“Hãy trở về, trở về với cha nhân lành. Hãy trở về, trở về để sớm hồi sinh. Trở về, hãy trở về…”. Những giai điệu ngọt ngào và sâu lắng ấy như lời mời gọi, lời giục giã hồn người bao năm lạc bước đi xa trở về với Thiên Chúa nhân lành. Đây cũng là điệp khúc quen thuộc mà anh em Tiền chủng sinh (TCS) thường cất lên trong những giờ cử hành phụng vụ Mùa Chay. Mỗi lần điệp khúc ấy được cất lên, anh em TCS như được sống lại những giây phút trân quý của tuần tĩnh tâm năm ở giáo xứ Yên Lạc thân thương.
Tuần tĩnh tâm đáng nhớ
Tuần tĩnh tâm năm nay là lần tĩnh tâm năm đầu tiên, khởi đầu cho hành trình dâng hiến của các TCS. Vì thế, trong tâm tưởng mỗi người không tránh khỏi những lắng lo, hồi hộp và thao thức như ngày đầu tựu trường.
Ý thức được giá trị của sự thinh lặng trong đời dâng hiến, một lần nữa, anh em TCS lại được cha giảng phòng Phêrô Nguyễn Vĩnh Tâm dẫn vào thế giới của sự tinh lặng nội tâm, một sự thinh lặng hiếm có trong cuộc sống của xã hội hôm nay. Quả thật, giữa cảnh đời ồn ào náo động của lối sống thực dụng hôm nay, con người đang bị cuốn vào việc tất bật tìm kiếm một lối sống hưởng thụ. Giữa vòng xoáy của nhân loại với xu hướng thế tục, nhiều người chọn lựa cho mình một điểm tựa tại những chốn phồn hoa đô hội để kiếm tìm những giá trị vật chất. Khuynh hướng sống “quá động” làm cho người ta đánh mất giá trị của sự thinh lặng, coi thường sự thinh lặng và người thích thinh lặng. Đặc biệt, giữa thế giới ồn ào náo động ấy, người ta sợ thinh lặng vì khi con người đối diện với sự thinh lặng, họ phải giật lùi về quá khứ, nhìn lại chính mình, lắng nghe tiếng nói của lương tri, lương năng. Nói khác đi, người ta sợ cái giật mình thức tỉnh, sợ nghe tiếng trách móc của lương tâm và tiếng mời gọi hoán cải sống tốt hơn. Do đó, sự thinh lặng thực sự cần thiết với con người, đặc biệt là những người dâng hiến, như Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô II đã từng nói: “Chúng ta phải thú nhận rằng tất cả chúng ta đều cần đến sự thinh lặng chất chứa sự hiện diện của Đấng mời ta tôn thờ: thinh lặng cần cho nhà thần học để đề cao cái khôn ngoan và tâm linh của nó; thinh lặng cần cho kinh nguyện để không bao giờ quên rằng nhìn thấy Thiên Chúa có nghĩa là xuống núi với một khuôn mặt chói lọi đến nỗi phải che mặt bằng một tấm khăn (xh 34, 33); thinh lặng cần cho kẻ dấn thân, để từ chối không để cho mình bị giam hãm trong một cuộc đấu tranh không có tình yêu cũng không có tha thứ. Tất cả mọi người dù có tín ngưỡng hay không, đều phải học biết giá trị của thinh lặng để cho Vị Kia lên tiếng vào lúc nào và như thế nào tùy Người; cũng như để cho chúng ta hiểu Người” (Đức Gioan Phao lô II, Tông thư Orientale Lumen, 2/5/1995, s. 16).
Điều đáng ghi nhớ là tuần tĩnh tâm năm nay anh em TCS được đắm mình trong bầu khí thánh thiêng, nơi một miền quê thanh bình đúng như tên gọi thân thương của nó “Yên Lạc”. Quả là trăm nghe không bằng một thấy. Yên Lạc mở ra trước mắt anh em một không gian tĩnh tâm lý tưởng. Khuôn viên tĩnh tâm bao gồm nhà thờ, nhà xứ, tượng đài Đức Mẹ, nhà nguyện, đền thánh cả Antôn và khu dành riêng cho các cấm phòng viên. Tất cả đều tọa lạc trên một ngọn đồi lộng gió. Đứng trên đồi nhìn quanh, tứ bề là những ngọn núi nhấp nhô, uốn lượn được bao phủ bởi rừng cây xanh tươi, không khí yên tĩnh đến lạ kỳ.
Hành trình lên núi Tabor
Với chủ đề xuyên suốt tuần tĩnh tâm “Đời sống ơn gọi dâng hiến và kinh nghiệm của các môn đệ trên hành trình lên núi Tabor”, cha giảng phòng Phêrô đã đưa các cẩm phòng viên theo bước hành trình lên núi Tabor của các môn đệ Đức Giê-su, để rồi nhìn lại hành trình ơn gọi của đời mình.
Các tông đồ Phêrô, Giacôbê và Gioan được Chúa chọn để đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Trong đời sống đức tin và nhất là trong hành trình đi theo Đức Kitô, các TCS cũng được Chúa chọn, đi riêng ra một chỗ, tới “ngọn núi cao”, để lắng nghe Lời của Ngài, để nhận ra ân huệ Ngài ban và cảm nếm được sự hiện diện của Ngài trong ơn gọi của mình.
Trên hành trình lên núi, các môn đệ đã được diễm phúc chiêm ngưỡng trước vinh quang phục sinh của Đức Kitô nên đã vui sướng thốt lên “Lạy Chúa, chúng con được ở đây, thật là hay”. Các TCS cũng được mời gọi cảm nếm kinh nghiệm niềm vui và hạnh phúc ấy khi dám can đảm lựa chọn cho đi sự sống của mình, từ bỏ cuộc đời mình vì Đức Kitô và vì Tin Mừng, mặc dù đời sống dâng hiến phải đối diện với những thăng trầm, thử thách và không ít những khó khăn nghiệt ngã.
Nếu trong hành trình “lên núi” các môn đệ có Chúa đồng hành, thì trong hành trình “xuống núi”, các ông cũng có Chúa đồng hành. Sống ơn gọi dâng hiến, TCS phải ý thức sự hiện diện đồng hành của Chúa. Sống ơn gọi dâng hiến chính là một cách thế đặc biệt để các TCS làm chứng cho sự hiện diện của Chúa.
Thánh lễ bế mạc tuần tĩnh tâm đã diễn ra vào sáng ngày 25/3 với sự hiện diện của cha giảng phòng Phêrô và cha quản xứ Giuse Phạm Ngọc Quang. Trong tâm tình của ngày lễ Truyền Tin, cha quản xứ Yên Lạc đã gửi gắm đến anh em TCS những tâm tình hết sức ý nghĩa. Ngài nhắn nhủ anh em hãy cùng chiêm ngắm hai tiếng “xin vâng” của Đức Kitô và Mẹ Maria để rồi cùng các Ngài “xin vâng” trong hành trình tận hiến của mình. Sau thánh lễ, đại diện anh em TCS đã nói lên tâm tình tri ân tới cha giảng phòng Phêrô, vì những lo lắng, hy sinh, giúp đỡ để tuần tĩnh tâm gặt hái được nhiều kết quả thiêng liêng. Đặc biệt, đây cũng là lúc để anh em TCS nói lên lòng biết ơn sâu nặng tới cha quản xứ Yên Lạc và Hội Đồng Mục Vụ cùng với bà con giáo xứ vì sự tận tụy, tình yêu thương và sự tiếp đón nồng hậu, chu đáo.
Tuần tĩnh tâm khép lại, thế nhưng dư vị của nó vẫn mãi còn nguyên vẹn trong tâm hồn các TCS. Trên khuôn mặt anh em, ai nấy đều rạng ngời niềm vui, bình an và thư thái. Ước gì những dòng suối hồng ân dạt dào kín múc được từ tuần tĩnh tâm năm đầu đời, anh em TCS sẽ có thêm xác tín và động lực để hiên ngang bước đi sẵn sàng trở nên khí cụ tình yêu của Chúa giữa lòng thế giới đầy xáo trộn hôm nay.
Ban Truyền thông Tiền Chủng viện KXVI