Phanxico.vn (7/3/2022)- Theo Phúc âm Thánh Gioan, trong buổi Tiệc ly, Chúa Giêsu bảo là Ngài sẽ đi xa nhưng sẽ để lại cho chúng ta một món quà chia tay, đó là bình an của Ngài, và chúng ta phải trải nghiệm món quà này theo tinh thần Ngài để lại cho chúng ta.
Vậy tinh thần này như thế nào? Làm sao chúng ta để lại bình an và di sản tinh thần khi ra đi?
Đây không phải là một chuyện mơ hồ, nhưng là điều mà chúng ta trải nghiệm (có khi vô thức) trong mọi mối quan hệ của mình. Nó như thế này. Mỗi người chúng ta đem một sinh lực nhất định vào trong mọi mối quan hệ của mình, và khi chúng ta đến đâu, sinh lực đó tác động đến cảm giác của những người ở đó. Hơn nữa, nó còn ở lại với họ sau khi chúng ta đi. Thật vậy, chúng ta đã để lại tinh thần.
Ví dụ như, nếu tôi bước vào một căn phòng, và con người của tôi phát ra sinh lực tích cực, như tin tưởng, vững vàng, tri ân, quan tâm, vui sống, hóm hỉnh, hài hước, thì sinh lực đó sẽ tác động đến mọi người trong phòng và sẽ ở lại với họ sau khi tôi đã rời căn phòng đó. Tôi đi, nhưng tinh thần đó ở lại. Ngược lại, dù tôi có nói hay chừng nào, nhưng nếu con người tôi phát ra sinh lực tiêu cực như giận dữ, ghen tương, cay đắng, dối trá, hỗn loạn, thì mọi người sẽ cảm nhận được, và sinh lực tiêu cực đó sẽ ở lại với họ cả khi tôi đã ra đi, phủ bóng lên mọi sự tôi để lại.
Sigmund Freud đã nói, chúng ta hiểu thứ gì đó rõ ràng nhất khi nó vỡ, và câu đó đúng ở đây. Ví dụ, chúng ta thấy rõ chuyện này nơi tác động của những bậc cha mẹ nghiện rượu lâu ngày lên con cái. Dù không cố ý, nhưng người đó sẽ liên tục để lại sự bất ổn, bất tín, hỗn loạn trong gia đình, và nó sẽ còn ở lại đó sau khi người đó ra đi, tinh thần người đó sẽ ở lại, dù ngắn hạn hay dài hạn. Con người của người đó sẽ khơi lên cảm giác bất tín và hỗn loạn, ký ức về người đó cũng thế.
Và đối với những người đem lại sinh lực tích cực, sự ổn định và tin tưởng, cũng vậy. Tiếc là, thường chúng ta không cảm được món quà thực sự mà những người này đem lại cũng như tác động của chúng. Nó hầu như là một sinh lực không lời, cảm nhận vô thức và phải về sau này (một thời gian lâu sau khi người đó đã ra đi) chúng ta mới nhận ra và ý thức cảm kích những gì mà sự hiện diện của họ đã làm cho chúng ta. Chuyện này cũng đúng với bản thân tôi khi nghĩ lại về sự an toàn và ổn định của mái ấm mà bố mẹ đã cho tôi. Hồi nhỏ, thỉnh thoảng tôi ước gì có những bố mẹ thú vị hơn, thậm chí còn ngô nghê cảm thấy sự an toàn và ổn định này là sự nhàm chán hơn là món quà. Nhiều năm sau, một thời gian lâu sau khi tôi rời nhà và biết được nhiều người thèm khát có được an toàn và ổn định cho thời thơ ấu đến như thế nào, tôi mới nhận ra món quà lớn lao bố mẹ đã tặng cho tôi. Bất chấp những bất toàn của con người, cha mẹ đã cho anh em tôi một nơi an toàn và ổn định để trưởng thành. Cha mẹ chúng tôi qua đời khi chúng tôi còn trẻ, nhưng đã để lại cho chúng tôi món quà bình an. Tôi nghĩ rằng nhiều người trong các bạn cũng cảm thấy thế.
Động lực này (dù là ổn định hay hỗn loạn) là điều phủ bóng hàng ngày lên mọi mối quan hệ của chúng ta, và nó càng đúng hơn nữa đối với tinh thần mà chúng ta để lại khi qua đời. Cái chết làm rõ mọi sự, nhất là với cách chúng ta được tưởng nhớ và cách di sản chúng ta tác động lên người khác. Khi người thân qua đời, mối quan hệ của chúng ta với người đó cuối cùng được làm rõ và chúng ta sẽ biết chính xác người đó là món quà hay gánh nặng trong đời chúng ta. Có lẽ phải mất một thời gian, vài tháng, có khi vài năm, nhưng cuối cùng chúng ta sẽ nhận tinh thần mà người đó để lại một cách rõ ràng, và biết đó là món quà hay gánh nặng.
Do đó, chúng ta cần nghiêm túc với sự thật là cuộc đời chúng ta không chỉ của chúng ta mà còn là của người khác. Như thế, cái chết của chúng ta không chỉ thuộc về chúng ta, mà còn thuộc về người thân, những người thân yêu và cả thế giới. Chúng ta phải trao cả cuộc sống và cái chết cho người khác như một món quà. Nếu đúng là thế, thì cái chết của chúng ta sẽ là trao món quà hay gánh nặng cho những người quen biết chúng ta.
Tôi xin trích lời của cha Henri Nouwen ở đây, nếu chúng ta chết với mặc cảm tội lỗi, hổ thẹn, giận dữ, cay đắng, tất cả sẽ cấu thành tinh thần mà chúng ta để lại, gắn chặt và đè nặng lên cuộc sống của người thân và bạn bè. Ngược lại, cái chết của chúng ta có thể là món quà cuối cùng chúng ta tặng cho họ. Nếu chúng ta chết mà không giận dữ, chết trong hòa giải, tri ân những người quanh mình, bình an với tất cả, không buộc tội, không làm cho ai phải thấy họ có lỗi, thì cái chết của chúng ta sẽ gây đau buồn nhưng không là gánh nặng gắn theo. Như thế, tinh thần chúng ta để lại, di sản thật sự của chúng ta, sẽ tiếp tục nuôi dưỡng người khác với cùng sinh lực nồng ấm mà chúng ta từng đem đến cho họ khi còn sống.
Ronald Rolheiser – J.B. Thái Hòa dịch