GPVO (15/5/2022) – Trong cuốn Đường Hy Vọng, Đức Hồng Y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận viết: “Đèn không sáng nếu hết dầu, xe không chạy nếu cạn xăng, hồn tông đồ sẽ suy mất nếu không đến với Thánh Thể…” (ĐHV, số 360). Quả vậy, Bí tích Thánh Thể không chỉ đem lại cho con người ơn cứu độ nhưng còn là mối dây liên kết tuyệt hảo giúp mỗi người nên giống Chúa hơn trong việc phục vụ anh chị em đồng loại. Và qua việc phục vụ theo gương Chúa Giêsu, mỗi người sẽ trở nên những chứng nhân của tình yêu, bình an và hy vọng của Chúa đến cho tất cả mọi người trong gia đình nhân loại…
Trong tâm tình đó, vào lúc 8g00’ ngày 15/5/2022, Chúa nhật V Phục Sinh, Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã viếng thăm và cử hành thánh lễ cao điểm tuần chầu đền tạ tại giáo xứ Thanh Dạ. Hiệp dâng thánh lễ với ngài có cha quản hạt GB. Lê Trọng Châu, quý cha trong và ngoài giáo hạt, quý tu sĩ nam nữ cùng cộng đoàn dân Chúa.
Giáo xứ Thanh Dạ cách Tòa Giám mục Xã Đoài khoảng 50km về phía Đông Bắc, nằm trên địa bàn xã Quỳnh Thanh, Quỳnh Lưu, Nghệ An. Giáo xứ Thanh Dạ được thành lập năm 1914, tách từ xứ mẹ Cẩm Trường. Ngay từ những ngày đầu hình thành, giáo xứ Thanh Dạ được biết đến với số lượng giáo dân đông đảo với hơn 11.400 người và số linh mục, chủng sinh, tu sĩ luôn đứng đầu trong Giáo phận. Qua dòng thời gian, giáo xứ Thanh Dạ lần lượt được tách ra để công việc mục vụ được thuận tiện, các xứ được thành lập đó là: Lộc Thủy, Xuân An, Thanh Xuân, Cự Tân, Tân Thanh.
Đến với giáo xứ Thanh Dạ, mỗi người cũng thấy được sự đặc biệt và độc đáo nơi ngôi thánh đường mang nét văn hóa Á Đông. Thánh đường giáo xứ Thanh Dạ có kích thước lớn tương đối lớn, với sức chứa 2.500 người. Nhà thờ thể hiện sự hội nhập văn hóa ở mức độ sâu sắc thông qua phong cách kiến trúc với các ngọn tháp, mái thánh đường và cổng nhà thờ mang những nét hoa văn, đường cong giống đình chùa. Bên trong thánh đường, từ cung thánh, bàn thờ, tòa giảng và bàn thờ Đức Mẹ, bàn thờ các thánh đều mang đậm kiến trúc Đông Phương.
Bên cạnh đó, đến với giáo xứ Thanh Dạ, mỗi người có thể cảm nghiệm được sức sống mãnh liệt về đức tin khi số lượng giáo dân đến tham dự thánh lễ đông đảo mang tâm tình sốt sắng và yêu mến Chúa. Hơn nữa, nơi đây còn là mảnh đất giàu tình bác ái, liên đới được thể hiện nơi các hội đoàn và mỗi thành viên trong giáo xứ. Và đây cũng là nơi mà nhiều thợ gặt lành nghề đã và đang âm thầm phục vụ trên cánh đồng rộng lớn của Giáo hội.
Trước giờ bước vào thánh lễ, Đức cha mời gọi tất cả cộng đoàn cùng chuẩn bị tâm hồn cách xứng hợp nhất để cho Chúa ngự vào và khi được Chúa ngự vào, mỗi người cũng hãy biết can đảm ra đi để làm cho lời Chúa được tỏa rạng trên khắp địa cầu.
Giảng trong thánh lễ, Đức cha Phaolô Maria đã quảng diễn về vai trò của sự hiệp nhất trong đời sống Kitô hữu. Trong các gia đình, cơ quan, tổ chức hay một đất nước nào, sự hiệp nhất đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì sự hòa hợp. Như vậy, hiệp nhất chính là sợi dây để duy trì sự ổn định, bình an và hòa bình trong các mối tương quan với nhau. Không có sự hiệp nhất, con người trở nên ích kỷ, hận thù, ghen ghét và loại trừ nhau, chính điều đó làm mất đi sự bình an trong đời sống. Hơn bao giờ hết, Chúa Giêsu luôn cầu nguyện cho sự hiệp nhất: “Xin cho tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta” (Ga 17, 21). Vì thế, mỗi người cũng hãy biết mặc lấy tâm tình của Chúa Kitô trong việc hàn gắn, nối kết và xây dựng sự hiệp nhất nơi mọi môi trường.
Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ của sự hiệp nhất. Chính nhờ bởi một của ăn, một thức uống mà mỗi người được hiệp nhất nên một với nhau trong thân thể của Đức Kitô. Thánh Phaolô cũng đã quả quyết rằng: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy” (1Cr 12, 12). Như vậy, Bí tích Thánh Thể là con đường dẫn đưa mỗi người tiến tới sự hiệp nhất nên một trong Đức Kitô. Như bánh được làm nên từ bao hạt lúa và rượu được ép từ muôn trái nho, các tín hữu cũng được mời gọi hiệp nhất nên một trong Đức Kitô.
Cuối cùng, ngài mời gọi mỗi người hãy biết can đảm ra đi để lan tỏa tình yêu Chúa đến với mọi người trong gia đình nhân loại. Chúa Giêsu đã mời gọi mỗi người rằng: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12). Để được như vậy, mỗi người phải năng chạy đến với Bí tích Thánh Thể để được Chúa bồi dưỡng, gia tăng sức mạnh, nhờ đó can đảm ra đi để băng bó và chữa lành những vết thương đang rỉ máu nơi nhân loại.
Thánh lễ kết thúc trong bầu khí vui tươi và hạnh phúc của mọi người con trong giáo xứ. Quả vậy, tuần chầu là cơ hội thuận tiện nhất để mỗi người biết chạy đến với lòng thương xót của Chúa nhờ đó được Ngài gìn giữ, bảo vệ và chở che trong hành trình sống của kiếp nhân sinh. Mặc dù tuần chầu đã kết thúc nhưng tình yêu của Chúa vẫn luôn dư đầy và đổ tràn trên mỗi người nếu biết chạy đến với Người ngang Bí tích Thánh Thể. Vì thế, trong mỗi giây phút của cuộc đời, mỗi người phải không ngừng chạy đến với Chúa ngang qua thánh lễ, giờ chầu, nhờ đó luôn được sống trong niềm vui tròn đầy của Chúa.
Hiện nay, giáo xứ Thanh Dạ do cha GB. Lê Trọng Châu và cha phó GB. Đặng Văn Phương coi sóc, với hơn 6.753 giáo dân.
Gioan Nguyễn