Vatican News Tiếng Việt (21/2/2022) – Một tranh cãi đang bùng nổ tại Pháp về việc liệu Thành phố Paris có yêu cầu khoản thuế 3,4 triệu euro mỗi năm đối với nhà thờ Đức Bà Paris vì sử dụng quảng trường phía trước Nhà thờ trong thời gian tu sửa nhà thờ hay không. Nếu có, tính cho đến khi hoàn tất công trình tu sửa, Nhà thờ phải đóng khoảng 17 triệu euro.
Quảng trường phía trước Nhà thờ Đức Bà đang được sử dụng hoàn toàn bởi công trình trùng tu Nhà thờ. Đây là việc chiếm dụng không gian công cộng và do đó, theo luật của Pháp, thành phố Paris có quyền đánh thuế.
Số tiền thuế cho toàn bộ thời gian của dự án có thể lên tới 17 triệu euro. Đây là một con số gây sốc cho các nhà tài trợ tư nhân đã quảng đại đóng góp cho dự án tu sửa Nhà thờ mà không tưởng tượng rằng số tiền của họ sẽ được dùng để trả thuế.
Chưa có phản hồi về việc xin miễn thuế
Ông Emmanuel Grégoire, Phó thị trưởng thứ nhất của Paris, cho biết trong cuộc họp báo hàng tuần vào ngày 9/2/2022, “điều luật này áp dụng cho tất cả các công trường xây dựng, công cộng hoặc tư nhân, chiếm dụng không gian công cộng”.
Ủy ban quốc hội về việc trùng tu Nhà thờ Đức Bà, do bà Brigitte Kuster đứng đầu, đã nêu lên yêu cầu về thuế này, trong một cuộc điều trần vào ngày 2/2/2022, với ông Jean-Louis Georgelin, người chịu trách nhiệm về địa điểm và đại diện của Tổng thống Cộng hòa. Ông Georgelin nói với các nghị sĩ rằng vào tháng 10/2021, ông đã đệ đơn chính thức yêu cầu miễn thuế này và cho đến nay chưa nhận được bất kỳ phản hồi chính thức nào.
Có thể dùng tiền quyên góp để đóng thuế?
Bà Kuster chia sẻ trên báo chí: “Loại thuế này thực sự áp dụng đối với các công trường xây dựng. Nhưng thành phố yêu cầu số tiền này đối với một tổ chức chỉ hoạt động dựa trên sự quyên góp. Các khoản quyên góp có nhằm mục đích đóng thuế cho thành phố Paris không? Nó chỉ đơn giản là không thể chấp nhận được”.
Sau khi Nhà thờ Đức Bà Paris bị cháy vào ngày 15/4/2019, nhiều cá nhân và tổ chức từ khắp nơi trên thế giới đóng góp cho việc trùng tu Nhà thờ. Cùng với nhiều thành phố ở Pháp, thành phố Paris công bố đóng góp 50 triệu euro. Nhưng tòa thị chính Paris sau đó tuyên bố muốn “chuyển hướng” số tiền này để phát triển môi trường xung quanh địa điểm, với việc phát động một cuộc thi quốc tế lớn, người chiến thắng trong số đó sẽ được chọn vào mùa hè năm sau. Bà Brigitte Kuster nói: “Thành phố tự đóng kín mình trong việc từ chối tham gia vào dự án này và đóng góp vào chiến dịch của lòng quảng đại trong nước và quốc tế.” (Aleteia 18/02/2022)
Hồng Thủy