GPVO (20/12/2022) – Chúng ta tin tưởng vào một Thiên Chúa có nguồn gốc chứ không phải vào một Thiên Chúa trừu tượng. Thiên Chúa của chúng ta yêu thương nhân loại đến nỗi ban Con Một của Ngài là Đức Giêsu Kitô đến cư ngụ ở cùng nhân loại ngang qua một gia đình. Có người mẹ là Đức Maria và có người cha nuôi là Giuse. Kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa đã có sự sắp xếp và chọn lựa từ muôn đời ngang qua sự cộng tác của con người. Nơi hình ảnh hai ông bà Maria và Giuse, hai người đã đính hôn với nhau, tuy chưa hề chung sống với nhau, nhưng vì Thiên Chúa muốn chọn Maria làm mẹ của Ngôi Lời nhập thể là Đức Giêsu nên Mẹ đã có thai do quyền năng của Chúa Thánh Thần. Một sự không thể đối với con người nhưng có thể đối với Thiên Chúa. Giuse, người bạn đời của Đức Maria cũng nghe tin bà có thai. Điều này làm cho Giuse buồn lòng vì hai người chưa đến với nhau trong bậc vợ chồng. Một sự việc thật đau lòng cho Giuse! Tại sao chưa chồng mà lại có thai? Phải chăng Đức Maria phải chịu chết bởi những “làn đá” từ tay người dân Do Thái? Nhưng Giuse không thể nỡ lòng nào làm như vậy được, dù sao đây cũng là người yêu của mình thật, dù sao đã đính hôn. Hơn nữa, Giuse là người công chính và không muốn tố giác, nên đã muốn định tâm bỏ bà cách kín đáo. Có hai điều đáng ca ngợi nơi thánh Giuse: Thứ nhất, ngài rất bình tĩnh trước một sự kiện lớn lao là người mình yêu có thai. Đây là tin động trời. Thế nhưng, thánh Giuse đã âm thầm tự giải quyết mọi sự, không rêu rao, không làm om sòm, không tố cáo, không lên án, không chỉ trích. Thứ hai, ngài âm thầm tự giải quyết mọi sự không làm lớn chuyện rồi ảnh hưởng đến cả hai, nhất là đối với người phụ nữ yếu ớt bạn của mình. Cứ tưởng tượng một trận mưa đá trên thân hình gầy guộc này là đủ biết đau khổ thế nào rồi!
Quả thật, con người tính không bằng Chúa tính. Đang khi Giuse toan tính mọi sự theo ý riêng của mình thì thiên sứ của Thiên Chúa hiện đến báo mộng cho ông rằng: “Này ông Giuse, là con cháu Đavít, đừng ngại đón bà Maria vợ ông về, vì người con bà cưu mang là do quyền năng Chúa Thánh Thần. Bà sẽ sinh con trai và ông phải đặt tên cho con trẻ là Giêsu, vì chính Người sẽ cứu dân Người khỏi tội lỗi của họ” (Mt 1, 20). Một sự thật phũ phàng – phũ phàng là không phải kết quả của chính mình, nhưng đây là sự thật mà ông Giuse phải đón nhận. Một sự đón nhận đầy can đảm, đầy yêu thương và mạnh mẽ. Vì biết rằng, nhờ sự đón nhận đầy dũng cảm này mà mọi sự sẽ sinh ích lớn lao cho cả nhân loại. Một đàng, nhờ đón nhận này mà Đức Maria đã yên tiếng và đỡ bị ném đá đến chết vì đã mang thai khi chưa cưới. Mặt khác, từ lời “xin vâng” của ông Giuse, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã thực sự có người cha theo nghĩa trần gian theo nghĩa pháp lý. Nghĩa là Đức Giêsu làm người cũng có một gia đình – có mẹ là Đức Maria – có cha nuôi là thánh Giuse. Như vậy, Giuse được xứng đáng là người cha nuôi vĩ đại. Vĩ đại ở đây là làm cha nuôi của Đức Giêsu Ngôi Lời nhập thể; vĩ đại ở đây là được thông hiệp vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa khi chấp nhận làm chồng của Đức Maria và làm cha của Chúa Giêsu. Vĩ đại ở đây là trở nên mẫu gương hy sinh, nhẫn nhục và khiêm nhường của một người làm chồng, làm cha trong gia đình Nazareth. Vĩ đại ở đây là âm thầm phục vụ và trở nên mẫu gương hiền lành cho vợ con trong gia đình. Vĩ đại ở đây nói ít làm nhiều, ….
Chúng ta đang tiến gần mừng đại lễ Chúa Giáng sinh. Vì thế, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm các gương mặt thật gần gũi trong gia đình Nazareth, để qua đó mỗi người trở nên giống các ngài trong bậc sống của mình. Là người chồng, người cha, chúng ta hãy học lấy nơi thánh Giuse nhân đức khiêm nhường, hy sinh, chịu lụy; là biết sống hết mực với vợ và với con, không kêu ca hay phản kháng, không phàn nàn hay trách móc nhưng luôn yêu thương mà tha thứ, nhất là luôn biết vâng nghe tiếng Chúa hơn là ý riêng của mình. Là những người vợ, người mẹ, chúng ta hãy dõi theo Đức Maria để noi gương bắt chước ngài là biết sống tinh thần tin yêu và phó thác, là biết sống phục vụ trong mọi biến cố, là yêu thương chăm sóc chồng con hết mình mà không ngại khổ và ngại khó, nhất là luôn biết xin vâng đối với Chúa trong mọi trạng huống của cuộc đời. Là con cái trong gia đình, Đức Giê-su phải là tấm gương sáng láng cho mọi người noi gương: hiền lành, khiêm nhường, vâng lời, chịu lụy, ham học hỏi, chuyên chăm cầu nguyện và chu toàn tốt bổn phận được trao phó. Dầu là Con Thiên Chúa nhưng Ngài đã vâng phục cha mẹ và phục vụ các ngài: “Hài Nhi ngày càng lớn lên, thêm vững mạnh, đầy khôn ngoan, và hằng được ân nghĩa cùng Thiên Chúa” (Lc 2, 40). Nhất là Đức Giê-su luôn lấy đức vâng phục làm kim chỉ nam cho cuộc đời. “Lương thực của Thầy là thực hành ý muốn của Cha Thầy”(Ga 4, 34).
Chúng ta cùng tạ ơn Chúa và cám ơn các Đấng trung gian vì Chúa không thể thi thố Lòng thương xót và kế hoạch cứu độ cho con người nếu không có sự cộng tác của con người. Nhờ lời “xin vâng” của Mẹ Maria và lời xin vâng của thánh Giuse, Đức Giêsu Con Thiên Chúa đã nhập thể và cư ngụ nơi trần gian để cứu độ nhân loại.
Tôi phải làm gì để sống lòng biết ơn đó? Phải chăng, Chúa cũng mời gọi tôi tiếp tục sống tốt lành, thánh thiện để cộng tác vào ơn Chúa để tôi được sống và sống dồi dào. Hơn nữa, Chúa cũng mời gọi tôi hãy cộng tác hết khả năng của bản thân để với ơn Chúa trợ giúp mỗi người ở khắp mọi nơi cũng sẽ đón nhận được ơn cứu độ.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương