CHƯƠNG TRÌNH
– Kinh CTT, Tin, Cậy, Mến, Kinh cầu cho Thượng Hội Đồng (Adsumus Sancte Spiritus)
Lạy Chúa Thánh Thần, này chúng con đang hiện diện trước nhan Chúa, khi cùng nhau tụ họp nhân danh Chúa. Chỉ có Chúa là Đấng hướng dẫn chúng con, xin hãy ngự trị trong tâm hồn chúng con; xin dạy chúng con lối đường phải đi và cách bước đi trên đường lối đó. Chúng con yếu đuối và tội lỗi, xin đừng để chúng con gây xáo trộn; đừng để chúng con u mê sa nẻo đường lầm, cũng đừng để chúng con làm theo thiên kiến. Xin giúp chúng con tìm thấy nơi Chúa sự hiệp thông giữa chúng con, để chúng con có thể cùng tiến đến cuộc sống vĩnh cửu, và không lạc xa khỏi con đường chân lý và ngay thật. Chúng con cầu xin Chúa, là Đấng hoạt động mọi nơi mọi thời, trong sự thông hiệp với Chúa Cha và Chúa Con, mãi mãi đến muôn đời. Amen.
– Suy niệm theo ngày…
– Kinh Lạy Cha, Kính Mừng, Sáng Danh…
– Lời Nguyện Kết theo ngày…
LỜI NÓI ĐẦU
Hội Thánh được khai sinh từ cạnh sườn bị đâm thâu của Chúa Giêsu, tức là từ việc hiến thân trọn vẹn của Chúa Giêsu để cứu độ chúng ta. Công Đồng Vaticanô II xác nhận: “Sự khởi đầu và tăng trưởng của Hội Thánh được đánh dấu bằng việc máu và nước tuôn trào từ cạnh sườn rộng mở của Chúa Giêsu bị đóng đinh trên thập giá”. Thánh Ambrôsiô dùng lối so sánh rất ý vị: như bà Evà được tạo ra từ cạnh sườn của ông Ađam, khi ông đang ngủ, thì cũng vậy, Hội Thánh được sinh ra từ cạnh sườn bị đâm thâu của Đức Kitô, khi Người thiếp ngủ (chết) trên thập giá. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta luôn biết chạy đến với Thánh Tâm Chúa Giêsu, để múc tận nguồn ơn cứu độ muôn đời!
Chúng ta hãy nhìn lên Thánh Giá Đức Kitô, để cho tình yêu từ Thánh Tâm bị đâm thâu của Người làm tan chảy trái tim băng giá của chúng ta, để rồi, chúng ta có những quyết tâm mãnh liệt: dốc lòng đền tạ những xúc phạm đến Thánh Tâm Chúa bằng cách xa tránh các dịp tội, nhất là bảy mối tội đầu là căn nguyên mọi tội lỗi khác. Các mối tội đầu tiếng Latinh là “peccata capitalia”, gốc từ “caput” nghĩa là cái đầu. Thủ đô của một quốc gia là “capitale”, nghĩa là thành phố đứng đầu trong một quốc gia. Mỗi quốc gia chỉ có một thủ đô, chỉ có một đầu. Tại sao tội lỗi lại có đến 7 đầu? Trong văn chương Kitô giáo, chịu ảnh hưởng của văn hóa Dothái, số 7 là biểu tượng của sự viên mãn, đầy đủ. Một tuần có 7 ngày, rồi đến 7 bí tích, 7 ơn Chúa Thánh Thần, 7 nhân đức (3 nhân đức đối thần và 4 nhân đức trụ). Từ đó, không lạ gì mà cũng có 7 mối tội đầu. Theo Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo số 1866, chúng được đặt tên là 7 mối tội đầu, bởi vì, chúng là đầu mối sinh ra những tội khác. Ước gì chúng ta luôn biết sám hối quay trở về với nguồn mạch tình yêu, nơi Thánh Tâm của Đấng đã yêu và hiến mình vì Giáo Hội, để tiến trình hiệp hành của Giáo Hội thu được nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong.
Ngày Thứ Nhất: KHIÊM NHƯỢNG CHỚ KIÊU NGẠO
Suy niệm: Tính kiêu ngạo khởi phát từ một khuynh hướng tự nhiên và chính đáng của con người, tức là, bản năng tự trọng. Tự trọng đúng mức là tốt, tự trọng thái quá là kiêu ngạo. Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta dễ rơi vào cạm bẫy của kiêu ngạo, khi ta muốn chiếm địa vị tối cao của Thiên Chúa, tự coi mình là chúa tể, không nhìn nhận quyền chủ tể của Chúa trên mọi loài, trong mọi việc, và không quy hướng mọi sự về Chúa. Khi kiêu ngạo, ta quên mất sự yếu hèn của mình, cậy vào sức mình, nên dễ thất bại và sa ngã. Khi thất bại, ta lại dễ ngã lòng nản chí.
Kiêu ngạo là một chướng ngại rất lớn trong tiến trình hiệp hành, bởi vì, nó phá vỡ sự khiêm nhường là nền tảng của tòa nhà nhân đức, và nhất quyết, không để Chúa can dự vào các công việc của chúng ta. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta luôn ý thức được thân phận thấp hèn, hư không của mình, để luôn biết quy hướng mọi sự về Chúa, và chỉ khao khát tìm vinh danh Chúa mà thôi!
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con đức khiêm nhường của Chúa, nhưng đừng lấy đi lòng tự trọng trong chúng con; xin cho chúng con đạt được những thành tựu, nhưng đừng lấy đi sự khiêm nhường của chúng con; xin đừng để chúng con say men trong chiến thắng, nhưng cũng đừng để chúng con phải thất vọng ê chề, khi gặp những thất bại, những hiểu lầm; xin ban cho chúng con một ý chí kiên vững, để vượt thắng sự kiêu ngạo và thói tự mãn luôn sẵn có, và luôn chực chờ chỗi dậy trong lòng chúng con. Amen.
Ngày Thứ Hai: RỘNG RÃI CHỚ HÀ TIỆN
Suy niệm: Để bảo tồn sự sống, Chúa ban cho ta có của cải vật chất để sử dụng. Điều đó không xấu, nhưng, ta yêu quý của cải vật chất quá đáng, mà sinh ra thói hà tiện; hà tiện là lo lắng bồn chồn về của cải, không dám ăn tiêu cho đủ, không muốn giúp đỡ người nghèo, bo bo giữ của, người hà tiện chi li góp nhặt từng đồng, bất chấp cả công bình, chứ đừng nói chi đến bác ái. Trong tiến trình hiệp hành, khi ham mê của cải thế gian, chúng ta thường cậy dựa vào của cải chóng qua, hơn cậy nhờ vào Chúa; coi trọng những phương tiện vật chất, hơn coi trọng Chúa; quyến luyến tiền tài danh vọng, hơn gần gũi thiết thân với Chúa.
Ham mê của cải thế gian, và các phương tiện vật chất là chướng ngại rất lớn trong tiến trình hiệp hành, bởi vì, của cải thế gian không phải là cứu cánh, mà chỉ là phương tiện. Chúa mới là chủ nhân, ta chỉ là quản lý, quản lý phải sử dụng theo ý chủ và phải tính sổ với chủ mình. Của cải vật chất là đày tớ tốt, nhưng là ông chủ xấu, nếu biết dùng, nó sẽ giúp ích cả về vật chất lẫn tinh thần, nếu không, nó phản bội và sinh hại cho ta.
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con luôn ý thức rằng: Giáo Hội là Giáo Hội của những người nghèo, luôn ưu tiên: yêu thương và phục vụ những con người nghèo khổ nhất; xin cho chúng con thoát khỏi thói hà tiện, để biết sống như lời kinh quảng đại, mà chúng con đặc biệt cầu xin trong tiến trình hiệp hành này: Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng, biết cho đi mà không tính toán, biết chiến đấu mà không sợ thương tích, biết làm việc mà không tìm nghỉ ngơi, biết hiến thân mà không mong chờ một phần thưởng nào, hơn là, biết chúng con đã hành động theo Thánh ý Chúa. Amen.
Ngày Thứ Ba: GIỮ MÌNH SẠCH SẼ CHỚ MÊ DÂM DỤC
Suy niệm: Mê dâm dục là tính xấu làm cho ta ham muốn sự vui sướng xác thịt cách bất chính trong tư tưởng, lời nói, việc làm. Sau thói kiêu ngạo, không có thói xấu nào cản trở đàng nhân đức cho bằng thói mê dâm dục, ai nếm thử trái cấm này, sẽ dễ bắt mùi và khó từ bỏ; trí lòng những hướng chiều khoái lạc đê hèn, chẳng thiết gì đời sống cầu nguyện, tu đức, chỉ biết chạy theo nhục dục; thân thể suy nhược, trái tim khô cằn, đời sống hao mòn trong nhơ uế, có khi ta muốn thoát ra, nhưng không thoát nổi, như con chim phượng hoàng đã bị cột chân, chặt cánh rồi, thì làm sao có thể bay bổng được…
Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta không thể hoàn toàn tự do phụng sự Thiên Chúa, và phục vụ Giáo Hội, khi còn là tù nhân của tính xác thịt; chúng ta không thể vừa phụng sự Thiên Chúa, và phục vụ Giáo Hội với lòng trung thành và quảng đại, lại vừa ham muốn những điều nhơ uế. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết giữ tâm hồn mình trong sạch, chẳng phải vì sự cam chịu, nhưng là vì lòng hân hoan, vui mừng, đầy tràn ân sủng, được kết hợp mật thiết với Chúa, để chúng ta trở thành những ô cửa của tình yêu Chúa và có khả năng yêu thương người khác bằng tình bác ái chân thành.
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con biết làm chủ bản thân, điều hướng những ham muốn thấp hèn, vượt qua những buông thả sa đà, để có một quả tim trong sạch: nhìn thấy Chúa đang hiện diện và đồng hành với chúng con trong tiến trình hiệp hành mà Giáo Hội đang hướng tới, để những bàn thảo, quyết nghị của chúng con không bị vẩn đục bởi tinh thần của thế gian. Amen.
Ngày Thứ Tư: HAY NHỊN CHỚ HỜN GIẬN
Suy niệm: Tính nóng giận cũng thuộc thói kiêu căng. Khi kiêu ngạo, ta không muốn ai động đến quyền lợi của mình, ai động đến, là ta sẽ nổi sùng để chống đối. Trong cơn nóng giận, ta đỏ mặt tía tai, tim đập mạnh, hơi thở dồn dập, gân mặt, gân cổ nổi to, đầu tóc dựng ngược, miệng la lói om sòm, chân tay múa máy… Đã giận, thì phải ghét; đã ghét, thì phải hờn: tìm cách báo thù, vì thế, hờn giận thường đi đôi với nhau. Tuy nhiên, nóng giận không phải lúc nào cũng xấu. Có thứ nóng giận chính đáng, như Đức Giêsu nóng giận khi đuổi con buôn ra khỏi Đền Thờ. Nóng giận chính đáng phải có ba điều kiện: công bằng, ôn hòa và bác ái. Công bằng: chỉ phạt người đáng phạt; Ôn hòa: chỉ phạt vừa mức, đúng tội, không quá đáng; Bác ái: không làm theo tính nóng giận, nhưng theo điều thiện hảo. Nếu thiếu một trong ba, thì nóng giận thật là đáng trách.
Nóng giận là chướng ngại rất lớn trong tiến trình hiệp hành, nó làm ta mất tự chủ, mất khôn ngoan, mất sự niềm nở, vui tươi trong khi trao đổi tranh luận; nó làm ta mất sự bình an nội tâm là điều kiện để cầu nguyện và tìm ý Chúa. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết suy nghĩ trước khi hành động: khi cơn nóng giận sắp chỗi dậy, ta phải dập tắt ngay bằng cách lãng sang chuyện khác, và nài xin Chúa trợ giúp, như các môn đệ khi gặp phong ba bão táp, đã đánh thức Chúa dậy.
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con có được trái tim của Chúa: hiền lành và khiêm nhượng, để đừng bao giờ nổi nóng với những người xung quanh. Xin cho chúng con biết chạy đến chiêm ngắm Thánh Tâm Chúa, để học với Chúa bài học hiền lành và khiêm nhượng trong lòng, có như thế, tiến trình hiệp hành của chúng con mới mong đạt được những hoa trái như lòng Chúa ước mong. Amen.
Ngày Thứ Năm: KIÊNG BỚT CHỚ MÊ ĂN UỐNG
Suy niệm: Chúa cho ta ăn cảm thấy ngon, là để duy trì sự sống, nếu không, ta sẽ quên ăn, chán ăn mà chết. Ăn uống điều độ là tốt, thái quá là mê ăn uống. Mê ăn uống là “dĩ thực vi tiên”, nghĩa là, coi miếng ăn là trên hết, coi cái bụng làm ông trời (x. Pl 3,19). Thói mê ăn uống hạ giá con người, bắt linh hồn phục tùng thể xác, nên miếng ăn là miếng nhục, ăn quá no, uống quá say chẳng những ngăn trở việc bổn phận, làm hại sức khỏe, mà còn mở đường cho nhiều thứ tội: “tửu nhập ngôn xuất” (nói càn), “tửu trung hữu sắc” (dâm dục) (x. Êph 5,18).
Trong tiến trình hiệp hành, chúng ta phải ghi nhớ lời Đức Giêsu đã dạy: “Anh em hãy giữ mình, kẻo lòng anh em ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời”. Nghĩa là chớ chè chén say sưa, lo lắng sự đời thái quá đến nỗi lòng trí ra nặng nề không còn biết phân biệt đen trắng, thiện ác, đúng sai… Giáo Hội không chỉ quan tâm đến lương thực hằng ngày, mà còn chú tâm lo tìm kiếm lương thực thường tồn đem lại phúc trường sinh. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta luôn để cho Chúa nuôi dưỡng bằng Lời Hằng Sống và Bánh Hằng Sống, để chúng ta có đủ sức mạnh dấn thân theo Chúa, phụng sự Chúa, và phục vụ Giáo Hội trong tất cả mọi người.
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con có chủ ý ngay lành khi ăn uống, nghĩa là ăn để có sức khỏe để phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân. Xin cho chúng con hằng biết chạy đến Thánh Tâm Chúa, để được thỏa mãn những khao khát cháy bổng của mình, vì chỉ có Đấng Tuyệt Đối: là Lời Hằng Sống và Bánh Hằng Sống mới làm cho chúng ta no thỏa mà thôi. Amen.
Ngày Thứ Sáu: YÊU NGƯỜI CHỚ GHEN GHÉT
Suy niệm: Người kiêu ngạo không muốn ai hơn mình, hễ thấy ai hơn mình thì buồn rầu, tức tối. Đó là thói ghen tỵ. Khi thấy người khác được khen, mà mình cảm thấy khó chịu và tìm cách hạ người đó xuống là dấu chứng tỏ của lòng ghen tỵ. Ghen tỵ (envie, envy) và ghen tương (jalousie, jealousy), giống nhau nên chúng ta hay nhầm lẫn. Thấy người ta gặp may mắn, mình không muốn họ gặp được những điều may như thế, nên buồn rầu, bực tức là ghen tỵ. Thấy mình có được những điều tốt lành, sợ người khác tranh giành, nên buồn bực đó là ghen tương. Ghen tỵ cũng khác với ganh đua (émulation, emulation). Ganh đua là tính tốt, thúc giục ta noi gương người khác, để tiến lên theo kịp họ với những phương tiện tốt lành chính đáng.
Thói ghen tỵ là chướng ngại rất lớn trong tiến trình hiệp hành, vì thế, khi lòng ghen tỵ nổi lên, ta hãy bóp chết nó như đạp nát đầu con rắn độc, ta hãy nhớ mình là chi thể trong cùng một thân thể, nên những cái hay của người khác cũng mang lại lợi ích cho ta, như: đèn nhà hàng xóm cũng làm nhà ta bớt tối, nước ruộng láng giềng cũng ngấm sang ruộng ta. Ước gì trong tiến trình hiệp hành, chúng ta biết nhìn lên Thánh Tâm Chúa Giêsu, để thay vì ghen tỵ và đố kỵ, chúng ta sẽ được Chúa ban cho ta một quả tim mới, một quả tim rộng mở để yêu thương.
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con ý thức rằng: Tất cả chúng con đều là chi thể trong cùng một nhiệm thể, có Đức Kitô là đầu. Sự tốt, sự lành của bất kỳ chi thể nào, thì mọi chi thể cũng đều vui chung. Thay vì ghen tỵ, thì xin cho chúng con biết ganh đua: cố gắng bắt chước các nhân đức của nhau, ủng hộ nhau, và giúp nhau hoàn thánh sứ vụ mà Chúa trao phó, trong tiến trình hiệp hành mà Giáo Hội đang hướng tới. Amen.
Ngày Thứ Bảy: SIÊNG NĂNG CHỚ LƯỜI BIẾNG
Suy niệm: Lười biếng là thói xấu: ăn xong ngồi rồi, không muốn tra tay làm việc đạo đức, việc bổn phận. Khi lười biếng, chúng ta thường ơ hờ trể nãi, lừng khừng không tha thiết gì với công việc, cẩu thả làm lấy có lấy rồi, không chủ tâm làm cho đến nơi đến chốn, mượn những lý do không đáng để bỏ hẳn công việc đang làm. Làm việc là luật chung trong trời đất này: Chim có cánh để bay, cá có vây để bơi, con người có tay để làm việc, có hoạt động các tài năng của ta mới được phát huy, có làm việc các nhu cầu của ta mới được thỏa mãn, “tay làm hàm nhai, tay quai miệng trễ”, “nhàn cư vi bất thiện”: lười biếng sẽ dễ mắc nhiều thói xấu: liều mình sa vào trong vũng lầy tội lỗi.
Thói lười biếng là chướng ngại rất lớn trong tiến trình hiệp hành, bởi vì, Chúa muốn ta làm việc để phát huy các tài năng hồn xác, hầu đạt tới ơn cứu độ cho mình và cho người khác; việc làm là phương tiện Chúa dùng để thanh tẩy ta, hoàn thiện ta, ta đừng coi là ách nặng nề phải mang… Khi lười biếng, ta ngại làm việc, vì tưởng làm việc là hèn, khổ; tuy làm việc có khó nhọc, nhưng trong khó nhọc, có niềm an vui hỷ lạc, ai quen làm việc, không thể ngồi yên, vì sẽ thấy buồn chán, khi làm việc có phương pháp, ta sẽ ưa thích hoạt động, và chữa trị được thói lười biếng. Tiến trình hiệp hành của Giáo Hội sẽ không thể tiến triển, nếu ta cứ ù lì, trì hoãn, biếng nhác…
Lời Nguyện Kết: Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng, xin uốn lòng chúng con nên giống trái tim Chúa. Trong tiến trình hiệp hành, xin cho chúng con đừng trì hoãn, biếng nhác, nhưng biết tập trung vào những công việc cần phải làm, và kiên trì làm cho đến cùng. Xin ngọn lửa hằng thiêu đốt Thánh Tâm Chúa cũng thiêu đốt tâm hồn chúng con, để chúng con quyết tâm xây dựng một Giáo Hội hiệp hành: hiệp thông, tham gia và sứ mạng như lòng Chúa ước mong. Amen.
Emmanuel Nguyễn Thanh Hiền, OSB.