GPVO (9/11/2022) – Biết em qua một vài video clip quay các cảnh trong làng với những khung cảnh thật dễ thương đậm nét Jrai. Em mộc mạc, đơn sơ và giản dị để hóa vào vai của một em đồng bào thiểu số ở núi Chư Đang Ya (Gia Lai).
Và rồi, một ngày kia qua trang báo viết về em. Tôi tìm đến em như một mối duyên và rồi phát hiện ra nơi em có một tấm lòng thiện để rồi từ những ngày còn nhỏ, chả ai mách bảo em nhưng em đã đến với thiện nguyện. Em đến với thiện nguyện như một mối duyên, chất chứa cả tấm lòng hướng về đồng bào Jrai thương mến.
Quê ở Phú Yên, từ khi 3 tuổi, em theo cha mẹ vào Đak Đoa (Gia Lai) để lập nghiệp. Là con gái giữa của gia đình có 3 chị em. Năm nay em bắt đầu bước vào năm nhất của ngành học truyền thông tại Sài Gòn. Chị cả thì học Y còn em út năm nay lên lớp 7. Hỏi thăm về gia đình thì em nói rằng ba mẹ ỏ nhà bán quán ở trong làng và gia đình cha mẹ theo đạo Cao Đài. Thật dễ thương khi nghe em nói : “Con không phải là người Công Giáo nhưng con thích Kinh Lạy Cha và hay đọc Kinh Lạy Cha”.
Nghe em nói vậy, tôi dặn : “Khi nào con rửa tội, nhớ gọi Cha đi dự Lễ nhé !”
Lần mò về với mối tình thiện nguyện, cô bé Lê Ánh Thùy Trang mà tôi mới lướt qua một chút về em ở phần trên chia sẻ: “Từ năm học lớp 9, con thấy các bạn nhỏ xung quanh thiếu thốn, con thấy thương và con chia sẻ. Con tiết kiệm có chút gì đó thì con chia sẻ. Có khi có bạn không có quần áo thì con lấy quần áo con mang đi cho. Có người thấy con làm như vậy và đề nghị con đưa lên mạng để có nhiều người chia sẻ. Sau đó con lập nhóm Fowers để cùng nhau chia sẻ với người nghèo”.
Em chia sẻ công việc của em đang làm đó là em tập hợp những mẫu mã thời trang hay túi xách, bóp ví theo kiểu văn hóa Jrai để cho ra thị trường vì em muốn tạo công ăn việc làm cho những người trong làng. Trong tình thân, tôi nói với em rằng tôi cũng đã nghĩ đến điều đó khi vừa đặt chân đến vùng đất của người Jrai.
Thật sự những sản phẩm của Jrai rất tuyệt vời thế nhưng công cán để làm ra một sản phẩm như một cái áo, một cái túi xách … thật là nhiều. Phải mất rất nhiều thời gian để có sản phẩm như ý. Và rồi đó chính là trở ngại vì giá thành lên quá cao. Một cái áo Jrai tính ra thành phẩm hơn 1 triệu đồng, 1 cái túi xách nhỏ cũng tròm trèm 500 ngàn. Những sản phẩm này thật dễ thương, thật bắt mắt nhưng chỉ cầm hay sử dụng qua vài lần. Đơn giản là về Sài Gòn hay về nơi họ ở thì họ không thể nào mặc cái áo hay đeo cái túi Jrai ra đường.
Giá thành cao cũng như khó phù hợp với thời trang chung nên việc đưa ra sản phẩm văn hóa Jrai thật là khó.
Nghe chia sẻ như vậy, em nói em thử một lần để học kinh nghiệm.
Đến và chia sẻ cho nhiều làng Jrai, em cảm nhận thật chính xác: “Con không nghĩ đến chuyện phát gạo hay thực phẩm. Con nghĩ rằng nếu phát gạo và thực phẩm thì họ ăn trong vòng 1 tuần lễ là hết. Con đang nghĩ đến chuyện giúp cho họ vật nuôi hay cây trồng”.
Thao thức cũng như ý tưởng của Thùy Trang thật hay và chính xác. Mình chỉ có thể giúp cho người nghèo cái cần câu chứ không thể nào giúp mãi với con con cá.
Thật thế, phải ở cùng cũng như sát cánh với những người nghèo và cả như người Jrai thì mới thấy những cái khó khi đi làm thiện nguyện. Không nên dừng lại ở chuyện cho mãi con cá mà không nghĩ đến cái cần câu.
Phần tôi, tôi vẫn luôn thao thức và đau đáu trong lòng với chuyện học hành. Tình trạng chung của người thiểu số đó là bỏ học khi còn rất trẻ. Thường nghe theo bạn bè để rồi học chỉ cùng lắm đến lớp 12 chứ không bao giờ đến ngưỡng cửa đại học. Đa phần các em dừng và bỏ học ở lớp 6 và lớp 7. Đơn giản là vì theo cách người đồng bào suy nghĩ đó là học nhiều để làm chi? Học xong để làm gì vì cũng có người trong làng theo học nhưng khi học xong thì dường như bị loại ra khỏi môi trường mà mình học cũng như bằng cấp mình có. Đơn giản là người Kinh vẫn có ánh mắt và cái nhìn cũng như dành cho người Jrai cái nhìn khó hiểu. Đó cũng là một trong những khó khăn lớn mà người đồng bào khó có thể phát triển cuộc sống.
Mấy mươi năm rồi khi lần đầu tiên bước chân lên mảnh đất Tây Nguyên giờ vẫn thế. Họ vẫn cứ lầm lũi trong làng với cuộc sống đầy dẫy những khó khăn.
Thà đừng nghĩ chứ nghĩ đến cuộc sống của đồng bào thiểu số là tôi lại đau đầu. Cách riêng nơi cái vùng tôi đang sống cũng làm cho tôi đau đầu nhức óc.
Nơi tôi đang ở, chỉ lo những chuyện trong khả năng nhỏ bé nhờ ơn Chúa qua một số thân nhân là cũng đã đuối. Những chiếc hòm miễn phí, những bao gạo cấp bách cho người nghèo hay chiếc xe lăn cho người già yếu thì luôn sẵn có khi cần. Những bữa ăn sáng cho đám thiếu nhi từ làng xa ra học Giáo Lý và dự Lễ Chúa Nhật cũng là điều bóp bụng và cố sức làm. Tất cả mọi sự làm trong âm thầm và lặng lẽ.
Đứng trước tình hình thực tế và quá khó khăn như hiện tại, Cha Sở đã đồng ý cho chuyện khám và phát những loại thuốc thông thường cho người nghèo khi họ ra dự Lễ. Cha Sở nói nghe mát cái ruột nhưng cũng lo: “Làm chuyện này (phát thuốc) tốt quá đi chứ ! Nhưng nhớ sinh thì phải dưỡng”
Vâng ! Biết rằng sinh đã là khó và dưỡng cũng chẳng phải là chuyện giản đơn. Thế nhưng trong mọi sự tôi luôn tin tưởng và tín thác cho Chúa. Đơn giản vì những người nghèo là của Chúa mà! Có chăng chúng tôi chỉ là người trung gian.
Vậy đó, thiện nguyện cho người nghèo và nhất là cho đồng bào thiểu số như Jrai không phải là chuyện đơn giản. Chả phải cứ đến với họ là cho họ vài bao gạo hay dăm bảy thùng mì tôm. Chuyện cần nhất vẫn là hướng và giúp cho họ mưu sinh như thế nào cũng như lo cho họ những chuyện thường ngày như viên thuốc hay chiếc áo quan.
Tạ ơn Chúa, cảm ơn đời và cảm ơn người. Cảm ơn Thùy Trang – một cô bé sinh viên ngành truyền thông – cũng như những ai có lòng luôn hướng về người nghèo.
Có lẽ việc làm của Thùy Trang hay của ai đó đang lo cho người nghèo cũng chả thấm vào đâu so với nhu cầu cuộc sống của họ. Thế nhưng rồi chả lẽ ngồi đó khoanh tay và nguyền rủa cuộc đời. Thế cho nên cần và cần lắm những tấm lòng chung chia với những phận nghèo kém may mắn.
Tôi cũng vậy thôi, cũng chỉ xin sẻ chia chút gì đó qua tấm lòng thơm thảo của những ai gửi đến để trao đi. Trăn trở và thao thức về những mảnh đời nghèo nơi vùng đất Tây Nguyên này còn đó và có đó trong cuộc đời khi ta còn … thở.
Lm. Anmai, CSsR