GPVO (9/3/2023) – Các Song nguyền thuộc Giáo phận Vinh là những thành viên tiếp nhận Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình muộn màng, chỉ mới vài năm gần đây so với các giáo phận khác. Tuy nhiên, như hạt giống lại rơi nhằm đất tốt (Mt 13, 8), Song nguyền Giáo phận Vinh đã hưởng ứng tham dự Đại hội VI tại La Vang với số thành viên rất đông. Họ ra đi với tâm trạng phấn khởi và nhiệt huyết Hồn Tông đồ Song đôi từ “Bài sai Ra đi” của Đức cha Đaminh Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch Ủy ban Mục vụ Gia đình trực thuộc Hội đồng Giám mục. Bài sai có câu: “Mở lòng đón nhận Đức Kitô, lắng nghe Người trong thinh lặng và cầu nguyện”.
Hôm nay, từ lời mời gọi của cha Gioan Đinh Văn Huy, Trưởng ban Mục vụ Gia đình Giáo phận Vinh cũng là Tổng Linh nguyền Giáo phận, một số Song nguyền nòng cốt đã nhiệt tình hưởng ứng tham dự Khóa Nội dung do ông bà cố Quyết – Điệp trực tiếp hướng dẫn. Đây là cơ hội “ngàn vàng” như trong lời tuyên bố khai mạc của cha Gioan. Ngài cho biết sở dĩ hôm nay có Khóa Nội dung này là do anh Hoàng, một giáo dân bên Mỹ gợi ý cho ngài: “Cha ơi! Ông bà cố Quyết – Điệp chưa về Mỹ, còn ở Việt Nam thời gian nữa. Đây là dịp hiếm có; là cơ hội ngàn vàng, cha liên hệ để xin ông bà cố mở một Khóa Tĩnh huấn Đoàn sủng hay Khóa Nội dung cũng được”. Thế là, tạ ơn Chúa, cảm ơn ông bà cố đã nhận lời và hôm nay giáo xứ, Giáo phận chúng con may mắn có được khóa học. Tham dự và giúp Khóa còn có cha Phaolô Nguyễn Luận, Tổng Linh nguyền toàn quốc Việt Nam; anh chị Từ – Liên, Chủ nguyền VN, anh chị Yên – Hương, phụ tá Giám nguyền Trường Nội dung Việt Nam; một số anh chị trong Ban Điều hành và Trợ nguyền Đà Nẵng cùng ra Vinh tham dự khóa học.
Khởi đầu Khóa học:
Sau khi hát, suy niệm, tôn thờ Thánh Thể, mọi người suy tôn và đọc đoạn Kinh Thánh Lc 5, 27 – 32 về việc Chúa Giêsu chọn ông thu thuế Lêvi. Mọi người thinh lặng, nội tâm sâu lắng, người hướng dẫn mời khóa viên nhập vai, đặt mình vào nhân vật Lêvi. Xin mỗi người ngắm nhìn Thánh Thể trong âm thầm, tự mình đọc lại đoạn Kinh Thánh một lần nữa, để nghe tiếng Chúa và trong lòng lặp lại câu ngắn:
– “Anh hãy theo tôi!”…
– “Con hãy theo Thầy!”…
Và mỗi người tự vấn:
– Mình có đứng dậy để theo Chúa như Lêvi không?
– Mình có thực sự đứng dậy không?
– Ông Lêvi thì vậy. Còn mình thì sao?
Chúa muốn nghe mình đáp trả:
– Con muốn như Lêvi.
– Con muốn đáp trả lời mời của Chúa.
Lạy Chúa, trước lời mời gọi của Chúa, con biết, con khao khát, con muốn như Lêvi. Tuy nhiên, con còn nhiều ngổn ngang, nhiều trăn trở… Con quyết tâm bỏ lại một đống tiền như ông Lêvi. Xin Chúa giúp để con có một đốm lửa, chỉ một đốm lửa thôi nhưng có thể bùng lên thành ngọn lửa tình yêu… ra đi, ra đi, làm nhân chứng cho tình yêu Chúa trong gia đình con và cho các gia đình khác.
Một số Song nguyền bộc phát cầu nguyện trước Thánh Thể, trong bầu khí linh thiêng, chan hòa nước mắt nhưng sung sướng bình an nội tâm.
I/ Cốt Lõi Căn Tính (ID) của Chương trình
– Để dự Khóa Nội dung và để được Ơn Chúa, phải đi qua Khóa Căn bản. Ai dự Khóa Căn bản, ít hay nhiều đều được ơn. Sau Khóa Căn bản, cần dự Khóa Tĩnh huấn Đoàn sủng để thâm sâu về Chương trình.
– Tĩnh huấn là gì? Là tĩnh tâm và huấn luyện để nâng cao về Đoàn sủng.
– Để trở thành một dòng tu phải có linh đạo. Linh là linh thiêng, linh thánh. Đạo là con đường. Linh đạo là ân huệ Chúa ban cho mỗi người; mỗi đoàn thể để đáp ứng được nhu cầu mà sống theo ý Chúa.
– Sở dĩ 50% các gia đình trên khắp thế giới không tìm được hạnh phúc vì thiếu linh đạo. Con đường nên thánh của Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình đi theo các tôn chỉ:
1/ Mục Đích: Yêu Thương – Gần Gũi – Bằng Việc Làm.
– Thiên Chúa đã sắp đặt và mời gọi để mỗi người, mỗi gia đình sống theo ý muốn thánh thiện của Ngài.
– Khi đáp lại lời của Thiên Chúa, con người sống và mang theo một sứ mạng “Sống Yêu Thương” (ví như bông hoa, tính cách của nó là tỏa hương, dù người khác có ngửi hay không, bông hoa vẫn tỏa hương, đó là sứ mạng của nó).
– Thánh Gioan Tông đồ khi giảng cho các đồ đệ của mình, ngài cứ giảng về lòng yêu thương. Các đồ đệ hỏi: “Thưa thầy, sao thầy cứ giảng về yêu thương mà không thấy thầy giảng về chủ đề nào khác?”. Thánh nhân trả lời: “Anh em cứ thực hành yêu thương cho đến khi nào đạt kết quả, rồi tôi sẽ giảng về điều khác”.
– Làm việc gì mà không hướng đến yêu thương thì không phải là ý Chúa.
2/ Nền Tảng: Nền tảng của Chương trình là Khiêm Nhường.
Người dẫn Khóa đào sâu về nền tảng của Chương Trình TTHNGĐ: Khiêm Nhường để Biết Lỗi – Nhận Lỗi – Xin Lỗi – Sửa Lỗi – Tha Lỗi.
3/ Phương Pháp: Phương pháp của Chương trình là Ý Chí Cảm Nghiệm Cụ Thể – Để Thay Đổi Đời Sống – Bằng Cách Nói Ra Một Yếu Đuối Mình Đang Chiến Đấu…
(Vì sao trong Khóa, khi xả ra, nói ra yếu đuối thì vợ chồng bốn tay ôm lấy Thánh Giá? Vì tự sức anh em chúng mình không thể nào thay đổi ngay được, mà cần phải cậy ơn Chúa, nên bốn tay ôm lấy Chúa, bám lấy Chúa).
4/ Bầu Khí: Bầu khí của Chương trình cần: Tin Cậy – Cởi Mở.
* Những lưu ý cần thiết:
– Phải gạt bỏ ý niệm: “Tôi đến với Khóa Nội dung để đứng lớp, để diễn giải”. Điều đó có phần đúng, vì không ai cho cái mình không có. Nhưng chỉ đúng 30%. Cái chính là mình muốn mình và người khác thâm sâu thì mình phải có nội tâm.
– Diễn giải khác với thuyết trình:
- Thuyết trình chỉ trình bày tri thức, nội dung…
- Diễn giải là truyền thâm sâu để sống.
– Một buổi thuyết trình dù hay cỡ nào, nhưng sau đó bao nhiêu người thay đổi đời sống? Muốn đánh động tận tâm can để thay đổi, cần chiều sâu thánh thiện.
– Nếu mình hiểu; gia đình nào hiểu đoàn sủng và sống đúng, thì thiên đàng trần thế ngay đời này để tiến tới hạnh phúc vĩnh cửu.
– Việc đọc Kinh Thánh trong Chương trình cần phải có phương cách để tiếp cận được Lời Chúa. Ví như người đi trên biển cả mênh mông, nhìn từ rất xa, thấy một chấm đen. Nếu muốn biết chấm đen đó là gì, cần phải có thiết bị “kính viễn vọng”. Cũng vậy, đọc hoặc nghe Kinh Thánh không phải đọc cho xong, nghe qua loa. Nhưng phải chọn vài ý chủ lực (câu ngắn) để cầu nguyện, để đáp trả, để sống theo Lời Chúa. Khi đọc Kinh Thánh, xin mỗi người đặt mình vào trong nhân vật, để nhận ra rằng hôm nay Chúa nói với tôi, chứ không bàng quang nghĩ rằng Chúa nói với biệt phái, với người khác không phải tôi.
– Song nguyền chúng mình phải có Đoàn sủng trong người mới trao ra, mới diễn giải hiệu quả.
– Xin đừng ai nghĩ rằng tôi không có thì giờ; tôi không có khả năng… Những anh chị em trong Ban Nội dung, trong Trường Nội dung là những người như trong đoạn Kinh Thánh Lc 4, 16 – 20. “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn…”. Người Pháp có câu: “Vouloir c’est Pouvoir” Muốn là được, quyết tâm là được. Với ơn Chúa và sự cố gắng luyện tập, chúng mình sẽ làm được.
– Mỗi mục diễn giải, dù 15’ hay 20’, cũng xin trình tự đi theo 3 bước:
- Trình bày dựa trên sách của Chương trình, khoảng từ 7 – 8 phút.
- Chia sẻ cảm nghiệm qua đời sống của bản thân mình, khoảng từ 7 – 8 phút.
- Choàng tay bình an, giữ yên tư thế choàng tay 1 phút.
– Những người mới diễn giải, nên đưa bài cho Ban Nội dung hoặc Trường Nội dung giám định, góp ý.
– Thực tập trình bày không nên đứng trên bục, vì thiếu sự gần gũi.
– Đề tài trình bày phải ở trong “móc xích” trong tổng thể của buổi, để người sau dễ vô bài, để khóa viên hiểu chủ đề, để làm cho trái tim của khóa viên trở nên trái tim thịt mềm. Như ngôn sứ Êdêkien nói: “Ta sẽ ban cho chúng một trái tim và đặt Thần Khí mới vào lòng chúng. Ta sẽ lấy khỏi mình chúng trái tim chai đá và ban cho chúng một trái tim bằng thịt” (Ed 11, 19).
– Phải có ba buổi hồi tâm trước Khóa.
Phần Mời Tự Nói:
– Người mời tự nói chính là bác sĩ, người mang sứ mệnh của Chúa Giêsu là Đấng chữa bệnh tâm hồn.
– Đọc đoạn Tin Mừng Mc 14, 32 – 42. Đây là đoạn tại Vườn Cây Dầu. Cha sáng lập dùng đoạn này để nói đến tâm trạng của Chúa Giêsu muốn các tông đồ hiểu tâm trạng của Chúa để thông cảm, chia sẻ với tâm trạng hãi hùng xao xuyến của Chúa trước khi chịu nạn. Người Mời Tự Nói là người phải ở trong hoàn cảnh của khóa viên, cần thông cảm, để hiểu họ. Cần phải nhập vai, đặt mình vào hoàn cảnh đời tư của khóa viên để có tình thương chân thật giúp khóa viên giải tỏa…
– Người Mời Tự Nói hướng dẫn khóa viên không dùng chữ “chúng tôi”, “chúng con”. Ví dụ: Không nói vợ chồng con, nhưng nói con…
– Mời khóa viên nói lên yếu đuối của bản thân (chỉ nói một yếu đuối, không nói: con có nhiều yếu đuối lắm). Không nói yếu đuối của vợ (chồng). Nói các điều tốt của vợ (chồng) thì được. Cẩn thận kẻo người ngoài hiểu sai về Chương Trình.
– Người Mời Tự Nói phải nhạy bén để chặn lại những người muốn xả ra vì đã bị ức chế lâu năm (thông thường người phụ nữ Việt Nam rất dễ nói ra tật xấu hoặc thói vũ phu của chồng, vì họ đã bị dồn nén bấy lâu, nay được dịp xả ra). Vì vậy, Người Mời Tự Nói nên quỳ đối diện với vợ chồng khi họ Xả Cõi Lòng, đặt hai tay mình lên trên 4 bàn tay của họ, để ra tín hiệu mỗi khi họ xả sai phương pháp và nói dài, nói sai chủ đề…
– Mỗi buổi Mời Tự Nói phải chiếm thời gian từ 50 – 60 phút.
– Người Mời Tự Nói phải dành hết con tim, hết linh hồn, hết trí khôn để cho khóa viên xả ra mà được ơn. [Năm 1999, Đức Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận có kể câu chuyện: Vào thời kỳ không có đèn điện, có một cha sở lên tỉnh mua hai cây đèn dầu. Về nhà, khi thắp lên, một cây đèn cháy sáng, còn cây đèn kia thắp mãi không sáng lên được. Cây đèn tối, nói với cây đèn sáng:
Chị ơi, tại sao cũng là đèn mà đèn của em không sáng lên được?
Cây đèn sáng trả lời:
Vì đèn của em không có tim. ]
– Một điều xin lưu ý nữa, là không dùng chữ Phong trào mà phải dùng chữ Chương trình. Lý do Cha sáng lập giải thích: Phong là gió, trào là ùa ra, tràn ra. Phong trào là tổ chức cho dù đã có mấy chục năm hoặc mấy trăm năm thì vẫn là phong trào. Ngài muốn dùng chữ Chương trình để nói lên rằng:
- Bao lâu trên mặt đất còn có con người hiện diện, thì bấy lâu vẫn còn có đời sống vợ chồng, đời sống gia đình.
- Và bao lâu còn có gia đình, thì bấy giờ vẫn cần có một kế hoạch, một chương trình để thay đổi. Vì còn sống là còn yếu đuối. (Giáo Hội không phong Thánh cho người còn sống).
Kết thúc buổi I.
(Lời muốn nói của người tường trình: Con chỉ xin tường trình lại những điều cần thiết, cũng như những mục quan trọng mà ông bà cố Quyết – Điệp đã làm trong Khóa. Con không nêu lên chi tiết quá, vì e rằng Bản Tường Trình sẽ dài và có những điều, những mục diễn giải trong Khóa thì Ban Nội Dung đã biết.)
Buổi chiều, bắt đầu đi vào các chủ đề.
Trong chủ đề I: Cái Hay Ban Đầu. Phần cầu nguyện vào Khóa, người hướng dẫn sau khi trình bày nội dung, cách thức 3 cặp cầu nguyện theo 3 liên hệ: Mình với Chúa – Mình với bạn đời – Mình với con.
Phần thực tập, người dẫn khóa mời một số cặp lên để thực hành với ý muốn quyết tâm làm được.
Phần diễn giải Cái Hay Ban Đầu được ông bà cố trình bày:
Có 3 nguyên nhân dẫn đến Cái Hay Ban Đầu bị đánh mất:
– Dành quá nhiều thì giờ cho công việc, cho tiền bạc mà không dành thì giờ cho bạn đời.
– Mơ mộng, so sánh về sắc đẹp, tài trí, tuổi tác.
– Kiêu ngạo, đưa cái tôi mình lên cao, dìm bạn đời xuống…
Phần Mời Tự Nói xin lưu ý: Sau khi xả ra, thì nói “xin giúp con lấy lại Cái Hay Ban Đầu”. Vợ chồng xin lỗi nhau rồi quay vào nhau choàng tay bình an, giữ tư thế 1 phút trong sâu lắng.
Diễn giải vợ chồng khác biệt làm sao hòa hợp?
Có nhiều nguyên nhân đổ vỡ. Một trong những nguyên nhân ấy là không chấp nhận sự khác biệt của nhau. Cần hiểu sự khác biệt ấy là do:
– Hoàn cảnh sinh ra, sở thích, nếp sống…
– Dấu vân tay của mỗi người khác nhau là điển hình nhất.
– Khi không thể dùng tâm lý để hiểu nhau, thì dùng đến sự cầu nguyện, xin ơn Chúa để có thể chấp nhận nhau. (tâm lý – đạo đức).
Buổi tối, tiếp tục các mục diễn giải: Ý Nghĩa Huy Hiệu, Ngừa Thai Phá Thai, và các mục theo chương trình, tiếp tục được trình bày. Cao điểm của ngày thứ nhất là Đêm Bên Chúa “Tâm Tình Phục Vụ Song Đôi”.
Mỗi người tự vấn theo đoạn Kinh Thánh Lc 10, 1 – 4; 17 – 20).
– Xin mỗi người tự hỏi: Ai là người mà Chúa sẽ sai đi trong cánh đồng truyền giáo cho các gia đình?
– Mọi sự Chúa làm được hết. Nhưng Chúa muốn chúng ta cộng tác, Chúa xin chúng ta đáp trả, chúng ta có hưởng ứng không?
Trong bầu khí thinh lặng và cầu nguyện, từng đôi, từng người lên trước Thánh Thể nói lên quyết tâm ra đi làm tông đồ song đôi phục vụ các gia đình, phục vụ Nước Chúa.
Giêsu – Maria – Giuse. Con mến yêu. Xin thôi thúc lòng nhiệt thành tông đồ nơi tâm hồn con. Amen.
Đó là Lời Nguyện Tắt kết thúc một ngày tốt lành, thánh thiện.
Ngày thứ II:
Sau phần Kinh Sáng:
Khóa viên được hỏi: “Ai có thể dấn thân phục vụ trong Trường Nội Dung để giúp Chương Trình qua khóa Căn Bản?
Nhiều cánh tay đã nhiệt thành giơ cao như muốn thể hiện sự quyết tâm của mình. Tạ Ơn Chúa.
Người dẫn khóa tiếp tục triển khai, mở rộng đi vào phần diễn giải tâm lý các mục:
– Ý Nghĩa và Điều Kiện của Cảm Thông.
– Áp dụng Nghệ Thuật Cảm Thông vào Cảm Ơn – Lắng Nghe.
– Áp dụng Nghệ Thuật Cảm Thông vào Chăn Gối Vợ Chồng.
– Mời Tự Nói “Bông Hồng Cảm Thông”
– Cầu nguyện “Bông Hồng Tươi Đẹp”
– Linh An “Yêu Thương Gần Gũi Chúa”.
– Song Nguyền Cho Con.
– Mời Tự Nói “Song Nguyền Cho Con”.
Buổi Chiều:
– Khóa viên Chia Sẻ Cảm Nghiệm sau khi tham dự Khóa NỘI DUNG.
Quý Cha đã lắng nghe những tâm tình rất thật của khóa viên chia sẻ khi được tham dự một Khóa học rất hữu ích.
– Tất cả cùng nhau tạ ơn Chúa qua Thánh lễ “BỪNG LỬA TÔNG ĐỒ SONG ĐÔI”.
Trong Thánh Lễ có Nghi Thức Sai Đi Bừng Lửa Tông Đồ Song Đôi rất trang trọng với nhiều lời đoan hứa quyết tâm phục vụ Chương Trình, phục vụ Nước Chúa.
TẠ ƠN CHÚA – CẢM ƠN ÔNG BÀ CHỦ NGUYỀN TRUNG ƯƠNG HẢI NGOẠI – CẢM ƠN TẤT CẢ.
Làm tại Gx. Ngọc Liễn ngày 22/2/2023
Thư ký của Khóa
Yên – Hương
Phụ tá Giám Nguyền Trường Nội Dung Việt Nam