Bảo tàng Thánh Kinh tại Mỹ vừa thông báo kế hoạch tổ chức cuộc triển lãm kéo dài 1 năm, bắt đầu từ hè 2020, với nội dung khám phá mối quan hệ giữa khoa học và Thánh Kinh.
Kể từ những tranh luận liên quan đến thuyết nhật tâm (mặt trời là trung tâm) của nhà thiên văn học Ba Lan Copernicus, hay thuyết tiến hóa của Charles Darwin, nhiều người vẫn hiểu lầm rằng đức tin Kitô giáo và khoa học đối chọi nhau. Trong nỗ lực làm sáng tỏ các cuộc tranh luận này, Bảo tàng Thánh Kinh ở thủ đô Washington D.C hôm 1/4 tuyên bố sẽ sử dụng nguồn tài trợ đáng kể từ Quỹ John Templeton và Quỹ Tín thác Tôn giáo Templeton cho một mục đích vô cùng quan trọng. Theo đó, các bên liên quan tập trung xây dựng triển lãm quy mô lớn nhằm khuyến khích dư luận hiểu rõ hơn về những điểm rất tương đồng giữa khoa học và Thánh Kinh trong nỗ lực tìm hiểu thế giới chung của chúng ta xuyên suốt dòng lịch sử nhân loại.
Bảo tàng sẽ hợp tác với một nhóm học giả và các khoa học gia từ khắp nơi trên thế giới để vạch ra kế hoạch, cũng như thu thập các tài liệu giáo dục phục vụ mục đích truyền thụ kiến thức trên lớp học. Các cổ vật thuộc bộ sưu tập của viện bảo tàng cũng như nhiều cổ vật được mượn từ các tổ chức khác cũng sẽ đóng vai trò trong việc hóa giải những khúc mắc về lĩnh vực này từ trước đến nay. “Nhằm thực thi mục đích của viện bảo tàng trong việc mang đến mọi hình thức truyền bá kiến thức, cuộc triển lãm sắp tới không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin, mà còn thu hút sự tham gia của khách tham quan… Chúng tôi hy vọng những người đến đây sẽ rời đi với sự đánh giá sâu sắc hơn về mối quan tâm chung đối với những câu hỏi lớn, giúp truyền cảm hứng cho hành trình của khoa học lẫn nỗ lực nghiên cứu Thánh Kinh”, theo Crux Now dẫn lời Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc điều hành Bảo tàng Thánh Kinh, ông Ken McKenzie.
Cuộc triển lãm sẽ được phân thành 6 khu vực, với mỗi khu tìm cách trả lời những câu hỏi lâu nay, bao gồm sự khởi đầu của vũ trụ, điều gì giúp nó tiếp tục vận hành, con người và động vật khác nhau như thế nào, con người “được cấu tạo từ cái gì”, và liệu con người đang cô độc trong vũ trụ bao la? Catholic News Service dẫn lời Chủ tịch McKenzie cho hay, những câu trả lời cho các câu hỏi trên sẽ củng cố những thông tin về hai khía cạnh luôn bị lãng quên của khoa học, cụ thể là “khoa học có ý nghĩa như thế nào để giải thích sự tồn tại và hoạt động của Thiên Chúa”, và “khoa học có ý nghĩa như thế nào đối với sự linh thiêng và thánh thiện của nhân loại”.
Theo vị chủ tịch, quyết định tổ chức cuộc triển lãm đầy quy mô về hai thế giới tưởng chừng như vô cùng đối nghịch đã được thực hiện bởi vì vẫn còn quá nhiều hiểu lầm. Khi ông McKenzie và các đồng sự nghiên cứu kỹ lưỡng hơn về vấn đề này, họ phát hiện không phải lúc nào công chúng cũng được thông tin đầy đủ. “Thế là chúng tôi bắt đầu tìm kiếm những công trình đã được cộng đồng khoa học thực hiện với kết quả cho thấy có điểm chung giữa khoa học và Thánh Kinh”, ông cho biết. Khi được hỏi liệu ông có hy vọng những bảo tàng khác sẽ theo bước Bảo tàng Thánh Kinh trong tương lai, Chủ tịch McKenzie tỏ ra lạc quan. “Cá nhân tôi muốn thế … Chúng tôi hy vọng sáng kiến của mình sẽ mang đến một cuộc tranh luận và phân tích về những tin đồn vẫn bao trùm khoa học vẫn Thánh Kinh”, ông McKenzie kết luận.
Bảo tàng Thánh Kinh được khánh thành vào tháng 11.2017, tọa lạc ở trung tâm Washington D.C., cách đồi Capitol chỉ vài bước chân. Công trình này gồm sáu tầng, hai tầng hầm và sân thượng, xung quanh là một khu vườn với các loại cây cỏ được nhắc đến trong Kinh Thánh. Diện tích khu triển lãm khoảng 131.000 m2, trải đều thành 5 tầng. Bảo tàng trưng bày không dưới 40.000 hiện vật về Kinh Thánh và tôn giáo, bao gồm 500 hiện vật tầm cỡ thế giới, kể cả các bản cổ thư từ thời của Abraham, một số phần của cuộn giấy Biển Chết – những bảo vật được xem là vô giá. Ngoài ra, khách tham quan có thể xem các quyển Kinh Thánh của những nhân vật nổi tiếng như cầu thủ bóng chày Babe Ruth, ca sĩ Elvis Presley, hoặc cuốn “Lunar Bible”, bản Kinh Thánh được các phi hành gia tàu Apollo 14 đem vào vũ trụ. |
Định Nguyễn