Phép lạ mẻ cá – Suy niệm ngày tĩnh tâm của Thượng Hội đồng

Vatican News (01/10/2024) – Ngày thứ ba 1 tháng 10, Linh mục Timothy Radcliffe cựu Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh giảng bài suy niệm thứ ba về “Phép lạ mẻ cá” theo Tin Mừng thánh Gioan.

Đêm đó, họ không có gì cả.” Trước phục sinh luôn là bóng tối. Với bà Maria Mácđala, Chúa phục sinh trong bóng tối của sự thiếu hiểu biết của bà. Chúa ở đó, Chúa chờ đợi. Với các tông đồ trong phòng đóng kín, đó là bóng tối của nỗi sợ. Chúa Kitô đã sống lại từ cõi chết ngày chúa nhật Phục Sinh, Ngài chiến thắng màn đêm, nhưng chúng ta, hết lần này qua lần khác, chúng ta ở trong bóng tối. Bóng tối của chiến tranh, của cuộc khủng hoảng lạm dụng tình dục, của rất nhiều chuyện…v.v.

Màn đêm bao phủ các ngư phủ này là gì? Chúng ta về lại với thế giới bình thường của chúng ta. Thánh Phêrô nói: “Tôi đi câu cá.” Họ trở lại với nhịp sống cũ. Gần như không có chuyện gì xảy ra ở Giêrusalem. Lưới của họ trống rỗng. Họ trống rỗng. Người lạ hỏi họ có gì ăn không. Tất cả trả lời “không”. Tiếng hy lạp là Ou. Tiếng này cũng trống rỗng như họ. Ou! Những người đánh cá này không bắt được một con cá nào.

Chúng ta tất cả đều có những lúc dường như không làm được gì. Nhiệt tình ban đầu đã phai nhạt. Khi bắt đầu phiên họp Thượng hội đồng lần thứ nhì, tôi cá một số người cũng cảm thấy như vậy. Những người hăng hái khi bắt đầu, họ tự hỏi liệu chúng ta có đi đến đâu không. Dù sao thì một số người trong chúng ta cũng chưa bao giờ tin vào điều đó. Đúng! Câu hỏi tôi nhận được nhiều nhất trong 11 tháng vừa qua mang tính hoài nghi: đã đạt được điều gì chưa? Đây có phải là cả một lãng phí thì giờ và tiền bạc sao?

Nhưng người lạ đã ở đó trên bãi biển trước khi họ nhận ra. Chúa luôn ở đó trước khi chúng ta nhận ra Ngài. Trong phần mở đầu của Luật Thánh Biển Đức, Thiên Chúa nói: “Mắt Ta hướng về các con và tai Ta lắng nghe lời cầu nguyện của các con. Và trước khi các con gọi, Ta đã nói: Ta đây.” Chúa chờ đợi, ngay cả trước khi chúng ta cầu nguyện. Nhưng vì sao họ không nhận ra Ngài? Anh chị em có thể nghĩ đây là một trong những vấn đề khó hiểu mà các học giả thích viết các bài khó hiểu, nhưng nó có liên quan sâu sắc đến chúng ta trong Thượng Hội đồng này. Làm sao chúng ta có thể nhận ra Chúa đang ở với chúng ta hôm nay, Đấng có thể chúng ta chưa thấy?

Không phải vì Ngài trông khác biệt. Không, đó là vì họ chưa bao giờ thực sự nhìn thấy Ngài trước đây. Linh mục dòng Đa Minh Herbert McCabe đã nói rất hay: “Người ta không chỉ nhận ra Chúa Giêsu là người mà họ biết đã bị giết. Họ nhận ra Ngài là người họ đã biết và nghĩ rằng họ biết, nhưng thực sự cho đến bây giờ họ vẫn chưa biết.” Ngài là mầu nhiệm của Tình yêu nhập thể và họ chỉ mới bắt đầu thoáng nhìn thấy chiều cao và chiều sâu của tình yêu vượt quá mọi hiểu biết. Chính người môn đệ Chúa yêu đã nói: “Chúa đó” vì người môn đệ này có đôi mắt của tình yêu. Các thần học gia thời kỳ đầu thường hỏi vì sao Chúa Giêsu không hiện ra với kẻ thù của Ngài như Quan Philatô. Ngài có thể thoắt biến thoắt hiện trước mặt Philatô mà ông vẫn không thể thấy Ngài. Tình yêu là một từ lớn lên, ý nghĩa của nó thay đổi và phát triển. Khi còn nhỏ, chúng ta nghĩ đến tình yêu của mẹ khi mẹ cho chúng ta ăn, mẹ không bao giờ để chúng ta một mình. Khi lớn lên, chúng ta hiểu đôi khi tình yêu cần phải vắng mặt hoặc từ chối không cho mình những gì mình muốn, như cho chiếc iPhone chẳng hạn.

Năm 2012, linh mục Dòng Đa Minh người Pháp Jean-Joseph Lataste đã được phong chân phước, đài BBC nói “được tô điểm”! Năm 1864 cuộc đời ngài đã thay đổi khi ngài đến thăm nhà tù phụ nữ. Hầu hết các cô là gái mại dâm hoặc đã phạm tội giết trẻ sơ sinh. Ngài nhìn họ và nói: “Chị em của tôi.” Ngài thành lập Hội dòng các nữ tu sống chung với các phụ nữ khác. Nhiều nhà trưởng giả mộ đạo bực mình. Họ chưa học được cách nhìn tình yêu bằng hành động. Họ không nhận ra người lạ trên bãi biển.

Các học giả Kinh Thánh dành hàng giờ im lặng trong thư viện để nghiên cứu những ngôn ngữ tối nghĩa và đã chết. Một số người có thể cho rằng như thế là phí thì giờ, nhưng đó cũng là một hành động yêu thương. Chúng ta không gặp nhau trong Thượng hội đồng để bàn các thỏa hiệp hoặc tấn công đối thủ. Chúng ta ở đây để học lẫn nhau ý nghĩa của từ “tình yêu” kỳ lạ này. Mỗi chúng ta đều là người môn đệ yêu dấu, người có ơn đặc biệt là nhìn thấy người lạ trên bãi biển và nói: “Chúa đó”.

Bước ngoặt là họ nghe lời người này và quăng lưới sang bờ bên kia. Có vẻ là vô ích. Họ là những người rành câu cá. Vì sao phải nghe người đàn ông lạ không biết gì về câu cá này? Chúng ta đến Thượng hội đồng này vì vâng phục. Với nhiều người, chuyện này có vẻ vô ích. Chúng ta đã làm việc cả ngày cả đêm và có lẽ cũng đã nghi ngờ e chẳng được điều gì. Nhưng Giáo hội nói: hãy đến và chúng ta đã đến. Chúng ta thả lưới ở phía bên kia thuyền, mặc dù một số người trong chúng ta nghĩ rằng sẽ không có cá. Nhưng hành vi vâng lời này có thể mang lại kết quả theo những cách mà chúng ta không thể tưởng tượng được.

Ở đây chúng ta có được điều bí ẩn lớn: 153 con cá lớn. Tôi có thể làm quý vị chán cả giờ với tất cả những lời giải thích hay ho và đôi khi vô lý về con số này.

Tại sao 153? Một số người nói chắc chắn phải có 153. Nhưng quý vị tưởng tượng làm sao đếm chúng khi chúng nhảy tung tứ phía. Có người nói đó là 153 nhà thờ có thể đã có vào thời điểm đó. Những người khác nói có 153 quốc gia đã được biết đến. Điều này rõ ràng mang ý nghĩa phong phú. Sự quan phòng dồi dào của Thiên Chúa đang hoạt động. Thánh Gioan Henry Newman mô tả sự quan phòng là “công việc thầm lặng của Thiên Chúa”. Tài Liệu Làm Việc mở đầu bằng câu của tiên tri Isaia: “Ngày ấy, trên núi này, Đức Chúa các đạo binh sẽ đãi muôn dân một bữa tiệc: tiệc thịt béo, tiệc rượu ngon, thịt béo ngậy, rượu ngon tinh chế” (Is, 25,6).

Nước Trời đến đời sống chúng ta một cách vui vẻ, dư thừa, giống như tất cả rượu ở bữa tiệc Cana. Sau khi đi giảng về, Thánh Đa Minh trở về tu viện của các nữ tu ở Rôma vào đêm khuya. Ngài đánh thức các nữ tu dậy để kể cho họ nghe bài giảng của ngài. Ngài xin họ  rượu. Họ chỉ có một ít. Các nữ tu mang đến cho ngài một cái ly, ngài chuyền cho các nữ tu và nói: uống đi, Bibite satis, uống đủ rồi. Và cái ly không bao giờ cạn.

Chúng ta phải dám tin sự quan phòng của Thiên Chúa sẽ ban ơn dồi dào cho Thượng Hội đồng này, “Ngài sẽ đong cho anh em đấu đủ lượng đã dằn, đã lắc và đầy tràn” (Lc 6:38). Chúng ta đến đây không phải để ăn  bữa ăn đạm bạc nhưng ăn một bữa ăn ngon của Vương quốc, nếu chúng ta khao khát đủ.

Ngay lập tức Thánh Phêrô biến đổi. Khi bắt đầu, ngài trống rỗng, ngài rơi vào cuộc sống cũ. Cứ như thể không có chuyện gì xảy ra. Bây giờ ngài đứng dậy, mặc quần áo trước khi nhảy xuống biển, khi đi bơi chúng ta thường cởi quần áo, nhưng mặc quần áo là dấu hiệu của phẩm giá mới được tìm thấy, giống như người cha mặc áo mới cho người con hoang đàng khi người con về nhà. Dù xấu hổ trước mặt Chúa, ông vẫn bơi về phía Ngài. Tôi sẽ xấu hổ, tôi sẽ bơi ngược lại. Các môn đệ khác khó quăng lưới lại. Phêrô làm một mình. Bí mật của Phêrô là gì? Bất cứ điều gì ngài làm, ngài sẽ quay trở lại với Chúa nhiều lần. Tình yêu của ngài mạnh hơn xấu hổ.

Chúa Giêsu nói: “Khi tôi được giương cao lên khỏi mặt đất, tôi sẽ kéo mọi người lên với tôi” (Ga 12.32). Bây giờ chúng ta thấy Phêrô kéo mẻ lưới đầy cá lớn và lưới không bị rách. Không phải nhờ sức mạnh của ông, nhưng nhờ sự hợp tác của ông với sức hút của Chúa, sức hút từ tính của Chúa Phục sinh. Chính Chúa đã đem chiếc lưới còn nguyên vào đất liền. Sứ vụ hiệp nhất của Phêrô không phải là chăm sóc những đứa con hư mất của Thiên Chúa, nhưng để thấy sự cuốn hút của Chúa, Đấng gắn kết chúng ta lại với nhau.

Năm ngoái khi đến với Thượng Hội đồng, tôi nghĩ thách thức lớn nhất là vượt qua sự đối lập gay gắt giữa người theo chủ nghĩa truyền thống và người cấp tiến. Làm thế nào chúng ta có thể chữa lành sự phân cực quá lớn này? Nhưng khi tôi lắng nghe, tôi thấy dường như còn có một thách thức cơ bản hơn: làm thế nào Giáo hội có thể đón nhận tất cả các văn hóa đa dạng của thế giới chúng ta? Làm thế nào chúng ta có thể kéo lưới với những con cá của tất cả các nền văn hóa trên thế giới? Làm thế nào để lưới không bị rách?

Khi Bức tường Bá Linh sụp đổ năm 1989, Chiến tranh Lạnh được cho là đã kết thúc. Tác giả Francis Fukuyama xuất bản quyển sách Hồi cuối của lịch sử và người cuối cùng (The End of a story and the Last Man) khẳng định chúng ta đã bước vào một kỷ nguyên mới, kỷ nguyên thắng lợi của nền dân chủ tự do phương Tây. Mọi quốc gia dường như đều được định sẵn để “tiến hóa” theo lối sống phương Tây.

Một số quốc gia, đặc biệt ở Nam bán cầu đi sau. Đó là ảo tưởng mà phương Tây đang dần thức tỉnh. Thay vào đó, chúng ta sống trong một thế giới đa cực, trong đó nhiều người ở Nam bán cầu xem phương Tây là suy đồi và diệt vong. Chúng ta đang sống trong một thế giới hậu phương Tây. Nhiều người phương Tây vẫn chưa nhận ra điều này. Chúng ta chờ một Hiện Xuống mới trong đó mỗi văn hóa nói tiếng mẹ đẻ của mình và mọi người hiểu nhau. Đây cũng là nhiệm vụ của chúng ta trong Thượng Hội đồng và là nền tảng cho sứ mệnh của chúng ta trong thế giới bị chia rẽ và rách nát này. Chúng ta xin Đức Mẹ gỡ nút thắt, Thánh Phêrô người vá lưới cầu bàu!

Đầu tiên, nếu chúng ta muốn trở thành người công giáo, chúng ta phải nhận ra chúng ta cần có nhau. Các văn hóa đa dạng quy tụ trong Thượng hội đồng này chữa lành cho nhau, thách thức thành kiến của nhau và kêu gọi người khác hiểu biết sâu sắc hơn về tình yêu. Mọi nền văn hóa đều có cách nhìn người lạ trên bãi biển và nói “đó là Chúa”.

Đức Bênêđíctô XVI đã thú nhận phương Tây vướng phải “một dạng bệnh tâm thần”, điều mà Thánh Gioan Phaolô II gọi là “văn hóa của sự chết”. Hoặc chúng ta trốn cái chết và giả vờ như nó sẽ không bao giờ đến, hoặc chúng ta tìm cách kiểm soát nó bằng cách hỗ trợ cái chết. Giống như Thánh Phêrô, người phương Tây chúng ta cần được giúp đỡ để nhìn thấy Chúa phục sinh trên bờ biển, Đấng đã chiến thắng cái chết. Chúng ta cần được giúp để sống với cái chết trong niềm hy vọng.

Một Linh mục Đa Minh người Pháp được yêu mến đã qua đời trong một Tổng công nghị ở Bogota. Trong tang lễ của ngài, anh em phương Tây vô cùng đau buồn. Một sư huynh trẻ người Colombia phản đối: “Đây không phải là lúc chết, đây là thời điểm của đức tin.” Người anh em của chúng ta trong Thượng Hội đồng này, Linh mục Dòng Tên Orobator đã cám ơn cha mẹ đã nuôi dạy mình, đã giữ đạo theo truyền thống châu Phi, với ý thức sâu sắc về món quà sự sống. Ngài viết: “Trọng tâm của toàn bộ hệ thống tôn giáo ở Châu Phi là đức tin sâu sắc vào bản chất sống động của sự sáng tạo”. Bạn không biết sự sống có ý nghĩa gì nếu bạn trốn tránh cái chết. Chúng ta có nhiều điều để học từ anh chị em chúng ta ở những nơi khác trên thế giới, những người luôn sẵn sàng đón nhận cái chết và vì thế họ hiểu rõ hơn ý nghĩa của sự sống.

Có lẽ thách thức lớn nhất của chúng ta là chấp nhận điều mà Đức Bênêđíctô XVI gọi là “tính liên văn hóa”. Bây giờ không phải là lúc để khám phá điều đó có ý nghĩa gì về mặt lý thuyết. Thay vào đó chúng ta tưởng tượng một cái lưới. Lưới được tạo thành từ các lỗ trống được nối với nhau bằng dây thừng. Không gian và liên kết. Không có cả hai thì sẽ không có lưới để lưới cá.

Khi các nền văn hóa gặp nhau, phải có khoảng cách giữa chúng. Văn hóa này không được nuốt chửng văn hóa kia, như trường hợp toàn cầu hóa của chủ nghĩa tiêu dùng. Chúng ta phải tôn trọng sự khác biệt văn hóa. Tiếng Đức là zwischenraum, “khoảng trống ở giữa”.

Đó là không gian phong phú giữa các văn hóa, khi mỗi văn hóa vẫn giữ được bản sắc nhưng lại cởi mở với các văn hóa khác. Thánh Tôma Aquinô nói, khi có tình yêu thì cả hai trở thành một, nhưng vẫn có sự khác biệt.

Không văn hóa nào có thể kết hợp chúng ta, cả văn hóa la-tinh cũng như văn hóa Aquinô! Lưới không bị rách vì mỗi văn hóa đều cởi mở với sự thật theo cách riêng của mình. Năm 1992, trong bài phát biểu ở Hồng Kông, Hồng y Ratzinger giải thích: “Sự cởi mở cơ bản của mỗi người với người khác chỉ có thể được giải thích bằng sự thật ẩn giấu: tâm hồn chúng ta đã được sự thật chạm đến; và điều này giải thích sự đồng thuận thiết yếu tồn tại ngay cả giữa các nền văn hóa xa cách nhau nhất… Không ai hiểu được toàn bộ; vô số ý tưởng hình thành và xây dựng nên một loại bức tranh khảm thể hiện tính bổ sung và mối quan hệ qua lại của chúng. Để được trọn vẹn, mọi người đều cần người khác. Con người chỉ tiếp cận được sự thống nhất và phong phú của mình trong sự hỗ tương của mọi thành tựu văn hóa vĩ đại.” Qua Kinh Tin Kính, chúng ta ràng buộc với nhau trong một đức tin chung vượt trên mọi văn hóa. Nhưng làm thế nào để bạn dịch homo ousios sang tiếng phạn, tiếng hinđu, tiếng nhật? Mạng lưới này phải được duy trì bằng niềm vui chung, tình bạn và tiếng cười. Một trong những ví dụ hấp dẫn nhất về tính liên văn hóa này là sứ mệnh của Dòng Tên khi họ đến Trung Quốc vào thế kỷ 16. Cuộc gặp giữa phương Tây và phương Đông này phát triển mạnh mẽ nhờ tình hữu nghị cùng hữu ích cho cả hai bên. Trên thực tế, quyển sách đầu tiên của linh mục Dòng Tên Matteo Ricci là về tình bạn. Tình bạn đan lưới.

Nhưng thay vì nói về các tu sĩ Dòng Tên đáng thán phục này, tôi sẽ xem xét hai ví dụ mà tôi đã trải qua trong Dòng của tôi, để chúng ta có thể hình dung nhiệm vụ của chúng ta ở Thượng Hội đồng. Một trong những nơi tôi thích là nông trại Songhai ở Benin, do Linh mục Godfrey Nzamujo dòng chúng tôi thành lập. Songhai là tên của đế chế châu Phi vĩ đại đã phát triển mạnh trong vùng cách đây 500 năm. Linh mục Nzamjo học làm nông trại ở Châu Phi và nghiên cứu khoa học phương Tây ở California. Songhai là thành quả của nông nghiệp châu Phi và phương Tây. Trang trại bắt đầu với một hêcta đất hoang không ai khai thác, bây giờ nông trại rộng  24 hêcta là nơi đào tạo các nông dân trẻ cho toàn Phi châu, thậm chí cả thế giới.

Không có gì lãng phí ở đây. Ruồi ăn thức ăn thừa của nhà hàng và sau đó được cho cá ăn. Linh mục Nzamujo gọi Songhai là khách sạn Sheraton của ruồi. Tất cả động vật và thực vật đều phát triển nhờ phụ thuộc lẫn nhau. Ở Songahi, ngay cả muỗi cũng có vai trò trong việc cân bằng sự sống, dù chúng không phải là một trong những ý tưởng hay nhất của Chúa!

Ở đây, Bí tích Thánh Thể được cử hành trong hệ sinh thái tạ ơn, Linh mục Nzamujo cho biết: “Thánh lễ là sự kết hợp các món quà của mặt trời, nước và đất. Rượu là nỗi đau đến từ trái nho phải bị vò nát, nhưng rượu lại là biểu tượng của tình bạn.”  Songhai tỏa hy vọng. Linh mục nói: “Có lúc sinh ra và có lúc chết đi, vì đó là lẽ tự nhiên. Châu Phi có vẻ như đang thua, nhưng thành thật mà nói, tôi cảm nhận từ những gì tôi thấy thì ngày mai là ngày của Châu Phi.”

Đây là điều xảy ra khi các văn hóa gặp nhau trong tình bạn và tạo hy vọng. Không gian giữa chúng ta tràn ngập niềm vui, tiếng cười của nhau. Linh mục Nzamujo cho biết những con heo của cha tượng trưng cho dự án và tình bạn của chúng tôi, vì chúng là kết quả của việc lai giống giữa những con lợn Yorkshire trắng lớn như tôi với những con lợn đen như cha. Sự khác biệt là phong phú.

Một ví dụ ngắn gọn khác: tu sĩ Shigeto Oshida dòng Đa Minh Nhật Bản tự cho mình là một phật tử đã gặp Chúa Giêsu. Ngài thành lập một đạo tràng gần núi Phú Sĩ, nơi tín hữu kitô và phật tử chung sống hài hòa với nhau. Ngài ghét xu hướng che giấu hiện thực bằng những khái niệm trừu tượng của phương Tây. Ngài gọi đây là “chân thứ ba của con gà”, không phải chân phải hay chân trái mà cái chân trừu tượng, không tồn tại. Ngài nói: “Người Nhật chúng tôi biết tôn giáo là gì trong máu của mình. Giáo hội công giáo không phải là hộp sôcôla hay một công ty.”

Khi Linh mục Oshida tổ chức các khóa tĩnh tâm, đặc biệt cho các giám mục quen với cuộc sống tĩnh tại, ngài thích gởi họ ra ruộng trồng lúa, không lay chuyển trước sự phản đối của họ vì họ than đau lưng. Ngài viết: “Một người nông dân làm việc chăm chỉ từ sáng đến tối đều biết một hạt gạo không phải là sản phẩm của mình, do mình làm ra, nhưng là do Chúa ban. Họ phải dâng hạt gạo cho Thiên Chúa, Đấng ẩn giấu nhưng là Đấng ban phát tất cả”. Họ phải nói: “Cái này là của Chúa.” Oshida rất phê phán văn hóa phương Tây, nhưng, giống như Nzamujo, ngài vượt qua chia rẽ văn hóa bằng niềm vui và tiếng cười. Ngài thích nói đùa Chúa đã lừa để tôi là tín hữu kitô, rồi sau đó là linh mục Dòng Đa Minh vì cha đã gặp một số tín hữu kitô, những tu sĩ Dòng Đa Minh tuyệt vời, nghĩ rằng chúng tôi thích chuyện này. Ngài cười và nói: “Tôi sai rồi! Chúa đã lừa tôi.”

Vì vậy, lưới của Phêrô tràn đầy không gian và được gắn kết với nhau bằng sự thật, hân hoan và niềm vui. Thánh Phêrô được kéo vào bãi không phải vì quyền lực nhưng nhờ Chúa cuốn hút, Đấng khi được nâng lên sẽ kéo tất cả chúng ta được nâng lên theo Ngài. Nét đẹp kéo lưới vào bãi. Như trường hợp của Matatoshi Asari, một tín hữu công giáo ở Nagasaki, ông đã gởi cây anh đào, biểu tượng của hòa giải đến tất cả các quốc gia bị tổn thương vì Thế chiến thứ hai.

Xin Thiên Chúa chúc lành cho Thượng Hội đồng với những cuộc gặp văn hóa đầy yêu thương, trong đó cả hai trở thành một nhưng vẫn khác biệt. Không có văn hóa nào thống trị văn hóa nào. Chúng ta cần nhận thức sâu sắc về sự mất cân bằng quyền lực khi chúng ta nói chuyện với nhau. Sự gặp gỡ các nền văn hóa không bao giờ là ngây thơ hay đơn giản là trí tuệ. Chủ nghĩa thực dân vẫn cấu trúc thế giới, Linh mục Robator đã chia sẻ một câu tục ngữ của người Châu Phi: “Cho đến khi nào con sư tử chưa biết viết, chưa biết nói thì ngành săn bắn sẽ luôn vinh danh người thợ săn”. Bây giờ sư tử đã biết nói, nhưng phương Tây không nghe.

Theo một bài hát thời trẻ của tôi, “Tiền bạc làm thế giới quay.” Chúng ta có thể sống trong một thế giới hậu phương Tây nhưng hệ thống ngân hàng vẫn do phương Tây kiểm soát. Chủ nghĩa đế quốc vẫn chưa kết thúc và vẫn tìm cách áp đặt những giá trị của nó trên người khác. Nhưng người lạ trên bãi biển không phải là người của giới thượng lưu giàu có. Ông đã bị đóng đinh vì đế quốc quyền lực lớn nhất thời của ông, một cái chết dành cho người nô lệ, chỉ cốt làm nhục ông.

Vì vậy, chúng ta phải đặc biệt lắng nghe những người bị đóng đinh một cách đế quốc trong thời đại chúng ta. Chúng ta khiêm tốn lắng nghe nhau. Đó là Simon Phêrô khiêm tốn mà chúng ta sẽ gặp chiều nay.

Linh mục Timothy Radcliffe | Marta An Nguyễn dịch