GPVO (21/10/2022) – Như chúng ta đã biết, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội đã minh định: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành phải truyền giáo, vì chính Giáo hội bắt nguồn từ sứ mạng của Chúa Con và Chúa Thánh Thần theo ý định của Thiên Chúa Cha” (AG2). Là bản chất nên Hội Thánh không thể không truyền giáo. Tất cả mọi người đã được rửa tội đều có bổn phận và trách nhiệm truyền giáo, truyền rao Tin mừng. Vì thế, không ai được miễn sứ vụ truyền giáo cả. Ai cũng phải ý thức bổn phận và trách nhiệm đó để làm sao Nước Thiên Chúa được lan toả đến cho mọi người mọi nơi và mọi thời.
Truyền giáo là gì? Tại sao phải truyền giáo? Đâu là cách thức truyền giáo hiệu quả?
Truyền giáo không phải là truyền tải một mớ kiến thức về giáo lý cho người khác, nhất là cho anh chị em chưa cùng niềm tin. Truyền giáo cũng không phải là chạy ngược chạy xuôi gặp gỡ mọi người để chiêu mộ và mời mọc. Tuy nhiên, truyền giáo là sống: sống chứng tá, sống yêu thương, sống dấn thân và phục vụ, sống hy sinh và quan tâm đến tha nhân, nhất là những người nghèo. Truyền giáo là ra đi gặp gỡ, trao ban niềm vui, sự bình an và hạnh phúc cho người khác. Truyền giáo là sống và thực hành những gì Chúa Giêsu đã sống và thực hiện.
Chúng ta phải truyền giáo bởi vì chúng ta là con cái của Thiên Chúa. Một Thiên Chúa luôn mong muốn cho con người được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10). Một Thiên Chúa Tình Yêu muốn cứu độ tất cả mọi người thay vì hủy diệt và giết chết. (X.1Tm 2,4). Là người em của Đức Giêsu ngang qua việc lãnh nhận bí tích Rửa tội, chúng ta phải nên giống Người trong mọi sự. Người là Thiên Chúa Ngôi Hai, là vị truyền giáo đầu tiên khi chấp nhận xuống thế làm người giống chúng ta mọi đàng để giới thiệu cho nhân loại một Thiên Chúa hữu hình. Thiên Chúa là Đấng vô hình nhưng nhân loại được gặp gỡ và đụng chạm Người cách hữu hình ngang qua Thiên Chúa làm người là Đức Giêsu Kitô.
Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự (x. St 1,1), Người có thể phán một lời thì cả vũ trụ này đều thuộc về Người, nghĩa là cả toàn thể thế giới này có thể tin vào Người. Tuy nhiên, Thiên Chúa ban cho con người có lý trí, có ý chí và tự do nên Người tôn trọng tự do con người. Quả thật, con người chỉ có thể được cứu độ khi con người biết thưa xin vâng và biết cộng tác. Đúng như Thánh Augustinô đã nói: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con, Chúa không cần hỏi ý kiến của con, nhưng để cứu độ con, Người cần sự cộng tác của con”. Hơn nữa, tại sao chúng ta phải truyền giáo? Vì đây là lệnh truyền của Đức Giêsu: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16, 15). Lệnh truyền của Chúa thì không ai được quyền từ chối và thoái thác nhưng phải cấp bách và vội vã để thực thi lệnh truyền này. Thánh Phaolô đã mạnh mẽ tuyên xưng: “Khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr 9, 16).
Nhưng làm sao để loan báo Tin mừng? Làm sao để truyền giáo? Nói cách khác, đâu là cách thức loan báo Tin mừng cho thế giới hôm nay? Trước hết, để công việc truyền giáo được nở rộ và phát triển, là Kitô hữu, chúng ta phải cầu nguyện cho việc truyền giáo. Nơi đời sống kết hợp với Chúa, chúng ta dễ dàng quan sát và học hỏi cung cách truyền giáo và thu hút mọi người của Đức Giêsu. Nhựa sống của việc truyền giáo là việc ở lại với Chúa để kín múc lấy sức mạnh, tình yêu và lòng nhiệt thành dấn thân (x.Ga 15,1-8). Từ đó, nói như Phaolô: “Tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5, 14). Chúng ta chỉ thật sự trở nên người hăng say truyền giáo khi tràn đầy tình yêu và hương vị của Lời Chúa và bí tích Thánh Thể. Quả thật, công cuộc truyền giáo chỉ thật sự thành công và mang lại hiệu quả khi người môn đệ chiếm trọn được Đức Kitô hay mang được Người trong TRÍ-TÂM. Khi có Đức Kitô trong TRÍ và trong TÂM, chúng ta dễ dàng mang Chúa đến trao ban trên TAY, nghĩa là một khi đã có Chúa, đã thấm nhuần Lời Chúa, chúng ta không thể không mang Chúa đến với mọi người. Khi chúng ta cầu nguyện là chúng ta “nói với Chúa”, khi chúng ta đi truyền giáo là chúng ta “nói về Chúa” cho người khác bằng cuộc sống đượm tình bác ái yêu thương. Hình ảnh Đức Maria như là mẫu gương nhà truyền giáo đích thực khi Mẹ cưu mang Chúa đến thăm viếng bà thánh Elisabeth và sẵn sàng hy sinh phục vụ gia đình chị họ trong những ngày mãn nguyệt khai hoa.(x. Lc 1,39-56). Như vậy, để truyền giáo hiệu quả thì ắt hẳn chúng ta phải có Chúa ở cùng và từ đó được thúc đẩy lên đường dấn thân toả sáng tình yêu bằng công việc cụ thể. Đời sống chứng tá dễ dàng thu hút tha nhân hơn là chỉ nói suông. Thánh Giacôbê Tông đồ đã khẳng định: “Chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, mà yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 3, 18). Đúng là ‘lời nói lung lay, gương bày lôi kéo’. Đức Thánh Cha Phanxicô cũng nhấn mạnh: “Giáo hội phát triển không phải bằng chiêu dụ nhưng bằng sự thu hút”.
Như vậy, đâu là cách thức truyền giáo thiết thực cho thế giới hôm nay?
Thiết tưởng, cách truyền giáo hữu hiệu và thu lại kết quả đó là chúng ta hãy bắt chước những cung cách cư xử của Đức Giêsu trong Tin mừng để gặp gỡ, thân thiện, bao dung, nối kết, yêu thương, tha thứ, đón nhận hơn là loại trừ, cởi mở gần gũi hơn là xa cách, cảm thông và động lòng thương xót hơn là vô tâm – vô cảm – dửng dưng,… Ví dụ, trong thời gian đại dịch Covid, người Kitô hữu không ngần ngại ra đi đến các vùng miền bị cách ly để trao ban yêu thương, cung cấp ‘vắc-xin tình người’ qua những thùng mỳ tôm, gói bánh, bao gạo, bánh chưng, nước uống, thuốc men,…Nơi những vùng lũ lụt, những người Công giáo được mời gọi sẵn sàng ra khơi, lội nước, chèo thuyền đến tận những gia đình, những cá nhân bị cô lập bởi nước dâng cao để trao ban những nhu yếu phẩm cho họ. Hoặc cụ thể lũ lụt tháng 10/2022 vừa qua tại Kỳ Sơn, Nghệ An, nhiều gia đình bị lũ cuốn trôi cả người lẫn tài sản nhưng bù vào đó có nhiều cá nhân, tập thể, các hội từ thiện đã có mặt kịp thời để giải cứu bằng những của cải vật chất và những nhu yếu phẩm cần thiết,… Đây là những cơ hội thuận lợi để chúng ta tiếp cận và giới thiệu đạo yêu thương, đạo Chúa, hình ảnh Kitô hữu cho mọi người, nhất là cho những ai chưa nhận biết về Chúa.
Linh mục Phaolô Phạm Trọng Phương
(Suy niệm lễ Khánh nhật Truyền giáo, ngày 23/10/2022)