Tông huấn mới của Đức Thánh Cha Phanxicô, “Querida Amazonia” (Amazzonia yêu quý), làm cho nhiều tín hữu Công giáo cấp tiến tại Đức ”tỉnh ngộ” trong giấc mơ cải tổ Giáo Hội bằng những biện pháp đảo lộn đạo lý và truyền thống của Hội Thánh.
Nội dung Chương 4
Từ ngày 12-2-2020, dư luận Công giáo bàn luận nhiều về Tông huấn mới của ĐTC Phanxicô. Được chú ý nhiều nhất là Chương 4 với tựa đề “Giấc mơ Giáo Hội”, cũng là chương dài nhất gồm 49 đoạn, trong đó Đức Thánh Cha cho biết mong ước của ngài là làm sao để các cộng đồng Kitô có thể dấn thân và nhập thể trong miền Amazzonia. Cụ thể, Đức Thánh Cha bàn đến việc hội nhập Tin Mừng một cách mới mẻ vào miền này, và làm sao để các bí tích được mở rộng cho tất cả mọi người, đặc biệt những người nghèo. Đức Thánh Cha kêu gọi các Giám mục châu Mỹ Latinh hãy gửi các thừa sai đến hoạt động tại miền Amazzonia, giúp giải quyết tình trạng thiếu linh mục tại đây.
Chỉ có tư tế mới có thể cử hành Thánh lễ
Trong bối cảnh này, Đức Thánh Cha tái khẳng định giáo huấn của Hội Thánh theo đó chỉ có tư tế trong thánh chức mới có thể cử hành thánh lễ. Tuy nhiên cần thăng tiến vai trò của giáo dân và phụ nữ, ngài kêu gọi mở ra những không gian mới cho phụ nữ, nhưng chống lại chủ trương giáo sĩ hóa phụ nữ.
Tông huấn của Đức Thánh Cha không nói gì về những yêu cầu được đề ra trong những đoạn của Văn kiện chung kết, qua đó đa số các nghị phụ thỉnh cầu truyền chức linh mục cho các phó tế có gia đình, và cứu xét việc truyền chức phó tế cho phụ nữ.
Ảnh hưởng tới Công nghị tại Đức
Lập trường trên đây của Đức Thánh Cha về hai vấn đề này, tuy nói về miền Amazzonia, nhưng giống như một ”gáo nước lạnh” đối với nhiều thành phần Công giáo cấp tiến ở Đức, được biểu lộ qua tiến trình gọi là ”Con đường Công nghị” bắt đầu với Đại hội đầu tiên hồi cuối tháng Giêng và đầu tháng Hai này tại thành phố Frankfurt, với mục đích cải tổ Giáo Hội tại Đức. Tham dự Công nghị này có 230 đại biểu, trong đó có 69 Giám mục Đức. Nhiều đại biểu chủ trương xóa bỏ đạo lý về phẩm trật Hội Thánh, theo đó Chúa Giêsu đã thiết lập Giáo Hội trên nền tảng 12 Tông đồ và các Giám mục là những người kế nhiệm các Tông đồ.
Đức Hồng y Maria Woelki, Tổng Giám mục Koeln
Trong cuộc phỏng vấn dành cho Đài phát thanh DomRadio chiều ngày 1-2, ĐHY Maria Woelki, TGM Tổng Giáo phận Koeln, tuyên bố rằng: “Tất cả những lo âu của tôi về công nghị này đã thành sự thật. Công nghị này hầu như là một nghị viện Tin lành, về phương tiện tổ chức cũng như tiến hành. Những tiền đề thiết yếu về phương diện Giáo Hội học, bị cố tình làm ngơ không biết đến, qua các bài phát biểu”.
ĐHY Rainer muốn nói đến đạo lý Chúa Giêsu thiết lập Giáo Hội trên nền tảng các Tông đồ và một Giáo Hội phẩm trật, bị thay thế bằng quan niệm của Luther về Giáo Hội dân chủ, trong đó mọi thành phần Giáo Hội đều ngang nhau. Ví dụ trong thánh lễ khai mạc trọng thể, người rước sách Phúc Âm không phải là phó tế, nhưng là một phụ nữ. Hoặc trong buổi phụng vụ Lời Chúa, các phụ nữ là người điều khiển và các giám mục, linh mục là người tham dự. Một phụ nữ ban phát Mình Thánh Chúa cho các giám mục, trái ngược với các quy định của Bộ Phụng tự và Kỷ luật bí tích.
Trong chiều hướng trên đây, nhiều người hy vọng Công nghị Công giáo Đức sẽ đi tới quyết định bãi bỏ quyền bính thánh chức trong Hội Thánh, vì theo họ, chính vì quan niệm như thế là nguồn mạch gây ra những vụ lạm dụng tính dục trong Giáo Hội Công giáo ở Đức và không thiếu những người chủ trương cả giáo dân cũng được cử hành thánh lễ và các bí tích. Lập trường này cũng đã được một số người nêu lên trong dịp Thượng Hội đồng Giám mục về miền Amazzonia.
Giáo huấn của Đức Thánh Cha trong Tông huấn mới
Trong Tông huấn mới công bố, Đức Thánh Cha nói rõ ràng trong hai đoạn số 84 và 88:
84. [Vì thế] điều quan trọng là xác định điều đặc thù nhất của linh mục, điều không thể ủy quyền được. Câu trả lời ở đây hệ tại bí tích Truyền chức thánh, làm cho linh mục đồng hình dạng với Chúa Kitô. Và kết luận đầu tiên là đặc tính duy nhất ấy, nhận được trong bí tích Truyền chức, làm cho linh mục trở thành người duy nhất có khả năng chủ sự thánh lễ. Đó là chức năng đặc thù, chính yếu và không thể ủy quyền được của linh mục. Một số người nghĩ rằng điều làm cho linh mục khác biệt là quyền bính, là sự kiện là thẩm quyền cao nhất trong cộng đoàn. Nhưng thánh Gioan Phaolô II đã giải thích rằng, mặc dù chức linh mục được coi là ”phẩm trật”, chức năng này không có nghĩa là linh mục ở trên những người khác, nhưng ”là hoàn toàn hướng về sự thánh thiện của các chi thể Chúa Kitô”. Khi ta khẳng định rằng linh mục là dấu chỉ ”Chúa Kitô là thủ lãnh”, ý nghĩa chính yếu là Chúa Kitô là nguồn mạch ơn thánh: Chúa là thủ lãnh của Giáo Hội ”vì Ngài có quyền thông chuyển ơn thánh cho tất cả các chi thể của Giáo Hội”.
Và trong đoạn 88, Đức Thánh Cha dạy rằng: ”Linh mục là dấu chỉ của vị Thủ Lãnh thông truyền ơn thánh trước hết khi linh mục cử hành Thánh lễ, là nguồn mạch và là tột đỉnh của toàn thể đời sống Kitô. Đây là quyền bính lớn của linh mục, chỉ có thể lãnh nhận trong bí tích Truyền chức linh mục. Vì thế, chỉ có linh mục mới có thể nói: ”Đây là mình Thầy”. Có những lời khác mà chỉ có linh mục mới có thể công bố: ”Cha tha thứ mọi tội lỗi cho con”. Vì việc tha thứ qua bí tích là để phục vụ một việc cử hành xứng đáng thánh lễ. Trong hai bí tích này có nòng cốt căn tính chuyên biệt của linh mục”.
Những đoạn trên đây và nhiều đoạn khác trong Tông huấn, nhất là sự kiện Đức Thánh Cha không đả động gì đến yêu cầu truyền chức linh mục cho những người có gia đình và ngài chống lại xu hướng giáo sĩ hóa phụ nữ, cụ thể là yêu cầu truyền chức phó tế cho phụ nữ, đã làm cho nhiều người có quan niệm như thế thất vọng.
G. Trần Đức Anh OP