Hướng về Ngày Thế giới Truyền thông Xã hội (Lễ Chúa Thăng Thiên), Kitô hữu chúng ta được mời gọi tìm hiểu và suy tư về chủ đề này, hầu có thể sử dụng hợp lý phương tiện truyền thông theo tinh thần Tin Mừng. Bài viết này mang nặng tính ‘đặt móng’, với hy vọng chỉ ra một định hướng nền tảng, dưới nhãn quan Kitô giáo, cho truyền thông xã hội Việt Nam. Cụ thể, bài viết trình bày ba điểm chính: thứ nhất, lược lại bản chất và ý nghĩa truyền thông theo Kitô giáo; thứ hai, nhìn lại thực trạng truyền thông xã hội của Việt Nam hiện nay và những thách đố của nó; thứ ba, nghĩ về một định hướng căn bản để trả lời cho những thách đố đó qua việc suy gẫm về Mẹ Maria như một gương mẫu tuyệt vời của truyền thông theo tinh thần Tin Mừng.
Bản chất và ý nghĩa của truyền thông theo Kitô giáo
Đâu là bản chất và ý nghĩa của truyền thông (theo nghĩa chung nhất) từ nhãn quan Kitô giáo? Căn bản của truyền thông theo tinh thần Tin Mừng có nền tảng từ Mầu nhiệm Tình Yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Năng động của mối quan hệ giữa Ba Ngôi chính là sự trao ban, thông truyền và kết hiệp. Vì thế, như lời của Đức Thánh Cha Phanxicô, “tự bản chất, tình yêu là truyền thông; tình yêu dẫn đến mở ra và chia sẻ.”[1] Trong ý nghĩa đó, Mầu nhiệm Tình Yêu Ba Ngôi chính là điểm quy chiếu trong mọi khía cạnh bản chất của truyền thông: Ba Ngôi vừa là chủ thể truyền thông, vừa là Đấng truyền thông, vừa là nội dung truyền thông.
Từ nguồn mạch của Ba Ngôi, con người được tham dự vào ơn gọi truyền thông đó. Cách cụ thể, ơn gọi truyền thông của chúng ta chính là việc sống hai chiều kích cơ bản của con người: (1) mở ra, hay đi ra khỏi chính mình – ex-sistere; và (2) tương quan – tương quan với thọ tạo, với tha nhân, và với Thiên Chúa. Như thế, truyền thông không đơn thuần là một công việc hay một sứ mạng, mà là một ơn gọi sống triển nở cuộc đời theo bản chất con người. Từ ý nghĩa lý tưởng mang tính quy chiếu này của truyền thông, chúng ta thử cùng nhau xét duyệt lại một phạm vi nhỏ hơn: truyền thông xã hội, trong bối cảnh cụ thể của mình: xã hội Việt Nam.
Thực trạng và hệ quả của truyền thông xã hội Việt Nam hiện nay
Tất nhiên, đưa ra một bức tranh vừa tổng quát vừa chi tiết về thực trạng truyền thông của một quốc gia là một việc làm lớn và cần có những nghiên cứu căn cơ. Bản thân tôi không có chuyên môn về lãnh vực này, nên không có tham vọng làm việc đó, cũng như không dám khẳng định chắc chắn những nhận xét của mình. Tuy nhiên, dựa vào quan sát và kinh nghiệm bản thân, tôi mạo muội tổng hợp một số nét nổi bật của truyền thông xã hội tại Việt Nam hiện nay:
Trước hết, nếu xét theo tiêu chí số lượng, có thể nói truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện tại đã ở mức khá phát triển. Về báo chí, tính đến ngày 30/11/2019, có 850 cơ quan báo chí, tạp chí được cấp phép hoạt động.[2] Hầu như tỉnh thành nào cũng có đài phát thanh và truyền hình. Quan trọng hơn, với đặc điểm dân số trẻ, tỉ lệ người Việt sử dụng Internet, nhất là mạng xã hội, đang thuộc loại cao của thế giới.
Nếu xét về ‘phổ’ của nội dung, truyền thông xã hội của Việt Nam cũng thuộc loại lớn: nó có đủ loại thông tin, từ ‘chính thống’, như văn hoá, tôn giáo, chính trị, khoa học, thiên nhiên, cho đến những thông tin ‘lá cải/giật gân’, như cướp giật, bói toán, đánh bạc, chuyện lạ,…
Về mặt định hướng, truyền thông xã hội ở Việt Nam hiện rơi vào hai thái cực: hoặc được/bị định hướng rất chặt theo một mục đích nhất định (như về mặt chính trị), hoặc hoàn toàn không có định hướng (như phần lớn thông tin trôi nổi trên mạng xã hội).
Về mục tiêu và phương hướng sử dụng của người dùng: rất đa dạng! Ở đây tôi chỉ xét về mạng xã hội: tìm kiếm thông tin bên ngoài vì không tin tưởng hoàn toàn vào thông tin ‘chính thống’ của nhà nước; kết bạn; nhu cầu thể hiện và muốn được thừa nhận về bản thân (đặc biệt qua hiện tượng ‘câu like/câu view’); giao dịch làm ăn (như bán hàng online); giải trí; dùng thông tin để lừa đảo; tò mò tìm hiểu về những thông tin ‘lạ, giật gân’, vv.
Thực trạng đó đưa đến hệ quả gồm hai viễn tượng:
Về mặt tích cực: Nếu được sử dụng hợp lý, rõ ràng truyền thông xã hội mang lại những ích lợi cụ thể theo mục tiêu của người sử dụng. Hơn nữa, sự phong phú của thế giới truyền thông ‘mở ra’ cho ta thấy một chân trời rộng lớn của cuộc sống, của thế giới: cuộc sống không chỉ bó hẹp trong công ăn việc làm, cũng không giới hạn trong những thông tin khoa học, mà còn bao nhiêu khía cạnh khác: tâm linh, văn hoá, tự nhiên, v.v.. Do đó, nếu được thực thi với một phương thức phù hợp, truyền thông xã hội hiện nay có thể mang đến một điều kiện tuyệt vời để giúp con người vượt qua não trạng hẹp hòi, duy khoa học kỹ thuật của thời đại: não trạng cho rằng chỉ có những thông tin mang tính khoa học kỹ thuật mới có giá trị đối với đời sống con người. Với não trạng này, đời sống bị đóng khung trong những ‘bức tường’ của các chỉ số toán học và định lượng khoa học do lý trí vạch ra, nên con người đánh mất khả năng mở ra với nhiều điều khác; đánh mất sự ngạc nhiên, sự nhạy bén trước bao nhiêu điều lớn lao khác: những gì thuộc ý thức về sự linh thánh, niềm hy vọng về đời sống siêu nhiên, v.v.. Vì thế, sự phong phú của nguồn lực truyền thông có thể giúp chúng ta nhận ra rằng: cuộc sống lớn lao hơn những gì bị khuôn ép trong cái khung hẹp hòi mà bấy lâu nay ta mặc định.
Về mặt tiêu cực: Thực trạng trên đã đem đến những điều tiêu cực trên thực tế. Thật vậy, tuy đã nói ở phía trên rằng mục tiêu và phương hướng sử dụng truyền thông xã hội ở Việt Nam rất đa dạng, nhưng phải nhấn mạnh rằng: tỉ lệ những người dùng truyền thông vào mục đích vô bổ, hoặc mục đích xấu, dường như cao hơn nhiều so với số người nhắm đến mục đích ích lợi chân chính. Ví dụ, theo thống kê trong nhiều năm của Google, Việt Nam có tỉ lệ người xem phim ‘đen’ cao nhất thế giới[3]; hay việc tràn lan tin giả, tin rác, hay bùng nổ tin dữ, dẫn đến vấn nạn ‘bội thực tin dữ’, khiến bao người bị khủng hoảng tinh thần, đánh mất niềm tin vào sự tốt lành thánh thiện. Ngoài ra, nhiều người rơi vào tình trạng sống ảo, ‘đóng khung’ chính mình trong thế giới mạng, nghĩa là đi ngược lại với bản chất đích thực của truyền thông: thay vì mở ra, họ lại tự ‘đóng’ mình lại.
Đâu là nguyên do của tình trạng tiêu cực trên? Có lẽ có nhiều yếu tố, nhưng theo tôi, nguyên do chính nằm ở sự ‘lệch khớp’ giữa phát triển bùng nổ thông tin và nền tảng văn hoá, giáo dục chưa tương xứng. Thật thế, nếu khiêm tốn và bình tâm, chúng ta phải thừa nhận rằng nền tảng ‘tâm – trí’ của nhiều người Việt ngày nay chưa tương hợp để giúp phân định trong việc sử dụng truyền thông.
Do đó, giải pháp cho những thách đố của truyền thông xã hội ở Việt Nam hệ ở việc phải tìm một định hướng căn bản giúp ta có khả năng phân định và có trách nhiệm với việc trao và nhận thông tin. Theo tinh thần Tin Mừng, thiết nghĩ ta có thể tìm thấy định hướng này từ gương Mẹ Maria.
Gương sống ơn gọi truyền thông của Đức Maria: Định hướng nền tảng của truyền thông xã hội
Trước hết, Mẹ Maria đã rất mẫu mực trong việc tiếp nhận thông tin. Khi được Thiên thần truyền tin, Mẹ đã đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa (qua Thiên thần), để phân định và nhận ra kế hoạch lớn lao mà Thiên Chúa dành cho nhân loại qua Mẹ. Rồi nơi tiệc cưới Cana, Mẹ nhận ra ‘tín hiệu’ rằng chủ nhà đã hết rượu và đang rất lo lắng. Những ví dụ này đã cho thấy Mẹ Maria có một sự nhạy bén, tinh tế và khả năng phân định tuyệt vời. Khả năng đó chỉ ra rằng Mẹ có một nền tảng về tâm và trí thật lớn lao.
Nhưng làm sao mẹ có được nền tảng đó? Thưa, bằng việc lắng nghe người khác ở mức độ thấu cảm, bằng đời sống cầu nguyện, ‘suy đi nghĩ lại trong lòng’, và bằng tâm hồn yêu mến, khiêm cung tìm kiếm và tuân hành ý muốn Thiên Chúa.
Đức Maria cũng đồng thời là một gương mẫu trong việc truyền thông tin. Như được diễn tả trong các sách Tin Mừng, Mẹ rất cẩn trọng trong việc trao-truyền thông tin. Ngay cả khi được lãnh nhận Tin Mừng trọng đại nhất – rằng Thiên Chúa sẽ nhập thể nơi lòng Mẹ – Đức Maria cũng không ‘tài lanh’ – rao truyền ‘vô tội vạ’. Ngược lại, mẹ phân định để biết cần trao truyền thông tin gì, và cho ai, để mưu ích cho họ (trong trường hợp này là cho bà Elizabeth). Hơn nữa, điều cần đặc biệt nhấn mạnh ở đây: thông tin mà Mẹ trao truyền không chỉ đơn thuần là thông tin được nhận từ người này rồi chuyển sang người nọ, mà là thông tin đã được ‘cưu mang’, đã được ấp ủ, được nuôi dưỡng để trở thành Tin Mừng. Và Mẹ cũng không trao truyền thông tin theo kiểu ‘đem con bỏ chợ’; mà ngược lại, Mẹ đến gặp gỡ, chia sẻ và đỡ nâng người được nhận thông tin. Nói cách khác, Mẹ đã rao truyền thông tin bằng chính cả con người mình. Như vậy, với Mẹ Maria, truyền thông không phải chỉ là trao điều gì bên ngoài mình, mà là hiện diện, hiệp thông và trao ban điều Mẹ đã cưu mang, đã sống, và cả chính bản thân mình.
Làm sao Mẹ có được tinh thần trao truyền thông tin như thế? Thưa, vì tình yêu! Tình yêu Thiên Chúa và niềm vui Tin Mừng đã trào tràn nơi Mẹ; và tự bản chất, Tình Yêu đó thúc đẩy mẹ trao ban, thông truyền cho người khác, nhưng trao ban theo mục đích và phương thích thích hợp nhất. Rõ ràng, Mẹ Maria đã có một tiêu chuẩn phân định để có thể nhận biết thông tin nào là chân thật, hữu ích, cũng như cần trao truyền thông tin gì, cho ai, theo phương thế nào. Đó là tiêu chuẩn: cho vinh danh Thiên Chúa hơn, và mưu ích lợi cho con người lớn hơn.
Ước gì mỗi người Kitô hữu chúng ta biết noi gương Mẹ Maria để có sự khôn ngoan theo Tin Mừng, biết đào luyện lương tâm ngay thẳng, có tình yêu Thiên Chúa và tha nhân thật lớn lao, hầu sống sung mãn ơn gọi truyền thông của cuộc đời mình!
Khắc Bá, S.J.
[1] ĐTC Phanxicô, Sứ điệp Ngày Truyền thông Xã hội thứ 50. Xem tại: http://hdgmvietnam.org.
[2] https://www.hcmcpv.org.vn
[3] http://www.doisongphapluat.com.