GPVO (11/4/2023) – Trong dịp Tam Nhật Thánh và mừng lễ Chúa Phục sinh (5-8/4/2023), Đức Giám mục Giáo phận Anphong Nguyễn Hữu Long đã viếng thăm và chủ sự các nghi thức Tuần Thánh tại giáo họ Hồng Phúc thuộc giáo xứ Quy Hậu.
Thứ Năm Tuần Thánh – Người đã yêu họ đến cùng
Vào lúc 17h00’, chiều thứ Năm Tuần Thánh (06/04/2023), Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long đã long trọng chủ sự thánh lễ Tiệc ly và nghi thức Rửa chân tại giáo họ Hồng Phúc.
Trong bài giảng lễ, Đức cha Anphong mời gọi cộng đoàn khám phá tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại. Tình yêu là thuộc tính của Thiên Chúa. Tình yêu đó được biểu lộ trong những ngày đầu của công cuộc sáng tạo (x. St 1, 1-27), ngay cả khi con người rơi vào trầm luân của tội lỗi và sự chết, Thiên Chúa vẫn không bỏ rơi con người nhưng đã hứa ban ơn cứu độ cho nhân loại (x. St 3, 15). Đức Giêsu Kitô chính là lời hứa mà Thiên Chúa ban tặng cho con người để đem ơn cứu độ cho gia đình nhân loại. Đức Giêsu Kitô – tình yêu của Thiên Chúa – đến với con người: “Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin vào Con của Người, thì không phải hư mất, nhưng được sống đời đời” (Ga 3, 16).
Người đã yêu thương họ đến cùng. Đó chính là tâm tình của Chúa Giêsu trong bữa ăn cuối với các môn đệ. Chính trong bữa Tiệc ly, Chúa Giêsu đã lập bí tích Thánh Thể và thiên chức linh mục để hiện tại hóa sự hiện diện của Người trên trần gian. Cũng trong đêm đó, Chúa đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ để dạy họ rằng: “Anh em cũng phải rửa chân cho nhau” (Ga 13, 14). Cao cả hơn, chính Người đã tự hiến thân mình trên cây thập giá để bắc chiếc cầu Phục sinh kéo con người thoát khỏi đau khổ và sự chết để mở ra niềm hy vọng mới vào sự sống vĩnh cửu với Người.
Thánh lễ kết thúc trong sự thinh lặng vì hôm nay không có phép lành và lời chúc cuối lễ. Kế đến, Đức cha cùng với đoàn rước long trọng kiệu Mình Thánh Chúa qua bàn thờ phụ. “Từ đây, nghi lễ đượm màu buồn bã u sầu, Chúa Giêsu sắp phó mình trong tay kẻ dữ. Chúa rời phòng Tiệc ly ấm cúng để bước vào vườn Giệtsimani lạnh lẽo cô đơn, buồn đau và hấp hối. Giuđa sắp dùng cái hôn để phản bội Thầy mình, các môn đệ bỏ mặc, đến nỗi Chúa phải thốt lên: “Các con không thể thức với Thầy được một giờ sao?”
Thứ Sáu Tuần Thánh – Nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó
Chiều Thứ Sáu Tuần Thánh, cùng với Giáo hội Hoàn vũ, các nghi thức kính Chúa Giêsu chịu chết chuộc tội nhân loại đã được long trọng cử hành tại nhà thờ giáo họ Hồng Phúc. Đức cha Anphong cùng hiện diện và chủ sự các nghi thức tưởng niệm.
Chia sẻ với cộng đoàn phụng vụ, Đức cha mời gọi cộng đoàn vui vẻ đón nhận và can đảm vác thập giá với Đức Kitô trong mọi biến cố của cuộc đời. Con người sinh ra ai cũng được Thiên Chúa trao cho một thập giá riêng, tùy theo sức lực, khả năng và ân sủng của Người. Chúa Giêsu đã cho mọi người mẫu gương cao cả trong việc đón nhận và vâng phục thánh ý. Người đã chịu những bách bớ, sỉ nhục, bị bỏ rơi, roi đòn, sỉ nhục và cái chết tủi nhục để đem ơn cứu độ cho con người: “Bị ngược đãi, người cam chịu nhục, chẳng mở miệng kêu ca; như chiên bị đem đi làm thịt, như cừu câm nín khi bị xén lông, người chẳng hề mở miệng” (Is 53, 7).
Sau nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó, vào lúc 19h30’ cùng ngày, Đức cha Anphong cùng với anh chị em giáo dân thuộc hai giáo họ Hồng Phúc và Cừa đã Đi đàng Thánh giá trọng thể.
Thứ Bảy Tuần Thánh – Đêm Vọng Phục sinh
Đêm này được gọi là đêm cực thánh, đêm tràn đầy hạnh phúc và niềm vui, đêm mà cả vũ trụ ngừng thở đợi chờ chiến thắng khải hoàn của Đức Kitô trên tội lỗi và sự chết, mở ra cánh cửa hy vọng cho nhân loại được cứu độ. Hơn nữa, việc Chúa Giêsu sống lại cũng nhắc nhở rằng qua bí tích Thanh Tẩy, mỗi người được sống lại với Đức Kitô, nhờ đó biết sống xứng đáng là con cái Người.
Đêm Vọng Phục sinh bắt đầu bằng nghi thức thắp Nến Phục sinh. Mọi ánh sáng tắt đi, chỉ còn lại đốm lửa nhỏ nơi tiền sảnh nhà phòng giáo họ. Tại đây, Đức cha Anphong làm phép lửa, rồi dùng cây bút vẽ hình Thánh giá, viết chữ Alpha ở phía trên, chữ Ômêga bên dưới, viết số 2023 ở bốn đầu Thánh giá, cắm năm hạt hương vào hình Thánh giá trên nến Phục sinh, lấy lửa mới làm phép, rồi thắp sáng ngọn nến Phục sinh và xướng lên: “Ánh sáng Chúa Kitô”.
Đức cha cùng với cộng đoàn rước Nến Phục sinh tiến vào nhà nguyện giáo họ. Lửa từ Nến Phục sinh được truyền sang thắp sáng cho cộng đoàn tham dự. Sau khi cộng đoàn bước vào nhà nguyện với ánh nến trên tay, Đức cha chủ tế xông hương Nến Phục sinh và bài ca Exsultet được vang lên.
Sau nghi thức thắp Nến Phục Sinh là phần Phụng vụ Lời Chúa. Tiếp đó, sau bài Tin mừng, Đức cha Anphong đã quảng diễn về niềm hy vọng Kitô giáo ngang qua mầu nhiệm Chúa Phục sinh. Sự chết là một quy luật tất yếu trong đời sống con người, không ai có thể trốn tránh được cái chết. Vì thế, khi chứng kiến hay đối diện với cái chết, con người thường lo lắng và sợ hãi. Đức Giêsu đã đến và phá tan xiềng xích tội lỗi của các thế lực ác thần và bóng đêm thế gian để đem ánh sáng Phục sinh soi chiếu nhân loại. Tuy nhiên, để nhận được ơn cứu độ của Chúa Kitô Phục sinh đòi hỏi sự xác tín mạnh mẽ vào Thiên Chúa: “Ai tin vào Người Con thì được sự sống đời đời; còn kẻ nào không chịu tin vào Người Con thì không được sự sống, nhưng cơn thịnh nộ của Thiên Chúa đè nặng trên kẻ ấy.” (Ga 3, 36).
Tiếp theo là phần Phụng vụ Thánh tẩy, Đức cha Anphong đã làm phép nước. Cộng đoàn thắp sáng ngọn nến của mình từ Nến Phục sinh và lặp lại lời tuyên hứa khi chịu Phép Rửa, khẳng định lại lời cam kết này và cố gắng mỗi ngày chết cho tội lỗi nhiều hơn để được sống lại với Chúa trọn vẹn hơn. Đức cha chủ tế rảy nước thánh trên cộng đoàn, xin Chúa ban cho mỗi người được niềm vui Phục sinh, được thấm nhuần ơn cứu chuộc của Đức Kitô cho đức tin được củng cố và tăng trưởng mỗi ngày một hơn.
Phần cuối cùng trong thánh lễ là Phụng vụ Thánh Thể trong niềm hân hoan mừng Đức Kitô sống lại vinh hiển. Kết thúc thánh lễ, vị đại diện HĐMV giáo họ Hồng Phúc đã có những tâm tình tri ân sự hiện diện đầy tình mục tử của Đức cha Anphong nhân dịp Tam Nhật Thánh.
Gioan Nguyễn