Từ khi chiến tranh bắt đầu ở Ucraina, nhà thờ Thánh Sophia ở Roma là nơi nhận đồ viện trợ từ khắp nơi dành cho Ucraina. Trước sự hiện diện của nhiều tín hữu và đại sứ các nước, Đức Hồng y Parolin mời gọi: “Chúng ta cùng khẩn nài Thiên Chúa hồng ân hoà bình cho Ucraina, sự ủi an vật chất và tinh thần cho các nạn nhân chiến tranh và đặc biệt cho những người tị nạn, các trẻ em, những người đã mất tất cả, những người bị bỏ lại trong cô đơn. Xin Chúa soi sáng cho các nhà lãnh đạo để họ làm việc khôi phục bình an và hoà hợp”.
Trong bài giảng, đi từ Tin Mừng nói về Vị Mục Tử Nhân Lành, Đức Hồng y quảng diễn: “Trong lễ Phục Sinh, Chúa Giêsu đã mở ra cho chúng ta những cánh cửa sự sống đời đời. Sự chết không còn quyền lực nữa, nó đã bị đánh bại trong xác phàm của Đấng Cứu Độ. Người là Đường, là Cửa để chúng ta bước vào sự sống đích thực. Tuy nhiên chiến thắng của Chúa Kitô dường như bị lu mờ trong thế giới này, một thế giới trong đó tội lỗi và sự chết xem ra chiếm ưu thế”.
Liên hệ điều này với chiến tranh ở Ucraina, Đức Hồng y nhắc đến Tuyên bố của đấng đáng kính Robert Schumann năm 1950, một trong những người cha sáng lập châu Âu. Vào lúc đó, Đấng đáng kính đã hiểu rằng con đường duy nhất để tránh xa nguy hiểm của một xung đột mới không phải là sự răn đe, hoặc xây dựng một hoà bình có vũ trang như Chiến tranh Lạnh, trái lại Schumann hiểu thấu rằng tình liên đới và chia sẻ các nguồn lực mới có thể dẫn đến hoà giải đích thực.
Theo Quốc vụ khanh Toà Thánh, trong Tuyên bố Schumann có tất cả cam kết chính trị và xã hội, được đan xen với đức tin Kitô. Vì đối với Đấng đáng kính Schumann, Chúa Kitô đã thực sự sống lại. Và chính nhờ đức tin này, vị sáng lập châu Âu này đã dấn thân làm việc vì một châu Âu thống nhất và hoà giải. Trên hành trình này, ngài đã gặp được những người khác có cùng niềm tin và dấn thân cho chính trị.
Tất cả họ đều ý thức rằng cái chết không đánh bại được cái chết khác, nhưng chỉ có sự sống đánh bại cái chết. Đứng trước cám dỗ gây bất hoà, các vị sáng lập cũng hiểu rằng cách duy nhất để đối phó với những thách đố là “lắng nghe nhau, đưa ra những lý luận của mình với sự đơn giản và trung thực, đồng thời sẵn sàng đón nhận ý kiến của người khác”. Vì điều này chúng ta gọi họ là “những người cha sáng lập”, bởi vì họ đặt nền móng cho một toà nhà mới và họ làm việc để xây dựng ở những nơi mà những người đi trước chỉ phá huỷ.
Đức Hồng y kết luận: “Di sản của những người cha sáng lập châu Âu là lắng nghe và đón nhận. Hiện nay, những điều này vẫn là sức mạnh của châu Âu. Vì thế, sẽ là điều quý giá nếu giữ cho di sản này sống động trong những tiếng ồn chói tai của thời đại chúng ta”.
Ngọc Yến