(PL)- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đi nhẹ nhàng tại căn nhà trong con hẻm nhỏ ở đường Trần Khắc Chân (quận 1, TP.HCM) vào chiều 26-12, sau 96 năm sống một cuộc đời nhiều thăng trầm.
Cho dù nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý ra đi nhẹ nhàng, đến tuổi “cưỡi hạc về trời” nhưng sự ra đi đó vẫn để lại nhiều khoảng trống với nền âm nhạc Việt Nam.
Đã chuẩn bị sẵn cho mình nơi chốn trở về
Người viết từng đến thăm nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý nhiều lần trong căn nhà của ông ở Tp.HCM. Đầu con hẻm nhỏ ban sáng là chợ, căn nhà không nhiều không gian lẫn đồ đạc. Như bao người già, mỗi lần gặp người thân, bạn bè ông thường rơi nước mắt, tủi thân… khi kể nhớ ngày xưa, nhất là nhớ những mùa tết ông là trưởng đoàn văn công Sư đoàn 304 hay công tác ở Chi hội Văn nghệ Liên khu IV. Thuở như lời ông từng kể: “Tôi ít được có niềm vui một mình nên tết vui nhất là tết với các anh em trong không khí tập thể. Hồi đó tết bộ đội cũng nghèo lắm nhưng anh em vui vẻ và cứ ôm đàn ca hát thâu đêm. Niềm vui tết chẳng đến từ bánh mứt hay quần áo mà là tình thân với nhau”.
Khi ghé thăm nhà ông, nhiều người bất ngờ vì trong căn nhà giản dị đó, bàn thờ Thánh gia được đặt trang trọng. Có lẽ việc cậu bé Nguyễn Văn Tý ngày xưa từng được học nhạc lý ở nhà thờ, rồi từng theo đạo Công giáo khi lập gia đình với người vợ đầu tiên đã thôi thúc ông tìm nơi trở về cho tâm hồn mình những ngày cuối đời. Ông quyết định trở lại đạo Công giáo vài năm gần đây.
Mỗi tuần nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đều được rước Mình Thánh Chúa tại nhà từ tu sĩ hoặc linh mục Giáo xứ Thánh Gia (Giáo hạt Tân Định), hàng xóm cùng đạo chăm sóc nhau… Đó là niềm an ủi tinh thần cho một người ngoài 90 tuổi không sống cùng con cái. Dù gia đình, Hội Âm nhạc TP.HCM tổ chức lễ tang cho ông theo nghi thức nào thì với riêng ông, ông đã chuẩn bị cho mình nơi chốn trở về. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý hay Phêrô Nguyễn Văn Tý đã lãnh nhận bí tích xức dầu khoảng một năm trước khi sức khỏe ông yếu đi, đó như là sự chuẩn bị cho ngày trở về nhà Chúa của ông…
“Với tôi, cha tôi làm gì cũng đúng”
Trong ký ức con gái thứ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nghệ sĩ piano Nguyễn Thái Linh, thì lần đầu tiên cô thấy một người đàn ông khóc đó chính là cha mình. “Quãng năm 1971-1972, khi tôi được trúng tuyển đi Nga du học thì gia đình tôi nhận được đơn tố cáo cha tôi tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm. Ngay thời khắc biết con mình không thể đi du học ngay vì mình, cha tôi đã rơi nước mắt. Sau đó Bộ Văn hóa cũng có ý kiến, tôi cũng đã đi du học dẫu bị muộn hơn một năm so với dự kiến trước đó.
Cả cuộc đời cha tôi, tôi nghĩ ông không có gì nuối tiếc. Bởi ông cống hiến cả đời cho âm nhạc rồi. Với cuộc sống riêng của ông, đó là cuộc đời ông, ông có quyền mưu cầu hạnh phúc riêng tư, tất cả con cháu không được lấy danh nghĩa con cháu để ý kiến. Với tôi, cha tôi làm gì cũng đúng” – chị Nguyễn Thái Linh chia sẻ.
Linh cữu của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được quàn tại Nhà tang lễ Tp.HCM từ 10 giờ ngày 27-12. Sáng 29-12, linh cữu sẽ được đưa đi an táng tại nghĩa trang hoa viên Bình Dương. Trước khi linh cữu nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý được di quan ra Nhà tang lễ Tp.HCM, lễ nhập liệm theo nghi thức Công giáo đã diễn ra vào sáng 27-12 tại tư gia. |
Hàng loạt giai điệu quê hương thiết tha từ máu thịt
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý (1924-2019) được nhắc nhiều với ca khúc Dư âm. Đây có thể xem là một bản tình ca sang trọng của tân nhạc Việt Nam. Ca khúc từng được nhiều người hát, trong đó cặp đôi diễn viên Kim Chung và Kim Xuân hát trong phim Kiếp hoa (1953) để lại nhiều dấu ấn trong lòng công chúng.
Từ bộ phim điện ảnh miền Bắc công chiếu nhiều rạp ở miền Nam này mà thời đó tên tuổi nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý cũng Nam tiến với Dư âm qua giọng hát nhiều ca sĩ. Trong các ca sĩ miền Nam hát nhạc Nguyễn Văn Tý, giọng ca Sĩ Phú thu âm đầu tiên Dư âm trong băng nhạc chủ đề Nghệ sĩ với cây đàn do nhạc sĩ Phạm Mạnh Cương thực hiện.
Nhiều người nghe những bản nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý thường chú ý đến phần ca từ dung dị, chân quê… nhưng đẳng cấp âm nhạc của ông không chỉ ở ca từ mà chính là giai điệu. Dù sử dụng khí nhạc phương Tây trong sáng tác nhưng nhạc Nguyễn Văn Tý vẫn mang hơi thở dân gian đậm đặc. Hàng loạt ca khúc Vượt trùng dương, Mẹ yêu con, Người đi xây hồ Kẻ Gỗ, Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh… trong giai điệu đã có vang sẵn âm sáo, đàn bầu, đàn tranh… Đặc biệt đó là những điệu ví, hò khoan, hát ru miền Trung… đã nằm trong máu thịt của nhạc sĩ.
Tất cả rồi cũng khép lại, cả hào quang lẫn những ưu tư, nói như chị Nguyễn Thái Linh, con thứ của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý: “Không ai có quyền nói gì cha vì đó là cuộc đời của cha”.
Quỳnh Trang