Phục sinh: Đi tìm trong bóng tối – Suy niệm tĩnh tâm Thượng Hội đồng

Vatican News 30/9/2024 – Khóa tĩnh tâm hai ngày của Thượng hội đồng bắt đầu ngày thứ hai 30 tháng 9, linh mục Timothy Radcliffe, cựu Bề trên Tổng quyền dòng Đa Minh suy niệm về đề tài: “Phục Sinh: Đi tìm trong bóng tối”. Khóa họp của Thượng hội đồng Giám mục lần thứ XVI sẽ bắt đầu ngày thứ tư 3 tháng 10.

Khóa tĩnh tâm năm ngoái chúng ta đã suy ngẫm về cách lắng nghe nhau. Làm thế nào chúng ta có thể đối diện với những khác biệt của nhau trong hy vọng, mở rộng trái tim và khối óc của mình cho nhau? Một số rào cản đã được dỡ bỏ, tôi hy vọng chúng ta đã bắt đầu xem người không đồng ý với mình không phải là đối thủ, nhưng là người anh em, người cùng chúng ta đi tìm.

Năm nay chúng ta có một chủ đề mới: “Làm thế nào để trở thành một Giáo hội truyền giáo có tính đồng nghị.” Tuy căn bản công việc làm đều giống nhau: kiên nhẫn, sáng tạo, thông minh và cởi mở lắng nghe. Tôi còn nghĩ đến việc dùng lại các bài giảng tương tự như khóa tĩnh tâm năm ngoái, nhưng quý vị sẽ nhận ra! Linh mục  Herbert McCabe dòng chúng tôi giờ chót mới nhớ ra cha phải thuyết trình cho một hiệp hội các thần học gia lỗi lạc. Cha lấy một bài và nhảy lên xe gắn máy đi. Khi mở bài ra, cha thấy đây là bài cha đã giảng cho họ năm ngoái. Tôi hỏi cha: “Vậy cha làm sao?” Cha trả lời: “Tôi bỏ những câu chuyện khôi hài qua một bên, đó là những chuyện duy nhất họ nhớ.”

Tôi chắc quý vị có một trí nhớ tốt hơn.

Lắng nghe sâu xa vẫn là căn bản của công việc chúng ta năm nay. Nhà thơ Amos Oz đã nói về ông nội của ông: “Ông lắng nghe. Ông không lịch sự giả vờ nghe, ông sốt ruột chờ nghe, ông im lặng. Ông không ngắt lời, ông để cô nói xong. Ông không xen vào tóm tắt những gì cô nói để chuyển sang chủ đề khác. Ông không để người đối thoại nói chuyện trong khoảng trống, ông chuẩn bị câu trả lời để ông sẽ nói sau khi cô nói xong. Ông không giả bộ thích thú, ông thành thật!” Lắng nghe Chúa và lắng nghe anh chị em mình, đó là kỷ luật của sự thánh thiện.

Năm nay chúng ta sẽ suy niệm về Sứ mệnh duy nhất là loan báo Chúa phục sinh và Tin Mừng của Ngài cho thế giới ngày nay”, một thế giới “tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1,79). Để suy niệm chúng ta lấy bốn cảnh phục sinh trong Tin Mừng Thánh Gioan: “Đi tìm trong bóng tối”, “Căn phòng đóng kín”, “Người lạ trên bãi biển” và “Bữa ăn sáng với Chúa”. Mỗi cảnh giúp chúng ta thấy một Giáo hội truyền giáo đồng nghị trong thế giới bị đóng đinh của chúng ta.

Cảnh đầu tiên là cảnh ban đêm: “Ngày thứ nhất trong tuần, lúc trời còn tối, bà Maria Mácđala đã đến mộ” (Ga 20.1). Đây là nơi chúng ta tìm thấy chính mình ngày hôm nay. Vì bạo lực, năm nay thế giới còn đen tối hơn năm ngoái. Bạo lực đi tìm người chủ yêu quý của nó. Chúng ta quy tụ với nhau ở Thượng hội đồng này để đi tìm Chúa. Ở phương Tây, dường như Chúa đã biến mất. Chúng ta không đương đầu với chủ nghĩa vô thần nhiều như đương đầu với sự thờ ơ của mọi người. Chủ nghĩa hoài nghi đầu độc tâm hồn của nhiều tín hữu. Nhưng dù ở đâu, tất cả tín hữu kitô đều đi tìm Chúa như bà Maria Mácđala đi tìm Chúa trước bình minh.

Chúng ta cảm thấy mình như ở trong bóng tối. Kể từ năm ngoái, nhiều người tham gia Thượng hội đồng đã nghi ngờ không biết rồi Thượng hội đồng có đạt được gì không. Giống như bà Maria Mácđala, nhiều người nói: “Vì sao họ lại lấy đi niềm hy vọng của chúng tôi? Chúng tôi đã mong đợi rất nhiều từ Thượng Hội đồng, nhưng có lẽ cũng sẽ chỉ còn vài lời.”

Dù ban đêm nhưng Chúa đã ở đó với bà Maria Mácđala và với chúng ta. Trước khi trút hơi thở cuối cùng, Ngài nói: Nếu hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi, thì nó vẫn trơ trọi một mình; còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Hạt giống đã được ông Giuse người Arimathia và ông Nicôđêmô gieo vào vùng đất màu mỡ, gieo trong ngôi mộ mới. Hạt giống sắp nở hoa. Bình minh đang đến gần. Giống như bà Maria Mácđala, chúng ta sẽ nhận được nhiều hơn những gì chúng ta đi tìm nếu chúng ta mở lòng để gặp Chúa.

Trong vườn Giếtsêmani, chúng ta gặp ba người đi tìm, bà Maria Mácđala, người môn đệ Chúa yêu quý và ông Simon Phêrô. Mỗi người tìm Chúa, yêu Chúa theo cách của mình và tâm hồn ai cũng bị trống rỗng. Họ hy vọng, họ không cạnh tranh nhau. Sự phụ thuộc lẫn nhau của họ là hiện thân của tính đồng nghị. Tất cả chúng ta đều có thể thấy mình giống ít nhất một trong ba người này. Bạn là ai?

Linh mục thần học gia Tomas Halik khẳng định tương lai Giáo hội tùy thuộc vào những người đi tìm này. Họ thường xuyên đi tìm ý nghĩa cuộc sống, tôi không nói về các nữ tu chiêm niệm, nhưng với những người nói họ không theo tôn giáo nào. Linh mục Halik viết: “Người tín hữu kitô phải là những người đi tìm với những người đi tìm khác, người đặt câu hỏi với những người đặt câu hỏi.”

Tất cả những câu chuyện Chúa sống lại đều có nhiều câu hỏi. Hai lần, bà Maria Mácđala bị hỏi vì sao bà khóc. Còn bà, bà hỏi họ để xác Ngài đâu. Mọi người đều hỏi vì sao ngôi mộ trống. Các bà hỏi: “Ai sẽ là người lăn tảng đá cho chúng tôi?” (Mc 16.3). Phúc âm Thánh Luca đầy những câu hỏi: “Sao các ông tìm người sống giữa kẻ chết?” Chúa Giêsu hỏi các môn đệ trên con đường Ê-mau: “Các ông đang nói gì thế?” Sau đó Ngài nói với các môn đệ: “Vì sao các ông sợ hãi? Vì sao trong lòng các ông lại nghi ngờ? (24,38).” Sự phục sinh xuất hiện trong cuộc sống chúng ta không phải là lời tuyên bố đơn giản về sự thật, nhưng là những câu hỏi để tìm tòi.

Những câu hỏi sâu sắc không phải là những câu hỏi để biết thông tin. Những câu hỏi mời gọi chúng ta sống theo một cách mới và nói một ngôn ngữ mới. Nhà thơ Rainer Maria Rilke đã viết: “Đừng tìm kiếm những câu trả lời không thể đưa ra cho bạn, vì bạn sẽ không biết cách sống với chúng. Và đó chính xác đó là sống. Hiện tại, chúng ta hãy sống với những câu hỏi của mình. Có lẽ một ngày nào đó bạn sẽ vô tình thấm vào câu trả lời.”

Sự phục sinh không phải là cuộc sống của Chúa Giêsu được tiếp tục sau một thời gian ngắn gián đoạn, nhưng là một cách sống mới trong đó cái chết đã bị đánh bại. Và như vậy, qua Tin Mừng, phục sinh vào cuộc sống chúng ta, trước tiên dưới dạng những câu hỏi cấp bách không cho phép chúng ta tiếp tục sống theo lối sống cũ. Cũng vậy, chúng ta đến với Thượng Hội đồng với nhiều câu hỏi, về vai trò của phụ nữ trong Giáo hội. Đó là những câu hỏi quan trọng. Nhưng đó không phải là những câu hỏi để chúng ta biết điều gì đó sẽ được phép hay sẽ bị từ chối, có nghĩa vẫn giữ nguyên theo Giáo hội cũ. Nhưng những câu hỏi chúng ta phải đối diện phải giống những câu hỏi trong Tin Mừng, mời gọi chúng ta cùng nhau sống cuộc sống Phục sinh một cách sâu sắc hơn.

Vì thế chúng ta phải dám hỏi những câu hỏi sâu sắc nhất của tâm hồn chúng ta, những câu hỏi gây bối rối mời gọi chúng ta bước vào cuộc sống mới. Giống như ba người đi tìm trong vườn Giếtsêmani, chúng ta phải trả lời các câu hỏi của nhau nếu chúng ta muốn tìm một cách thức mới cho Giáo hội. Nếu chúng ta không có câu hỏi, hoặc những câu hỏi hời hợt, đức tin của chúng ta sẽ chết. Một Tổng giám mục, ngài không có mặt hôm nay, đã nói với một nhóm chủng sinh Đa Minh: “Tất cả các con phải đọc Tổng luận Thần học Summa Aquinate, trong đó có năm mươi sáu ngàn câu trả lời cho những người chỉ trích Giáo hội công giáo.” Truyền thuyết kể, khi còn nhỏ, câu hỏi đầu tiên của Thánh Tôma Aquinô là “Chúa là gì?” và sự thánh thiện của ngài là ngài từ chối bất kỳ câu trả lời nào, vì theo ngài, chúng ta được hiệp nhất với Thiên Chúa cũng như với những điều chưa biết.

Chúng ta nhìn vào ba người đi tìm này để họ giúp chúng ta hiểu cách tiếp xúc với những người đi tìm thời nay. Bà Maria Mácđala có một tình yêu dịu dàng, bằng xương bằng thịt, bà muốn săn sóc  thi thể của Chúa yêu dấu của bà. Chắc chắn bà đại diện cho những ai có lòng trắc ẩn trước những thương đau của thế giới. Mẹ Têrêxa đi tìm thi thể của Chúa trên các con đường của thành phố Calcutta, Thánh Damian của Molokai đã hiến đời sống mình cho các bệnh nhân bị bệnh cùi ở Hawaii.

Chúng ta nghĩ đến hàng triệu người chưa biết Chúa Kitô nhưng họ có lòng trắc ẩn với người đau khổ. Giống bà Maria Mácđala, họ tìm thân xác những người bị tổn thương. Thế giới đang rớt nước mắt. Bốn ngày sau kỳ họp cuối cùng, Hamas đã có những hành động tàn bạo khủng khiếp, Trung Đông rơi vào chiến tranh. Chúng ta đang khóc cho Ukraine, cho cả nước Nga trước những chết chóc, những hy sinh của hàng trăm ngàn thanh niên, chúng ta khóc cho Sudan, cho Miến Điện. Một trong những nhóm đi tìm của Đức Phanxicô có tên “Lắng nghe tiếng kêu của người nghèo”, nhóm có thể được gọi là “Lắng nghe tiếng khóc của những người đang khóc” và Maria Mácđala sẽ là Thánh bổn mạng của họ.

Sau đó bà Maria Mácđala nghe có tiếng gọi mình: “Maria”; “Rabbouni”. Và khoảng trống đã được một tình yêu dịu dàng và nhân ái lấp đầy bằng tiếng gọi tên mình. Bà đi tìm một xác chết, nhưng bà tìm được một tình yêu ngoài mơ ước, tình yêu vẫn còn sống mãi. Thiên Chúa luôn gọi chúng ta bằng tên. “Nhưng bây giờ, lời của Đấng tạo thành ngươi, hỡi Giacóp, lời của Đấng nắn ra ngươi, hỡi Ít-ra-en: Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta” (Is 43:1)

Tên của Ngài là cuộc gặp gỡ, là sự hiện diện của Chúa. Điều đầu tiên trong lễ rửa tội là đặt tên. Tên ông/bà là gì? Tên ông/bà muốn đặt cho con là gì? Tên không phải là dấu hiệu để phân biệt, nhưng là dấu hiệu cho thấy chúng ta được Chúa trân trọng trong sự độc đáo của chúng ta.

Đức Phanxicô chống cách nhìn của hoàng đế la-mã khi ông điều tra dân số, ông chỉ đếm số, nhưng Thiên Chúa của chúng ta: “Anh chị em thân mến, đối với Thiên Chúa, Đấng đã thay đổi lịch sử trong cuộc điều tra dân số, chúng ta không phải là một con số, nhưng chúng ta là một gương mặt… Chúa Kitô không nhìn vào con số nhưng nhìn vào từng khuôn mặt của chúng ta.”

Vì thế sứ mệnh của chúng ta là gọi tên Thiên Chúa, Đấng đang tìm chúng ta trong bóng tối. Ngài trân trọng tên tuổi, gương mặt của mỗi người. Chúng ta là người trung gian cho sự hiện diện của Ngài nếu chúng ta hiện diện với nhau trong Thượng Hội đồng này. Linh mục Dòng Tên Gregory Boyle làm việc với các thanh niên trong các băng đảng ở Los Angeles; bí quyết sứ vụ của ngài là ngài biết tên từng người. Không chỉ tên hay biệt danh của họ mà còn cả tên “cúng cơm” cha mẹ đặt khi còn nhỏ: “Khi tôi gọi tên Lula, người ta tưởng như tôi làm anh bị điện giật. Toàn thân anh tràn ngập niềm vui khi nghe tên mình. Trong suốt con đường dành cho người đi bộ, Lula cứ quay lại nhìn tôi và cười.”

Chế độ chuyên chế xóa tên và khuôn mặt. Tại trại tập trung Auschwitz, Thánh Maximilian Kolbe là tù nhân mang số 16.670. Tổng thống Nga luôn từ chối nêu tên Alexie Navalny, người đã can đảm chống lại ông. Đó chỉ là một “người nào đó”. Tổng thống Nelson Mandela là khuôn mặt phản đối chế độ phân biệt chủng tộc, đó là lý do vì sao khi ông bị giam, nhà cầm quyền cấm công bố hình ảnh của ông. Ông bị xóa khỏi bộ nhớ của công cộng. Vì vậy, sau hàng chục năm bị giam cầm, ông đi dạo trên bãi biển không ai biết đến ông. Khuôn mặt của ông đã bị tước đi sức mạnh.

Thượng Hội đồng này sẽ là khoảnh khắc ân sủng nếu chúng ta trắc ẩn nhìn nhau như những người đang đi tìm. Không phải đại diện của các đảng phái trong Giáo hội, vị hồng y bảo thủ khủng khiếp này, nhà nữ quyền đáng sợ kia! Nhưng là những người đi tìm, đau mà vui. Tôi phải thú nhận tôi không thể nhớ tên, một phần vì tôi bị điếc. Đó là lý do của tôi. Xin tha thứ cho tôi!

Nhưng tình yêu dịu dàng của bà Maria Mácđala cần được chữa lành. Chúa Giêsu nói với bà: “Đừng giữ Thầy lại”. Các nhà chú giải đưa ra những giả thuyết phi lý để giải thích, điều khó tin nhất là vết thương của Chúa Giêsu vẫn còn đau! Ngài nói đừng giữ Thầy lại là nói riêng với bà. Sự hiện diện của Ngài gần bà Maria Mácđala nhưng không thuộc về bà. Sự phục sinh là sự ra đời của cộng đồng. “Dân Chúa không bao giờ là tổng thể của những người đã được rửa tội, nhưng là “chúng tôi” của Giáo hội”. “Nhưng hãy đến gặp anh em Thầy và nói với họ: ‘Thầy lên cùng Cha Thầy và Cha anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy và Thiên Chúa của anh em’”. Đây là lần đầu tiên trong Tin Mừng Thánh Gioan, Ngài gọi các môn đệ là “anh em”. Fratelli Tutti! Bà Maria Mácđala phải giải phóng tình yêu của bà khỏi mọi độc quyền! Lúc đó bà hân hoan báo tin vui cho các môn đệ:

“Tôi đã nhìn thấy Chúa.” Đây cũng là thách thức của chúng ta. Không gắn bó với một Chúa Giêsu của nước Anh, của Dòng Đa Minh của tôi, nhưng với Chúa, trong Ngài tất cả chúng ta đều là anh chị em, kể cả các tu sĩ Dòng Tên! Thượng Hội đồng này sẽ có kết quả nếu chúng ta học cách nói “chúng tôi”. “Cha tôi và Cha anh em, Thiên Chúa của tôi và Thiên Chúa của anh em”.

Và người môn đệ được Chúa yêu thương, người đó cũng có cách yêu thương trong trống rỗng, trong tắt lịm ánh sáng cuộc đời của họ. Còn Thánh Phêrô già, ngài thở hổn ha hổn hển bước vào ngôi mộ tối tăm nhưng ngài thấy khoảng trống giữa các thiên thần và ngài tin. Chính tình yêu cho phép chúng ta nhìn thấy. Ở đâu có tình yêu, ở đó có cái nhìn. Nhìn bằng con mắt tình yêu và do đó nhìn thấy sự chiến thắng của tình yêu. Phúc âm của Thánh Gioan là đại bàng, đôi mắt của đại bàng có thể nhìn thẳng vào ánh sáng mặt trời mà không bị mù. Nghiên cứu nổi bật của ngài là thần học.

Năm nay, tôi dành hai tuần tại Trường Kinh thánh Giêrusalem. Các anh em sống trong bóng tối của cái chết, cách Gaza bốn mươi phút. Họ vẫn ở đó, nghiên cứu Lời Chúa, giảng dạy và cầu nguyện. Đó là dấu hiệu cho thấy “ánh sáng chiếu soi trong bóng tối và bóng tối đã không diệt được ánh sáng” (Ga 1:5). Sự trống rỗng của bà Maria Mácđala được chữa lành khi Chúa Giêsu gọi tên bà – đó là sự hiện diện – và của người môn đệ yêu dấu bằng ánh sáng chiếu vào ngôi mộ trống. Vì thế người môn đệ là hiện thân của tất cả những ai đi tìm để hiểu ý nghĩa cuộc sống của chúng ta, sự trống rỗng hình ảnh của Chúa trong trái tim chúng ta, như triết gia Blaise Pascal đã nói. Tất nhiên là các nhà tư tưởng kitô giáo, nhưng cũng là tất cả những người đang cố gắng đi tìm ánh sáng trong bóng tối đau khổ của chúng ta: các nhà thơ, nghệ sĩ, các nhà làm phim từ chối tin rằng bóng tối chiến thắng. Để rao giảng về sự phục sinh, chúng ta cần họ, cởi mở đón nhận sự khôn ngoan của họ như Thánh Tôma Aquinô với người ngoại giáo Aristotle. Ngài đã viết rằng tất cả “sự thật, bất kể ai nói ra, đều đến từ Chúa Thánh Thần (omne verum, a quocumque dicatur, est a Spiritu Sancto)”.

Sau đó là ông Simon Phêrô. Sự trống rỗng của ông là nặng nề nhất, gánh nặng của thất bại. Ông chối bạn mình. Chắc chắn ông mong muốn những lời chữa lành mà cuối cùng sẽ được nói ra trên bờ biển. Vì thế sứ mạng mục vụ của chúng ta cũng là ở với tất cả những người bị thất bại và tội lỗi, chia sẻ sự tha thứ mà chúng ta đã nhận được, sự khám phá của chính chúng ta về ân sủng đáng kinh ngạc của Đấng đã “cứu một người khốn khổ như tôi. Tôi đã lạc mất mà bây giờ được tìm thấy; trước đây tôi bị mù mà bây giờ tôi nhìn thấy được.” Sứ mệnh của chúng ta là bổ nhiệm người có lòng thương xót, giống như Phêrô mà chúng ta cần.

Vì vậy, trong cảnh phục sinh đầu tiên này, chúng ta thấy cách Chúa đáp lại ba hình thức tìm kiếm tương ứng với ba khoảng trống trong cuộc sống của chúng ta: tình yêu dịu dàng tìm kiếm sự hiện diện; việc đi tìm ý nghĩa, ánh sáng và tha thứ. Mỗi người đi tìm đều cần người khác. Không có bà Maria Mácđala họ đã không đến mộ. Bà nói Chúa ở đó. Không có người môn đệ yêu dấu, họ không thấy Phục Sinh trong ngôi mộ trống rỗng; không có Phêrô, họ sẽ không hiểu Phục Sinh là sự khải hoàn của lòng thương xót.

Mỗi người đại diện cho một nhóm cảm thấy bị loại trừ theo cách này hay cách khác trong Thượng hội đồng vừa qua. Bà Maria Mácđala nhắc chúng ta phụ nữ thường bị loại khỏi các vị trí quyền lực chính thức trong Giáo hội. Làm thế nào chúng ta có thể tìm ra con đường phía trước mà công lý và đức tin của chúng ta đòi hỏi? Tìm kiếm của họ là của chúng ta. Trong Thượng hội đồng vừa qua, nhiều thần học gia cảm thấy họ bị gạt ra ngoài lề. Một số thắc mắc tại sao họ lại bận tâm đến đây. Chúng ta không thể làm gì nếu không có họ. Và nhóm chống lại con đường đồng nghị nhiều nhất là các mục tử, các linh mục giáo xứ, với tư cách là những mục tử của lòng thương xót, đặc biệt chia sẻ vai trò của Thánh Phêrô. Giáo hội không thể trở thành đồng nghị thực sự nếu không có họ.

Khi hầu hết mọi người đều có cảm giác rằng chính họ là những người bị loại trừ thì không nên có sự cạnh tranh về địa vị nạn nhân! Tất cả những nhân chứng này đều cần thiết để tìm kiếm Chúa trong bóng tối, cũng như Thượng Hội đồng cần mọi con đường để chúng ta yêu mến và tìm kiếm Chúa, cũng như chúng ta cần những người đi tìm trong thời đại chúng ta, ngay cả khi họ không chia sẻ cùng đức tin với chúng ta.

Điều này sẽ dẫn đến sứ mệnh như thế nào? Những lời này là của nhà văn Pháp Antoine de Saint-Exupéry. Chúng thậm chí còn hay hơn những gì nhà văn đã viết: “Nếu bạn muốn đóng một con tàu, bạn đừng quy tụ các ông các bà của bạn lại với nhau để ra lệnh cho họ hoặc giải thích cho họ mọi chi tiết về những gì họ nên làm hoặc tìm mọi thứ ở đâu… Nếu bạn muốn đóng một chiếc thuyền, hãy khơi dậy trong trái tim họ niềm khao khát biển cả!” Hãy để họ nếm trải sự vô tận, và họ sẽ tìm ra cách riêng của mình để đóng những chiếc thuyền và giương buồm ra đại dương bao la.

Mỗi nhân chứng này đều được đánh động bởi một tình yêu vô hạn. Bà Maria Mácđala cảm động trước sự dịu dàng vô bờ; người đệ tử yêu dấu xúc động khi đi tìm ý nghĩa vô tận; Thánh Phêrô, vì ngài cần có lòng thương xót vô biên, tha thứ không phải bảy lần mà là bảy mươi lần bảy. Nếu chúng ta mở lòng đón nhận khát vọng vô hạn của mỗi người thì chúng ta sẽ hạ thủy con thuyền truyền giáo. Theo thư Thánh Phaolô gởi tín hữu thành Êphêsôl, chỉ cùng nhau chúng ta mới có thể “đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa (Êp 3,18.19).

Linh mục Timothy Radcliffe | Marta An Nguyễn dịch