GPVO (3/12/2022) – Chúng ta đã bắt đầu Mùa Vọng được một tuần rồi nhưng chúng ta đã có tâm tình gì để sống Mùa Vọng chưa? Chúng ta đang ở trong tình trạng nào vậy? Lo âu hay vô tâm? Cứng lòng hay sám hối? Vui mừng hay buồn bã? Thất vọng hay hy vọng?
Như chúng ta đã biết: Mùa Vọng có hai đặc tính: vừa là mùa chuẩn bị lễ trọng Giáng Sinh, trong lễ này kính nhớ việc Con Thiên Chúa đến lần thứ nhất với loài người; vừa là mùa mà qua việc kính nhớ này, các tín hữu hướng lòng trông đợi Chúa Kitô đến lần thứ hai trong ngày tận thế. Với hai lý do này, Mùa Vọng được coi như mùa sốt sắng và hân hoan mong đợi” (AC 39). Mùa Vọng là mùa đầu tiên của năm Phụng vụ, bao gồm khoảng thời gian bốn tuần trước lễ Giáng sinh, bắt đầu từ Chúa nhật thứ nhất Mùa Vọng và chấm dứt vào đêm trước lễ Giáng Sinh (đêm 24 tháng 12, lễ vọng Giáng Sinh). Theo tiếng Việt, Mùa Vọng nghĩa là “sự trông chờ”, “hy vọng”, “vọng” là mong đợi, mong chờ điều sắp đến. Giáo hội dịch danh từ Hylạp παρουσία (“parousia” có nghĩa là “đến”) sang chữ Latinh là “Adventus” do động từ “advenire”, nghĩa là đến.
Như vậy, chúng ta đang sống tâm tình của người chờ đợi Chúa, chờ đợi ngày tận cùng của đời mình. Tuy nhiên, chúng ta không chờ đợi theo kiểu “há miệng chờ sung”, chờ đợi một cách thụ động, chờ đợi cách “tĩnh” nhưng Chúa mời gọi chúng ta phải tỉnh thức và sẵn sàng, nghĩa là phải chờ đợi cách chủ động, cách tích cực, sống động. Chờ đợi nhưng vẫn hành động. Chờ đợi nhưng phải làm việc. Chờ đợi trong sự hiện diện của Chúa. Chờ đợi nhưng phải thức tỉnh liên lỉ. Chờ đợi để nhìn lại bản thân với biết bao lỗi lầm, bất toàn và yếu đuối với Chúa và với tha nhân để hồi tâm, để hối lỗi, để nhận lỗi, để xin ơn tha tội và sửa đổi con tim, sửa đổi con người tội lỗi hầu trở nên tinh tuyền thánh thiện trước nhan Chúa hơn.
Chúa nhật II Mùa Vọng năm A hôm nay, Lời Chúa mời gọi chúng ta sám hối ngang qua hình ảnh của Gioan Tẩy Giả: “Anh em hãy sám hối, vì Nước Trời đã đến gần.” Ông chính là người đã được ngôn sứ Isaia nói tới: Có tiếng người hô trong hoang địa: Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đi… Nơi khác, ông Gioan mời gọi: “Các anh hãy sinh hoa quả để chứng tỏ lòng sám hối… Bất cứ cây nào không sinh quả tốt đều bị chặt đi và quăng vào lửa…” (Mt 3, 2-3.8.10). Quả thật, những lời đó mời gọi chúng ta chờ đợi Chúa trong tâm tình người biết sám hối để gặp Chúa. Nhưng phải sám hối như thế nào? Sám hối theo lời giảng dạy của Gioan Tẩy Giả là phải thay đổi lối sống: từ lối sống ích kỷ thành quảng đại, lối sống hận thù – ghen ghét trở thành lối sống yêu thương và bác ái, lối sống khô khan nguội lạnh trở nên lối sống siêng năng và sốt sắng để gặp gỡ Chúa mỗi ngày, lối sống loại trừ – gian tham trở nên bao dung và thật thà,… Chúng ta không thể đón gặp được Chúa trong thái độ thiếu tỉnh thức, thiếu chuẩn bị, thiếu sẵn sàng. Chúng ta không thể đón gặp Chúa trong thái độ vô ơn bội nghĩa, trong thái độ lạnh lùng chán chường, trong thái độ bất hoà bất thuận, trong thái độ dính bén tội lỗi và ma quỷ,…
Thế nhưng, thái đội sám hối theo Gioan Tẩy Giả và đẹp lòng Chúa nhất là thái độ sinh hoa trái tốt tươi ngang qua đời sống bác ái yêu thương, tin yêu và phục vụ, dấn thân và hy sinh, lạc quan và thánh thiện, kiên trì và nhẫn nại, khiêm nhường và bác ái. Đây mới đúng là tâm tình của những người chờ đợi Chúa mà Chúa mong muốn. Vì thế, mỗi chúng ta không thể đón gặp Chúa trong thái độ vô tâm vô cảm và vô trung bất nghĩa được. Thật vậy, biết Chúa là Đấng luôn yêu thương, biết Chúa cứu độ hết mọi người, chúng ta không thể không nhanh chân đến với Ngài với một tâm hồn sám hối, với một tâm hồn tan nát khiêm cung để đón gặp Chúa.
Tuy nhiên, để đón gặp Chúa, Gioan Tẩy Giả mời gọi chúng ta: “Hãy dọn sẵn con đường cho Đức Chúa, sửa lối cho thẳng để Người đưa” (Mt 3.3). Dọn sẵn con đường nào đây? Xin thưa đó là con đường tâm hồn, con đường trái tim, con đường thân xác của chúng ta. Chúng ta phải dọn như thế nào? Phải chăng chúng ta phải “loại trừ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thoả mãn các dục vọng” (Rm 13, 12-14).
Có một câu chuyện kể rằng: Trong một khu rừng già thuộc vùng núi Hắc Sơn ở nước Đức, một bọn cướp đang chia nhau những chiến lợi phẩm mà chúng lấy được đêm hôm trước, trong đó có một cuốn Kinh Thánh. Một tên cướp cầm cuốn Kinh Thánh lên rồi bắt chước một nhà truyền đạo, đọc vài câu rồi bông đùa giải thích, cả bọn cười ồ thích thú. Bỗng tên đầu đảng gục mặt xuống, hai tay ôm lấy đầu, xưa nay hắn là người độc ác và tàn bạo khét tiếng nhưng những lời Kinh Thánh vừa rồi gợi lên trong tâm trí hắn hình ảnh đáng yêu của gia đình hắn. Cách đây 20 năm, hắn cũng thường với cha mẹ, anh chị em cầu kinh, suy niệm Lời Chúa. Dường như Lời Chúa giờ đây mới chuyển mình và gây tác động mạnh mẽ trong tâm khảm tên tướng cướp này. Một tên đàn em thấy vậy tiến lại nói đùa: “Hôm nay đại ca có vẻ ân hận thì phải, nếu thế thì cũng hợp lý thôi, vì nếu điểm mặt anh hùng phạm pháp trên đời, đại ca phải là vô địch”. Tất cả bọn nhao nhao lên nhưng tên đại ca ôn tồn nói: “Đúng, tao là tên tội phạm lớn nhất, để cuốn sách đó lại cho tao rồi tụi bay đi đâu thì đi”. Sau đó anh đã từ bỏ hẳn cuộc đời giang hồ tội lỗi, anh đã sám hối, đổi đời.
Lm. Phaolô Phạm Trọng Phương