Đức Thánh Cha Phanxicô cổ võ sự ăn uống lành mạnh, bài trừ những xáo trộn lương thực do sự ăn uống sai trái, đồng thời ngài tố giác tình trạng hàng trăm triệu người trên thế giới tiếp tục bị đói, trong khi bao nhiêu lương thực bị phung phí.
Đức Thánh Cha bày tỏ lập trường trên đây trong sứ điệp gửi đến ông Khuất Đông Ngọc (Qu Dongyu), Tổng Giám đốc tổ chức Lương nông Quốc tế, gọi tắt là FAO, nhân ngày Lương thực Thế giới cử hành hôm 16/10, về đề tài “Những hành động của chúng ta là tương lai của chúng ta. Một lối ăn uống lành mạnh để tiến tới một thế giới không còn nạn đói”.
Hiện tượng mâu thuẫn trên thế giới về lương thực
Đức Thánh Cha ghi nhận sự kiện trên thế giới hiện có 820 triệu người đói, nhưng đồng thời cũng có 700 triệu người khác, nặng quá ký, nạn nhân của thói quen ăn uống lệch lạc. Tình trạng này cũng xảy ra tại những nước có lợi tức thấp, nơi mà người ta tiếp tục ăn ít và ăn không đúng cách, bắt chước những kiểu mẫu lương thực của những vùng phát triển.
Thay đổi lối ăn uống
Trước tình trạng đó, Đức Thánh Cha kêu gọi thay đổi lối hành động và ăn uống. Ngài viết: “Những xáo trộn về cách ăn uống chỉ có thể bài trừ bằng cách vun trồng lối sống được soi sáng nhờ lòng biết ơn vì những gì được ban cho chúng ta, tìm kiếm sự điều độ, chừng mực, kiêng cữ, tự chủ và liên đới: đó là những đức tính vốn có trong lịch sử con người. Vấn đề ở đây là trở về với sự đơn sơ và điều độ, sống mỗi lúc trong tinh thần quan tâm đến những nhu cầu của người khác. Nhờ đó chúng ta có thể củng cố những mối liên hệ trong một tình huynh đệ nhắm đến công ích, và tránh cá nhân chủ nghĩa, coi mình là trung tâm, chỉ tạo nên nạn đói và chênh lệch trong xã hội.
Tái lên án sự phung phí lương thực
Đức Thánh Cha cũng khẳng định: “Tôi hy vọng ngày Thế giới về Lương thực năm nay, giúp chúng ta không quên những người ăn uống không lành mạnh. Và thật là điều tàn ác, bất công và nghịch lý khi mà ngày nay, đang có đủ lương thực cho tất cả mọi người, nhưng không phải ai cũng được lương thực. Có những miền trên thế giới lương thực bị phí phạm, bị vứt bỏ đi, người ta tiêu thụ thái quá hoặc dùng chúng vào những mục đích khác. Để ra khỏi tình trạng đó cần cổ võ “những tổ chức kinh tế và các chương trình xã hội để những người nghèo nhất được những lương thực căn bản đều đặn” (Laudato sì 109).
Và Đức Thánh Cha xác quyết: “Cuộc chiến đấu chống nạn đói và suy dinh dưỡng sẽ không chấm dứt bao lâu người ta chỉ theo tiêu chuẩn thị trường, và tìm kiếm lợi lộc với bất kỳ giá nào, biến lương thực thanh một sản phẩm thương mại thuần túy, tùy thuộc sự đầu cơ tài chánh, và làm biến thái giá trị văn hóa, xã hội và tượng trưng của nó”. (SS Vat. 16-10-2019)
G. Trần Đức Anh, O.P.