“Suốt một đời đưa đón khách qua sông,
Ai còn nhớ người lái đò thầm lặng,
Vẫn ngược xuôi dù gió mưa hay nắng,
Tiễn người đi biền biệt chẳng về thăm,
Vẫn lặng lẽ bằng tất cả cái tâm,
Vì sự nghiệp trồng người đầy cao cả”.
Bánh lái con đò thời gian cứ lặng lẽ quay. Đôi bàn tay, khối óc của người lái đò vẫn lặng thầm, vẫn miệt mài giữ lái, đạp gió, rẽ sóng trên bão giông của đời, của nghề. Để đặt nền móng tri thức, để gieo trồng đức tin, để thổi hồn đạo đức và nhân cách vào bao thế hệ học trò, để nâng “tầm” người trò lên không chỉ ở chữ “tài” mà còn với cả chữ “tâm”. Với những người học trò như chúng tôi, những thăng hoa về trí tuệ, tử tế về đạo đức, thăng tiến về nhân cách và niềm tin qua từng giai đoạn phát triển luôn in đậm dấu ấn cống hiến miệt mài của những người lái đò năm xưa. Chuyến đò ấy tuy lặng lẽ nhưng lại là những ghép nối quan trọng đưa chúng tôi đến bến bờ mới. Bến bờ của tri thức, yêu thương, ân phúc.
Ghép nối đầu tiên trên dọc dài của chuyến đò ấy là bố mẹ. Họ là những người rẽ làn sóng đầu cho con đò cuộc đời chúng tôi di chuyển. Là người sẵn sàng đón lúc chúng tôi cần một bến đỗ nghỉ ngơi mỗi khi vấp ngã. Là người dạy chúng tôi đi vào cuộc sống bằng tình yêu, bằng tiếng nói của trái tim nhưng sống bằng lý trí. Là người đã dạy cho chúng tôi đức tin đầu tiên để chúng tôi tìm về Chân, Thiện, Mỹ.
Cuộc đời người học trò chúng tôi như được mở sang từng trang mới, gặp gỡ từng cơ hội mới khi chúng tôi bước từng bước từ tiếng ê a tập tành khổ sở đến những triết lý làm người thâm sâu đều in đậm công ơn của “người lái đò”. Tất cả đều góp phần làm nên con người như hiện nay chúng tôi thụ hưởng. Trả giá cho tương lai tươi sáng của học trò chúng tôi là những cơn ho vì tiêu tốn quá nhiều calo, là những cơn viêm mũi hoành hành vì bụi phấn, là những trằn trọc vì một trò nào đó chưa ngoan, là những đêm muộn lắng mình bên từng trang giáo án, là những lúc quá nhiệt huyết cho sự nghiệp trồng người nên bị đám học trò “phong vương”: ông giáo già khó tính, dũng sĩ diệt sinh viên… Nhưng trách sao được phận dãi dầu mưa nắng. Những công việc khác có thể được tính theo giờ, theo ngày, còn việc “lái đò chở khách sang sông” là việc cả trăm năm, cả đời người. Một bác sĩ dở có thể làm chết một vài người còn việc “lái đò” dở có thể làm phương hại đến nhiều thế hệ. Vậy nên, những bực mình không vui, những khắt khe trong thi cử hay lắm lúc la mắng là điều không tránh khỏi. Phải chắc chắn một điều rằng, vì đạo đức nghề nghiệp mà người lái luôn một lòng muốn làm tròn vai của người đưa đò. Người lái không muốn dừng chân ở cột mốc của một người “lái” giỏi nhưng luôn muốn vươn ra biển lớn để trở thành “tay lái” vĩ đại bởi: “Người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa còn người thầy vĩ đại biết truyền cảm hứng”. Việc truyền cảm hứng cho trò là việc tối cần của người lái đò. Bên cạnh đó, “người lái” cũng luôn muốn gạn đục khơi trong, muốn bám trường, bám lớp nhưng vẫn níu giữ được nét tinh khôi, căn cốt của nghề, để muôn thế hệ đều phải thốt lên: “Có một nghề bụi phấn bám đầy tay người ta gọi đó là nghề trong sạch nhất. Có một nghề không trồng cây cho đất nhưng nở cho đời những đóa hoa”. Bởi đó, sự nóng giận, tiếng la mắng ấy chắc hẳn không vì tiền bạc, quyền lực hay vì cuộc sống riêng mình nhưng là vì những gợi hứng, những thao thức trăn trở muốn học trò của mình sau này sẽ trở thành những con người thực sự có hiểu biết trong tri thức, có phẩm chất trong nhân cách đạo đức…
Bao nhiêu năm tháng trôi qua, từng tốp khách vẫn sang sông, những giọt mồ hôi vẫn rơi trong khoảng lặng. Những hành khách năm ấy giờ đã thành danh, đã có những bến đỗ mới. Bất giác quay đầu nhìn lại, người học trò vẫn như còn thấy trên dòng sông kia ẩn hiện bóng dáng những dáng chèo năm xưa, vẫn miệt mài rẽ sóng, vẫn một nụ cười hiền hậu, rạng ngời và mãn nguyện. Chuyến đò ấy vẫn lẳng lặng như xưa: Vẫn bài độc tấu không có tiếng vỗ tay, vẫn sân khấu không có hoa, có đèn. Nhưng viên phấn trên tay năm đó đã khiến mọi âm sắc chạm đến cảm xúc, chạm đến lòng biết ơn, khai mở tri thức, soi sáng con đường.
Một trong những nhân duyên tuyệt đẹp nhất cuộc đời là được gặp, được học, được trưởng thành cùng những vị ân sư đáng kính. Cám ơn vì những cống hiến miệt mài của những người lái đò thầm lặng: những người mà những người học trò chúng tôi được theo học từ gia đình, trên trường lớp, giảng đường, trong tu viện, trong cuộc sống thường nhật, tới những giai đoạn của nghề nghiệp, của đời tu. Những người chúng tôi được gặp lại hay những người đã khuất. Những người ta vẫn còn ghi khắc trong tâm hồn hay những người ta chưa một lần chợt nhớ. “Dưới ánh sáng mặt trời, không có nghề gì cao quý bằng nghề nhà giáo”. Xin được tri ân những người lái đò thầm lặng, người thầm lặng nhất trong những người thầm lặng, nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý!
M. Ánh – MTG Vinh