RVA (01.12.2020) – Trong sứ điệp video gửi các thẩm phán về các quyền xã hội, Đức Thánh cha Phanxicô tái khẳng định rằng theo đạo lý xã hội Công giáo, quyền tư hữu không phải là một quyền tuyệt đối, và ngài kêu gọi các thẩm phán hãy tỏ ra liên đới và công bằng, đấu tranh chống những nguyên nhân cơ cấu tạo nên nghèo đói.
Sứ điệp được Đức Thánh Cha gửi đến các thẩm phán, các ủy viên công tố, các nhà tư vấn và luật sư tại 15 nước, như Argentina, Brazil, Canada, Hoa Kỳ, Cuba, Guatemala, và cả Maroc, tham dự khóa họp trực tuyến từ Peru, từ ngày 30/11 đến 1/12/2020 vừa qua của các Ủy ban về các quyền xã hội ở châu Mỹ và châu Phi, về đề tài: “Kiến tạo công bằng xã hội. Tiến đến sự áp dụng trọn vẹn các quyền cơ bản của con người, trong những điều kiện dễ bị tổn phương”.
Trong sứ điệp bằng tiếng Tây Ban Nha, Đức Thánh Cha nói: “Để xây dựng một nền công bằng xã hội mới, chúng ta phải nhìn nhận rằng “truyền thống Kitô giáo không bao giờ nhìn nhận quyền tư hữu là tuyệt đối, không thể động đến”, và quyền ấy có chức năng xã hội. “Khi nại đến các luật lệ và quyền lợi, chúng ta trả cho người nghèo những điều không thể thiếu được, chúng ta không cho họ những điều của chúng ta hay của người thứ ba, nhưng là chúng ta trả lại cho họ những gì là của họ”.
Đức Thánh Cha cũng nhấn mạnh rằng công bằng xã hội không thể dựa trên sự bất chính, là điều bao hàm sự tập trung của cải. Không bản án nào là công chính và không luật lệ nào là hợp pháp khi nó tạo nên sự chênh lệch lớn hơn, làm mất phẩm giá và gây ra bạo lực.
Và ngài trình bày 5 điểm chính trong việc dấn thân cho công bằng xã hội:
Thứ nhất là phải thực tế, “chúng ta không thể suy tư mà không quan tâm gì đến thực tại xã hội, nhắm mắt trước những bất công ngày càng gia tăng trên thế giới.”
Thứ hai là phải hoạt động mọi ngày, cùng nhau, vì cũng như điều tốt và tình yêu, điều công chính cũng là một nghĩa vụ mà chúng ta hằng ngày phải chu toàn, tránh mọi ảo tưởng.
Thứ ba là luôn nhạy cảm trước những đau khổ của người khác và tìm cách thoa dịu, như thái độ của người Samaritano nhân lành, tránh sa vào thứ văn hóa nguy hiểm, là “văn hóa dửng dưng”.
Thứ tư là: cũng cần nghĩ đến quá khứ, nhớ đến những cuộc tranh đấu, chiến thắng và thất bại, trong đó máu của hàng ngàn người đã đổ ra nhân danh công lý và công bằng.
Thứ năm là: “Thật là rất khó có thể xây dựng công bằng xã hội mà không dựa trên dân chúng. Vấn đề ở đây là du nhập một ước muốn nhưng không, tinh tuyền và đơn giản, muốn huấn luyện dân chúng, và không coi mình là một tầng lớp ưu tú được soi sáng, lớp người này, tuy làm việc cho dân, nhưng không làm gì với dân, họ không cảm thấy là thành phần của dân”.
(Vatican News 30-11-2020)
G. Trần Đức Anh, O.P.