Những nâm gần đây, tu sĩ Việt Nam xuất ngoại khá nhiều, một phần để đáp ứng những nhu cầu nội tại, một phần đề hưởng ứng lời kêu mời gửi tu sĩ Việt Nam sang, để bù đắp sự thiếu hụt ơn gọi tại một vài nước bên Âu Châu. Thực sự, một số dòng như Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, Mân Côi Chí Hòa và Đa Minh v.v… đã làm công việc này từ mấy năm nay. Còn lại, phần chính yêu là các giáo phận cũng như dòng tu gửi tu sĩ đi học, để có người về giảng dạy trong các chủng viện và học viện hay làm những công việc mang tính chuyên môn trong các lãnh vực giáo lý, giáo dục, xã hội, truyền thông, v.v…
Theo một bài báo trên VietCatholic vào dịp Đại Hội Tu Sĩ Việt Nam ở Mỹ, hiện nay có chừng 2000 nữ tu thuộc nhiều dòng tại Việt Nam đang làm việc và du học bên đó, ấy là chưa kể con số các linh mục và tu sĩ. Như vậy đủ chứng tỏ “hiện tượng” tu sĩ xuất ngoại hiện nay là một thực tại.
Điều này là một sự kiện đáng mừng cho Hội Thánh tại Việt Nam. Nó chứng tỏ sinh lực của giới tu sĩ và mối bận tâm của các vị có trách nhiệm muốn chuẩn bị cho Giáo Hội những giáo sư chuyên nghiệp, để giảng dạy trong các chủng viện và học viện, đồng thời tạo được những nhà chuyên môn có phẩm chất để làm việc trong nhiều địa hạt khác nhau. Thành quả của mối bận tâm đó là một số các vị được tấn phong giám mục mới đây, đều là những du học sinh ở nước ngoài về.
Tuy nhiên, vấn đề không hẳn là đơn giản và dễ dàng, vì muốn gửi đi thì không phải lúc nào và ai cũng được, mà phải chuẩn bị: chuẩn bị tài chánh, (nếu không tìm được học bổng), chọn người có đủ diều kiện và chú tâm làm công việc được giao phó. Ở xứ người có nhiều điều hay và cảnh lạ, nhưng cũng không thiếu các trở ngại, như ngôn ngữ, khí hậu, phong tục, thực phẩm, học vấn, v.v…
Người được đi du học thường dễ bị cám dỗ coi mình thuộc thành phần ưu tuyển. Có thể là như thế. Nhưng thiết tưởng nên dẹp bỏ thái độ này. Người khiêm nhường sẽ được quí mến và nể trọng hơn. Ngoài ra là trong thời gian học tập sẽ phải vất vả với việc tiếp thu kiến thức và “vật lôn” với những cuộc thi cử. Vì những nỗi “éo le” này mà có người không chịu nổi, đành phải “bán đồ nhi phế”. Rút kinh nghiệm này, những ai sắp được đi du học nên kiểm nghiệm xem mình có đủ sức chịu thử thách về nhiều phương diện trong thời gian này không.
Còn một vấn đề nữa là khi du học về, có người được bổ nhiệm vào những công việc phù hợp với môn mình đã học, có người lại được đặt vào những chỗ không thích hợp, hay được giao cho những công việc không ăn nhập gì với ngành mình đã học.
Đối với các nam tu sĩ hay linh mục thì đỡ hơn, còn đối với nữ tu thì nhiều khi có vấn đề. Vấn đề ở chỗ các chị em học chuyên môn một ngành nào đó, khi về nước lại được chỉ định làm một việc không liên quan gì đến ngành đã học, như tốt nghiệp về Tâm Lý, khi về lại được giao cho chức vụ Giám Đốc Nhà Trẻ và những trường hợp tương tự như thế, v.v… Thật là đáng tiếc !
Điều đáng mừng nữa là hiện nay có chừng 1.200 linh mục dòng triều đang sinh sống và làm việc tại Mỹ, đó là chưa kể chừng 200 linh mục Việt Nam đang du học ở đây. Trong số này, nhiều người có bằng cấp và chuyên môn cao. Những vị này có thể về nước giúp, khi nào hoàn cảnh cho phép. Ngoài ra, lại có hai vị làm vẻ vang cho giới linh mục và tu sĩ Việt Nam, đó là linh mục Matthêu Nguyễn Khắc Hy, SSS, một nhà thần học người Việt, hiện là Giám đốc Đại Chủng Viện Assumption Seminary, San Antonio; L.m. Tôma Nguyễn Đình Anh Nhuệ hiện là Viện Trưởng Viện Thần Học Giáo Hoàng Thánh Bonaventure, Roma; và linh mục Lê Minh Thông, nay là giáo sư Trường Kinh Thánh Gĩê-ru-sa-lem, v.v… Trường này rất danh tiếng; ai xuất thân ở trường này chỉ cần đề trên danh thếp: cựu sinh viên Trường Kinh Thánh Giê-ru-sa-lem là đủ rồi. Như thế, là giáo sư thì laị càng có thế giá hơn.
Cuối cùng, tu sĩ xuất ngoại là một cơ hội tốt. Thiết tưởng quí vị hữu trách trong vấn đề này nên biến thành một chính sách từ đầu đến cuối, nghìa là từ việc tìm người để cử đi, tìm nơi để cử đến, hướng dẫn môn học và liên lạc thường xuyên với đương sự trong thời gian du học, nhằm nâng đỡ khuyến khích thiện chí, và khi đi du học về thì bổ nhiệm vào những công việc tương xứng và phù hợp với khả năng và ngành học đương sự đã theo đuổi.
Như vậy sẽ tránh được sự lãng phí, vì dùng người không đúng chỗ và đúng việc, lại vô hình trung, làm giảm thiểu hiệu năng của người được bổ nhiệm.
Lm. An-rê Đỗ Xuân Quế o.p.
(VietCatholic News)