng cho một ai đó nhiều như lúc này. Đó là cái bắt tay gửi gắm tin yêu, khích lệ và hy vọng. Có lẽ, sự thinh lặng trao truyền động lực là thứ quý giá hơn những câu nói sáo rỗng ngay lúc này!
Phần tôi, tôi đã thấy Trung những lúc đời em bình lặng sóng yên và hôm nay, tôi lại chứng kiến đời em khi sóng gió gào thét cuồn cuộn. Tâm tư tôi như muốn vang lên cái điệp khúc: “Cố lên Trung ơi! Cố lên Trung ơi!…”. Tưởng chừng như cơn bệnh đã vắt kiệt tinh thần của em, buộc em phải thay đổi “cái cốt” của mình, nhưng không phải. Trước mặt tôi, vẫn là Trung của ngày xưa, có chăng mái tóc đen nhánh đã được chủ động cạo trọc để chuẩn bị cho đợt xạ trị thứ hai. Tôi không biết thời gian đầu em phản ứng như thế nào, nhưng ít nhất đến lúc này, trông em thật thư thái trong sự tín thác và tươi tỉnh trong vẻ lạc quan, vắng hẳn bóng dáng của sự bi lụy và đau thương.
Chúng tôi vui vẻ ôn lại bao kỷ niệm xưa, cứ hễ chị em ngồi với nhau là lại có chuyện tếu, chuyện kháo để cười. Rồi chúng tôi bàn luận về nhiều điều, trong đó có việc điểm danh những người quen biết đã vượt qua căn bệnh ung thư và vui sống khỏe mạnh như những phép màu. Cả mẹ, chị gái của Trung cũng phấn khởi chung chia những mảnh ký ức và cuộc hội ngộ thân tình của mấy chị em. Chúng tôi cười và Trung cũng cười theo. Dẫu vậy, ẩn sâu thật sâu trong ánh mắt của em là phảng phất một màn sương mờ của nỗi sợ hãi. Tôi đọc được điều đó. Gạn lại mấy lời từ đáy lòng, Trung chia sẻ với chúng tôi rằng có lúc đức tin trong em như muốn chuyển rung, em đối chất với Chúa “Vì sao lại là con?” và em cảm thấy sự sống của mình quá đỗi chơi vơi. Em thấy mình đang ở trong đêm dày của đức tin như những kinh nghiệm sống động mà chính chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu, vị thánh mà em yêu thích, cũng đã trải qua. Trung cho chúng tôi biết có những ngày xạ trị, thân xác em rũ rời, tưởng chừng như không thể gắng qua nổi ngày mai. Nhưng rồi em xác tín rằng Chúa đã ban sức mạnh cho em và bây giờ chỉ còn một phương thuốc là phó thác. Tôi biết, từng giờ trôi qua, em vẫn luôn khao khát phép lạ xảy đến với mình để có thể tiếp tục đi tu, dâng mình cho Chúa.
Trời nhá nhem tối, chúng tôi chia tay Trung để về lại nhà dòng cho kịp các giờ sinh hoạt chung. Lại một cái nắm tay tha thiết với ánh mắt trao gửi: “Chị cầu nguyện cho em với nhé, chuẩn bị xạ trị đợt hai rồi đó chị”. Lời thì thầm của em như thắt chặt trái tim tôi. Tôi muốn vỡ òa nhưng lại cố nén đi “dòng nước mặn ồ ạt” từ muôn phía đang chờ chực tràn ra khỏi hai bờ mi mỏng manh.
- Uhm, chị sẽ cầu nguyện nhiều cho em mà. Cố lên em nhé!
Tôi nghĩ cuộc trò chuyện kéo dài gần 2 tiếng đồng hồ này đã phần nào lấp đầy thêm hơi ấm của nghĩa tình và chút niềm tin vào những khoảng trống bất định trong tâm hồn em, bởi dù em đang lạc quan đón nhận mọi điều xảy đến nhưng đã là phận người thì cũng sẽ có những khoảng khắc bi lụy, đắng chát.
Đêm nay, tôi lững thững bước dọc hành lang Học viện, những bận lòng về Trung vẫn cứ vần vũ trong tim. Ngày mai, em sẽ bắt đầu cuộc chiến với lần xạ trị thứ hai. Tôi sẽ nói gì và viết gì để gửi gắm cho em? Tôi muốn gửi đến em cùng tất cả những ai đang lâm vào tình cảnh bệnh tật đeo đẳng một hình ảnh gì đó thể hiện sức mạnh nội tại tiềm tàng vươn lên giữa bão táp cuộc đời. Thế rồi, cầu nguyện mãi Chúa cũng nhậm lời. Người như cho mấy cái bóng đèn trong não tôi sáng lên.
Tôi chợt nghĩ đến hình ảnh của những cái cây cheo neo mọc lên trên vách đá hay vùng sỏi khô cằn. Chúng không những là kết tinh của sự sống, của tinh hoa đất trời mà còn là kết tinh của những bài học đường đời vô giá. Suốt bốn mùa phơi mình giữa nắng gió, hứng chịu những cơn bão táp cuồng hung, dù nghiêng ngả vẫn cứ hiên ngang vươn mình dậy và cần mẫn kiếm tìm sự sống ở những môi trường khắt nghiệt tưởng chừng như không còn sự sống. Dù trong tình trạng khốn cùng, chúng không nản chí mà vẫn cố gắng tìm được nguồn sống cho mình. Sự tồn tại của chúng giữa đất trời là một lời minh định hùng hồn rằng: “Cho dù hoàn cảnh có khắc nghiệt đến đâu, sự sống vẫn hiện hữu, cái đẹp vẫn tồn tại”. Khi cỏ cây hoa lá cũng không từ bỏ ước vọng sinh tồn thì có lý do gì con người lại gục ngã? Thiên nhiên “vượt khó” lẽ nào con người lại không thể? Như thế, khi chiêm ngắm vẻ đẹp bền bỉ và kiên cường của cỏ cây, chúng ta lại có thêm sinh lực để đối mặt với nghịch cảnh mà mình đang phải hứng chịu.
Ấy thế mà nhiều người cứ mặc định rằng: “Ung thư là đồng nghĩa với cái chết và mang lấy bản án tử hình”. Chắc chắn là không phải vậy. Dù là ung thư hay bất cứ bệnh tật gì thì kết quả chung cục còn tùy thuộc phần lớn vào thái độ đón nhận của từng người. Miễn là khi đau về thân, chúng ta đừng có khổ về tâm thì sẽ làm nên điều kỳ diệu. Người ta khuyên rằng khi mắc bệnh gì, chúng ta hãy xem nó là một “vị khách không mời” và đối xử lịch sự với “nó”. Đừng xua đuổi vì một khi bị xua đuổi, nó sẽ kháng cự. Việc chúng ta cần làm là tạo một môi trường thích hợp nhất để “nó” tự ra đi. Và môi trường tối ưu để căn bệnh tự ra đi đó là sống tinh thần lạc quan. Lạc quan và bi quan chỉ khác nhau một chữ mà có thể kéo con người về hai thái cực đối nghịch nhau, một vực thẳm mịt mù và một đỉnh núi chan hòa ánh thái dương. Khi lạc quan đón nhận và nỗ lực chữa trị, hàng triệu người bị ung thư vẫn có thể có cuộc sống năng động, tích cực, không có triệu chứng gì như mọi người bình thường. Cùng một giai đoạn, cùng đặc điểm bệnh tật, thể trạng bệnh nhân, cùng phương pháp điều trị, người bệnh lại có kết cục khác nhau. Đó là kết quả của nhiều cuộc khảo sát ở hầu hết các bệnh viện lớn trên thế giới.
Nếu như người ta cứ lo gặm nhấm nỗi bất hạnh của mình mà quên đi thái độ lạc quan đón nhận, thì e rằng họ sẽ chuốc lấy kết cục đáng buồn hơn. Sự thổi phồng nỗi đau ra toàn thân và lan đến cả tâm là một căn bệnh khác nan giải hơn căn bệnh đang mắc phải. Khi nào chúng ta để cái khổ của tâm gắn với cái đau của thân, cái đau khổ ấy lại thống thiết và nhức nhối thêm bội phần. Người nào có tâm lý như thế có nghĩa là đang góp phần đáng kể vào việc hủy hoại thân thể mình và làm cho bệnh càng trầm trọng mặc dù có sự can thiệp của các phương pháp trị liệu. Chắc chắn, để giữ một thái độ lạc quan, bình thản và tràn trề niềm hy vọng không phải là điều dễ dàng, tuy vậy, bất cứ ai với sự cố gắng cũng có thể làm được. Cách riêng, với Trung hay bất cứ người Công giáo nào, chúng ta thật hạnh phúc vì luôn có niềm tin vào Thiên Chúa làm cái neo trụ tồn cho mình trong mọi lúc, dẫu là trong hoàn cảnh éo le, thê thảm nhất.
Khi tôi vội vàng ghi lại những dòng suy tư trên thì cũng chính là lúc Trung bắt đầu bước vào đợt xạ trị thứ hai. Chặng đường này đòi hỏi ở chính em một nghị lực phi thường. Tôi tin tưởng rằng với ơn Chúa, em sẽ giữ thăng bằng để vượt qua được cơn cuồng phong này và có thể truyền nghị lực, sức sống cho nhiều người khác. Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư, em sẽ không bao giờ cô đơn lẻ bóng, nhưng song hành với em, có gia đình, giáo xứ, Hội dòng, những người bạn đó đây mà em đã từng gặp gỡ. Tôi mong em cứ luôn tín thác bởi nếu như tình trạng của em vượt ra khỏi “đường biên y học” thì chính Đấng cầm quyền sinh tử sẽ ra tay và phép màu sẽ xảy đến với những ai có niềm tin chỉ bằng hạt cải.
“Hạt mầm nhú lên từ vách đá ung thư” là điều có thật và tôi tin Trung sẽ làm nên kỳ tích, đồng thời, em có thể trao truyền kinh nghiệm này cho biết bao phận người đang bị bóng tối của sự tuyệt vọng bủa vây trong tâm hồn…
Maria Diệu Huyền (Cây Bút Chì) – MTG. Vinh