GPVO (20/12/2022) – Tình cờ tôi bắt gặp hang đá của người vô gia cư dưới gầm cầu. Có thể nói đứng ở một góc cạnh nào đó thì hang đá này được gọi là hang đá đúng nghĩa. Đơn giản rằng Chúa Giêsu giáng sinh trong hoàn cảnh của một người vô gia cư.
Thật vậy, trong thực tế thì ta lại thấy có nhiều hang đá nhưng có vẻ chẳng phải là hang đá của người vô gia cư. Đơn giản là nhìn thì thấy có vẻ hoang tàn đấy nhưng chất liệu cũng như vật liệu làm nên hang đá có thể tính bằng số 1 thêm 7 hay 8 số không.
Hôm qua, người thân quen ở Đà Lạt gửi cho tôi vài cảnh hoành tráng mà người đó thấy được nơi vài hang đá ở Đà Lạt. Xem xong thì mỉm cười và mừng cho những hang đá đó. Xem ra Chúa ở đó may mắn hơn Chúa ở nơi khác hay Chúa ở xứ tôi.
Rồi có người quen ở Đồng Nai có vẻ không vui khi thấy cảnh gia đình của một bác sĩ bỏ tiền ra làm hang đá cho giáo xứ nhà. Anh tiếc nuối nói với tôi rằng có nhiều người nghèo cần sự chia sẻ nhưng gia đình này lại làm hang đá cho xứ thật hoành tráng. Cũng nên hiểu rằng bác sĩ mà anh kể đang bị ung thư và không biết nay mai ra đi thế nào nên ủng hộ giáo xứ. Với tôi cũng là bình thường vì là nguyện vọng của họ.
Đâu chỉ thế, đâu đó ta còn nghe được những cây thông của giáo xứ nào đó trị giá đến hàng tỷ đồng. Tôi thấy, tôi nghe vậy thôi. Tôi chả có quyền xét đoán hay đánh giá. Họ có tiền thì họ làm thôi. Suy cho bằng cùng cũng là tự do của họ.
Nhìn hang đá của người vô gia cư, tôi lại nhìn lại hang đá ở xứ nơi tôi đang ở. Đồng bào mà! Làm gì có tiền để làm hoành tráng như những giáo xứ Kinh. Hang đá nơi chúng tôi đang ở cũng đơn sơ và rẻ tiền xứng với hoàn cảnh sống của chúng tôi.
Biết xứ nghèo để rồi vài người chia sẻ cho vài dây điện cũng như vài ngôi sao. Khi hang đá lên đèn nhìn cũng đâu có tệ.
Đặc nét hang đá xứ tôi là có nhiều cái nhà sàn cạnh cái hang đá chính. Tôi có chia sẻ với cha sở của tôi rằng tôi rất thích cái mô hình đó nơi người đồng bào nơi tôi đang ở.
Nếu ngược thời gian về thời Chúa sinh ra thì thật đúng với mô hình hang đá ở xứ tôi. Cạnh hang đá chính thì xung quanh có nhiều hang đá khác. Hội nhập văn hóa nên rồi hang đá nơi tôi đang ở đó là những chiếc nhà sàn đơn sơ giản dị. Bao quanh hang đá chính đó là những chiếc nhà sàn tự tay anh chị em đồng bào dựng nên.
Giá thành hang đá nơi tôi ở xem chừng ra cũng chả hơn cái hang đá dưới gầm cầu của người không có nơi cư ngụ. Dân làng chúng tôi tận dụng cây cũ trong nhà để làm thành những túp lều của đám dân du mục. Về phần đèn trang trí thì cũng là ngọn xanh ngọn đỏ thật đơn sơ. Có chăng có thêm đèn lúa để tô điểm thêm ánh sáng cho ngày Chúa Giáng trần.
Chúa Giáng trần xem chừng ra thật rắc rối ! Có những nơi giàu thì họ làm hang đá tốn bạc trăm triệu và có khi lên hàng tỷ. Hang đá của chúng tôi tốn vài thùng mì gói cùng với mấy ký cà phê. Vậy thôi nhưng dân làng nơi tôi ở hạnh phúc lắm.
Nghĩ đến hang đá, tôi lại nhớ đến bàn thờ nơi tôi từng dâng Lễ. Có nơi, bàn thờ chỉ là cái bàn đúng nghĩa là bàn ở quán phở. Nhiều khi chia trí, tôi tự hỏi rằng không biết Chúa có ngự ở đây không ? Đùa vậy thôi chứ tôi tin và tôi lại xác tín rằng Chúa lại thích ở với người nghèo. Đơn giản rằng Chúa lại thích và muốn đồng thân đồng phận với người nghèo.
Nhìn cái hang đá nơi tôi ở, có chăng tốn là tốn cái áo sắc tộc Jrai của Cha Sở. Ngay cả cái tượng Chúa Hài Đồng cũng là tượng người ta dâng cúng mà. Cha Sở ghé tai tôi nói nhỏ : “Áo của mìn đó !”.
Ơ hay ! Có lẽ Chúa thích cái áo “của mìn” lắm đó ! Đơn giản là vì Chúa muốn đồng thân đồng phận với người nghèo mà. Chúa có đến với người Jrai chắc Chúa cũng đóng khố và quấn cái áo Jrai bên mình thôi !
Và tôi lại thầm nghĩ, có lẽ Chúa vẫn thích và Chúa vẫn đến những nơi nghèo hèn như Jrai chúng tôi vậy. Có khi hang đá hoành tráng quá, to và lung linh quá vì Chúa ngại đến ở những nơi sang trọng.
Cứ mãi nhìn hang đá của người vô gia cư cũng như nhìn Hài Nhi Giêsu khoác chiếc áo Jrai vậy mà lòng thanh thản và cứ vui. Ơ hay ! Chúa là Chúa của người nghèo cơ mà ! Chúa lại cứ thích đến và ở lại với những người nghèo cơ mà !
Lm. Anmai, CSsR.