ỦY BAN GIÁO DỤC CÔNG GIÁO
trực thuộc
Hội Đồng Giám Mục Việt Nam
THƯ GỬI ANH CHỊ EM GIÁO CHỨC CÔNG GIÁO
NHÂN NGÀY NHÀ GIÁO VIỆT NAM 20.11.2019
“Cầu chúc toàn thể anh chị em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13, 13).
Kính gửi quý thầy cô giáo!
Tôi xin mượn lời Thánh Phaolô Tông đồ của Chúa chúng ta, để thay cho lời chào đầu tiên, đầy chân thành và yêu mến của tôi, người kế tục công việc của Đức cha nguyên chủ tịch đáng kính Giuse Đinh Đức Đạo, gửi đến tất cả quý thầy cô nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam. Và cũng bằng một tấm lòng như thế, tôi cũng nhớ đến và chào thăm từng người anh chị em giáo chức, vì tuổi tác hay vì bất cứ hoàn cảnh nào, nay đã không còn tiếp tục sự nghiệp giáo dục, mà anh chị em đã một thời tâm huyết. Nhân dịp này, tôi cũng muốn chia sẻ với tất cả anh chị em một chút tâm tình, kèm theo một vài thao thức của tôi trong sự nghiệp “trăm năm trồng người” này.
1. Quý thầy cô thân mến! Giờ phút này, với tất những ký ức sâu nặng của tình nghĩa thầy trò mà tôi còn giữ lại, tôi xin phép được cùng với tất cả các bạn học sinh, sinh viên, cả những ai đang thọ giáo trong bất cứ ngành nghề hay lãnh vực nào, bày tỏ lòng tri ân và ngưỡng mộ sâu sắc nhất, đến tất cả quý ân sư, quý thầy cô giáo. Tôi thành tâm kính chúc quý vị, không phải chỉ có ngày đặc biệt này, mà mọi ngày trong cuộc sống của mình, luôn an vui hạnh phúc và ân sủng dồi dào của Chúa ở cùng anh chị em hết thảy (x. Tt 3,15).
2. Tôi gửi lời chúc dồi dào ân sủng Chúa cho anh chị em, không chỉ đơn thuần là để lời chúc của tôi mang màu sắc Kitô giáo, nhưng là để ước mong cho anh chị em luôn nhớ rằng: Công việc của một “kỹ sư tâm hồn” không những là một công việc cao quý, mà còn là một bổn phận nặng nề. Điều này đưa chúng ta đến gần hơn với nền tảng của giáo dục Kitô giáo nơi Công đồng Vatican II: “Nền giáo dục ấy còn giúp họ biết cách thờ phượng Thiên Chúa Cha trong tinh thần và chân lý (x. Ga 4,23), cũng như huấn luyện họ biết sống theo con người mới trong công bình và thánh thiện của chân lý (Ep 4,22-24).
Bởi đó, trong cái nhìn đức tin Kitô giáo, sứ mệnh của một người thầy đúng nghĩa, cần và rất cần đến sự trợ giúp của ơn Thánh Chúa, để anh chị em thực thi tốt nhất sứ mạng của mình, cũng như sống cho xứng với ơn kêu gọi mà Thiên Chúa đã ban cho anh chị em (Ep 4,1).
3. Trước sự bùng nổ có thể nói là vô tận của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hứa hẹn một diện mạo mới cho nhân loại, nhưng cũng mang theo nhiều thách thức mới cho toàn cầu. Sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật đưa xã hội lên tầm cao mới, nhưng cũng đặt con người trước những thách đố nặng nề. Là một Kitô hữu giáo viên, anh chị em còn được mời gọi thực thi sứ mạng của mình, không chỉ là người chuyển tải kiến thức cho các thế hệ kế tiếp, hay dạy cho học trò biết sống tử tế hiền hòa, nhưng theo tinh thần của Vatican II, chúng ta còn hướng về Chân–Thiện–Mỹ, hướng về Trời Mới – Đất Mới.
4. “Đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa” (2 Tm 1, 8). Đó là lời của Thánh Phaolô khích lệ tất cả chúng ta trong đời sống đức tin của mình. Từ xa xưa trong Cựu Ước, qua trung gian của tổ phụ Môsê, Chúa đã truyền lệnh như một lời tự nguyện cam kết rằng: “Nếu các ngươi muốn sống và sống hạnh phúc trong phần đất mà Chúa đã hứa ban, thì các ngươi hãy gìn giữ và thực hành những huấn lệnh của Ta. Đồng thời, các ngươi cũng hãy dạy cho con cháu các ngươi những điều ấy”( x.Đnl 4,1-2.6-8). Trong Tân Ước, Chúa Giêsu được dân chúng nhìn nhận, dù lúc thuận tiện hay không, luôn là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa (x. Mt 22, 16). Tôi muốn gợi nhớ lại những sự kiện này, để cùng với anh chị em, những giáo chức Công giáo trong môi trường giáo dục, thực hiện lời dạy của Thánh Phaolô Tông đồ: Chúng ta hãy làm chứng cho Chúa trong công việc của mình. Chúng ta chưa có cơ hội để nói về Chúa bằng lời, nhưng chúng ta có nhiều cơ hội để giới thiệu Chúa bằng sự hiện diện của chính mình, sự hiện diện của một Kitô hữu chân chính. Chúng ta chưa có điều kiện để nói về Chúa bằng môn học, nhưng chúng ta nhiều dịp để dạy về Chúa bằng những ứng xử thân ái và chân tình trong cuộc sống của mình.
5.“Hãy ra khơi thả lưới” (Lc 5, 4). Chúng ta hãy học lấy kinh nghiệm của Phêrô và các môn đệ. Trước mắt các ngài, những ngư phủ lâu năm dày dặn kinh nghiệm, là một lời đề nghị vô ích. Thế nhưng, một Phêrô dám vượt lên mọi thách thức của cuộc sống để đáp lại rằng: “Vâng lời Thầy, con xin thả lưới” (Lc 5,5). Phêrô và các môn đệ đã can đảm làm lại một lần nữa điều mà các ngài đã từng làm nhiều lần, và giờ đây, đang phải đối diện với nỗi buồn của thất bại. Thế nhưng lần này, lần của hạ mình xuống để làm theo lời Thầy, mang đến một thành công lớn nhất trong cuộc đời ngư phủ của các ngài: “Họ đã bắt được rất nhiều cá” (x. Lc 5, 6). Mỗi người trong chúng ta hãy là một Phêrô của 20 thế kỷ về trước, can đảm và tin tưởng thả vào ngôi trường của mình chiếc lưới của lòng nhân ái và bao dung, thả vào lớp học của mình chiếc lưới của tận tình và trách nhiệm. Tôi tin chắc rằng: một kết quả tươi đẹp và mỹ mãn sẽ đến với cuộc sống chúng ta.
6. Cuối cùng, cho phép tôi gửi thêm lời chào thân ái đến tất cả học sinh, sinh viên, những người đang trong giai đoạn trang bị kiến thức cho tương lai đầy hy vọng của mình. Cha ước mong rằng: Trong những ngày rộn ràng của Tết Nhà giáo Việt Nam, cùng với những cánh thiệp của lòng yêu mến, những bông hoa của lòng biết ơn, các con hãy luôn kính trọng thầy cô của mình. Đó không những là nét đẹp văn hóa của dân tộc Việt Nam biết “tôn sư trọng đạo”, mà nó còn là một đòi buộc được nêu lên trong Giáo lý của Giáo Hội Công giáo. (x. GLGHCG, số 2199) Đây mới là món quà cao quý nhất mà mọi người đang mong chờ nơi chúng con, không chỉ là trong ngày đặc biệt này, mà còn trong suốt cuộc đời của các con.
Nguyện xin Đức Maria là gương mẫu cho nền giáo dục Kitô giáo, đồng hành và hướng dẫn chúng ta trong sứ mạng cao quý này.
Thân ái trong Chúa Kitô.
Vĩnh Long, ngày 10 tháng 11 năm 2019
+Phêrô Huỳnh Văn Hai
Giám mục Giáo phận Vĩnh Long
Chủ tịch Ủy ban Giáo dục Công giáo