Tông thư dưới dạng Tự sắc “Aperuit Illis” của Đức Giáo hoàng Phanxicô, thiết lập Chúa nhật Lời Chúa


Tông Thư dạng “Tự Sắc”

“Aperuit Illis”
của Đức Giáo Hoàng Phanxicô,
thiết lập CHÚA NHẬT LỜI CHÚA


1
. “Bấy giờ Người mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh” (Lc 24,45). Đó là một trong những cử chỉ cuối cùng Chúa phục sinh đã thực hiện trước khi Người lên trời. Các môn đệ đang tụ họp một nơi thì Người hiện ra, bẻ bánh với các ông và mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh. Những con người đang kinh hãi này đã được Người mặc khải ý nghĩa của mầu nhiệm phục sinh : đó là, theo kế hoạch muôn đời của Chúa Cha, Đức Giêsu phải chịu đau khổ và phục sinh từ những kẻ chết, để tặng ban ơn sám hối và tha tội (x. Lc 24,26.46-47); rồi Người hứa ban Thánh Thần, Đấng sẽ làm cho các ông nên mạnh mẽ mà làm chứng cho mầu nhiệm cứu độ (x. Lc 24,49).

Giữa Đấng Phục Sinh với cộng đoàn tín hữu và Sách Thánh có mối tương quan cực kỳ trọng yếu cho căn tính của chúng ta. Nếu Chúa không dẫn chúng ta vào sâu trong mối tương quan này, chúng ta không thể nào hiểu sâu Kinh Thánh. Mà nói ngược lại cũng hoàn toàn đúng : Không có Kinh Thánh, những biến cố trong sứ mệnh của Đức Giêsu và Hội Thánh Người giữa thế gian sẽ muôn đời không thể giải mã. Thánh Giêrônimô đã có thể viết cách đúng đắn rằng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Kitô” (Chú giải sách Isaia, Lời tựa: PL 24, 17)

2. Dịp kết thúc Năm Thánh ngoại thường về Lòng Thương Xót, tôi đã xin mọi người suy nghĩ xem nên chăng có “một ngày Chúa nhật dâng hiến trọn vẹn cho Lời Chúa, để hiểu về nguồn phong phú bất tận đến từ cuộc đối thoại không ngừng giữa Thiên Chúa với dân Người” (Misericordia et misera, số 7). Đặc biệt dâng hiến cho Lời Chúa một ngày Chúa nhật trong Năm phụng vụ thì, trên tất cả, việc này giúp cho Hội Thánh sống lại cử chỉ của Đấng Phục Sinh, và cử chỉ đó cũng mở ra cho chúng ta kho tàng của Lời Người, khiến chúng ta có thể loan báo cho thế gian nguồn phong phú bất tận ấy. Nói về chủ đề này, tôi nhớ ngay đến những lời dạy của thánh Éprem: “Ai hiểu hết được sự phong phú của một lời thôi trong các lời của Ngài, lạy Chúa? Về lời ấy, điều chúng con hiểu được thì ít oi bé nhỏ hơn nhiều sánh với những gì chúng con để vuột mất, y như những người khát uống nơi một nguồn suối vậy. Lời của Chúa mở ra nhiều viễn cảnh thế nào thì những ai học hỏi lời ấy cũng có nhiều hướng nhìn như vậy. Chúa đã tô điểm nhiều vẻ đẹp khác nhau cho lời của Người, để khi nghiên cứu kỹ càng, mỗi người có thể chiêm ngắm vẻ đẹp mà mình yêu thích. Và trong lời của Người, Người đã chôn giấu tất cả mọi kho tàng, để mỗi chúng ta đểu tìm được một sự phong phú trong điều mình suy gẫm” (Chú giải sách Diatessaron, 1, 18).

Ra Tông thư này, tôi muốn đáp lại nhiều lời thỉnh cầu mà dân Thiên Chúa đã gửi đến tôi, để trong toàn Hội Thánh, mọi người có thể hiệp ý cử hành ngày ‘Chúa Nhật Lời Chúa’. Từ nay sẽ thành một thực hành thông thường, việc sống những giờ phút cộng đoàn Kitô hữu tập trung vào giá trị cao cả mà Lời Chúa vẫn có trong cuộc sống hằng ngày. Một số Giáo Hội địa phương đã có nhiều sáng kiến giúp cho các tín hữu dễ tiếp cận hơn với Kinh Thánh, khiến họ đầy lòng biết ơn trước món quà tặng quá lớn lao này mà ra sức ngày ngày sống với món quà ấy và tự lãnh trách nhiệm làm chứng về nó một cách nhất quán.

Công Đồng Chung Vaticanô II đã mạnh mẽ thúc đẩy việc tái khám phá Lời Chúa qua hiến chế tín lý Dei Verbum. Vẫn luôn xứng đáng cho chúng ta suy gẫm và sống, những trang hiến chế này nêu lên rõ ràng trước hết là bản chất của Kinh Thánh, bộ sách lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác (chương II), rồi đến ơn linh hứng (ch. III) bao trùm cả Cựu lẫn Tân Ước (ch. IV và V), sau cùng là tầm quan trọng của Sách Thánh đối với đời sống của Giáo Hội (ch. VI). Để làm cho giáo huấn này thêm phong phú, năm 2008, Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI đã triệu tập Đại hội Thượng Hội đồng các Giám mục về đề tài “Lời Chúa trong đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”, rồi liền sau đó ban hành Tông Huấn Verbum Domini, thiết định những giáo huấn tuyệt đối cần thiết cho các cộng đoàn chúng ta [1]. Tài liệu này đặc biệt đào sâu đặc tính sinh hiệu lực tức thời của Lời Chúa, nhất là khi hiển hiện tính chất thực sự bí tích của Lời trong hoạt động phụng vụ [2].

Vậy nên sẽ thật tốt nếu cuộc sống của chúng ta, dân Chúa, không bao giờ thiếu mối tương quan quyết định này với Lời hằng sống, Lời mà Chúa không bao giờ thấy chán khi ngỏ với Hiền thê Người, để Hiền thê Người có thể lớn lên trong tình yêu và trong việc làm chứng cho đức tin.

3. Vì thế, tôi thiết định dành riêng Chúa nhật thứ III Thường niên để cử hành, suy tư và loan truyền Lời Chúa. Như vậy Chúa Nhật Lời Chúa hôm ấy sẽ là một thời khắc thích hợp trong giai đoạn này của năm, thời khắc chúng ta được mời gọi tăng cường các mối dây liên kết với cộng đoàn Do thái giáo và cầu nguyện cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Đây không phải là một sự trùng hợp đơn thuần về thời gian : cử hành Chúa nhật Lời Chúa diễn tả giá trị đại kết, bởi vì những ai lắng nghe, Kinh Thánh sẽ chỉ cho họ thấy con đường phải theo để đạt tới một sự hiệp nhất đích thực và vững bền.

Các cộng đoàn nên tìm cách sống Chúa nhật này như một ngày trọng đại. Trong mọi hoàn cảnh, điều quan trọng là khi cử hành thánh lễ, có thể giới thiệu bản văn thánh cách nào cho cộng đoàn thấy rõ giá trị quy phạm vẫn có nơi Lời Chúa. Chúa nhật này, sẽ đặc biệt hữu ích nếu nhấn mạnh đến việc công bố Lời và thích ứng bài giảng lễ sao cho việc phục vụ Lời Chúa được nổi bật lên. Vào Chúa nhật này, các Giám mục có thể cử hành nghi thức trao tác vụ đọc sách hay một tác vụ tương tự để nhắc nhớ về tầm quan trọng của việc công bố Lời Chúa trong phụng vụ. Thực ra, cơ bản là thực hiện mọi nỗ lực cần thiết để đào tạo một số giáo dân thành những người thực sự loan báo Lời, được chuẩn bị thích đáng, cũng như từ nay sẽ tạo thói quen làm điều đó cho các thầy giúp lễ hay các thừa tác viên ngoại thường cho rước lễ. Tương tự, các linh mục xứ có thể tìm hình thức nào thích đáng nhất để trao sách Kinh Thánh hay một cuốn trong các sách đó cho cả cộng đoàn, nhằm làm nổi bật tầm quan trọng của việc tiếp tục đọc Kinh Thánh trong đời sống hằng ngày, của việc đi sâu vào Kinh Thánh và cầu nguyện với Kinh Thánh, đặc biệt dựa theo phương pháp Lectio Divina.

4. Cuộc hồi hương của dân Israel sau thời lưu đày Babylon được đánh dấu một cách đầy ý nghĩa bằng việc đọc sách Luật. Kinh Thánh cho chúng ta một đoạn rất cảm động mô tả thời khắc này trong sách Nơkhemia. Dân tụ họp tại Giêrusalem, chỗ cửa Nước, để lắng nghe Luật. Sau khi bị phân tán bởi cuộc lưu đày, nay họ gặp lại nhau, quy tụ quanh Kinh Thánh, “muôn người như một” (Nkm 8,1). Khi cuốn sách thánh được đọc lên, dân “lắng nghe” (Nkm 8,3) và biết rằng trong những lời đó, họ tìm lại được ý nghĩa của những biến cố họ đã sống qua. Phản ứng trước việc công bố những lời này là xúc động và khóc lóc : “Ông Étra đọc một đoạn sách Luật của Thiên Chúa, rồi các thầy Lê-vi dịch, giải nghĩa, và mọi người hiểu được. Ông Nơkhemia, tổng đốc, ông Étra, tư tế kiêm kinh sư, cùng các thầy Lêvi là những người giảng giải, nói với toàn dân rằng : ‘Hôm nay là ngày thánh hiến cho ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc.’ Vì toàn dân đều khóc khi nghe lời sách Luật. […] Anh em đừng buồn bã, vì niềm vui của ĐỨC CHÚA là thành trì bảo vệ anh em !” (Nkm 8,8-10).

Những từ ngữ này chứa đựng một giáo huấn quan trọng. Kinh Thánh không thể chỉ là gia sản của một ít người, và càng không thể là một bộ sách sưu tập dành cho vài người được ưu đãi. Kinh Thánh, trước hết mọi sự, thuộc về dân tộc được triệu tập để lắng nghe và nhận ra mình trong Lời đó. Thường hay có những khuynh hướng cố giữ độc quyền trên bản văn thánh, giam hãm nó trong một số vòng tròn khép kín hay hội nhóm ưu tuyển nào đấy. Đâu có như vậy được. Kinh Thánh là sách của dân Chúa, giống dân đang phân tán và chia cách nhau nghe được sách này liền quy về hiệp nhất. Lời Chúa kết hợp những ai tin và biến họ thành một dân duy nhất.

5. Trong sự hiệp nhất này, thứ hiệp nhất hoa trái của lắng nghe, trách nhiệm trước tiên của các mục tử là giải thích Kinh Thánh và giúp cho mọi người có thể hiểu. Kinh Thánh là cuốn sách của dân, nên những ai được ơn gọi làm thừa tác viên Lời Chúa phải cảm thấy họ bị đòi hỏi mạnh mẽ là phải làm sao cho cộng đoàn của mình dễ dàng tiếp cận được với Kinh Thánh.

Bài giảng lễ, cách riêng, gánh một phận sự hết sức đặc thù, bởi nó mang “tính chất gần như bí tích” (Evangelii Gaudium, số 142). Đưa người nghe đi sâu vào Lời Chúa bằng một ngôn ngữ đơn sơ và thích ứng, việc này khiến linh mục cũng có thể giúp mọi người khám phá ra “vẻ đẹp của những hình ảnh Chúa đã dùng để thúc đẩy thực hành việc thiện” (Ibid). Đây là một thuận lợi mục vụ không nên bỏ qua !

Quả vậy, đối với nhiều tín hữu thì đây lại là cơ hội duy nhất họ có được để cảm thụ nét đẹp của Lời Chúa và nhìn ra rằng vẻ đẹp ấy có liên quan tới cuộc sống thường ngày của họ. Thế nên phải dành thời gian cần thiết cho việc dọn bài giảng. Các bài đọc thánh, không bình luận ứng khẩu được. Đối với chúng ta, những người giảng, đúng ra nên đòi hỏi là chớ miên man quá đà với những bài giảng lễ ra vẻ thông thái hay những dòng luận chứng xa lạ. Chừng nào chúng ta ngừng đọng để gẫm suy và cầu nguyện trên bản văn thánh, chừng đó chúng ta mới có khả năng nói với lòng mình để chạm được vào cõi lòng người nghe, để diễn tả ra điều cốt yếu đã lãnh nhận và đang sinh hoa trái. Đừng bao giờ ngán ngẩm việc dành thời gian và cầu nguyện với Sách Thánh, để Sách Thánh là gì thì được đón nhận theo đúng bản tính thực sự của nó, “không phải như lời người phàm, nhưng như lời Thiên Chúa” (1 Tx 2,13).

Cũng mong các giáo lý viên, do thừa tác vụ đã được trao ban để giúp cho người khác lớn lên trong đức tin, hãy cảm nhận việc cấp thiết phải canh tân chính mình nhờ việc thân thiết với Kinh Thánh và học hỏi sách này. Việc thân thiết và học hỏi như thế khiến họ có thể giúp cho những ai nghe họ biết đối thoại thực sự với Lời Chúa.

6. Trước khi tỏ mình ra cho các môn đệ đang cửa đóng then cài trong phòng tiệc ly và mở trí cho các ông hiểu Kinh Thánh (x. Lc 24,44-45), Đấng Phục Sinh hiện ra với hai người trong nhóm họ trên đường từ Giêrusalem đi Emmau (x. Lc 24,13-35). Trình thuật của tác giả Tin Mừng Luca ghi nhận hôm đó là ngày Phục Sinh, tức Chúa nhật. Hai môn đệ bàn tán với nhau về những biến cố cuối cùng trong cuộc thương khó và cái chết của Đức Giêsu. Đoạn đường họ đi ghi dấu những muộn phiền và vỡ mộng trước kết cục bi thảm của Đức Giêsu. Họ đã từng hy vọng nơi Người vì xem Người như vị Mêsia giải cứu, mà nay họ lại đang đứng trước nỗi ô nhục không sao chấp nhận được của Đấng bị đóng đinh. Rất kín đáo, Đấng Phục Sinh tiến lại gần và sánh bước với môn đệ, nhưng các ông này không nhận ra (x. c. 16). Dọc đường, Chúa hỏi han các ông, vỡ lẽ ra rằng các ông không hiểu ý nghĩa cuộc thụ hình và chịu chết của Người, Người gọi các ông là những kẻ “trí chẳng hiểu và lòng chậm tin” (c. 25). “Rồi bắt đầu từ ông Môsê và tất cả các ngôn sứ, Người giải thích cho hai ông những gì liên quan đến Người trong tất cả Sách Thánh” (c. 27). Đức Kitô là nhà chú giải đệ nhất! Không những các Sách Thánh xưa đã báo trước những gì Người sẽ thực hiện, mà chính Người cũng muốn trung thành với Lời chép trong đó, cho mọi người thấy rõ một lịch sử cứu độ duy nhất được hoàn thành nơi Đức Kitô.

7. Do đó, xét như một bộ Sách Thánh thì Thánh Kinh nói về Đức Kitô và báo trước về Người như Đấng phải trải qua đau khổ để được vào trong vinh quang (x. c. 26). Không phải chỉ có phần nào đó, mà toàn bộ Sách Thánh đều nói về Người. Cái chết và sự phục sinh của Người sẽ không cách chi hiểu được nếu không có Sách Thánh. Chính vì thế mà một trong những lời tuyên xưng đức tin cổ xưa nhất nhấn mạnh rằng “Đức Kitô đã chết vì tội lỗi chúng ta đúng như lời Kinh Thánh, và đã được đặt trong mồ ; ngày thứ ba Người đã phục sinh đúng như lời Kinh Thánh, đã hiện ra với ông Phêrô” (1 Cr 15,3-5). Vì Sách Thánh nói về Đức Kitô, nên nó khiến chúng ta có thể tin rằng cái chết và sự phục sinh của Người không thuộc về huyền thoại, mà thuộc về lịch sử, và chiếm vị trí trung tâm trong đức tin của các môn đệ Người.

Giữa Sách Thánh và đức tin của các tín hữu có một mối liên hệ sâu xa. Vì đức tin đến từ nghe, và nghe thì tập trung vào lời của Đức Kitô (x. Rm 10,17), do đó, các tín hữu được mời gọi hãy coi việc lắng nghe Lời Chúa là khẩn thiết và hệ trọng, cả trong hoạt động phụng vụ lẫn trong cầu nguyện và suy tư cá nhân.

8. “Hành trình” của Đấng Phục Sinh với các môn đệ Emmau kết thúc bằng một bữa ăn. Vị Lữ hành bí nhiệm chấp nhận lời van xin nài nỉ của hai kẻ đồng hành: “Mời ông ở lại với chúng tôi, vì trời đã xế chiều, và ngày sắp tàn” (Lc 24,29). Ngồi vào bàn với các ông, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông. Bấy giờ, mắt các ông mở ra và các ông nhận ra Người. (x. c. 31)

Đoạn trình thuật này cho chúng ta hiểu giữa Thánh Kinh và Thánh Thể có một mối liên hệ đúng là bất khả phân. Công Đồng Vaticanô II dạy: “Hội Thánh luôn tôn kính Thánh Kinh như tôn kính Thân Thể Chúa ; nhất là trong phụng vụ thánh, Hội Thánh không ngừng lấy bánh ban sự sống từ bàn tiệc Lời Thiên Chúa và từ bàn tiệc Mình Đức Ki-tô mà tặng ban cho các tín hữu” (Dei Verbum, số 21).

Việc tiếp cận đều đặn với Kinh Thánh và cử hành Thánh Thể khiến cho những con người vẫn thuộc về nhau có thể nhận ra nhau. Trong tư cách Kitô hữu, chúng ta là một dân duy nhất tiến bước trong lịch sử, mạnh mẽ vì có Chúa hiện diện giữa chúng ta, nói năng với chúng ta và nuôi dưỡng chúng ta. Ước mong ngày dành riêng cho Kinh Thánh này không chỉ diễn ra “một lần duy nhất mỗi năm”, nhưng là một biến cố liên hệ tới suốt năm, vì chúng ta có nhu cầu khẩn thiết phải trở nên người nhà và bạn thân của Kinh Thánh và của Đấng Phục Sinh, Đấng vẫn không ngừng chia Lời và bẻ Bánh giữa cộng đoàn những kẻ tin. Chính vì thế, chúng ta cần liên tiếp tiến sâu vào mối tương giao đầy tin cậy với Kinh Thánh, chẳng vậy, con tim chúng ta sẽ lạnh hoài, cặp mắt chúng ta sẽ nhắm mãi như bị đập bởi vô vàn những thứ mù lòa.

Vậy thì Kinh Thánh và các Bí tích không thể tách rời nhau. Khi được Lời thấm nhập và chiếu soi, các bí tích sẽ tỏ hiện rõ ràng hơn như đích đến của con đường trong đó chính Đức Kitô khai trí mở lòng cho chúng ta nhận ra hành vi cứu độ của Người. Trong bối cảnh ấy, nhất thiết không được quên giáo huấn của sách Khải huyền. Sách này nói Chúa đứng ngoài cửa và gõ, ai nghe tiếng Người và mở cho Người thì Người vào dùng bữa với kẻ ấy (x. Kh 3,20). Qua Kinh Thánh, Đức Giêsu Kitô gõ cửa chúng ta. Nếu chúng ta mở cửa trí lòng chúng ta, Người sẽ bước vào cuộc sống chúng ta và ở lại với chúng ta.

9. Trong thư thứ hai gửi ông Timôthê, bức thư gọi được là một bản di chúc thiêng liêng, thánh Phaolô khuyên người cộng tác trung kiên của ngài hãy bền lòng gần gũi với Sách Thánh. Vị Tông đồ xác tín rằng “toàn bộ Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, vạch ra cái xấu, uốn nắn, giáo dục để trở nên công chính” (x. 2 Tm 3,16). Lời Phaolô khuyên Timôthê ấy đã tạo nên một nền tảng, trên đó hiến chế Dei Verbum của Công Đồng bàn về chủ đề quan trọng là ơn linh hứng trong Kinh Thánh, và trên đó đặc biệt hiện rõ mục đích tính cứu độ, chiều kích thiêng liêng nguyên lý nhập thể của Kinh Thánh.

Trước hết, nhắc lại lời thánh Phaolô khuyên ông Timôthê, Dei Verbum nhấn mạnh rằng: “Các sách trong Kinh Thánh dạy cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm về chân lý mà Thiên Chúa đã muốn thấy ghi lại trong Kinh Thánh nhằm cứu độ chúng ta” (số 11). Vì các sách này đưa ra những chỉ dạy nhắm tới “ơn cứu độ nhờ lòng tin vào Đức Kitô” (2 Tm 3,15), nên những chân lý chứa đựng trong đó đều giúp cho chúng ta được cứu độ. Kinh Thánh không phải là một bộ sưu tập các sách lịch sử hay sử biên niên, mà hoàn toàn hướng tới ơn cứu độ trọn vẹn cho con người. Các sách chứa đựng trong bản văn thánh đều cắm rễ trong lịch sử ; điều này không thể chối cãi, nhưng cũng không được làm cho chúng ta quên mất mục đích tính đã có ngay từ đầu : ơn cứu độ chúng ta. Mọi chuyện đều hướng về mục đích tính đã ghi khắc vào ngay bản chất của Kinh Thánh, một bộ sách được soạn tác như lịch sử cứu độ, trong đó, Thiên Chúa nói năng và hành động nhằm việc đến gặp gỡ mọi người để cứu họ khỏi sự ác và cái chết.

Để đạt tới mục đích cứu độ này, Kinh Thánh, dưới tác động của Thánh Thần, biến Lời của Thiên Chúa thành lời của những con người được ghi lại theo cách thức loài người (x. Dei Verbum, số 12). Trong Kinh Thánh, Thánh Thần giữ vai trò căn bản. Không có tác động của Người, nguy cơ bị giam hãm trong bản văn sẽ rất cao, khiến người ta dễ dàng chỉ giải thích Kinh Thánh theo mặt chữ. Điều này chúng ta phải tránh xa để khỏi phản bội đặc tính linh hứng, năng động và thiêng liêng vốn có nơi bản văn thánh. Như vị Tông đồ đã nhắc nhở, “chữ viết thì giết chết, còn Thần Khí mới ban sự sống” (2 Cr 3,6). Vậy là Chúa Thánh Thần biến Kinh Thánh thành Lời hằng sống của Thiên Chúa được sống và lưu truyền trong đức tin của dân thánh Người.

10. Tác động của Thánh Thần không những liên quan đến việc hình thành Kinh Thánh, nhưng còn hoạt động nơi những ai giữ thái độ lắng nghe Lời Chúa. Thật quan trọng, xác quyết sau đây của các Nghị phụ Công Đồng: “Kinh Thánh đã được viết bởi Thánh Thần thì cũng phải được đọc và giải thích nhờ ánh sáng của chính Thánh Thần” (Dei Verbum, số 12). Với Đức Giêsu Kitô, mặc khải của Thiên Chúa đã đạt mức hoàn thành và viên mãn; tuy nhiên, Thánh Thần vẫn tiếp tục hoạt động của Người. Quả vậy, sẽ là giảm bớt nếu chỉ giới hạn tác động của Thánh Thần nơi bản chất được linh hứng của Kinh Thánh và nơi nhiều tác giả khác nhau của bộ sách này. Vậy phải tin tưởng vào tác động của Thánh Thần trong việc Người tiếp tục thể hiện hình thức linh hứng đặc thù của Người khi Hội Thánh giảng dạy Kinh Thánh, khi Huấn quyền chính thức giải thích Kinh Thánh (x. Ibid., 10) và khi mỗi kẻ tin lấy Kinh Thánh làm quy phạm thiêng liêng cho mình. Chúng ta có thể hiểu theo nghĩa đó những lời Đức Giêsu nói với môn đệ khi các ông xác định đã bắt được ý nghĩa của các dụ ngôn Người kể; Người nói thế này: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời, thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ.” (Mt 13,52)

11. Sau cùng, Dei Verbum xác định rõ: “Khi đi qua các ngôn ngữ của loài người, Lời của Thiên Chúa đã nên giống với tiếng nói của loài người, cũng như xưa kia, khi nhận lấy nỗi yếu đuối của xác thịt chúng ta, Ngôi Lời của Chúa Cha đời đời hằng hữu đã nên giống như loài người chúng ta” (số 13). Khác nào Công Đồng nói: Cuộc Nhập thể của Ngôi Lời Thiên Chúa đã đem lại sự hình thành và ý nghĩa cho mối tương quan giữa Lời của Thiên Chúa với ngôn ngữ loài người, thứ ngôn ngữ vốn gắn liền với những điều kiện lịch sử và văn hóa. Chính trong biến cố nhập thể này, Thánh Truyền bắt đầu thành hình, vì Thánh Truyền cũng là Lời Chúa, (x. Ibid., số 9). Thường hay có nguy cơ tách biệt Thánh Kinh và Thánh Truyền ra khỏi nhau mà không hiểu rằng cả hai đi chung với nhau thành một nguồn Mặc khải duy nhất. Đặc tính thành văn của Kinh Thánh không giảm thiểu chút nào sự việc Kinh Thánh hoàn toàn là Lời sống động; cũng như khi không ngớt lưu truyền Lời qua các thế kỷ từ đời này sang đời khác, Thánh Truyền sống động của Hội Thánh vẫn sở hữu cuốn sách thánh kia như quy luật tối thượng của đức tin” (Ibid, số 21). Đàng khác, trước khi trở thành bản văn viết, Kinh Thánh đã được truyền miệng và giữ gìn cho sống động bởi đức tin của một dân vẫn nhìn nhận nó như lịch sử và nguyên ủy làm phát sinh căn tính riêng của mình giữa bao nhiêu dân khác. Vậy là đức tin do Kinh Thánh dựa trên Lời sống động chứ không phải trên một cuốn sách.

12. Kinh Thánh được viết với tinh thần nào mà được đọc cũng trong tinh thần ấy thì sẽ cứ mới mãi. Cựu Ước không bao giờ cũ mỗi khi chúng ta đưa nó vào Tân Ước, vì tất cả đều được biến đổi bởi một Thánh Thần duy nhất, Đấng ban linh hứng cho tất cả. Toàn bộ bản văn thánh có chức năng ngôn sứ: bản văn không liên quan đến tương lai, nhưng đến ngày hôm nay của người nào nuôi mình bằng Lời trong đó. Chính Đức Giêsu đã khẳng định điều ấy rõ ràng ngay từ khi Người khởi đầu sứ vụ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,21). Ai nuôi mình bằng Lời Chúa mỗi ngày thì, như Đức Giêsu, người đó trở thành kẻ đang sống cùng thời với những ai mình gặp gỡ, không bị cám dỗ muốn chìm vào những hoài niệm vô bổ về quá khứ hay vào những điều không tưởng về một tương lai mình sẽ được hoàn toàn thoát xác.

Kinh Thánh triển khai hoạt động ngôn sứ của mình trước hết đối với người nào lắng nghe. Kinh Thánh khơi dậy ngọt ngào và cay đắng. Chúng ta hãy nhớ lại những lời Êdêkien đã nói khi Chúa mời gọi ông ăn cuộn sách. Ông thổ lộ: “Nó ngọt như mật trong miệng tôi” (x. 3,3). Rồi cả tác giả Tin Mừng Gioan trên đảo Pátmô cũng lại được sống cùng một kinh nghiệm ăn sách như Êdêkien, nhưng Gioan kể thêm một điều đặc biệt hơn: “Trong miệng tôi, nó ngọt ngào như mật ong, nhưng khi tôi nuốt rồi, thì bụng dạ tôi cay đắng” (Kh 10,10).

Hiệu quả ngọt ngào của Lời Chúa thúc đẩy chúng ta chia sẻ với những ai chúng ta gặp gỡ trong cuộc sống hằng ngày, diễn tả cho họ về niềm hy vọng chắc chắn chứa đựng trong Lời Chúa (x. 1 Pr 3,15-16). Còn, đến lượt nó, nỗi đắng cay thường đến khi chúng ta hiểu ra sẽ khó khăn biết chừng nào cho chúng ta khi phải sống Lời Chúa một cách nhất quán, hoặc phải nghiệm thấy nơi bản thân mình là Lời Chúa đã bị từ khước vì không còn được giữ như một giá trị đem lại ý nghĩa cho cuộc sống. Vậy nên chúng ta đừng bao giờ đến với Lời Chúa theo thói quen phải đến, nhưng hãy nuôi mình bằng Lời Chúa để khám phá và sống sâu mối tương quan của chúng ta với Thiên Chúa và với anh em chúng ta.

13. Một thách thức khác đến từ Kinh Thánh là thách thức liên quan đến đức bác ái. Lời Chúa cứ nhắc mãi nhắc hoài đến tình yêu đầy thương xót của Chúa Cha. Người đòi con cái Người sống trong tình bác ái. Cuộc sống của Đức Giêsu là một diễn tả đầy đủ và tuyệt trần về tình yêu của Thiên Chúa, thứ tình yêu không giữ lại một chút gì cho mình, nhưng tự hiến trọn vẹn cho mọi người. Trong dụ ngôn anh Ladarô nghèo khó, chúng ta tìm được một chỉ dẫn quý báu. Khi Ladarô và ông nhà giàu chết, ông này thấy anh nghèo được ôm trong lòng Ápraham, liền xin tổ phụ sai anh về với các anh em nhà ông, răn bảo họ yêu thương người thân cận để khỏi phải chịu khổ sở như ông đang chịu bây giờ. Câu trả lời của Ápraham như quất mạnh vào người ông: “Chúng đã có Môsê và các Ngôn sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó” (Lc 16,29). Nghe lời Kinh Thánh để thực hành lòng thương xót: một thách đố lớn cho cuộc sống chúng ta đấy. Lời Chúa có sức mở mắt cho chúng ta, giúp chúng ta ra khỏi chủ nghĩa cá nhân, thứ chủ nghĩa dẫn chúng ta đến khô bại và cằn cỗi. Lời Chúa mở rộng cho chúng ta con đường chia sẻ và liên đới.

14. Một trong những đoạn ý nghĩa nhất về tương quan giữa Đức Giêsu và các môn đệ là trình thuật Hiển dung. Đức Giêsu lên núi với Phêrô, Giacôbê và Gioan để cầu nguyện. Các tác giả Tin Mừng nhớ lại: đang khi dung mạo và trang phục Đức Giêsu tỏa sáng chói lòa thì có hai nhân vật đến đàm đạo với Người: Môsê và Êlia, hai vị lần lượt là hiện thân cho Lề Luật và các Ngôn sứ, tức là cho Kinh Thánh. Trước cảnh tượng ấy, Phêrô liền tràn ngập vui mừng và kinh ngạc: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Lc 9,33). Ngay lúc đó, một đám mây rợp bóng bao phủ các môn đệ, và các ông hoảng sợ.

Hiển dung nhắc lại chuyện lễ lều, Étra và Nơkhemia đọc cho dân nghe bản văn thánh sau khi bị lưu đày trở về. Đồng thời, để chuẩn bị cho ô nhục thập giá, Hiển dung báo trước vinh quang của Đức Giêsu, thứ vinh quang của Thiên Chúa cũng được gợi lên bởi đám mây đang bọc lấy các môn đệ, đám mây biểu trưng cho sự hiện diện của Đức Chúa. Cuộc biến đổi hình dạng này cũng giống như cuộc biến đổi của Sách Thánh: nó vượt lên trên chính mình khi nuôi sống người tin. Như Verbum Domini nhắc nhở: “Muốn nắm bắt được sự ăn khớp giữa những ý nghĩa khác nhau của Kinh Thánh, thì việc mang tính quyết định là phải biết từ chữ nghĩa bước sang tinh thần. Không có chuyện bước qua tự động tự phát đâu, nhưng đúng là phải vượt lên khỏi mặt chữ” (số 38).

15. Trên hành trình đón nhận Lời Thiên Chúa, Thân Mẫu Chúa đồng hành với chúng ta. Mẹ được nhìn nhận là diễm phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với Mẹ (x. Lc 1,45). Mối phúc của Đức Maria dẫn trước mọi mối phúc Đức Giêsu tuyên bố cho những ai nghèo, sầu khổ, khiêm tốn, xây dựng hòa bình và bị bách hại, vì đó là điều kiện cần thiết cho mọi mối phúc khác. Không có người nghèo nào hạnh phúc vì bị nghèo; người nghèo sẽ trở nên người có phúc, như Đức Maria, nếu người đó tin Lời Chúa sẽ được thực hiện. Đây chính là điều mà một vị đại môn sinh của Lời và đại tôn sư dạy Kinh Thánh, thánh Augustinô, nhắc nhở chúng ta: “Có một người giữa đám đông đã đặc biệt phấn khích kêu lên: Phúc thay lòng dạ đã cưu mang Thầy! Người liền đáp: Đúng ra là phúc thay những ai lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ. Nói thế cũng như thể Người bảo rằng: Mẹ tôi mà chị gọi là phúc đức đó, bà được phúc thì chính xác là vì bà giữ lời Thiên Chúa; không phải vì trong bà, Ngôi Lời đã trở nên người phàm và đã sống giữa chúng ta, nhưng vì bà đã canh giữ chính Ngôi Lời Thiên Chúa, Đấng mà nhờ Người, bà đã được tạo dựng, Đấng mà trong bà, Người đã nên xác phàm” (Chú giải Tin Mừng Gioan, 10, 3).

Ước chi Chúa nhật Lời Chúa sẽ làm triển nở thêm trong dân Chúa sự thân mật đạo đức và chuyên cần với Kinh Thánh, vì, như một tác giả Sách Thánh đã dạy từ những thời xa xưa: “Lời đó ở rất gần anh (em), ngay trong miệng, trong lòng anh (em), để anh (em) đem ra thực hành”.

 

Ban hành tại Rôma, gần Đền thờ Thánh Gioan Latêranô, ngày 30 tháng 9 năm 2019,
Ngày phụng vụ kính nhớ thánh Giêrônimô, khai mạc kỷ niệm 1600 năm ngài tạ thế.

PHANXICÔ


[1] x. AAS 102 (2010), 692-787.
[2] ”Trong trường hợp này, bí tích tính của Lời được hiểu theo nghĩa loại suy, tương tự như sự hiện diện đích thực của Đức Kitô dưới hình bánh hình rượu sau lời truyền phép. Khi tới gần bàn thờ và dự phần vào tiệc Thánh Thể, chúng ta hiệp thông thực sự với mình và máu Đức Kitô. Việc công bố Lời Chúa trong cử hành phụng vụ bao hàm sự nhìn nhận rằng: Đức Kitô đang đích thân hiện diện và ngỏ lời với chúng ta để được chúng ta lắng nghe”, Verbum Domini, 56.

Bản dịch do Nhóm Phiên Dịch
CÁC GIỜ KINH PHỤNG VỤ
thực hiện 16-10-2019