Chuyện người đàn bà 2000 năm trước
Áo rách tả tơi, xác thân mệt nhoài.
Chuyện người đàn bà nơi thành cổ đó
Dấu tích hành thân.
Vì đâu? Vì đâu? Vì đâu,
Nên tội tình mang nhục hình.
Vì yêu, tội yêu, tội tình yêu.
Đoàn người cổ thành vây chặt khu phố
Thế giới hiền lương ánh mắt cuồng căm.
Nhìn người đàn bà đang chịu tội chết
Đống đá ngổn ngang …
Thi thoảng tôi vẫn ngân nga bài hát này để nhắc nhở chính bàn thân tôi.
Câu chuyện người đàn bà luôn nhắc nhớ tôi trước khi tôi giơ tay ném đá người khác. Thật thế, trong cuộc sống mà. Tôi tự do và tôi sẵn sàng ném người không làm vừa lòng tôi. Thế nhưng, tôi bỏ đá xuống vì tôi thấy tôi là người có tội.
Câu chuyện người đàn bà trong Tin mừng xem chừng như xưa lắm nhưng đến ngày hôm nay vẫn có giá trị và rất giá trị. Giá trị hay không lại là chuyện suy tư và chọn lựa của mỗi người khi nghe đến câu chuyện đó.
Trong cuộc sống, nhan nhãn ta thấy nhiều và rất nhiều “người đàn bà phạm tội ngoại tình”. Và ta nên nhớ rằng người đàn bà trong Tin mừng là bị bắt quả tang chứ không phải là vu khống và vu cáo nhưng rồi khi Chúa Giêsu hỏi ai trong các ngươi sạch tội thì hãy ném đá người đàn bà này đi.
Bản thân tôi, tôi không biện hộ cũng như không bênh người đàn bà ấy. Bà là người có tội và bà đáng ném đá chết cơ mà! Đâu có sai luật thời đó đâu.
Ngày nay cũng vậy. Có những câu chuyện làm cho ta phẫn nộ rằng người đó ngoại tình và ta ném đá.
Điều tôi vẫn thường suy nghĩ là nhiều khi ta thấy chuyện đó trước mắt nhưng chưa chắc là đúng. Chính vì điều ấy nên tôi càng không ném đá.
Câu chuyện cứ văng vẳng bên tai tôi làm tôi suy nghĩ:
Trong cuộc sống, dù là người khép kín nhất, chúng ta cũng sẽ có lúc gặp phải điều tiếng thị phi. Ở mức độ nhẹ nhất, đó là những lời khen chê, phán xét lệch lạc, không đúng với sự thật.
Nếu bạn không biết phải ứng xử như thế nào khi vô tình lâm vào hoàn cảnh này, hãy thử cùng tôi đọc một câu chuyện thiền ngắn dưới đây.
Thiền sư Nhật Bản Hakuin Ekaku (1686-1768) hay còn gọi là thiền sư Bạch Ẩn, là một vị sư đạo hạnh khiêm nhu, lối sống giản dị, thanh tịnh.
Cạnh thiền tự nơi ngài sinh sống có một gia đình làm nghề buôn bán. Một ngày nọ, gia nhân bất ngờ phát giác cô con gái trong nhà có thai mà không biết cha đứa trẻ là ai. Bị người nhà đánh đập dọa nạt, cô gái khai rằng đã tằng tịu với sư Hakuin và cái thai này là con của ông. Gia đình vô cùng tức giận, lên chùa bắt sư Hakuin phải chịu trách nhiệm với con gái mình. Nhà sư nghe xong câu chuyện chỉ nói hai từ: “Thế à!”
Cô gái sinh con xong, đứa bé sơ sinh liền được mang tới nhà chùa. Sư Hakuin ẵm đứa trẻ đi khắp nơi xin sữa, xin vật dụng áo quần từ các gia đình trong làng. Ông chăm sóc đứa bé tận tụy như một người mẹ chăm nom đứa con duy nhất. Lúc này, danh dự của nhà sư bị tổn hại nghiêm trọng nhưng trước những câu hỏi cạnh khóe, ngài chỉ trả lời bằng hai chữ: “Thế à!”
Càng lớn đứa trẻ nhìn càng không giống nhà sư, cả làng lúc này mới xì xào rằng hình như ông bị oan. Đến khi không thể giấu nổi sự việc nữa, cô gái khóc lóc quỳ lạy xin Sư Hakuin tha thứ và thú nhận đứa bé là con anh hàng cá ở ngoài chợ. Lúc này Thiền sư Hakuin chỉ đáp: “Thế à!”. Rồi ông trao lại đứa bé cho cô gái, quay lại thiền tự sống.
Câu chuyện này mới nhìn qua thì thấy thật ngắn ngủi và đơn giản. Thế nhưng nếu ta thử đặt mình địa vị của sư Hakuin, phần nào ta mới cảm nhận được đạo hạnh thâm sâu của ngài.
Chiều hôm nay, trong cuộc điện thoại lâu giờ, người anh kết nghĩa nói với tôi : “Con nói với cha thế này nghe! Anh em mình. Năm nay con 67 tuổi, cha 50. Cha con mình đã một thời hợp lực nhau để viết kiểu lề trái để công kích nhưng con thấy dạo này con trở về với cõi lặng. Con mong cha và con sống trong cõi lặng và chiêm niệm đặc biệt cầu nguyện”.
Nghe anh nói vậy, tôi nói với anh: “Nếu anh nói vậy, thật sự với anh, em bây giờ chìm trong cõi lặng. Em luôn luôn lo lắng phần hồn của em. Em lo lắng cho cơm ăn áo mặc cho những người nghèo nơi em đang sống. Anh biết không ! Mỗi lần em đi xưng tội. Em đều xưng tội từ tấm bé cho đến bây giờ !”.
Anh ngạc nhiên về cái chuyện “xưng tội từ tấm bé”. Tôi mới giải thích cho anh rằng tôi chả biết tôi chết lúc nào và thường khi xưng tội tôi vẫn xưng như thế nhất là vào dịp tĩnh tâm năm hay ngày cuối năm tôi xưng tất tần tật cả cái con người hỉ nộ ái ố và tham sân si của tôi.
Những ngày này, ai ai cũng biết có quá nhiều biến cố trong Giáo hội.
Với tôi, tự do suy nghĩ và tự do phát biểu của mỗi người, tôi không ý kiến và tôi tôn trọng quyền tự do. Với tôi, tôi vẫn chọn phương án lặng và cầu nguyện cũng như sám hối về chính con người tội lỗi của tôi.
Đứng trước vấn đề như hiện nay, tôi không dám xác quyết điều gì cả vì có khi điều mình thấy hay lời người ta nói là “người ta không biết gì” thì tôi cũng chả quan trọng nữa. Mỗi người phải trả lẽ trước mặt Thiên Chúa trước hành vi của mình. Điều mà tôi rất sợ đó là : “Anh em thân mến, không ai trong anh em được sống cho mình, và cũng không ai chết cho mình. Vì nếu chúng ta sống, là sống cho Chúa, nếu chúng ta chết, là chết cho Chúa. Vậy dù chúng ta sống hay chết, chúng ta đều thuộc về Chúa … Vì vậy, mỗi người chúng ta sẽ phải trả lẽ về chính mình với Thiên Chúa” (Rm 14, 7-12).
Chính vì vậy, tôi luôn nhắc nhớ con người của tôi về việc tôi phải trả lẽ trước mặt Chúa về con người của tôi.
Còn những chuyện ai nào đó thắc, mắc, bức xúc xem chừng ra cũng đúng. Đơn giản là ta đang sống trong dòng chảy của Giáo hội và chúng ta cùng hiệp thông với những niềm vui, nỗi buồn của Giáo hội. Sự việc đang xảy ra ảnh hưởng rất nhiều trong tâm tư đức tin của người tín hữu. Theo tôi thì gì thì gì, phải sống bác ái. Nếu cần thiết cứ gọi điện, cứ chất vấn thẳng người mình cần chất vấn. Mình càng làm anh hùng bàn phím chỉ tổ làm niềm vui cho tôn giáo bạn.
Tôi không bảo ai nào đó im lặng. Im lặng là không tốt. Cần phải lên tiếng, cần phải chất vấn điều mình thắc mắc nhưng nên đúng nơi đúng chỗ thì êm đẹp biết mấy và trọn nghĩa bác ái yêu thương.
Trong tình bác ái. Ai cần cứ inbox mình và mình sẽ cho số phone, email Đấng bản quyền mà bạn cần liên hệ. Nên chăng góp ý và chất vấn trong tư cách cá nhân, riêng tư hơn là anh hùng bàn phím. Anh hùng bàn phím sẽ gây tác hại khôn lường.
Ý thức được con người mỏng giòn và yếu đuối nên tôi không bao giờ ném đá ai. Lời ông anh kết nghĩa chiều nay còn đó : “Cha ! Con hỏi cha nha ! Con và cha có tội không ?”
Lời anh nói tôi giật mình ! Tôi là kẻ có tội ! Tôi không kết án ai. Cần thì tôi trao đổi và chia sẻ trong inbox, trong tư cách cá nhân và riêng tư chứ không công cộng.
Ai người vô tội ? Ai người không tội ? Hãy ném đi! Phần tôi ! Tôi không dám ném bất cứ ai.
Lm. Anmai, CSsR