Tiếng nấc trong tấc dạ

Upload

Lễ khấn – Hội Dòng Mến Thánh Giá Vinh (hình ảnh minh họa)

GPVO (4/9/2023) – Đêm đen tuyền một màu đặc quánh! Có vầng sáng trắng ngà mầu nhiệm từ từ nhô lên cao giãi chiếu xuống vạn vật khiến cả không gian như được dát bạc. Bầu trời đêm trông giống một tấm thảm kim cương rực rỡ với ngàn vì sao mà Đấng Tạo Hóa hằng đêm vẫn trải ra ngay trên đầu con người. Từ trong nhà, vẳng mùi hương hoa đêm thoang thoảng trong gió nhẹ và tiếng côn trùng kêu rả rích. Trăng tròn thật đẹp, một vẻ đẹp đằm thắm, mơ màng, thăm thẳm từ nội tâm. Chỉ trong cái độ sâu của đêm, khi đồng hồ gần điểm tới giờ bán dạ, tôi mới tận mắt chiêm ngưỡng được vẻ đẹp huyền ảo này.

Suốt cả ngày, tôi đã không có một chút thời gian dư dả nào để nghỉ ngơi. Bữa nay, nhà dòng khai giảng khóa học Anh ngữ hè cho các em học sinh cấp 1 và cấp 2. Từ tờ mờ sáng, phụ huynh khắp nơi đã đon đả chở con đến nhập học. Tôi bận bịu với việc đón tiếp, ghi danh, hướng dẫn các em, rồi còn phải lo lắng cho buổi lễ khai giảng khóa học nữa. Trời nhá nhem tối, mấy chị em chúng tôi xếp nan giường trên nền nhà cho các em ngủ. Cả mấy căn phòng rộng rãi, những hàng nan giường xen kẽ nhau chạy từ góc tường này đến góc tường kia. Tôi chịu trách nhiệm theo sát và chăm sóc phòng các em nam cấp 1. Đúng 9h30 tối, các em đi nghỉ. Cứ ngỡ rằng bữa đầu tiên, chưa ai quen ai, nên các em sẽ mang theo “cái bóng cô đơn” mà đi ngủ; thế nhưng, khi vừa tắt điện, chúng cứ như đàn cua biết nói rầm rì trong đêm. Tưởng chừng như đã quen nhau lâu lắm rồi, đến đêm vẫn không hết chuyện, chỉ trừ ra một vài em nhớ nhà, ôm gối khóc thút thít. Tôi đi tới đi lui, hết dỗ em nín đến la em nói chuyện, phải gần một tiếng sau thì tiếng ồn mới tắt hẳn. Chao ôi, nhẹ cả người!

Giờ này, hai chiếc kim đồng hồ đã thân ái giao nhau tại điểm số 12, thế mà, đôi mắt của tôi vẫn tỏ thao láo, không buồn khép lại. Đáng lý ra, nó nên biết nghỉ ngơi sau một ngày mệt nhoài với đám trẻ chứ! Chẳng thể hiểu được. Hình như, nó còn muốn làm “lính canh đêm” cho những giấc tròn.

Tích tắc… tích tắc… đồng hồ lại đang quay. Cái âm thanh thời gian sao mà nghe rõ đến độ rung rinh từng mạch máu và thấu đến tận xương tủy giữa không gian tĩnh mịch. Đến lúc này thì cơ mắt của tôi đã thực sự rã rời. Nó muốn sập ngay mái hiên để đi vào thế giới yên hàn của riêng nó. Bóng trăng khuya loáng thoáng bên thềm nhà, chênh chếch trên ngọn cây, tôi cố nhìn bao quát lũ trẻ một lần nữa trước khi đi vào giấc chiêm bao. Rồi tôi lim dim bước vào miền vô thức. Bỗng dưng, trong mơ màng, tôi cảm thấy rân rân nơi bàn chân. Có một bàn tay đang cố lay nhẹ chân tôi với giọng rụt rè: “Sơ… sơ ơi… sơ!”

Tôi thảng thốt giật mình bắn dậy. Trước mặt tôi là một cậu bé đang ôm ghì chiếc gối nhỏ, đôi mắt thằng bé bơ phờ. Sợ đánh thức những em khác, tôi thì thầm:

  • Sao con chưa ngủ?
  • Sơ ơi, con không ngủ được. Con chỉ ngủ được khi nằm máy lạnh và giường nệm mềm cơ.

Lời nỉ non của thằng bé quá đỗi đơn sơ. Đúng rồi, với những đứa bé mà nhà không có gì ngoài “điều kiện” thì việc trải nghiệm khóa học này quả là một thách đố không hề nhỏ. Trước khi đăng ký cho con học, có mấy phụ huynh cũng ước mong cho con mình một lần được trải nghiệm cuộc sống tự lập và thiếu thốn, để rồi chúng có thể đứng vững dù được thả vào môi trường nào. Mặc dù ngôi nhà nội trú của chúng tôi là một tòa nhà cao tầng khá tiện nghi, nhưng hiển nhiên là các điều kiện không thể đáp ứng với nhu cầu của bọn trẻ thời nay. Ngay cả máy lạnh cũng không thể tải nổi cho chúng. Tôi nghĩ các em cần thời gian để thích nghi, không chỉ một sớm một chiều mà thoải mái được.

Thế rồi tôi nhè nhẹ nắm tay thằng bé, kéo về phía mình:

  • Con lại đây với sơ… Nằm xuống đây nè con…

Tôi bảo nó nằm xuống nan giường của mình. Lúc này, tôi dùng ngón tay xoa nhẹ vùng đầu, vuốt ngược mái tóc thằng bé, làm sao cho nó có cảm giác buồn ngủ. Sau khoảng 15 phút, tôi thấy nó nằm im im. Tự đánh cược với bản thân mình là thằng bé ngủ rồi, nhưng để chắc chắn, tôi từ từ ghé sát tai nó trong tiếng thì thầm:

  • Con ngủ chưa?

Nó ngẩng đầu lên, trả lời tỉnh bơ:

  • Dạ chưa.

Tôi hụt hẫng trong chốc lát vì mình đã thực sự cố gắng áp dụng độc chiêu ru con ngủ trong vòng chưa đầy một phút của mẹ mình mà lại chẳng hiệu quả. Hồi nhỏ, chỉ bằng vài động tác đơn giản sau một vài phút nhàn tênh của mẹ, là tôi đã ngoan ngoãn “khò khò” ngay tức khắc. Đến nay, cứ mỗi lần trông trẻ, khi tôi áp dụng kỹ thuật “thôi miên” độc đáo này là chúng không thể chống chọi lại cảm giác mi mắt díp lại. Tuy vậy, hình như đêm nay “tình hình rất chi là tình hình” vì nó chẳng khả thi cho lắm. Đang bận lòng suy nghĩ, thì bỗng từ đằng xa, có một cái bóng thấp thoáng tiến về phía tôi. Lại một cậu bé khác ôm gối đến. Đó là Tâm. Lúc chiều, tôi có bắt chuyện với thằng bé. Tôi ghé người sang hỏi em:

  • Tâm, sao con chưa ngủ?
  • Sơ ơi, con đau bụng. Con hay đau bụng ban đêm, mẹ con thường phải bôi dầu vào rốn cho con đỡ đau.
  • Được rồi, con chờ sơ một tí.

Nói xong, tôi mò mẫm đi vào buồng bên cạnh, tìm lọ dầu. Mẹ nó làm sao thì tôi làm như vậy thôi!

Sau khi xoa dầu, tôi cho Tâm nằm xuống kề cậu bé kia. Thế là hai bàn tay của tôi hoạt động không ngừng nghỉ. Bẵng đi gần 30 phút sau, hai cậu bé đã chìm vào giấc ngủ. Nhẹ cả người! Đang khi tôi toan kiếm chỗ khác để ngả lưng thì lại nghe tiếng gì the thé như tiếng chuột nhắt, mà ở đây làm gì có chuột. Nhấn nhá đôi chân, khe khẽ qua lại, tôi mới phát hiện ra là có một cậu bé khác đang sấp người ôm gối khóc. Ngày đầu tiên xa nhà, trải nghiệm cuộc sống tự lập hoàn toàn, nhiều em nhớ nhà xuyên đêm. Thương các em nhưng cũng phải tạo môi trường để chúng tự bước đi trên đôi chân của mình. Thế rồi, tôi nhẹ nhàng dắt thằng bé lại nhập hội “hiệu ứng ngày đầu tiên xa nhà” với hai cậu bé kia. Lúc này đã là 1h sáng, xung quanh tôi là một lũ trẻ con nheo nhóc. Ngắm nghía chúng bằng ánh mắt của trái tim, bỗng đâu từ trong tôi run lên một tiếng nấc sâu thẳm. Nghe như một tiếng nấc trong tấc dạ! Một bản năng khuất chìm nào đó đang trỗi dậy. Phải chăng là tiếng rên rỉ của một cung lòng chẳng bao giờ đơm hoa kết trái, mỏi mòn một sự chờ đợi thiên thu? Tôi không biết! Chưa bao giờ, tôi thấy mình xúc động trước mặt những đứa trẻ như thế. Tôi không dám gọi tên nó là “bản năng làm mẹ”, nhưng thực sự, có cái gì na ná như vậy. Tâm tưởng lúc này trộm chảy ra dòng suy nghĩ thoáng qua: “Nếu mình không đi tu thì chắc cũng có mấy đứa bằng chừng này tuổi rồi”.

Lạ lùng quá! Tôi chưa bao giờ suy nghĩ nghiêm túc về điều đó. Tôi đã say mê đời tu từ nhỏ và đã sống hết mình cho thanh xuân đời tận hiến. Nhưng tại sao lúc này lại có thứ lý luận “nếu…thì” kiểu như vậy?

Ngoài kia, trăng đã lặn dần vào khối mây dày đặc. Đêm lại đen thẫm một màu đặc quánh, vậy mà ai đó có thể soi được suy nghĩ, trái tim và cả bản ngã của mình trong đó. Trong bóng đêm, tôi thấy vóc dáng của một ma sơ đã được thánh hiến cho Thiên Chúa nơi hình hài của một cô gái đầu xanh máu đỏ. Chất thánh và chất nhân cứ trộn lẫn vào nhau. Thiên Chúa không cất đi những bản năng của phận người, nhưng Ngài ban cho sức mạnh nội lực để có thể an nhiên từ bỏ những điều riêng tư mà hướng đến hạnh phúc đại đồng.

Tiếng nấc lạ lùng kia như là một tiếng vang của những gì chìm ẩn trong lâu đài nội tâm. Nó làm tôi bừng hiểu mình vẫn luôn là một con người rất đỗi bình thường nhưng đã được Thiên Chúa chọn gọi và trao truyền một sứ mạng lớn lao, lớn lao hơn cái khao khát tự nhiên của một con người. Dẫu biết rằng Thượng đế đã nắn đúc nên người nữ trong tư thế chuẩn bị để làm mẹ, để rồi mọi kết cấu và đặc điểm sinh học đều hướng đến thiên chức thiêng liêng này. Nhưng rồi, khi bị Thiên Chúa chiếm đoạt, người ta có thể toàn hiến xác hồn cho Ngài, khước từ thiên chức lớn lao kia để thủ đắc một công cuộc truyền sinh thiêng liêng dòng giống những người mến tin vào Thiên Chúa. Với tôi, trong sứ vụ hiện tại, giáo dục là một cuộc truyền sinh mới. Dù có thức trắng trong đêm thâu gió trở, tôi vẫn muốn trao truyền sức sống cho các thế hệ mầm non ngang qua kho tàng đức tin và tri thức mà mình đã lĩnh hội được.

Vầng trăng lúc này đã ngang nhiên xuyên qua đám mây đen đặc. Nghĩ đến hy lễ đời tận hiến mà mình đang tiến dâng, trái tim tôi bỗng hòa làm một với ánh vàng đang chảy tràn trề khắp không gian. Tôi thực sự đã đụng chạm đến cái vẻ đẹp tinh khôi của đời tận hiến. Sương đêm tỏa hơi lạnh nhưng không thể nào giảm nhiệt của những giọt nước mắt nóng hổi đang rớt vội xuống biển trăng sóng sánh trên nền nhà…

Ánh trăng kia đã xuyên qua những khung cửa sổ mà trải lên đám trẻ một tấm thảm vàng ngà huyền nhiệm. Thứ ánh sáng tinh khiết của vũ trụ ấy sẽ bảo hộ cho những giấc mơ lớn lao của những đứa trẻ.

Maria Diệu Huyền, MTG Vinh
(Trích Tuyển tập Mục Đồng, số 27)