Thiên Chúa sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của lòng tôi

Dongten.net (16/5/2022) – A! Thì ra Chúa ở trong mình và mình lại được ở lại trong Chúa!

Đó là một khoảnh khắc trong giờ cầu nguyện của tôi. Thật khó có thể giải thích cho được cái cảm xúc nổ tung như thể quả bóng bay đầy khí bị một chiếc kim đâm vào bất ngờ. Tâm trạng tôi lúc này bùng nổ làm cho mọi suy tư, nghi ngờ, hồ nghi và mọi vật xung quanh dường như tan biến hết. Tôi ngây ngất trong sự biến chuyển nội tâm đột ngột, dường như quên hết thời gian và tôi cứ thế cảm nếm sự đụng chạm đến hết giờ cầu nguyện. Sau kinh nghiệm biến chuyển nội tâm, đó là một lời mời gọi như thể nhãn tiền rằng: “Không có gì, không có gì, có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”. Tuy nhiên, để đến với một kinh nghiệm được đụng chạm như vậy, tôi đã phải trải qua hàng loạt những suy tư, nghi ngờ và hồ nghi về mọi điều trong cuộc sống.

Nhớ lại những ngày tháng còn là một sinh viên thuộc khối ngành xã hội, tôi đã sôi nổi, hăng hái tìm kiếm và lĩnh hội những kiến thức thuộc nhiều trường phái và học thuyết mới mẻ, tất cả những thứ đó đã thu hút tôi. Nhưng khi đó, tôi mới chỉ là một sinh viên non nớt nên đã dễ dàng bị các học thuyết đó thuyết phục, một cách vô điều kiện. Sinh viên chỉ là một con người xã hội, một cách tôi mang vào sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông và bước vào môi trường đại học, nhưng hơn hết tôi là một người Kitô hữu (người Công Giáo). Nhưng thật lạ lùng thay, tôi lại cảm thấy bị giằng xé và nghi ngờ vì căn tính mà tôi đã nhận chân từ tấm bé chỉ vì những thứ mới mẻ đem vào đầu mình. Tôi bị giằng xé vì hệ giá trị: “Liệu những điều trước đây mình được dạy trong giáo lý hay tất cả truyền thống đã dạy có đúng không?” hay “Những thứ tôi mới nhận được có phải là chân lý và cùng đích mà tôi phải hướng tới?”, “Đâu là điều mà tôi nên học nên theo lúc này và trong tương lai?,…. Có hằng ngàn câu hỏi tương tự như vậy bủa vây lấy tâm trí tôi. Có lúc, tôi có thể mù mờ trả lời được phần nào, có lúc chỉ biết suy tư, nhưng phần lớn là chán nản và mệt mỏi mỗi khi những bận tâm như vậy ùa đến.

Trong một lần tham dự thánh lễ, tôi đã thực sự bị cuốn hút bởi đoạn Kinh Thánh về lòng trung thành trong thư gửi tín hữu Do Thái: “Đức Giêsu Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, như vậy mãi đến muôn đời. Đừng để cho đủ thứ học thuyết xa lạ mê hoặc anh em.” (Dt 13, 8-9). Đoạn Lời Chúa vừa rồi tuy chưa làm cho tôi có thể thực hiện sự thay đổi nhưng qua việc “để tâm suy đi nghĩ lại trong lòng” đã làm cho tôi khởi sự việc nghi ngờ về những kiến thức và học thuyết mới lạ mà tôi mới mang vào. Thời gian cứ thế trôi, điều may mắn là tôi đã không vội vàng bỏ bất cứ điều gì trong hai điều: Một là căn tính Kitô hữu mà tôi đã nhận chân và vẫn sống đạo là người Kitô hữu. Hai là những học thuyết và trường phái mới lạ mà tôi đã được thụ hưởng trên giảng đường. Cả hai điều đó, tôi đều tiếp tục đào sâu và tìm hiểu, hơn nữa, điều đó còn được làm một cách nghiêm túc và kỹ càng hơn. Rồi thời gian tôi được thực sự nhận ra cũng đến, đó là kỳ cuối cùng của thời gian đại học khi mà tôi chuẩn bị đề tài bảo vệ tốt nghiệp. Tôi đã mạnh dạn chọn một vấn đề trong tư tưởng của Thánh Augustinô để làm đề tài. Qua đó, tôi tìm đọc cuốn “Tự Thuật” (Confession), càng đọc, dường như cùng với con mắt tri thức, con mắt linh hồn của tôi cũng càng được mở rộng. Thiên Chúa sâu thẳm hơn chính sự sâu thẳm của lòng tôi (Deus est intimior intimo meo! Thánh Augustinô): “Ngài có đó, khi con tưởng mình đang cô đơn. Ngài trong con, thế mà con vẫn tìm. Ngài thương con, thoa dịu hồn đầy vết thương đau …” Thiên Chúa của Kitô giáo là Thiên Chúa ở trong chính nơi sâu thẳm của con người, chứ không phải là các vị “thần linh” trong quan niệm ngoại giáo, trú ngụ ở nơi này nơi kia trong thiên nhiên. Nơi lòng mỗi người đã có sẵn “tính thần linh” của nó.

Vậy nên, tôi có thể ở trong Chúa và Chúa vẫn có thể ở trong tôi. Những điều này thực sự đã làm cho tôi được biến đổi, đã làm cho tôi không chỉ là “người” hơn, mà còn qua đó và nhờ đó tôi được ở gần Chúa và ở trong Chúa nhiều hơn. Những giờ cầu nguyện hằng ngày đã không còn khô khan hay nhiều chia trí như trước nữa mà thay vào đó là an ủi và chữa lành hơn. Và từ đó, tôi càng xác tín hơn rằng: “Không có gì, không có gì, có thể tách tôi ra khỏi lòng mến của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô”.

Pietro Chung