GPVO (2/10/2023) – Nhà tôi có một nồi gang đúc huyền thoại, đó là cái “nồi cơm chín miệng”. Chẳng phải vì nó có “chín miệng” nhưng bởi nhờ nó mà ba mẹ tôi đã nuôi dưỡng chín miệng ăn khôn lớn. Cái nồi này luôn được đặt trong chái bếp, một chái bếp chứa đựng cả cuộc đời của mẹ dành cho mỗi đứa con. Nơi đó, lửa lúc nào cũng bập bùng ánh đỏ cứ như trái tim mẹ luôn luôn cháy lửa tình yêu, tiêu hao sinh lực vì chúng tôi. Chái bếp ấy cũng là khung trời bao bọc trọn thanh xuân của chín chị em chúng tôi.
Còn nhớ như in cái nồi gang vừa dày, vừa nặng trong chái bếp huyền thoại ngày xưa ấy. Cái chái bếp nhỏ xíu mang bóng dáng mẹ lục cục sớm chiều. Cái không gian không đủ rộng để chứa nhiều đồ nhưng thứ gì mẹ cũng muốn giữ lại, dù ngổn ngang. Chái bếp của mẹ tro bám nhiều, khói ám đen vách nhà, bồ hóng đu đầy trên mái, quanh đám tường loang lổ vết thời gian, những mạng nhện giăng dày các góc bếp, khói than bám vào đen đặc và dẻo quẹo. Chái bếp ấy lúc nào cũng quẩn quanh mùi khói, có lúc chỉ là những sợi khói xám mỏng manh nhưng có lúc là những làn khói cuồn cuộn nghi ngút tan loãng ra cả ngôi nhà. Đó là mùi cay xè của rơm rạ ngày mùa, mùi hắc hắc của đám củi tre mẹ phơi ngoài vườn, mùi khô khốc của mấy tàu lá chuối khô mẹ tuốt vội trên cây xuống, có khi là mùi ẩm mốc của những thanh gỗ mục mẹ nhặt được đâu đó trên đường đi làm đồng về. Là mùi ngai ngái của những thanh củi mít già nua cuối góc vườn. Mỗi loại cây, mỗi loại củi, lại thoang thoảng một thứ mùi hương riêng biệt khi được mẹ cho vào bếp. Và rồi, các hương vị khác nhau ấy phả vào nồi cơm, đến giờ ăn là chúng tôi biết ngay được hôm ấy mẹ dùng loại củi nào, cứ như thích cơm mùi gì thì có ngay vậy. Thế là cứ đến bữa, chúng tôi quây quần bên ba mẹ và nồi cơm, hít hà mùi “no thỏa” tỏa ra từ cái nồi gang thân thuộc.
Nhớ ngày nào, lúc tôi mới ló tuổi khôn, đó vẫn còn là những năm đói kém, nồi cơm của mẹ thường độn thêm khoai, bắp, sắn. Đến bữa, ba mẹ thường chia đều phần cơm vào bát mỗi đứa. Lúc đó, chúng tôi còn nhỏ dại, đôi lúc vẫn chưa biết nhường nhau. Có đứa cứ đòi mẹ lựa phần cơm trắng mà ăn. Nhưng mấy anh chị lớn trong nhà thì ý tứ hơn, cứ bới riêng phần cơm trắng cho ba mẹ, rồi “ngụy trang” một ít khoai sắn lên trên, làm bộ như bát này ít cơm hơn. Tình cha mẹ, nghĩa con cái vậy mà dâng trào ra từ cái nồi yêu thương này.
Với “nồi gang chín miệng”, từ lúc còn học vỡ lòng, chúng tôi đã được mẹ tập tành xuống bếp. Học nấu cơm là một trong những bài học đầu đời mà mẹ dành cho mấy chị em chúng tôi. Có lẽ vì thế mà chúng tôi biết nấu cơm trước khi rành rõi từng con chữ ở trường. Sau giờ tan học, nếu như mẹ vắng nhà thì một trong số chúng tôi phải đảm nhận trách nhiệm thổi cơm cho cả nhà. Đến phiên đứa nào nấu cơm, hai bàn tay đứa đó dính đầy lọ. Mặt mũi cũng không thể sạch sẽ được, nó cứ lấm lem từng đám. Rồi những vạt khói bảng lảng ngút lên từ chái bếp, nhiều khi bị cơn gió thổi ngược, cứ hắt vào mặt khiến đôi mắt bé thơ của chúng tôi cay xè, không khóc mà nước mắt cứ thế tràn mi. Có khi thổi xong cơm, chúng tôi cũng chẳng kịp ăn, đến giờ nghe chuông nhà thờ, mấy đứa nít trẻ trong xóm chúng tôi lại í ới hò nhau đi lễ. Bỏ nồi cơm lại đó, ba mẹ khắc sâu vào tâm khảm chúng tôi một “bài thần học bình dân thâm thúy” và từ bao giờ đã trở nên nếp sống đạo của chúng tôi: “Hạt cơm dẻo thơm trong nồi vẫn không thơm ngon và bổ dưỡng cho bằng hạt lúa mỳ nơi tấm bánh Thánh trên bàn thờ!”.
Những bài học trân quý từ nồi cơm không dừng lại ở đó, bởi có những điều mẹ dặn dò lại trở thành một loại nghệ thuật sống: “Khi nhen lửa, con phải lấy những thanh củi mỏng cho dễ bắt lửa. Con phải chụm đầu các thanh củi nhỏ lại với nhau. Nếu chúng tách nhau ra sẽ tắt ngấm, chỉ khi chụm đầu lại mới bùng lên ngọn lửa”. Rồi sau những ngày mùa, khi củi trong bếp hầu như đã hóa thành đám tro, mẹ dặn chúng tôi phải biết tận dụng rơm để đun lửa. Nấu cơm bằng rơm lại khó hơn nấu bằng củi bởi cơm sẽ mau sôi hơn. Lỡ ham chơi, chụm không khéo thì thế nào cơm cũng bị khét và khê. Vì thế, mẹ bảo chúng tôi phải ở bên canh lửa, chờ cơm cạn nước mới được chạy đi nơi khác. Những bài học nhân sinh dung dị như thế, từ bao giờ đã ngấm vào tâm hồn và trở thành hành trang cuộc sống, nâng đỡ từng bước chân dù tôi có đi đến phương trời nào. Và hôm nay, nó càng hữu dụng khi tôi sống trong môi trường nhà tu, chung chia cuộc sống cộng đoàn với biết bao người chị em khác đến từ mọi miền khác nhau.
Với tôi, mọi trải nghiệm ấu thơ với “cái nồi cơm chín miệng” luôn là hữu ích, kể cả những kinh nghiệm đến độ “hú hồn hú vía”. Tôi vẫn nhớ như in, một ngày kia, hàng xóm cho gia đình tôi một ký lạc tươi, mới mua ở làng bên cạnh về. Thời ấy, chị em chúng tôi ai cũng “nghiền” lạc luộc. Tôi và đứa em trai được giao cho nhiệm vụ luộc lạc để cả nhà ăn bữa lỡ, nhưng chủ yếu là để tiếp sức cho những người tuốt lúa. Lúc đó, hai chị em đang chơi trò trốn tìm với mấy đứa bạn hàng xóm. Chúng tôi chia phiên thay nhau vào đun lửa. Chẳng có đứa nào kiểm tra nước trong nồi, mà đến lượt mình thì đứa nào cũng chổng mông thổi lửa thật lớn. Sau hơn một tiếng vừa thổi lửa vừa chơi, chúng tôi bỗng ngửi thấy mùi khét lẹt bốc ra từ bếp. Khói đen um tùm, nhuộm cả bầu không gian. Hai chị em hốt hoảng chạy xuống, phát hiện ra “cái nồi của quý” đã bị thủng một lỗ ở giữa đáy. Thực ra, củi lửa thời gian đã đốt mòn độ bền của nó, còn mớ củi hôm ấy chỉ là một sự tiếp tay để “khoét đáy nồi” trúng thời trúng buổi mà thôi. Nửa nồi lạc phía dưới cứ thế mà tuôn xuống hầm lửa, nhanh chóng cháy phừng phực và hóa đen. Chao ôi, thấy cảnh tượng ấy, chị em tôi hoảng loạn, mặt cắt chẳng ra giọt máu nào nữa. Cái nồi ấy là “cả gia tài” với mẹ, làm hỏng nồi thì đứa nào có đủ gan để thú tội đây? Sau đó, đúng là hai chị em tôi nhận được một bản “Meca Mela” (mẹ ca mẹ la) cực chất. Nhưng rồi, bẵng đi mấy hôm, mẹ kêu hai đứa vào, cho xem một kiệt tác. Cái nồi thủng đáy đã được khéo léo vá lại bằng miếng nhôm mỏng. Và thế là mấy miệng ăn trong nhà lại tiếp tục được phục vụ bởi cái nồi gang bền bỉ ấy.
Dầu qua thời đói hay thời no đủ, với tôi mà nói, cái nồi gang vẫn luôn tràn đầy kỷ niệm và nghĩa tình gia đình. Từ trong chiếc nồi, không những chúng tôi đã bới ra những bát cơm đầy mà còn lấy ra những thứ vô giá khác, chẳng có thứ tiền tệ nào trên thế gian có thể mua bán được! Đến nay, mỗi lúc về nhà, tôi không còn thấy chiếc nồi gang xưa, cái chái bếp của mẹ cũng khác hẳn. Trong nhà bếp, mẹ đã sử dụng nào bếp gas, bếp điện, lò vi ba, nồi áp suất, lò nướng, nồi cơm điện và nhiều vật dụng hiện đại khác. Dĩ nhiên, tôi không còn nghe được tiếng cơm sôi réo rắt, tiếng nổ lách tách phát ra trong bếp than ngày xưa ấy; củi lửa từ lúc nào cũng đã được cất vào hoài niệm. Còn khói bếp, nếu có, cũng mất tăm trong các lò nướng hiện đại. Ấy thế nhưng, ấn tượng sâu thẳm về cái nồi cơm ngày nào vẫn còn như mới ngày hôm qua. Tôi và các anh chị em đã trưởng thành từ căn nhà có chái bếp của mẹ và từ cái nồi cơm đã nuôi chín miệng ăn. Một thoáng nhìn lại… Lũ trẻ nheo nhóc hồi nào nay không còn chung chia chiếc nồi năm xưa, vì có những đứa nay đã ăn “nồi cơm nhà Chúa” và những đứa khác lại “ăn cơm nhà người ta”. Bản thân tôi, tôi thầm cảm ơn “cái nồi cơm chín miệng” thời thơ ấu đã chuyển mình đến “cái nồi trăm miệng” trong nhà dòng như ngày hôm nay.
“Nồi cơm chín miệng” … từ bao giờ đã trở thành cách gọi, cách lưu trữ của riêng tôi. Nó vẫn luôn thơm phức trong hoài niệm và tôi cứ có cảm giác là nồi cơm ấy bới mãi mà chẳng thể nào vơi! Có lúc tôi tự hỏi bản thân mình: “Phải chăng đây là cái nồi không đáy?”.
Maria Diệu Huyền, MTG Vinh