GPVO (17/6/2022) – Trải qua gần một thập kỷ xây dựng, tâm tình và nguyện ước của cộng đoàn giáo xứ Yên Đại là sớm hoàn thành công trình nhà Chúa. Niềm mơ ước đó không còn là giấc mơ mà đã trở thành hiện thực trong buổi sáng ngày 17/6/2022 – ngày đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử giáo xứ. Nhà thờ giáo xứ Yên Đại được xem là một trong những ngôi nhà thờ bề thế nhất Đông Nam Á với chiều dài 102m, chiều rộng 47,6m; số tiền xây dựng ước tính hơn 92,3 tỷ đồng.
Tham dự thánh lễ cắt băng khánh thành và Cung hiến thánh đường có Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận, Đức cha Phụ tá Phêrô Nguyễn Văn Viên, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp, nguyên Giám mục Giáo phận; cha G.B Nguyễn Khắc Bá – Tổng Đại diện Giáo phận Hà Tĩnh, cha Giuse Hồ Sỹ Hữu – Tổng Đại diện Giáo phận Phan Thiết, quý cha bề trên các hội dòng, quý cha trong và ngoài Giáo phận, quý thầy phó tế, quý chủng sinh – tu sĩ, đại diện các cấp chính quyền cùng đông đảo cộng đoàn dân Chúa.
Nhà thờ giáo xứ Yên Đại tọa lạc trên địa bàn xã Nghi Phú, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Ngược dòng lịch sử, sau biết bao thăng trầm của thời cuộc, trong tình yêu quan phòng của Thiên Chúa, cuối năm 1923, Đức cha Eloy Bắc chấp thuận thành lập giáo xứ Yên Đại và đặt cha Phêrô Hiển coi sóc. Kể từ đó, bà con giáo dân đồng lòng đồng sức cùng với cha xứ xây dựng quê hương. Sau gần 100 hình thành và phát triển, giáo xứ có hơn 6.000 giáo dân, sinh hoạt trong ba giáo họ: Đồng Kiền, Đồng Yên và Đồng Tân. Đến nay, giáo xứ trải qua 14 đời cha xứ và 5 cha phó.
Có thể nói rằng, Yên Đại là một giáo xứ có nhiều thuận lợi về cơ sở vật chất, số lượng tín hữu. Đến với Yên Đại hôm nay, chúng ta bắt gặp một diện mạo mới, các giáo họ đều có nhà thờ rộng lớn khang trang, nhà phòng và trường giáo lý đầy đủ. Ngoài đời sống đức tin sống động và phong nhiêu, Yên Đại còn được biết đến là một giáo xứ tích cực trong các hoạt động bác ái, từ thiện và quảng đại đóng góp xây dựng cơ sở Giáo phận. Nơi đây cũng là điểm hẹn lý tưởng cho sự hiện diện của các hội dòng, hiệp hội và các tu đoàn tông đồ.
Đến với Yên Đại là đến với mảnh hồn thiêng, đến với biểu tượng của lòng trung kiên bất khuất, sự hy sinh và lòng quảng đại. Dù trải qua biết bao thăng trầm của thế sự, bao sóng gió của cuộc đời, người dân nơi đây vẫn luôn trung kiên và một lòng trung thành với Giáo hội.
Sau hơn 9 năm miệt mài gắng công góp sức, dưới bàn tay quan phòng đầy yêu thương của Thiên Chúa, qua lời bầu cử của Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, sự quan tâm của quý cha quản xứ qua các thời kỳ: Linh mục Đaminh Phạm Xuân Kế, linh mục Giuse Hoàng Thái Lân, linh mục GB. Hoàng Xuân Lập, linh mục Luy Nguyễn Văn Nga và quý cha phó xứ, sự cố gắng của đội ngũ kiến trúc sư (ông Phaolô Nguyễn Hữu Phận, công ty Salomon) và đội ngũ thi công, sự đoàn kết của bà con giáo dân cùng sự tương trợ của quý ân thân nhân xa gần, ngôi thánh đường khang trang nay đã được hoàn tất.
Trong giờ cắt băng khánh thành, đáp lại thỉnh nguyện của cha quản xứ Luy Nguyễn Văn Nga, cha phó Phaolô Nguyễn Văn Minh cùng toàn thể con cái trong giáo xứ, Đức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp (chủ tế thánh lễ) đã có những huấn từ đến cộng đoàn hiện diện. Tiếp đó, ngài đã cùng với quý Đức cha, cha xứ và cha tiền nhiệm cắt băng khánh thành. Sau khi Đức cha Phaolô trao chìa khóa cho cha quản xứ mở cửa nhà thờ, đoàn đồng tế và giáo dân lần lượt tiến về cung thánh hân hoan cử hành thánh lễ tạ ơn.
Thánh lễ mở đầu với nghi thức làm phép nước và rảy nước thánh trên cộng đoàn hiện diện cũng như trên các tường, vách của nhà thờ như dấu chỉ thống hối và nhắc lại Bí tích Rửa Tội mà mỗi người đã lãnh nhận cũng như để thanh tẩy các tường, vách của nhà thờ.
Giảng trong thánh lễ, ý thức về tầm quan trọng của đền thờ trong đời sống người Kitô hữu, Đức cha Phụ tá Phêrô mời gọi mỗi người, cách riêng cộng đoàn giáo xứ Yên Đại, ý thức được đền thờ tâm hồn của mình. Chúa Giêsu đã thanh tẩy Đền thờ Giêrusalem thế nào thì giờ đây Ngài muốn mỗi người cũng hãy thanh tẩy đền thờ tâm hồn của mình, một đền thờ không xây dựng bằng vật liệu cao cấp của các thứ kim loại, bằng những loại gỗ quý giá mà đền thờ đó xây bằng các bí tích, các việc lành thánh thiện, những hy sinh, lòng yêu mến Thiên Chúa. Nơi đó, mỗi người có thể tôn thờ, phụng sự Thiên Chúa bằng việc ca tụng Chúa vì tình thương và những điều kỳ diệu Ngài làm trong cuộc sống bằng việc lắng nghe và sẵn sàng thực thi ý muốn Thiên Chúa, sống theo sự thật, thực thi công bình và bác ái. Xây dựng đền thờ đích thực trong tâm hồn là cách thế để chúng ta có thể bước vào đền thờ Thiên Chúa mà không ngại ngùng, hổ thẹn.
Thật vậy, đền thờ của Chúa không phải chỉ ở Giêrusalem mà thôi nhưng còn là xã hội con người hay ở mỗi cá nhân, theo đó phải được giải thoát khỏi mọi sự xấu xa để có thể phụng thờ Chúa bằng một tâm hồn trong sạch và thánh thiện hơn. Chúa Giêsu uốn nắn và sửa đổi chúng ta trong tình yêu thương của Ngài để đưa chúng ta từ con đường sai trái đến chân lý và sự toàn thiện. Ngài răn dạy chúng ta vì mục đích tốt lành để chúng ta cùng thông phần vào sự thánh thiện của Ngài.
Đức cha cũng nhấn mạnh về ý nghĩa và mục đích của việc xây dựng ngôi thánh đường khởi đi từ ba chữ “C”: Cầu nguyện – Chia sẻ lời Chúa – Cử hành các bí tích, từ ba chữ C trên mỗi người tiến hành ba cuộc gặp gỡ: Gặp gỡ chính mình – Gặp gỡ nhau – Gặp gỡ Thiên Chúa, từ ba cuộc gặp gỡ đó giúp cho mỗi người định dạng lại hình ảnh của Thiên Chúa nơi chính mình.
Sau bài giảng lễ, nghi thức cung hiến bàn thờ được cử hành với các phần: Kinh Cầu Các Thánh – Lời nguyện cung hiến – Xức dầu và xông hương bàn thờ – Phủ khăn và thắp sáng bàn thờ. Từ nay, bàn thờ này sẽ là bàn thờ được cung hiến cho hy tế của Đức Kitô và trở nên bàn ăn của Ngài. Bàn thờ này trở nên bàn tiệc mà những thực khách của Đức Kitô vui mừng chạy đến, để sau khi trút bỏ các âu lo và gánh nặng trong Chúa, họ nhận được sức mạnh tinh thần. Bàn thờ này sẽ trở nên nơi hiệp thông thân mật và bình an với Chúa, nên nguồn hiệp nhất của Hội Thánh và nguồn đồng tâm giữa anh chị em, để tín hữu Chúa cùng nhau đến đây, múc được tinh thần thương yêu nhau. Bàn thờ này sẽ là trung tâm lời ca ngợi và tạ ơn của cộng đoàn, cho đến ngày được vui mừng đạt tới nơi ở vĩnh hằng, để cùng với Đức Kitô là Thượng Tế và Bàn thờ sống động dâng lên Chúa Cha hy lễ ngợi khen muôn đời (Lời nguyện cung hiến).
Toàn cảnh giáo xứ Yên Đại nhìn từ flycam – video: ART
Phát biểu cuối thánh lễ, đại diện HĐMV giáo xứ Yên Đại đã có lời tri ân, cảm tạ đến Đức cha, quý cha đồng tế, quý ân thân nhân xa gần cùng cộng đoàn đã luôn đồng hành, giúp đỡ giáo xứ trong quá trình xây dựng và hoàn thành công trình nhà Chúa.
Tâm Quảng