Chiều ngày 13/4/2021, trái tim mẹ Xã Đoài như bừng tỉnh để chào đón gần 80 người con trở về sau gần 30 năm kể từ ngày được sinh ra. Chưa tới 3 giờ chiều, những người con đã từng học tại Lớp Tu sinh Phêrô Nguyễn Khắc Tự, nay đang sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, Bình Dương, Huế, Bắc Ninh và tại giáo phận Vinh và Hà Tĩnh,… đã có mặt đông đủ tại giáo đô, để gặp gỡ, cùng nhau ôn lại những kỷ niệm một thời đã in dấu trên mảnh đất thân thương này. Đúng là “Khi ta ở, chỉ là nơi đất ở, khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn” (Chế Lan Viên).
Chuyện kể rằng, thời nhà Đường, có một nhà sư tên là Tề Kỷ làm thơ, và nhờ Trịnh Cốc sửa, và Trịnh Cốc chỉ sửa một từ trong bài thơ, và bài thơ đã trở nên hay hơn nhiều. Cho nên Tề Kỷ đã tôn Trịnh Cốc làm thầy. Như thế, Trịnh Cốc chỉ dạy có một chữ mà được làm thầy, cho nên mới có thành ngữ “nhất tự vi sư”.
Quả thật, thành ngữ “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” nghĩa là “một chữ là thầy, nửa chữ (cũng) là thầy”, đã trở nên khá quen thuộc trong dân gian. Câu nói này nhắc nhở cho mỗi người về đạo lý thầy – trò: sống ở đời là phải biết ơn người dìu dắt, dạy dỗ mình, dù chỉ là điều nhỏ nhất.
Vào thập niên 90, những chàng trai trẻ của giáo phận mong muốn trở thành linh mục, tu sĩ để dấn thân phục vụ Chúa và Giáo Hội khá mạnh mẽ. Để chuẩn bị cho họ có kiến thức cũng như những điều kiện khả dĩ có thể đạt được mong ước của mình, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã mở một lớp học mang tên “Lớp Tu sinh Phêrô Nguyễn Khắc Tự”. Đức cha Phaolô Maria đã đồng hành với họ và đã mời những thầy cô, đạo cũng như đời về giảng dạy.
Gặp lại nhau sau gần 30 năm, hình như họ quên mình là linh mục, tu sĩ, giảng viên đại học, thương gia, giáo lý viên, trưởng ca đoàn… mà cứ ngỡ mình là chú A, chú B, cô C ngày xưa, để rồi vui đùa một cách thỏa thích và hàn huyên một cách thân mật và cởi mở… Ai cũng hào hứng, phấn khích và lâng lâng cứ ngỡ như mơ, về cuộc hạnh ngộ quý giá này.
Những cái tên như thầy già Lợi, thầy già Hậu, thầy già Long cứ được nhắc đi nhắc lại trong phòng hội. Đặc biệt là thầy Hậu. Có nhiều người đã nói rằng nhờ thầy Hậu mà họ biết cách viết văn, để có cơ hội thi vào Đại Chủng viện cũng như Học viện… Ai cũng tiếc nuối vì thầy mới được Chúa gọi về chưa được một tháng, không có cơ hội hiện diện với anh chị em trong ngày này.
Vào thời điểm khó khăn về nhiều mặt, nhưng cũng đã có những thầy cô đang dạy ở trường đời – Đại học Vinh hoặc trường PTTH Nghi Lộc I – đã về tham gia giảng dạy, như thầy Thành, thầy Hà, cô Hưởng, cô Quế, cô Tươi, cô Hòe. Phải nói rằng thời điểm đó mà các thầy cô đã đến với môi trường Công giáo để giảng dạy thì quả là can đảm. Hôm nay, thật khó diễn tả được niềm vui của quý thầy cô khi được về đây chứng kiến sự trưởng thành của thế hệ học trò mà một thời mình đã hướng dẫn.
Thánh lễ Tạ ơn tại nhà thờ Chính tòa Xã Đoài được diễn ra thật nghiêm trang, sốt sắng. Hôm nay Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên không phải là vị chủ tế, mà chỉ tham dự thánh lễ với các thầy cô giáo và giáo dân, bởi lẽ, để nói lên lời cảm ơn sâu nặng nhất của anh chị em cựu tu sinh, chính các cha học trò dâng thánh lễ đặc biệt này cầu nguyện cho ngài, quý thầy cô cũng như cho cộng đoàn. Vị chủ tế, cha Phaolô Trần Ngọc Du, cũng kêu gọi cộng đoàn phụng vụ cầu nguyện đặc biệt cho cha Giuse Nguyễn Tiến Lợi và thầy Giacôbê Võ Văn Hậu, hai người thầy đã ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ học trò này.
Ngày hội ngộ đã để lại dấu ấn sâu đậm nơi Đức cha Phaolô Maria, quý thầy cô cũng như anh chị em cựu tu sinh. Lần gặp gỡ đầu tiên đầy ấn tượng này đã khai mở một chương trình mới, sẽ có những ngày hội ngộ định kỳ trong tương lai để anh chị em có cơ hội nhiều hơn tiếp tục ôn lại những kỷ niệm cũng như động viên nhau sống đời sống đức tin của mình tốt hơn hầu đem lại lợi ích nhiều cho Giáo Hội và xã hội.
Cựu tu sinh Phêrô Nguyễn Khắc Tự