Chút tản mạn sau Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Hà Nội lần thứ XVIII

GPVO (28/11/2022) – Vậy là kỳ Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XVIII được tổ chức tại Giáo phận Hưng Hóa đã khép lại với những niềm vui và thành công rực rỡ. Một kỳ Đại hội nói lên được sức sống mãnh liệt và khao khát dấn thân của người trẻ giữa lòng thế giới hôm nay. Đại hội đã quy tụ hơn 15.000 bạn trẻ đến từ 11 giáo phận thuộc Giáo tỉnh Miền Bắc. Sự phong phú và đa dạng mà Đại hội mang đến là quy tụ bạn bè nhiều giáo phận, không kể giới tính, trình độ học vấn, hiệp nhất trong mối dây liên kết là Đức Kitô. Tất cả về đây để minh chứng một Giáo hội hiệp hành, hiệp thông, tham gia và sứ vụ của Đức Kitô nơi trần gian. Đó là một Giáo hội cùng nhau chia sẻ, lắng nghe, phân định và đi với nhau trên một con đường để tiến về ngôi nhà chung trên Trời.

Với chủ đề: “Hãy đến với vùng ngoại biên”, các bạn trẻ đã sống lại nguồn cảm thức sống động của Giáo hội, đó là một Giáo hội không co cụm trong nội vi an toàn nhưng chấp nhận mọi thương tích để đi đến với vùng ngoại biên. Ý nghĩa hơn nữa khi kỳ Đại hội được tổ chức tại Giáo phận Hưng Hóa, nơi được ví như “miền đất hứa” khi có diện tích lớn nhất trong các giáo phận tại Việt Nam. Đây cũng được xem như là cái nôi của văn hóa và lịch sử Việt Nam khi in hằn những dấu tích của quá trình hình thành và phát triển đất nước từ thuở sơ khai. Chính nơi đây, sự giao thoa của đất trời, con người, văn hóa và tôn giáo tạo nên bầu khí hào hùng của một dân tộc, một sức sống mãnh liệt của người trẻ trong việc xây dựng Giáo hội và xã hội.

Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc được Đức cha Fx. Nguyễn Văn Sang tổ chức lần đầu tiên tại Giáo phận Thái Bình vào năm 2001. Suốt dòng chảy của thời gian, các kỳ Đại hội liên tiếp được diễn ra với việc cung nghinh Thánh giá đến với mỗi giáo phận khác nhau trong Giáo tỉnh Miền Bắc. Liên tiếp 3 năm gần đây (2019-2022), Đại hội bị gián đoạn bởi sự hoành hành của đại dịch Covid. Dịch bệnh đã gây ra nhiều xáo trộn lớn đến đời sống vật chất cũng như tinh thần của mỗi người trên toàn thế giới. Tuy nhiên, dưới con mắt đức tin, đây cũng được xem như cơ hội để mỗi người trong gia đình nhân loại biết nhìn nhận thân phận nhỏ bé và mong manh của con người. Chính điều đó khơi dậy tình yêu, sự liên đới và tinh thần tương thân tương ái giữa con người với nhau trong việc chăm sóc và chữa lành những thương tích trong cuộc đời.

Bên cạnh đó, đại dịch Covid 19 như dấu chỉ nhắc nhở mỗi người hãy biết trở về với chính ngôi nhà của mình. Mỗi người không bao giờ để khái niệm gia đình bị lu mờ trong tâm thức nhưng phải không ngừng làm mới khái niệm đó để gia đình trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống thường ngày. Trong thông điệp gửi các bạn trẻ Việt Nam tham dự Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc lần thứ XVII, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Các con hãy về với thân nhân”. Gia đình là tổ ấm linh thiêng, nơi có sự hiện diện của những người thân thương luôn giang tay chờ đón và ấp ủ mỗi khi chúng ta trở về. Hơn nữa, gia đình là cộng đoàn đức tin sống động, mỗi người bổ túc cho nhau trong việc học hỏi và truyền dạy giáo lý.

Hơn thế nữa, Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh miền Bắc lần thứ XVIII diễn ra tại Đền Hùng, nơi đây là mảnh đất hồn thiêng đất Việt, được xem như cội nguồn, gốc rễ của dân tộc Việt với những câu truyền thuyết về dòng máu Lạc Hồng. Đối với người trẻ Công giáo, đến với mảnh đất đầy linh thiêng này là cơ hội để nhắc nhở mỗi người ý thức về cội nguồn của mình. Hơn thế nữa, là người trẻ mang trong mình họa ảnh của Thiên Chúa, ngang qua đời sống thấm nhuần tinh thần bác ái, mỗi người sẽ là ngôi sao sáng phản chiếu mọi nhân đức của Chúa Kitô nơi môi trường sống của mình.

Hơn bao giờ hết, lời Thánh Giáo hoàng Phaolô II đã nói với người trẻ rằng: “Các con là niềm hy vọng của cha, của Giáo hội và xã hội”. Điều đó như lời mời gọi mỗi người trẻ ý thức về sự hiện diện của mình giữa lòng thế giới, đó là việc trở nên những viên đá sống động xây dựng Giáo hội, xã hội ngày càng lớn mạnh. Nơi người trẻ chan chứa nguồn hy vọng lớn lao. Họ thích khám phá, thích thử thách bản thân, thích học hỏi, thích thành công cũng như thất bại… Tất cả những sở thích đó tạo nên những người trẻ tràn đầy nhựa sống và hy vọng cho toàn thể gia đình nhân loại.

Thật vậy, mỗi kỳ Đại hội qua đi, ắt hẳn mỗi người đều thu lượm cho mình những bài học để hướng tới một tương lai tươi sáng. Đại hội là thời khắc quý báu để mỗi người tái khám phá căn tính của Kitô hữu, người được sai đến trần gian như chứng tá sống động của Chúa giữa lòng đời. Đại hội cho mỗi người biết sống cảm thức mình thuộc về Giáo hội chứ không lẻ loi đơn độc trong hành trình cõi nhân sinh. Vì thế, Đại hội không phải là cuộc hội ngộ mang tính vui chơi, giải trí nhưng sâu xa là trở về nguồn.

Trong một xã hội mà khoa học – công nghệ đang chiếm lĩnh mọi sinh hoạt, sự ra đời hàng loạt những sản phẩm điện thoại, máy tính, robot hiện đại đã và đang chi phối đời sống con người. Ai ai cũng trang bị cho mình những smartphone cao cấp, những chiếc laptop hiện đại, tất cả đang sống trong guồng quay của nền văn hóa công nghệ thông tin. Vì thế, sự gặp gỡ trực tiếp để cùng nhau chia sẻ, lắng nghe và làm việc là một thách đố lớn cho giới trẻ ngày nay. Tuy nhiên, Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc lần thứ XVIII như hồi chuông kéo người trẻ đi ra khỏi sự tiện nghi đó khi tất cả được mời gọi cùng nhau đi ra vùng ngoại biên. Đó là hình ảnh Giáo hội không ngừng đi ra để đến với mọi anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa, là một Giáo hội can đảm lội ngược dòng với những giá trị của trần gian.

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã nói rằng: “Tin mừng tồn tại trong cuộc đối thoại với nền văn hóa và nếu Giáo hội ngăn cản hội nhập văn hóa thì bản thân Tin mừng sẽ im lặng. Vì vậy, các con phải can đảm khi vượt qua ngưỡng cửa của cuộc cách mạng thông tin và truyền thông đang diễn ra hiện nay”.

Ra vùng ngoại biên là ra khỏi chính sự tiện nghi của bản thân để đi đến với những mảnh đất khô cằn lời Chúa. Đi ra đồng nghĩa với những khó khăn, bách bớ, sỉ nhục và hiểm nguy. Đi ra cũng đòi hỏi mỗi người phải cắt tỉa chính bản thân mình, từ bỏ những cám dỗ của thế gian, ma quỷ và xác thịt để bước theo chân Chúa cách trọn hảo. Chính các thánh tử đạo đã nêu gương sáng cho mỗi người về sự dấn thân cao cả cho Đức Kitô. Cái chết là đỉnh điểm của một tình yêu tận hiến vì Người mình yêu. Thánh Phaolô cũng đã quả quyết rằng: Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô. Phải chăng là gian truân, phải chăng là nguy nan, phải chăng là bắt bớ… Không có gì, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa (x. Rm 8, 35-38). Chính tình yêu đặt trọn vào Đức Kitô là khí giới giúp các thánh tử đạo vượt qua mọi nỗi đe dọa và cám dỗ của trần gian.

Mặc dù Đại hội Giới trẻ Giáo tỉnh Miền Bắc lần thứ XVIII đã kết thúc  nhưng âm hưởng vẫn vang vọng trong tâm hồn mỗi người trẻ. Ước mong rằng, kỳ Đại hội này sẽ khơi gợi trong tâm hồn mỗi bạn trẻ sứ mạng loan báo Tin mừng ngay giữa lòng nhân loại. Đó là những người trẻ biết theo gương Đức Mẹ Maria đã vội vã mau mắn lên đường mang Chúa đến với người chị họ Elisabet, những người trẻ mang trong mình Chúa Giêsu cũng phải mau mắn lên đường đến với những nơi khô cằn trong cuộc đời để tưới gội trên những mảnh đất đó bằng chính đời sống bác ái và yêu thương.

Gioan Nguyễn