Thánh lễ cung hiến thánh đường Giáo xứ La Nham

GPVO (15.4.2021) – Vào lúc 8 giờ thứ Năm 15/4/2021, Đức Giám mục Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ cung hiến thánh đường mới giáo xứ La Nham. Đồng tế và hiệp dâng thánh lễ có cha quản hạt Gioan B. Lê Trọng Châu, cha quản xứ Antôn Trần Văn Niên, quý cha trong và ngoài giáo hạt Nhân Hòa, quý thầy phó tế, quý nam nữ tu sĩ cùng cộng đoàn dân Chúa.

Giáo xứ La Nham được thành lập vào năm 1925 tách từ xứ mẹ Lộc Mỹ, thuộc địa bàn xã Nghi Yên, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An. Hiện giáo xứ có 2 giáo họ là La Nham và Trại Cộ với số giáo dân 2.650.

Địa danh huyện Nghi Lộc từ thời Tây Sơn (1778 – 1802) được gọi là Chân Lộc. Khi thành lập giáo xứ ở vùng này bề trên đã gọi xứ này là giáo xứ Chân Lộc. Vào năm 1853, giáo xứ mẹ Chân Lộc đổi thành giáo xứ Lộc Mỹ, Đức Giám mục tiên khởi của Địa phận Vinh Gauthier Ngô Gia Hậu đã chia giáo xứ Lộc Mỹ làm hai. Miền Đá Dựng giữ nguyên tên giáo xứ Chân Lộc với số giáo dân 4.055. Miền đất Cửa Lò được gọi là xứ Cửa Lò với số giáo dân là 2.693, bao gồm Kẻ Bong, Kẻ Rộng, Kẻ Lò, La Nham. Vào thời đó vì những cơn bách hại đạo, để dễ lánh nạn, các vị thừa sai đã chọn làng Kẻ Bong làm trụ sở của giáo xứ. Đến năm 1902, bề trên giáo phận chia giáo xứ Cửa Lò làm hai. Phần làng Kẻ Bong, phần còn lại là làng Kẻ Rộng và làng La Nham. Làng La Nham phát triển và thành lập giáo họ La Nham, nhận thánh Giuse làm bổn mạng.

Vào 1925, khi bề trên giáo phận thấy số lượng giáo dân La Nham ngày một tăng, cộng với địa thế hiểm trở, xa cách trung tâm giáo xứ mẹ Lộc Mỹ, nên bề trên giáo phận đã cho phép giáo họ La Nham tách ra thành lập giáo xứ La Nham với 72 hộ, gần 500 giáo dân và cha Giuse Hạp quản xứ Lộc Mỹ kiêm nhiệm giáo xứ La Nham. La Nham lúc này gặp rất nhiều khó khăn: đời sống người dân đang khổ tư bề, cơ sở vất chất giáo xứ chưa có, giáo xứ chỉ duy nhất ngôi nhà nguyện nhỏ, dột nát do cố Hòa người Pháp xây cất làm nơi thờ phượng Chúa. Dù đối diện với muôn vàn khó khăn như thế, nhưng với sự hy sinh, hướng dẫn của cha kiệm nhiệm Giuse cùng với lòng nhiệt huyết, tinh thần yêu mến Chúa và Giáo Hội của mọi người trong giáo xứ La Nham. Vì vậy, vào năm 1929, khi thấy ngôi nhà nguyện đã hư nát, cha Giuse đã cho khởi công xây dựng lại ngôi nhà thờ mới. Khi công trình đã xong, đời sống giáo dân ổn định hơn, thì vào 1936, cha Giuse Hạp được chuyển đi nơi khác và từ đó tới nay giáo xứ La Nham lần lượt có 16 cha thay phiên nhau kiêm quản nhiệm: Cha Liên quản nhiệm từ năm 1936-1940, cha Lê từ 1940-1944, cha Thuyên 1944-1945, cha Đạt 1945-1948, Cha Vinh 1948-1951, cha Ân 1951-1953, cha Giuse Nguyễn Xuân Ân 1953-1970, cha Giuse Nguyễn Đức Châu 1970-1988, cha Lợi 1988-1989, cha Gioan Nguyễn Văn Chất 1989-1995, cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên, cha Giuse Hoàng Thái Lân, cha Giuse Nguyễn Đăng Điền 1995-1998, cha Giuse Phan Duy Tường 1998-2009, cha Bênađô Vũ Sỹ Tráng 2009-2013, cha Giuse Hoàng Đức Nhân 2013-2017 và cha quản xứ đương nhiệm Antôn Trần Văn Niên.

Cùng với thời gian, giáo xứ La Nham qua thời các cha kiêm, quản nhiệm thì ngôi thánh đường vật chất cũng xuống cấp, tuổi thọ đã cao, bên cạnh đó, đời sống vất chất và tinh thần người dân không ngừng tiến triển. Vì vậy, khi ngôi thánh đường La Nham bị cơn bão số 9 làm sập toàn bộ năm 1989, thì vào năm 1991, cha quản xứ Gioan Nguyễn Văn Chất cùng với giáo dân khởi công xây dựng ngôi thánh đường mới, ngôi thánh đường đã được hoàn thành trong vòng 8 tháng.

Kể từ đây, đời sống đạo cũng như vật chất giáo xứ La Nham trở nên một diện mạo mới. Đặc biệt, những năm gần đây giáo xứ ngày càng thay da đổi thịt cách nhanh chóng, bởi sự chăn dắt của các cha quản xứ trẻ trung với lòng nhiệt huyết và tình thần mới. Điều này được hiện thực khi giáo xứ có 8 linh mục, 16 thầy, 12 nữ tu phục vụ trong các giáo xứ, hội dòng, cộng đoàn trong và ngoài nước. Giáo xứ có nhiều hội đoàn: Thiếu Nhi Thánh Thể, Legio Mariae, Mân Côi, Têrêxa… Cơ sở vật chất từ nhà thờ, trường giáo lý, nhà xứ, khuôn viên đầy đủ, rộng rãi và khang trang. Điều này được minh chứng: Kể từ năm 2013-2017 với sự hướng dẫn của cha Giuse Hoàng Đức Nhân, giáo xứ đã lần lượt mở rộng khuôn viên nhà thờ, xây dựng nhà phòng mới, lễ đài Đức Mẹ. Sau khi khánh thành các công trình nhà phòng, tượng đài Đức Mẹ, thì cha Giuse được bề trên giáo phận sai về giáo xứ mới. Vào tháng 2/2017, giáo xứ La Nham lại được hồng phúc đón nhận cha Antôn Trần Văn Niên, một vị mục tử trẻ trung, đầy lòng nhiệt huyết. Về với giáo xứ, cha Antôn ra sức xây dựng đời sống tinh thần cũng vất chất của giáo xứ. Khi khuôn viên được mở rộng, nhà phòng mới đã khánh thành, thì ước nguyện của mọi người trong giáo xứ muốn có ngôi thánh đường mới thay thế ngôi thánh đường cũ, chật hẹp đã xuống cấp, đồng thời giáo xứ cũng muốn có ngôi trường giáo lý để việc giáo dục đức tin được tốt hơn. Ước nguyện chính đáng đó được cha quản xứ chấp thuận và ngài cùng với giáo xứ đã bắt tay vào xây dựng ngôi thánh đường mới và trường giáo lý. Vào ngày 11/12/ 2018, Đức Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đặt viên đá đầu tiên cho công trình xây dựng ngôi nhà thờ mới. Sau hơn 1 năm, khi công trình ngôi nhà thờ mới cơ bản hoàn thành, thì vào ngày 19/02/2020, giáo xứ lại khởi công xây dựng trường giáo lý. Giáo xứ La Nham, sau 2 năm khởi công xây dựng nay đã có ngôi nhà trường giáo lý mới, khuôn viên được quy hoạch và mở rộng, và đặc biệt ngôi thánh đường nguy nga hoàn thành.

Khẳng định tầm quan trọng và giá trị của thánh đường đối với đời sống đức tin của các tín hữu, Hội Thánh khẳng định rằng các thánh đường hữu hình là những nơi thánh, là hình ảnh của Thành thánh Giêrusalem thiên quốc,… Chính trong thánh đường này, Hội Thánh cử hành việc thờ phượng công khai để tôn vinh Thiên Chúa, lắng nghe Lời Chúa, chúc tụng Chúa, cầu nguyện và dâng hy tế của Đức Kitô; cũng như là nơi giúp các tín hữu hồi tâm và cầu nguyện riêng (x. GLHTCG, số 1198-1199).

Trước giờ khai lễ, đáp lại thỉnh nguyện của cha quản xứ Antôn và của giáo dân giáo xứ La Nham, sau khi ban huấn từ đến cộng đoàn hiện diện, Đức cha Phaolô Maria đã cắt băng khánh thành ngôi nhà thờ mới trong niềm hân hoan của tất cả mọi người.

Thánh lễ bắt đầu với nghi thức làm phép và rảy nước phép trên các tường, vách của nhà thờ và trên cộng đoàn hiện diện như là dấu chỉ thống hối, để giúp mỗi người nhớ lại bí tích Rửa tội, cũng như để thanh tẩy các tường của nhà thờ mới.

Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô Maria quảng diễn về tầm quan trọng cũng như ý nghĩa của ngôi nhà thờ được làm phép và nhất là ngôi đền thờ tâm hồn của mỗi tín hữu đã được thánh hiến cho Thiên Chúa khi nhận lãnh bí tích Rửa tội. Đó là nơi Chúa hiện diện với nhân loại; là nơi các tín hữu tụ họp để cử hành các mầu nhiệm Kitô giáo; là nơi cho thấy sự thăng tiến về đời sống đức tin của các tín hữu. Chính Chúa là chủ của ngôi nhà thờ vật chất và Ngài cũng là chủ cả ngôi đền thờ thiêng liêng là tâm hồn của con người. Qua đó, Đức cha mời gọi các tín hữu không chỉ yêu mến Chúa trong nhà thờ được dựng lên bằng gỗ, đá,… mà còn phải dành cho Ngài một vị thế ưu tiên trong quả tim đang thổn thức tình yêu mến nồng nàn nữa. Ngày xưa Chúa đã thanh tẩy để trả lại vị thế xứng đáng cho đền thờ Giêrusalem, thì mỗi tín hữu cũng biết thanh tẩy tâm hồn mình trong mỗi giây phút của ngày hôm nay khỏi những ô uế bởi tham lam, hận thù, ghen ghét, đố kỵ… để xứng đáng là nơi Chúa vào ngự trị. Bên cạnh đó, mỗi tín hữu cần ý thức nhận biết rằng mọi cử hành phụng vụ đều tập trung vào Đức Kitô. Hay nói cách khác, Đức Kitô chính là tâm điểm của phụng vụ. Và Ngài cũng là tâm điểm cuộc đời của mỗi tín hữu. Vì thế cho nên, mỗi tín hữu có hai bổn phận phải chu toàn đó là: gắn bó với Đức Kitô là vị thượng tế tối cao và cùng hiến thân với Đức Kitô để cứu độ loài người.

Sau phần giảng lễ, Đức cha chủ tế đã cử hành nghi thức cung hiến nhà thờ. “Vì thế, lạy Chúa, chúng con nài xin Chúa đoái thương đổ xuống trên nhà và bàn thờ này chan hoà ơn thánh bởi trời, để nhà này luôn luôn là nơi thánh và để bàn này hằng dọn sẵn hy tế của Đức Kitô. Lạy Chúa, xin cho nơi đây dạt dào nước ơn thánh để tẩy trừ tội lỗi loài người và để con cái Chúa nhờ chết đi cho tội, được tái sinh vào sự sống đời đời. Xin cho các tín hữu Chúa biết quy tụ chung quanh bàn thờ này để cử hành cuộc tưởng niệm lễ tế Vượt Qua, và để được bổ dưỡng bằng bàn tiệc Lời Đức Kitô và Mình Máu Người. Xin cho nơi đây vang lên lời ca ngợi hân hoan của loài người hợp với cộng đoàn các thánh, và cho lời nguyện cầu vì phần rỗi thế gian được bay lên trước tôn nhan Chúa. Xin cũng cho nơi đây, kẻ nghèo gặp được lòng thương xót, người áp bức tìm được tự do và mọi người mặc được phẩm giá của con cái Chúa, cho đến ngày họ sung sướng đạt tới Giêrusalem trên trời..” (x. Lời nguyện cung hiến nhà thờ và bàn thờ).

Với việc làm phép và thánh hiến ngôi thánh đường mới và bàn thờ mới này, có lẽ cũng là lúc đền thờ trong lòng của mỗi tín hữu trong giáo xứ được trang hoàng lại một cách tốt hơn qua đời sống đức tin và lòng thờ kính Thiên Chúa. Chắc chắn nơi đây sẽ là nơi tình yêu của Thiên Chúa sẽ tiếp tục đổ tràn trên mỗi tín hữu, từ đó họ biết thờ phượng Chúa và phục vụ nhau hơn trong tình yêu của Ngài.

Ước mong rằng thánh lễ hôm nay sẽ là khởi nguồn mạnh mẽ thúc đẩy mỗi người con của giáo xứ La Nham sống các giá trị của đức tin cách mạnh mẽ hơn, ngõ hầu làm cho hạt giống Tin Mừng mà cha ông đã dày công vun trồng và gìn giữ được triển nở và sinh nhiều hoa trái tốt lành cho Giáo Hội.

Pet. Lê Hồ