Từ lời vạn tuế đến lời kết án

GPVO (23/03/2024) – Sau thời gian gần 40 ngày chay tịnh theo tinh thần Tin Mừng, hôm nay, chúng ta bắt đầu bước vào Tuần thánh, tuần trọng đại nhất và là đỉnh cao của năm phụng vụ. Giáo hội bắt đầu Tuần thánh với Chúa nhật Lễ Lá bằng việc tái hiện hai cảnh tượng hoàn toàn tương phản trong tuần Thương khó của Chúa Giêsu. “Từ lời vạn tuế đến lời kết án” – Khung cảnh ngày Lễ Lá cho ta chứng kiến những đổi thay bất ngờ trong cuộc đời và trong lòng người. Thoạt đầu, dân chúng tôn vinh Chúa như một lãnh tụ oai hùng, với tiếng hò reo và lời tung hô “Hosanna!”. Sau đó, họ đã trở mặt cách nhanh chóng. Tất cả đồng thanh đả đảo và kết án Ngài như một tên tội phạm với tiếng la ó “Đóng đinh nó vào thập giá!”. Thế nhưng, nổi lên giữa đám đông cuồng nhiệt đến cuồng loạn là hình ảnh Chúa Giêsu trung tín, bình thản đi vào cuộc khổ nạn để biểu lộ cách trọn vẹn tình yêu và lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa đối với con người.

Từ lời vạn tuế …

Trước tiên, chúng ta cùng đi vào chiêm ngắm hình ảnh Chúa Giêsu cưỡi trên lưng một con lừa để tiến vào thành Giêrusalem giữa những tiếng tung hô vạn tuế. Người không ngồi trên mình ngựa chiến, không mặc áo giáp sắt uy hùng, nhưng ngồi trên mình một chú lừa non như một vị Vua Hòa Bình khiêm nhu. Dầu vậy, dân chúng reo hò mừng rỡ trải khăn áo dọc đường, cầm cành lá vẫy chào Người như vị Vua chiến thắng bởi họ hy vọng Chúa Giêsu sẽ là một Đavid mới, chinh phạt đông tây làm cho họ được thống trị trên các dân tộc. Điều này trái ngược với sứ mạng giải thoát nhân loại khỏi đau khổ, bệnh tật, sự chết và mọi bất công mà Chúa Giêsu sẽ mang đến cho thế giới.

Về phần Chúa Giêsu, việc công khai vào thành cách long trọng như thế là một sự khẳng định Người là Đấng Mêsia đang thi hành thánh ý Thiên Chúa Cha trong vai trò người tôi tớ trung thành đã được ngôn sứ Isaia mô tả trong bốn bài ca của ông. Cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem này chỉ là bước khởi đầu cho cuộc thương khó mà Chúa Giêsu phải trải qua để chiến thắng sự dữ và sự chết, mở ra cho loài người lối đi đến cõi phúc bất diệt bên Thiên Chúa.

… Đến lời kết án “Đóng đinh nó đi!”

Cuộc đăng quang ngắn ngủi đã vẽ nên một hình nền bi hùng, trớ trêu cho cuộc thương khó của Chúa Giêsu. Chỉ trong khoảng thời gian không đầy một tuần mà chúng ta có thể chứng kiến bao cảnh thay lòng đổi dạ của con người. Vì sự lệch lạc cố hữu trong tâm can, cuộc chào đón hoành tráng của dân thành Giêrusalem ngày nào đã chất chứa nhiều bội phản, nhiều mưu mô, và trở thành làn sóng thù hận quyết liệt đòi đóng đinh Chúa giữa những tòa án tàn bạo của những kẻ nắm quyền.

Đám dân chúng vừa mới vui mừng nghênh đón Chúa như một vị vua cao sang, nay la ó trước dinh Philatô: “Đóng đinh nó vào thập giá”, bởi họ nhận thấy vị vua Giêsu này không làm vua theo cách họ muốn, không thỏa mãn nhu cầu của họ nên đã loại trừ Người. Cả những kẻ đã từng ngưỡng mộ và lãnh nhận ân huệ của Chúa giờ đây lại có mặt trong đám đông tố cáo Người. Chẳng một ai bênh vực, chẳng một ai lên tiếng để bảo vệ Chúa cả. Từ tiếng hò reo tung hô vang trời dậy đất đã biến thành tiếng la ó dữ dội long trời lở đất. Không ngờ lòng dạ con người lại thay đổi cách chóng vánh như thế! “Từ tâm và nhẫn tâm” chẳng cách xa nhau là bao.

Về phần Chúa Giêsu, dọc đường thương khó, Người đã phải trải qua những giằng xé khủng khiếp trong nội tâm, bởi nỗi cô đơn mà Chúa phải chịu quá lớn và quá kinh hoàng! Trong Vườn Cây Dầu, dẫu Chúa Giêsu đã thiết tha xin ba môn đệ thân tín canh thức với Người nhưng họ đã mê mệt ngủ say, để một mình Chúa lạc lõng, xao xuyến đến độ mồ hôi máu chảy xuống đất. Giuđa thì phản trắc bán Thầy với giá 30 đồng bạc bằng một nụ hôn giả dối. Phêrô chối Thầy 3 lần, ông thề đay đảy là không quen biết Chúa Giêsu trước một đầy tớ gái. Các môn đệ sợ hãi chạy trốn tán loạn. Cô đơn ghê gớm đến tột độ, khi Chúa bị treo trên thập giá, dường như nguồn an ủi duy nhất còn lại là Chúa là Chúa Cha, nhưng hình như Người cũng không cảm nhận được điều ấy nữa. Người đã thốt lên trong nỗi xót xa: “Lạy Chúa, lạy Chúa của con, sao Chúa nỡ bỏ con” (Mc 15, 34). Cộng hưởng với sự cô đơn, Chúa Giêsu đã trải qua những nỗi đau đớn kinh hoàng về thể xác: hàng loạt trận mưa đòn xối xả trút vào tấm thân, sức nặng của cây thập giá kèo ghì xuống làm Chúa té nhào và lê lết đến sức cùng lực kiệt, tay chân bị những nhát búa chát chúa dội vào ghim sâu nơi giá gỗ, đầu đội mão gai nhọn, lưỡi đòng đâm thủng cạnh sườn, máu và nước chảy ra. Giữa sự cô đơn trống vắng và những nỗi đau liên lỉ trong thân xác nát tan, Chúa Giêsu còn phải chịu một nỗi nhục nhã ê chề không thể tả xiết. Sau khi bắt, Người bị lột trần, bịt mắt, khạc nhổ vào mặt, đấm đánh hung bạo và tạt vả; có biết bao lời nhục mạ của kẻ qua người lại, sự thách thức mỉa mai; rồi tấm áo choàng che thân bị phân mảnh, Người bị lột trần, bị treo lên cao trong sự trơ trụi đến rợn rùng. Chung quanh một đám đông gầm thét vang dậy đất trời, thì bóng dáng Chúa lẻ loi trong âm thầm bên cây thập tự. Người vẫn im lặng gượng rán mình lên, thoi thóp trong từng hơi thở, tay chân run bắn và con tim nhói đau, không than thân trách phận và cũng không hề trách những người nhục mạ mình, mà Người lại cầu nguyện cho họ: “Lạy Cha, xin tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm” (Lc 23, 34).  Cuối cùng, bằng sự vâng phục trọn hảo, Người đã chết trong biển cả mênh mông giá lạnh của đớn đau cùng với những sự xúc phạm, để đền trả tội lỗi nhân loại. Mọi sự đã hoàn tất, trước mắt mọi người, Chúa Giêsu là kẻ thua cuộc và hoàn toàn chiến bại! Thế nhưng, ánh quang phục sinh đã khơi lên cho nhân loại niềm hy vọng về bình minh ló rạng sau đêm đen, về một niềm vui sau những khổ đau và thất vọng.

Tình yêu giữa những chới với cuộc đời

Sứ điệp của Chúa nhật Lễ Lá là sứ điệp tình yêu hy hiến đến cùng. Công cuộc vào thành thánh Giêrusalem khắc họa đậm dần hình ảnh Quân Vương Tình Yêu trên ngai Thập Tự. Ngài đã dùng cây thập giá để làm nên biểu tượng vĩ đại của tình yêu. Khởi đi bằng cuộc khải hoàn vào thành Giêrusalem, Quân Vương Giêsu đã ý thức được mình đang trên hành trình tiến về nơi tử nạn, nhưng hành trình đau khổ ấy sẽ kết thúc bằng điểm khởi đầu của một nguồn sống mới vô cùng sung mãn. Chính tình yêu và sự vâng phục trọn hảo, chứ không phải đau khổ, đã biến thập giá tủi nhục thành Thánh Giá vinh quang. Chính tình yêu của Chúa Giêsu, chứ không phải cuộc khổ nạn mà chúng ta được Cứu Độ (Ga 3,17). Như vậy, cuộc thương khó của Chúa Giêsu là một hành trình của tình yêu tiến tới sự sống và hạnh phúc cho muôn người. Đó chính là lời mời gọi chúng ta cùng bước vào hành trình thập giá với Người trong Tuần Thánh này để đón nhận Tình Yêu.

Sống thân phận hiện sinh, tất cả chúng ta ai cũng phải trải qua sự cô đơn. Trên những con phố tấp nập, trên những con đường đông người đến nỗi thường xuyên kẹt xe, trên phố đi bộ buổi tối ồn ào, trên chuyến xe buýt đầy hành khách, trong những khu chợ sầm uất, trong những quán ăn trưa chật chội, trong những dãy nhà trọ ngột ngạt hơi người…, người ta vẫn có thể thấm thía nỗi cô đơn…Cô đơn có thể khống chế con người ở mọi nơi, bất chấp mọi hoàn cảnh. Cô đơn ngay trong gia đình. Đời sống vợ chồng vẫn có thể trở thành chiếc nôi của cô đơn. Thậm chí cô đơn hiện hữu chính giữa cộng đoàn bác ái, cộng đoàn đức tin, cộng đoàn tu trì…Thêm vào đó, chúng ta cũng sẽ trải qua những đắng cay nhục nhã trên hành trình thành nhân và chinh phục ước mơ cuộc đời. Sẽ không thiếu những phút giây ta bị chửi rủa, nhạo cười, và thậm chí bị lên án bởi hàng loạt bia miệng người đời. Và rồi, cũng không ai có thể tránh khỏi những đau đớn trong bệnh tật và sự hao mòn thể lý. Tất cả chúng ta đều có mẫu số chung là già đi, ốm đau và sẽ chết. Vậy, giữa những Vườn Dầu của cuộc đời, giữa những bỏng rát của tâm hồn trong những chới với của phận người, việc suy niệm cuộc thương khó mà Chúa Giêsu đã phải trải qua sẽ cho ta ánh sáng, điểm tựa, niềm hy vọng và cung cách đón nhận tất cả những nỗi khốn cùng để sống trọn vẹn giây phút hiện tại và vươn tới ánh sáng Phục Sinh. “Hãy đón nhận đau khổ bằng tình yêu!” sẽ là chìa khóa giúp ta bước ra khỏi mọi cánh cửa Vườn Dầu của cuộc đời…

Cầu nguyện

Lạy Chúa Giêsu,

Khi xưa Chúa đi con đường tự hủy

để hôm nay chúng con được bước trên con đường sự sống.

Chúa chịu bao roi đòn thô bạo

để chúng con nhận được sợi dây tình yêu.

Chúa chịu mão gao đâm thâu vào óc

để chúng con đội lên đầu vương miện tự do.

Chúa mang lấy những dấu đinh túa máu

để chúng con lãnh nhận ấn tín con cái Thiên Chúa.

Chúa lặng thinh đón nhận Thập Giá cứu độ

để Phục Sinh tình trạng hư vong của nhận loại.

Xin cho chúng con mở rộng tâm hồn

đón nhận những thập giá cuộc đời.

Biết thánh hóa những mão gai, dấu đinh

có thể đâm thâu tâm hồn chúng con.

Biết hướng vọng lên trời và thân thưa “Một theo ý Cha, đừng theo ý con”

mỗi khi chúng con rơi vào cảnh dày vò tâm can.

Xin dẫn chúng con đi trên con đường Thập Tự của Chúa,

hôm nay, ngày mai và mãi mãi. Amen.

Maria Diệu Huyền, MTG Vinh