GPVO (11.4.2021) – Tuần chầu của giáo xứ Kẻ Gai nằm trong Tuần cửu nhật kính Lòng Chúa Thương Xót. Ngày này đã được Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II chính thức thiết lập vào Chúa nhật II sau lễ Phục Sinh theo đúng yêu cầu của Chúa Giêsu mà chị Faustina đã ghi trong nhật ký (NK) của mình: “Cha mong ước Chúa nhật sau lễ Phục Sinh sẽ là ngày đại lễ kính lòng thương xót Cha” (NK số 299).
Những ai xưng tội, rước lễ và viếng những nhà thờ đang có tuần Chầu Lượt thì được hưởng đại xá (Đức Thánh Cha Clementê VIII-Tông chiếu Graves et diuturnae, ngày 25/11/1592). Đến năm 1900, dưới thời Đức Giáo Hoàng Clêmentê XI, Thánh Bộ Lễ Nghi đã ban bố Sắc lệnh chấp thuận hình thức chầu lượt này. Nội dung chính của Sắc lệnh này dạy phải long trọng đặt Mình Thánh Chúa ra bên ngoài để giáo dân kính viếng trong 40 giờ liên tiếp. Việc thực hành ấy (chầu lượt 40 giờ) còn tồn tại cho tới ngày nay trong khắp Giáo Hội. Riêng ở Giáo phận Vinh, tuần chầu lượt có từ năm 1918, dưới thời Đức Cha André Joseph Eloy Bắc, Tuần chầu được chính thức quy định trong Thư Chung đề ngày 19/06/1918.
Đức cha Phaolô Maria: “Cầu nguyện với Lòng Chúa Thương Xót và trở thành chứng nhân của Lòng Thương Xót”.
Vào lúc 15g30’ ngày 10/4/2021, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và chủ tế thánh lễ trong tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể tại Giáo xứ Kẻ Gai. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản xứ Phanxicô X. Nguyễn Hồng Ân, quý cha trong và ngoài giáo hạt Cầu Rầm, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giảng trong thánh lễ, khởi đi từ lịch sử và ý nghĩa thâm sâu của ngày lễ kính Lòng Chúa Thương Xót, Đức cha mời gọi cộng đoàn hiện diện năng cầu nguyện với cũng như giúp nhiều người nhận biết lòng thương xót của Chúa và biết thể hiện lòng thương xót của mình với tha nhân. Lễ kính này bắt nguồn từ vực sâu nhân ái vô biên của Chúa. Xuất phát điểm của ngày lễ là là tình yêu tuôn trào từ trái tim nhân hậu của Đấng Emmanuen với nhân loại. Vì yêu Ngài đã “trút bỏ” vinh quang của một vị Thiên Chúa uy quyền, “mặc” lấy thân nô lệ, “tự hạ” mình để đến trong trần gian, mà thực hiện công cuộc cứu độ con người: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2, 6-8). Tình yêu đó là tình yêu “tự hiến”, chấp nhận hy sinh tính mạng cho người mình yêu: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15, 13). Cảm nghiệm về tình yêu của Chúa, mỗi tín hữu biết dành thời gian đến với Chúa nhiều hơn, cầu nguyện với Lòng Thương Xót của Chúa ngang qua việc tôn sùng Bí tích Thánh Thể, bảo chứng cho sự hiện diện tình yêu của Chúa giữa lòng thế giới hôm nay: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28, 20), để kết hợp nên một với Chúa và để Chúa đồng hóa ta với Ngài. Bên cạnh đó, mỗi Kitô hữu biết noi theo mẫu gương Giêsu là hiện thân lòng thương xót của Thiên Chúa, mà sống tinh thần từ bỏ và cho đi, thậm chí dám quên mình vì tha nhân. Nghĩa là, trở thành những tông đồ của Lòng Thương Xót Chúa, rao truyền và sống chứng tá cho tình yêu Chúa, hầu khắp nhân loại ai ai cũng nhận biết mà chạy đến van xin lòng thương xót của Chúa, và để cả hoàn cầu được hân hoan, hạnh phúc trong bầu khí của nền văn minh tình thương, tràn ngập niềm vui Tin Mừng cứu độ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28, 19-20). Điều Chúa dạy cho các môn đệ thuở xưa không gì khác ngoài việc “mến Chúa và yêu người” để đạt được hạnh phúc đích thực ngay từ cuộc sống trần thế cho đến mai sau trên Thiên Đàng.
Cha Tổng Đại diện Phêrô: “Lòng Chúa Thương Xót luôn bao bọc, luôn ấp ủ chúng ta”.
Vào lúc 8g Chúa nhật II Phục Sinh 11/4/2021, cha Tổng Đại diện Phêrô Nguyễn Văn Vinh đã chủ tế thánh lễ cao điểm của tuần chầu đền tạ Chúa Giêsu Thánh Thể tại giáo xứ Kẻ Gai. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ với cha Phêrô có cha quản xứ Phanxicô X. Nguyễn Hồng Ân, quý cha Tòa Giám mục, quý cha Tiền Chủng viện Xã Đoài và Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, quý cha trong và ngoài giáo hạt Cầu Rầm, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giảng trong thánh lễ, khởi đi từ các bài đọc, nhất là bài Tin Mừng theo Thánh Gioan, cha Phêrô quảng diễn về Lòng Chúa Thương Xót, qua đó mời gọi mỗi tín hữu nhận ra Lòng Thương Xót của Chúa và sẵn sàng trở thành những sứ giả của Lòng Chúa Thương Xót. Lòng thương xót Chúa luôn bao bọc, luôn ấp ủ chúng ta. Tình Chúa thương ta từ đời đời: “Trước khi cho ngươi thành hình trong dạ mẹ, Ta đã biết ngươi; trước khi ngươi lọt lòng mẹ, Ta đã thánh hóa ngươi” (Gr 1, 5) và cho đến muôn đời Ngài vẫn luôn thi thố tình thương của Ngài cho ta, ngang qua Bí tích Thánh Thể, Ngài ở cùng nhân loại mọi ngày cho đến tận thế (x. Mt 28, 20). Cha Phêrô nhấn mạnh đến ba điểm sau: Thứ nhất, Chính Lòng Chúa Thương Xót ban cho mỗi tín hữu sự bình an giữa mọi trạng huống của cuộc đời. Chúa là Đấng tư bi và hay thương xót, Ngài đã từng thổ lộ: “Trái tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi” (Hs 11, 8). Chính sự “thổn thức” và “bồi hồi” đó là căn nguyên để Chúa luôn đoái nhìn đến nhân loại, ban bình an cho nhân loại như Ngài đã ban bình an cho các Tông Đồ xưa sau khi Ngài sống lại. Thứ hai, Chúa Phục Sinh luôn mang trên mình những thương tích của cuộc khổ nạn. Những thương tích đó không chỉ của riêng Chúa, mà Ngài còn mang lấy những nỗi đau đớn, khốn cùng, phiền muộn,… đang diễn trong đời sống của nhân loại. Mỗi tin hữu đến với Lòng Thương Xót Chúa để thấy được giá trị và ý nghĩa của cuộc đời mình, khi biết kết hợp những thương tích gặp phải trên hành trình lữ thứ trần gian với những thương tích của Chúa. Ngài sẽ luôn bên cạnh để ban ơn nâng đỡ và trợ giúp ta vượt qua mọi nghịch cảnh đến khi tất cả được hoàn tất vào ngày sau hết. Thứ ba, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần các môn đệ “mở cửa” đi ra loan truyền Lòng Thương Xót của Chúa cho nhân loại. Sau khi Phục Sinh, Chúa đã đến và thổi hơi, ban Thánh Thần cho các môn đệ đang nhóm họp trong phòng kín: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20, 22-23). Điều này có nghĩa là, Chúa trao quyền năng cho các Tông Đồ để các ông dùng quyền năng đó mà phục vụ dân Chúa, thi thố tình thương cho nhiều nơi đang đắm chìm trong hận thù, ghen ghét, chia rẽ, chiến tranh,… vì mục đích mở rộng vương quyền Chúa Kitô và “quy tụ con cái Thiên Chúa đang tản mác khắp nơi về một mối” (Ga 11, 52).
Hơn bao giờ hết, mỗi tín hữu ý thức điều này: “Thiên Chúa không bao giờ biết mệt mỏi khi tha thứ, chính chúng ta là kẻ cảm thấy mệt mỏi khi cầu xin lòng thương xót của Người” ( Đức Thánh Cha Phanxicô, Tông huấn Niềm vui Tin Mừng, số 3). Như vậy, mỗi tín hữu biết dành thời gian để lắng đọng tâm hồn, cảm nhận, suy chiêm và đón nhận Lòng Chúa Thương Xót trong tâm thế của người tội lỗi chứ không phải trong tâm thế của người phán xét. Đồng thời, cũng biết cảm tạ Chúa luôn thứ tha tội lỗi lại ban ơn nâng đỡ con người. Ngoài ra, mỗi tín hữu cũng được mời gọi thực thi chức vụ ngôn sứ khi lãnh Bí tích Rửa tội của mình, là trở thành những “thừa tác viên” của Chúa, sống hiệp nhất, yêu thương và phục vụ mọi người cũng như mọi thời.
Giáo xứ Kẻ Gai là một trong các xứ đạo có bề dày lịch sử và truyền thống đạo đức trong giáo phận. Theo lịch sử Giáo phận Vinh, hạt giống Tin Mừng được gieo vào vùng đất Kẻ Gai từ thế kỷ XVIII. Sự đạo ở đây được phát triển mạnh mẽ và đến năm 1853, Giáo xứ Kẻ Gai được chính thức thành lập (x. Lm. Trương Bá Cần, Lịch sử Giáo phận Vinh, tr 228). Giáo xứ có gần 6000 tín hữu. Vùng đất này được biết đến với tinh thần hiếu học và lòng đạo sốt sắng. Riêng giáo họ Kẻ Gai là quê hương của Đức Giám mục Phêrô Nguyễn Năng (1910-1978), cùng hơn 20 Linh mục hiện đang phục vụ trong giáo phận.
Pet. Lê Hồ