Khi trò chuyện với bạn bè Công giáo đến từ các quốc gia khác nhau, tôi không giấu được niềm tự hào mình là con dân đất Việt với bề dày truyền thống đạo nghĩa. Khi nói về Việt Nam, người ta ấn tượng về các nhà thờ mở cửa từ sáng sớm mọi ngày trong tuần mà vẫn đông nghịt người đủ mọi lứa tuổi tham dự thánh lễ, lúc mưa gió bão bùng cũng như khi trời quang mây tạnh. Ngoài ra, Việt Nam là đất nước sản sinh rất nhiều ơn gọi tận hiến, dù là dòng địa phương hay dòng quốc tế. Cũng có người hỏi tôi vì sao ở Việt Nam có nhiều người đi tu vậy; sự thực là tôi không biết phải trả lời thế nào, bởi vì đó là việc Chúa làm tôi không hiểu được.
Đọc lại lịch sử truyền giáo ở vùng châu Á, tôi ngạc nhiên và vui mừng khi thấy hạt giống Tin Mừng được gieo ở Việt Nam đã lớn mạnh nhanh chóng và trổ sinh nhiều hoa trái tốt đẹp, đặc biệt là ở số lượng tu sĩ khá dồi dào như hiện này. Trong khi ơn gọi đời tu ở phương Tây có xu hướng giảm và một số nơi có thể nói là không tìm thêm được ơn gọi mới nữa thì ở Việt Nam vẫn có nhiều bạn trẻ đang khao khát tìm hiểu đời tu. Hiện nay có khá nhiều dòng quốc tế đến Việt Nam để tuyển mộ ơn gọi. Nhờ đó tu sĩ người Việt có cơ hội diện diện khắp nơi trên thế giới trong các hội dòng khác nhau. Đó là một điều rất đáng vui mừng!
Tuy nhiên, cần phải nói thêm rằng dù nhiều nơi đang thiếu ơn gọi nhưng không phải vì vậy mà họ dễ dãi trong việc tuyển chọn ơn gọi từ Việt Nam. Có lần tôi nghe biết một tu sĩ đã sống lâu năm ở nước ngoài chuẩn bị làm thủ tục xin gia nhập chính thức vào Tỉnh dòng ở đó. Tôi nói đùa: “Họ đang thiếu ơn gọi, kiểu gì chẳng nhận mình!” Khi đó tôi được giải thích là sự thật không phải vậy. Họ vẫn rất khắt khe khi thâu nhận người nước ngoài. Có thể nói rằng càng thiếu “số lượng” thì họ càng cần người có “chất lượng” hơn. Điều này xảy ra ở đất nước khác khi một tu sĩ Việt Nam được trả về với lý do: “Vì thiếu người nên chúng tôi cần một người có tầm nhìn lãnh đạo, chứ không cần một người thợ chỉ đâu làm đó!” Lại ở một đất nước khác khi nhà dòng nọ gần như không thể tìm được ơn gọi tại địa phương, họ nhận 3 đệ tử ở Việt Nam đưa sang để huấn luyện. Tương lai của cả một hội dòng đặt trên vai 3 em này. Nói như vậy để hiểu được bối cảnh hiện nay là người ta đặt rất nhiều kỳ vọng vào ơn gọi người Việt dấn thân trong những dòng tu quốc tế. Đây có thể là một gánh nặng nhưng đồng thời cũng là sứ mạng vinh dự mà các tu sĩ Việt Nam được mời gọi chung sức gánh vác.
Tương truyền rằng thời xưa khi các thừa sai rời bỏ quê hương xứ sở để đi đến truyền giáo ở những vùng đất xa xôi, trong đó có Việt Nam, thì giáo xứ nhà của họ rung chuông báo tử. Lý do một phần là bởi vì ngày xưa đường sá xa xôi cách trở, đủ mọi hiểm nguy trên đường đi cũng như điều kiện sinh hoạt thiếu thốn ở vùng truyền giáo, nên đi là không hẹn ngày về. Một lý do khác là tinh thần truyền giáo thời đó rất mạnh mẽ, đã lựa chọn ra đi là quyết tâm sống chết với nơi mình được sai đến, không còn lưu luyến quê hương gia đình nữa. Trong một lần viếng thăm các cha nhà hưu, trong đó có nhiều cha là người nước ngoài, tôi được dặn trước là đừng hỏi các cha về quê hương của họ. Các cha sẽ không vui khi người khác nói về quê quán của mình như thể là các cha chỉ mong ngóng có ngày trở về. Không phải vì các cha thù oán gì quê hương nhưng là vì các cha đã tự nguyện gắn bó với mảnh đất truyền giáo và coi đó là quê hương thứ hai của mình, không hề mơ tưởng trở về quê cha đất tổ nữa. Tinh thần hy sinh như vậy thật là đáng trân trọng.
Việc truyền giáo ngày xưa và ngày nay vẫn luôn có những khó khăn nhất định. Nếu như các thừa sai thời xưa phải chịu những thách đố về phương tiện đi lại và điều kiện sinh hoạt thiếu thốn thì ngày nay các tu sĩ Việt Nam ở nước ngoài lại gặp những khó khăn khác. Sống trong một cộng đoàn phần lớn là những người lớn tuổi, chênh lệch tuổi tác là một bất lợi cho các tu sĩ trẻ. Nhiều khi buồn buồn muốn tâm sự nhưng các cụ già lại không thể đồng cảm với mình được. Đó là chưa kể khác biệt về văn hóa, khó khăn trong ngôn ngữ giao tiếp. Ngay cả khi đi làm việc mục vụ bên ngoài thì các tu sĩ đôi khi vẫn gặp phải vấn đề kỳ thị chủng tộc hay so sánh về trình độ học vấn. Nói chung là những tu sĩ người Việt phục vụ ở nước ngoài phải chịu rất nhiều thách đố.
Theo lẽ thường, khi người tu sĩ gặp khó khăn thì họ cần đến sự an ủi, đỡ nâng. Một trong những nguồn an ủi lớn lao của người tu sĩ sống xa quê chính là tình gắn kết với quê hương, gia đình. Quê hương là một phần máu thịt của mỗi người. Dù đang dấn thân phục vụ ở một đất nước xa xôi, các tu sĩ vẫn luôn mang trong mình hơi thở của quê hương. Ai nói mình đã hoàn toàn từ bỏ quê hương thì e rằng họ đang dối lòng. Thật may là sự phát triển của công nghệ thông tin giúp con người kết nối với nhau dễ dàng hơn trước. Nếu như các nhà truyền giáo thời xưa muốn gửi thư tay về gia đình phải mất mấy tháng đường biển thì bây giờ người tu sĩ với chiếc smartphone có thể trò chuyện hàng giờ với người thân trong gia đình hay bạn bè gần xa. Ngay cả các công việc mang tính mục vụ như tư vấn, đồng hành thiêng liêng vẫn có thể được thực hiện dễ dàng qua mạng. Cuộc sống riêng tư của người tu sĩ trở nên gần gũi hơn người khác khi những họ thường xuyên đăng những hình ảnh sinh hoạt hàng ngày, cảnh vui chơi đó đây hay những dòng tâm sự nhỏ to bày tỏ nỗi niềm.
Tuy nhiên, cái gì cũng có hai mặt của nó. Nếu như công nghệ là phương tiện giúp người tu sĩ kết nối với người khác để tìm được an ủi giữa những khó khăn trong đời sống sứ vụ thì nó cũng chính là nguy cơ hạn chế người tu sĩ sống dấn thân hết mình trong đời tu. Khi tôi hỏi một bà cố có con đang tu ở nước ngoài “Bà cố có nhớ con mình không?”, bà thẳng thắn trả lời: “Ối dào, có gì đâu mà nhớ, ngày nào cũng thấy nó chường mặt trên facebook đó thôi!” Tôi không nghĩ đó chỉ là lời nói bâng quơ, bởi vì đằng sau nhận xét đó là cả một nỗi niềm đau đáu về đời tu của con mình. Tâm lý con người vốn rất rõ ràng, mỗi khi quan tâm một điều gì đó quá nhiều thì những điều khác trở nên ít quan trọng hơn. Không có tu sĩ nào chỉ tu trên “cõi phây” cả. Dù người tu sĩ chia sẻ tất tần tật những việc họ làm, những điều họ nghĩ về đời tu trên facebook của mình thì mạng xã hội vẫn không thay thế được tu viện hay đời sống cộng đoàn của họ. Dĩ nhiên chất liệu từ đời sống cầu nguyện riêng tư với Chúa thì khó có thể chia sẻ được với ai và cũng khó gây ấn tượng với người khác. Do đó người thực sự sống đời tu sẽ không tìm được nhiều hứng thú từ những tương tác trên mạng xã hội. Ngay cả dòng tâm tình thiêng liêng sâu sắc nhất cũng trở nên lạc lõng giữa những hình ảnh hay clip khác trên mạng vốn sống động và có sức hấp dẫn hơn nhiều.
Nếu như các thừa sai ngày xưa “chân bước đi đầu không ngoảnh lại” thì ngày nay nhiều tu sĩ Việt Nam sống ở nước ngoài vẫn “một lòng hướng về quê hương.” Đó phải chăng là một dấu hiệu cho thấy họ vẫn chưa thực sự từ bỏ mọi sự để bước theo Chúa? Vâng, theo Chúa không có nghĩa là phải cắt đứt liên lạc với gia đình hay xóa bỏ tình liên đới với quê hương đất nước. Tuy nhiên, người môn đệ của Chúa được mời gọi dấn thân trọn vẹn trong sứ mạng được giao ở vùng đất mới. Người ta gọi đó là việc hội nhập văn hóa hay là sống mầu nhiệm nhập thể. Vì lòng yêu mến dành cho các linh hồn, người tu sĩ hăng say phục vụ bất cứ người nào ở bất cứ nơi đâu, không nhất thiết phải là đồng bào dân tộc mình. Thực ra căn cốt của đời tu ở đâu cũng giống nhau: sống tinh thần cầu nguyện và dấn thân phục vụ tha nhân. Nếu không có được điều căn cốt đó thì những mối tương quan trên mạng xã hội sẽ trở thành cám dỗ khiến người tu sĩ xao nhãng đời tu hơn.
Tôi rất khâm phục các tu sĩ đã quảng đại đáp lại lời mời gọi lên đường loan báo Tin Mừng ở những nơi người ta chưa biết Chúa hoặc đã biết Chúa nhưng bỏ bê đời sống đức tin. Những tu sĩ này phải chịu thiệt thòi không nhỏ về mặt tình cảm khi phải sống xa quê hương gia đình. Về mặt con người, họ không thể tránh được những phút giây yếu lòng, cô đơn, nản chí. Họ thực sự cần đến những lời động viên an ủi từ gia đình, bè bạn. Tuy nhiên, chính họ cũng phải tỉnh táo phân biệt giữa những nguồn an ủi lành mạnh và những cạm bẫy đến từ mạng xã hội. Họ cần đến những người bạn chân thành, ở trong dòng hay ngoài dòng, để trút bầu tâm sự. Họ cũng cần đến những người tu sĩ lớn tuổi có nhiều kinh nghiệm làm vai trò linh hướng, giúp đồng hành vượt qua khó khăn trong đời tu. Họ nên tìm được niềm vui trong công việc phục vụ của mình, dù đó chỉ là những hy sinh thầm lặng ít ai biết đến. Và quan trọng nhất, họ phải khát khao mong chờ tìm được hạnh phúc trong mối tương quan thân mật với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện cá nhân.
Sứ mạng phục vụ của Giáo hội không phân biệt màu da, sắc tộc. Đã chọn lựa đời tu là sẵn sàng chấp nhận đi bất cứ nơi đâu và làm bất cứ việc gì để danh Chúa được tôn vinh. Chắc chắn trong lòng mỗi người tu sĩ Việt Nam xa quê vẫn luôn đậm tình yêu quê hương đất nước. Tuy nhiên, càng yêu mến quê hương thì khí chất của người Việt nơi người tu sĩ càng cần phải thể hiện được rõ ràng hơn: giữ lòng đạo sắc son, sống đời tu gương mẫu, bình an và triển nở trong sứ mạng được giao. Tu sĩ sống xa quê chính là những con người đang tiếp nối trang sử hào hùng của các thánh tử đạo Việt Nam, trung kiên làm chứng đức tin không chỉ trên quê hương mà còn trên khắp cả thế giới.
Giuse Lê Đắc Thắng, SJ