Khoảng 20.000 người tham dự thánh lễ khai mạc Năm Thánh tôn vinh những người đã chết vì đức tin tại Sở Kiện.
Người Công giáo bày tỏ lòng tri ân và trung thành với các bậc tiền nhân đã hy sinh tính mạng vì đức tin tại lễ kỷ niệm phong thánh các thánh tử đạo.
Dưới cái nắng nóng gay gắt giữa mùa hè, khoảng 20.000 người từ Tổng Giáo phận Hà Nội và các giáo phận khác ở miền bắc đã tham dự thánh lễ khai mạc Năm Thánh mừng kỷ niệm 30 năm phong thánh cho 117 vị thánh tử đạo Việt Nam ở tỉnh Hà Nam hôm 19-6.
Lễ khai mạc được tổ chức tại Trung tâm Hành hương các thánh tử đạo Sở Kiện, nơi đây có Tiểu Vương cung thánh đường Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội 135 năm tuổi.
Trung tâm được trang hoàng cờ xí nhiều màu sắc lưu giữ các thánh tích của các vị tử đạo, xiềng xích, gông cùm, các vật dụng tra tấn, các thẻ ghi án lệnh, bia mộ.
Đức Hồng y Phêrô Nguyễn Văn Nhơn, Tổng Giám mục của Hà Nội chủ sự thánh lễ đặc biệt này. Có 13 giám mục và khoảng 300 linh mục trong giáo tỉnh đồng tế. Lễ đài được trưng bày một ảnh lớn các thánh tử đạo Việt Nam và nhiều lẵng hoa.
“Hôm nay chúng ta có thể cùng diễn tả lại niềm vui sâu xa và dào dạt với các thánh Tử đạo Việt Nam và với toàn thể Hội Thánh, cách riêng Hội Thánh tại Việt Nam. Các ngài đã thực sự cùng chết với Chúa Giêsu và sống lại với Chúa trong vinh phúc, để Hội Thánh Việt Nam trổ sinh hoa trái dồi dào”, Đức Cha Cosma Hoàng Văn Đạt của giáo phận Bắc Ninh nói trong bài giảng.
Đức cha nói rằng chỉ trong vòng 50 năm từ khi các thừa sai hải ngoại truyền bá Tin Mừng vào Việt Nam cách đây gần 500 năm, có đến 300.000 người đã theo đạo. Tuy nhiên, gần như ngay từ đầu, đã có những tín hữu bị kết án tử hình, tiêu biểu là chân phước Anrê Phú Yên, một giáo lý viên trẻ đã tử đạo ở phố cổ Hội An năm 1644.
Ngài nói có vô số người chết để bày tỏ lòng trung kiên với đạo. Nếu người ta mỗi ngày chỉ đọc truyện một vị thánh, thì phải mất 356 năm mới đọc hết tất cả các vị thánh tử đạo.
Vị giám chức dòng Tên nói rằng Hội Thánh đã góp phần đáng kể vào văn hóa dân tộc, xây dựng các giá trị công bằng, nhân bản, bác ái, sáng tạo chữ quốc ngữ cả nước đang dùng, cũng như phát triển các hoạt động giáo dục và từ thiện góp phần xây dựng một xã hội nhân văn hơn và nhân ái hơn.
“Ngày nay, chúng ta được mời gọi tiếp bước các vị tử đạo trong hoàn cảnh mới và với những phương thế mới, … mang công bình và bác ái đến cho tha nhân và làm chứng cho Chúa qua tinh thần và nếp sống công bình và bác ái”, ngài nói với cộng đoàn.
Ngài cũng thúc giục họ “cộng tác với mọi người thành tâm thiện chí, không phân biệt tôn giáo, thành phần xã hội, lập trường chính trị, nắm tay nhau bồi đắp nền văn minh tình thương và sự sống trên quê hương Việt Nam thân yêu”.
Trước thánh lễ, mọi người hát thánh ca, cầu nguyện và rước kiệu thánh tích gồm hộp sọ Thánh Phêrô Trương Văn Thi và hài cốt các Thánh tử đạo của 10 giáo phận thuộc giáo tỉnh Hà Nội quanh trung tâm.
Vào tối ngày hôm trước, có 70 đội hoa trong Tổng Giáo phận Hà nội đã dâng hoa dâng hương tri ân các vị tử đạo, trong khi các linh mục, tu sĩ thì đọc Kinh Chiều kính các thánh tử đạo và rước kiệu thánh tích.
Anh Giuse Nguyễn Văn Chiến, một giáo dân ở Yên Bái, cho biết anh rất tự hào về những người Công giáo đã hy sinh tính mạng để làm vinh danh Chúa.
“Buổi lễ giúp củng cố thêm đức tin của chúng tôi và khuyến khích chúng tôi can đảm sống đức tin trong xã hội mà không phải sợ hãi gì”, anh nói.
Anh Chiến cho biết đây là lần đầu tiên Giáo hội Công giáo địa phương công khai cử hành lễ kỷ niệm phong thánh các thánh tử đạo Việt Nam trong 30 năm qua.
Năm 1988, không một người Công giáo nào ở trong nước được phép sang Rôma tham dự lễ phong thánh này vì chính quyền phản đối lễ phong thánh. Chính quyền mở chiến dịch thù địch với những tuyên bố nói rằng các thánh tử đạo đã cộng tác với ngoại bang để xâm chiếm đất nước.
“Ngày nay tất cả chúng ta đều biết sự thật về lễ phong thánh các Thánh tử đạo Việt Nam. Chúng tôi xem lễ kỷ niệm này như một lễ phong thánh thực sự”, anh Chiến nói.
Nguồn: ucanews.com