lavie.fr, Marie-Lucile Kubacki, Rôma, 2020-02-12
Trong khi mọi người mong chờ Tông huấn hậu Thượng Hội đồng Amazon sẽ đề cập đến vấn đề phong chức cho các ông đã lập gia đình và phụ nữ làm phó tế thì Đức Phanxicô không đi theo các con đường này, ngài mời gọi chúng ta ra khỏi cách tiếp cận giáo sĩ và tập trung vào các vấn đề cụ thể khác của vùng này trên thế giới.
Trang CNS loan tin: “Những người tập trung vào khả thể phong chức các ông đã lập gia đình và phụ nữ phó tế cho vùng Amazon sẽ thất vọng với Tông huấn hậu Thượng Hội đồng”, đó là những lời Đức Phanxicô nói trước hôm công bố Tông huấn với một nhóm giám mục Mỹ có mặt tại Rôma trong chuyến đi ngũ niên ad limina của họ. Đọc Tông huấn Amazon yêu quý (Querida Amazonia) chúng ta hiểu lời báo trước này. Mặc dù chủ đề được các giám mục tranh luận rất nhiều tại Thượng Hội đồng họp ở Rôma từ ngày 6 đến 27 tháng 10, nhưng tài liệu không có một điểm nào nhắc đến “viri probati” (các ông đã lập gia đình có thể được phong chức linh mục ở những vùng thiếu linh mục) hay có thể phong chức cho các phó tế vĩnh viễn đã lập gia đình và tài liệu cũng chặn lại vấn đề phó tế phụ nữ.
Chúng ta có nên xem đây là hiệu ứng từ quyển sách của Hồng y Robert Sarah, cùng cộng tác với Đức Bênêđictô XVI (Từ sâu thẳm lòng chúng tôi) phát hành cách đây một tháng không? Không chắc chắn, vì ít nhất có ba lý do. Đầu tiên là bản văn Tông huấn được trao cho các dịch giả và các Bộ có thẩm quyền ngày 27 tháng 12 năm 2019, trước khi quyển sách trên xuất bản. Thứ hai là Đức Phanxicô đã nhiều lần nói, không thể “đến trước mặt Chúa” mà chạm đến quy tắc độc thân, dù ngài không đóng cánh cửa cho các ngoại lệ – giống như Đức Bênêđictô XVI vào thời tại chức đã chấp nhận phong chức cho các linh mục Anh giáo đã lập gia đình được là linh mục trong Giáo Hội Công giáo, nhân danh sự trở lại của họ trong hiệp thông. Cuối cùng, lý do thứ ba, một trong những người thân cận của Đức Phanxicô là linh mục Guzman Carriquiry, người từ lâu giữ một vị trí quan trọng tại Ủy ban Giáo hoàng về Châu Mỹ La tinh, đã giải thích ngay cả trước khi có Thượng Hội đồng Amazon, Đức Phanxicô “rất ghét” việc “giáo sĩ hóa” giáo dân. Báo La Vie có bài phỏng vấn linh mục Guzman Carriquiry về vấn đề này.
Do đó, khi giáo hoàng đưa ra “giấc mơ” của mình cho Giáo Hội Amazon, ngài phê phán chủ nghĩa giáo quyền và về một tầm nhìn cấu trúc quá mức của Giáo Hội. Điều gì là đặc nét của linh mục và không thể được ủy thác? Đó là: Bí tích Thánh Thể và Bí tích Hòa giải. Tuy nhiên, tại một số khu vực đặc biệt cô lập, người giáo dân không có hai bí tích này. Vậy phải làm sao? Đức Phanxicô khẳng định: “Nhu cầu cấp thiết này buộc tôi phải xin tất cả các giám mục, đặc biệt các giám mục Châu Mỹ La Tinh, không chỉ thúc đẩy cầu nguyện cho ơn gọi mà còn quảng đại hơn với những người có ơn gọi truyền giáo trong vùng Amazon.” Thật vậy, trong một ghi chú (132) – Đức Phanxicô lưu ý: “Tôi chú ý đến thực tế, trong một vài nước thuộc lưu vực sông Amazon, ở đây có nhiều nhà truyền giáo gửi đi Âu châu, đi Mỹ hơn là đến các Giáo hạt riêng của họ ở Amazon.” Một vấn đề đã được linh mục Guzman Carriquiry nêu lên năm ngoái.
Kết thúc tranh luận về việc phong chức các ông đã lập gia đình?
Để phát triển ơn gọi, và nhất là để khuyến khích các ơn gọi địa phương và bản địa, Đức Phanxicô đề nghị một sự đào tạo tốt hơn – lâu dài và liên tục – với các linh mục, để công việc hội nhập văn hóa được làm tốt hơn với người bản xứ. Vì theo Đức Phanxicô, để bí tích Thánh Thể, “nguồn và đỉnh” của đời sống kitô hữu phát triển phải có mảnh đất màu mỡ, các cộng đồng có thể sinh hoạt và xây dựng bởi các phó tế vĩnh viễn – người mà theo ngài “nên có mặt nhiều hơn ở Amazon” -, và được các nữ tu và giáo dân cùng làm việc với họ. Trong một ghi chú khác, ngài nhấn mạnh đến việc thiếu các cuộc hội thảo cho người dân bản địa.
Đức Phanxicô khẳng định, chỉ tập trung vào sự hiện diện nhiều hơn của các thừa tác viên có thể cử hành bí tích Thánh Thể là “một mục tiêu rất hạn chế”, nếu Giáo hội không cố gắng “tạo một đời sống mới trong cộng đoàn.” Vì vậy, điều cần biết là vấn đề nằm ở đâu. Thay vì muốn làm linh mục bằng mọi giá, Đức Phanxicô nghĩ cần phải bắt đầu bằng cách giúp đỡ dân chúng địa phương tiếp cận với Lời Chúa, với Thánh Kinh, với Tin Mừng và “trưởng thành trong thánh thiện.” Như thế Giáo hội với các khuôn mặt Amazon sẽ có nét “thế tục rõ rệt” riêng của mình.
Vậy đây có phải là kết thúc cuộc tranh luận về “viri probati” không? Có và không. Có, rõ ràng, trong tông huấn, Đức Phanxicô khuyên không nên nghĩ về mọi thứ bắt đầu từ linh mục. Không, vì cuộc tranh luận là con rắn biển và ngài biết rõ, con rắn biển rồi nó sẽ trồi trên mặt. Điều mà ông Andrea Tornielli, giám đốc ban biên tập của Truyền thông Vatican tổng hợp như sau: chắc chắn, Đức Phanxicô đã quyết định, “sau khi cầu nguyện và suy niệm”, để không “dự trù các thay đổi hoặc các khả năng mới của sự vi phạm liên quan đến những gì đã được dự trù bởi kỷ luật giáo hội hiện tại”, nhưng “vấn đề được tranh luận trong một thời gian dài có thể được tranh luận lại trong tương lai”, vì “sự tiết dục hoàn toàn và vĩnh viễn” không “nhất thiết được yêu cầu bởi chính bản chất của chức thánh như Công đồng Vatican II đã tuyên bố.”
Không có vấn đề “giáo sĩ hóa” phụ nữ
Cũng cùng lập luận tương tự trong việc công nhận chỗ đứng của phụ nữ. Đức Phanxicô ghi nhận, ở Amazon, nếu một số cộng đoàn được duy trì và đức tin tiếp tục được trao truyền là nhờ phụ nữ. “Phụ nữ rửa tội, dạy giáo lý, cầu nguyện, họ là những người truyền giáo, chắc chắn được Chúa Thánh Thần kêu gọi để hoạt động. Nhưng làm thế nào chúng ta nhận ra một cách cụ thể hơn vai trò của họ và cam kết của họ? Thượng Hội đồng đã đặt vấn đề này và thậm chí Đức Phanxicô đã tuyên bố vào cuối hội nghị, việc tái thành lập ủy ban có trách nhiệm nghiên cứu vấn đề, điều này cho thấy sẽ có các tiến trình về vấn đề này. Tuy nhiên, ở đây, dường như ngài muốn đóng lại chương này. Tại sao? Vì nghĩ rằng phụ nữ sẽ có chỗ đứng và tham gia nhiều hơn vào Giáo Hội “chỉ khi nào họ được phong phó tế” thì theo ngài đây chỉ là “một cách giản lược”.
Nói tóm lại, không có vấn đề “giáo sĩ hóa” phụ nữ khi phong phó tế cho họ, trong khi các giáo sĩ đã “giải giáo sĩ hóa”, không giảm sứ vụ bằng vấn đề quyền lực, linh mục Dòng Đa Minh Thomas Michelet, giáo sư Giáo Hội học và thần học bí tích ở Angelicum giải thích. “Vì, bằng cách chia sẻ quản trị nhiều hơn, chúng ta tránh được cả hai: vấn đề chủ nghĩa giáo quyền của giáo sĩ cũng như của giáo dân, những người sẽ mơ mình là giáo sĩ.” Ngược lại, Đức Phanxicô mời gọi phụ nữ truyền giáo ở những nơi “họ có tác động thực sự và hiệu quả trong tổ chức, trong các quyết định quan trọng nhất và trong cách ứng xử của cộng đoàn”. Nhưng ngài nói rõ, phụ nữ luôn làm điều này với phong cách riêng mang đặc nét nữ tính của họ”. Phong cách nào? Từ một cách tiếp cận quyền lực khác nhau, “mạnh mẽ và dịu dàng”, ngài giải thích: “Không có phụ nữ , cấu trúc thiết thực của Giáo Hội sẽ sụp đổ, nhiều cộng đoàn ở Amazon sẽ rơi rụng nếu không có phụ nữ ở đó, không nâng đỡ, không duy trì, không chăm sóc nó. Và đó là điều chứng tỏ đặc nét quyền lực của họ”.
Tầm nhìn này về Giáo Hội Công giáo, giấc mơ này, Đức Phanxicô không chỉ nói với vùng Amazon, nhưng ngay từ những chữ đầu tiên của Tông huấn Amazon yêu quý, ngài đã nói tông huấn này là dành “cho toàn thế giới”. Từ quan điểm này, chúng ta có thể thấy thực tế, ngôn ngữ chính thức của văn bản là tiếng Tây Ban Nha chứ không phải tiếng Latinh, phù hợp với đặc tính của vùng Amazon, như một cách đưa Amazon đến trung tâm thế giới. Tông huấn như điệp khúc của lời nói nổi tiếng “Tôi có một giấc mơ” của mục sư Martin Luther King. Ngài viết: “Tôi mơ một Amazon đấu tranh cho quyền của những người nghèo, người bản địa, người cuối cùng, nơi tiếng nói của họ được lắng nghe và phẩm giá của họ được phát huy. Tôi mơ một Amazon gìn giữ được sự phong phú về văn hóa đặc biệt này, nơi vẻ đẹp của con người tỏa sáng theo nhiều cách khác nhau. Tôi mơ một Amazon gìn giữ được nét đẹp tự nhiên huy hoàng của vùng, cuộc sống tràn đầy với sông ngòi và rừng già của nó. Tôi mơ các cộng đồng Kitô giáo có khả năng hiến thân và tái sinh ở Amazon, để Giáo Hội có các khuôn mặt mới với những các nét đặc trưng của Amazon”.
Bốn “giấc mơ”
Vì thế bản văn được cấu trúc thành nhiều “giấc mơ”: Giấc mơ xã hội, giấc mơ văn hóa, giấc mơ sinh thái và giấc mơ Giáo Hội. Nhất là ngài đặc biệt xin hội nhập văn hóa, với nét táo bạo đôi khi dám làm ngược lại. Ngài nhắc, Kitô giáo không có ”mô hình văn hóa duy nhất”, ngài kêu gọi các nhà truyền giáo đừng nhầm lẫn việc loan báo Tin Mừng với việc áp đặt mô hình văn hóa trong những nước người dân lớn lên. Với Amazon, Đức Phanxicô đặc biệt kêu gọi lắng nghe người lớn tuổi và dựa trên sự khôn ngoan của các nền văn hóa tiền Columbus.
Ngài nói: “Mối tương quan với Chúa Kitô không đi ngược với tầm nhìn vũ trụ mạnh mẽ đặc biệt của dân tộc này, vì Đấng Phục sinh thấm nhập vào mọi thứ ở đây. Ngài hiện diện vinh quang và huyền ẩn trên sông, trên cây, trong cá, trong gió, giống như Chúa ngự trị trong sáng tạo mà không mất đi các vết thương được biến hình và trong Bí tích Thánh Thể, Ngài đảm đương mọi yếu tố của thế giới bằng cách mang ý nghĩa phục sinh đến cho từng thứ.”
Các lời nói này đặc biệt mạnh khi chúng ta nghĩ Thượng Hội đồng đã bị đánh dấu bởi cuộc tranh cãi xung quanh các bức tượng Pachamama – nữ thần trái đất trong văn hóa người bản địa – và bị đánh cắp trong một nhà thờ La Mã, nơi các bức tượng được trưng trong thời gian Thượng Hội đồng và bị ném xuống dòng sông Tiber, cảnh này được quay video và nhanh chóng gây sốt trên mạng xã hội. Đức Phanxicô giải thích, thay vì bực tức trước một biểu tượng bản địa, người truyền giáo sốt sắng phải tìm cách hiểu “các khát vọng chính đáng khi người bản địa đi tìm một con đường để họ biểu lộ lòng tin, đôi khi không hoàn hảo, phiếm diện hoặc không rõ ràng”. Vì nếu họ không làm điều này, họ có nguy cơ thấy người dân đi tìm các con đường thiêng liêng khác xa với Giáo hội công giáo để đáp ứng các mong chờ của mình.
Với tuyên bố đích thực về tình yêu đối với trái đất và với các dân tộc Amazon, Đức Phanxicô mong đặt họ ở trung tâm sự chú ý thế giới qua Thượng Hội đồng này, ngài đã ký một bản văn nhất quán với ý định ban đầu của mình. Một cách cụ thể, cách tiếp cận này đặt vào trọng tâm các chủ đề đã làm cho giới truyền thông chú ý… và kỳ vọng. Từ quan điểm này, chắc chắn sẽ có một số người cho rằng Đức Phanxicô không đi đủ xa và sẽ thấy Tông huấn Amazon yêu quý làm họ thất vọng, vì nó không đưa ra các cách mạng về cuộc sống độc thân và phong chức cho phụ nữ. Những người khác ngược lại chắc chắn sẽ thấy ngài đi quá xa, họ bực mình với tính cách hội nhập văn hóa của ngài. Dù sao, lời mời gọi không nghĩ về mọi thứ khởi đi từ linh mục khi nghĩ về cải cách Giáo Hội có thể chứng minh cho thấy những gì Đức Phanxicô đã viết là chính xác và mang tính cách lật đổ nhất trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa giáo quyền.
Giuse Nguyễn Tùng Lâm dịch