Quý cha khóa 12 và khóa 13 tham dự kỳ thường huấn 5 năm đầu đời linh mục

GPVO (29.10.2021) – Sau khi được truyền chức, công cuộc đào tạo linh mục ở Đại Chủng viện tạm khép lại. Tuy nhiên, “làm cha” không hẳn là kết thúc quá trình đào tạo và huấn luyện. Chính vì thế, trong hai ngày 26-27/10/2021, quý cha trẻ thuộc khóa 12 và khóa 13 của Giáo phận Vinh đã tham dự kỳ thường huấn 5 năm đầu đời linh mục tổ chức tại Trung tâm Mục vụ giáo xứ Lập Thạch. Có 50 linh mục tham dự kỳ thường huấn. Chủ đề kỳ thường huấn lần này (Quý 1 – Năm thứ nhất) là “Linh mục, con người hiệp thông”. Các vị giảng phòng là Đức Giám mục Louis Nguyễn Anh Tuấn, Giám quản Giáo phận Hà Tĩnh và linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh, Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê. Ngoài ra, trong dịp này, quý cha còn nhận được sự đồng hành của Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long, Giám mục Giáo phận; cha Giêrađô Nguyễn Nam Việt, Chưởng ấn Tòa Giám mục; cha Phaolô Nguyễn Thiện Tạo, Phó Giám đốc Tiền Chủng viện Xã Đoài, linh mục đặc trách và cha Phêrô Trần Phúc Chính, linh mục giải tội.

Ngày thứ nhất, quý cha đã được lắng nghe đề tài: “Linh mục, thừa tác viên Lời Chúa”. Đức cha Giám quản Giáo phận Hà Tĩnh đã gợi lại lời mời gọi của Giám mục khi phong chức Phó tế: “Con hãy nhận lấy Phúc âm Chúa Kitô mà con vừa lãnh nhận quyền rao giảng, vậy con hãy chú tâm tin điều con đọc, dạy điều con tin, và thi hành điều con dạy”. Rao giảng Lời Chúa được xem là nhiệm vụ đầu tiên của linh mục. Linh mục được thánh hiến và sai đi để loan báo Tin mừng Nước Trời cho mọi người. Linh mục cũng là người hướng dẫn các tín hữu để họ nhận biết và tham dự cách sâu xa vào mầu nhiệm của Thiên Chúa.

Trong công việc phục vụ Lời Chúa, Đức cha Louis đã đưa ra bốn ý tưởng:

Một là thừa tác viên phải có những thái độ và tinh thần cụ thể. Quả vậy, để mang Lời Chúa, thừa tác viên phải là người có sự nhất quán giữa Lời Chúa được rao giảng với đời sống. Cũng vậy, trong khi rao giảng, thừa tác viên Lời Chúa phải tạo được mối thân tình sâu xa với Chúa bằng một con tim mềm mại, tinh thần cầu nguyện, sự khiêm nhường, đơn sơ và nghèo khó.

Hai là linh mục loan báo Lời Chúa với tư cách là thừa tác viên của Lời “nhân danh Đức Kitô” (in persona Christi) và nhân danh Giáo hội (persona Ecclesiae). Thật vậy, đây là thừa tác vụ xuất phát từ bí tích Truyền Chức và được thực hành nhờ quyền bính của Đức Kitô, nghĩa là khi loan báo Lời Chúa, linh mục tham dự vào quyền làm ngôn sứ của Đức Kitô là Đầu và Mục tử của Giáo hội trong tư cách là vị thừa sai của Đức Kitô: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em” ( Ga 20,21) và như vậy, linh mục phải là người đầu tiên tin vào Lời Chúa với ý thức tròn đầy. Linh mục được mời gọi chuyển đạt Tin mừng trong tính toàn vẹn để góp phần vào việc cắt nghĩa Lời Chúa được chuẩn xác hơn và bảo vệ ý nghĩa trung thực cho Lời Chúa.

Ba là linh mục loan báo Lời Chúa chứ không phải loan báo lời của cá nhân mình. Loan báo Lời Chúa là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Khi xưa, Chúa Giêsu “chạnh lòng thương” đám đông dân chúng vất vả, lầm than. Người giảng giải Lời Chúa và chỉ cho họ thấy hướng đi. Cũng vậy, trong thế giới hôm nay, linh mục cũng phải noi gương Thầy chí ái để ánh sáng Lời Chúa hiện diện trong sự lẫn lộn và lạc hướng của thời đại chúng ta, ánh sáng là chính Chúa Kitô trong thế giới này.

Bốn là linh mục cần chuẩn bị cho việc rao giảng Lời Chúa có hiệu quả. Noi gương Đức Kitô, bài giảng của linh mục cần phải tích cực, hào hứng và lôi cuốn mọi người tới chân, thiện, mỹ. Phải trau dồi một giọng nói vui tươi và sử dụng thứ ngôn ngữ dễ hiểu đối với mọi người thuộc các tầng lớp xã hội khác nhau. Cần phải tránh mọi thứ ngôn ngữ tầm thường, vô vị. Như vậy, khi giảng dạy, linh mục phải biết những người đang nghe mình là ai, cũng như hiểu biết đúng về thực tại hiện sinh và văn hóa của những nơi mình phục vụ. Thông qua bài giảng của các mục tử, tín hữu được đưa vào cuộc gặp gỡ và đối thoại giữa Thiên Chúa và dân Người. Đức Thánh Cha Phanxicô trong Tông huấn Niềm vui Tin mừng đã nhấn mạnh: “Người giảng thuyết phải biết lòng cộng đoàn của mình, để biết chỗ nào ước muốn của nó về Thiên Chúa đang sống động và cháy bỏng, cũng như chỗ nào mà cuộc đối thoại ấy trước kia rất thân thương nay đã bị thui chột và cằn cỗi” (số 137).

Ngày thứ hai của khóa thường huấn, quý cha đã được lắng nghe bài chia sẻ tĩnh tâm của linh mục Phêrô Nguyễn Văn Vinh với chủ đề: “Huynh đệ hiệp nhất”. Ngài cho thấy nguồn gốc của giá trị huynh đệ hiệp nhất xuất phát từ Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự hiệp nhất quan trọng, gắn bó sống chết với con người đến nỗi: “Nước nào tự chia rẽ, sẽ diệt vong, và nhà cửa sẽ sụp đổ chồng chất lên nhau” (Lc 11, 14-22). Có thể nói rằng, sự hiệp nhất mang tính quyết định và không thể thay thế được. Trong Tông huấn Pastores Dabo Vobis, số 17, Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhấn mạnh: Thừa tác vụ được phong ban, do tự bản chất, chỉ có thể được hoàn thành trong mức độ mà linh mục hiệp nhất với Chúa Kitô. Thật vậy, mọi cuộc “đối thoại” chỉ trở nên thành công khi lấy Chúa làm nguyên lý, làm điểm tựa và là sự chuẩn mực duy nhất để định lượng và để quyết định.

Kết thúc bài chia sẻ, cha Giám đốc Đại Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê nhấn mạnh  sự liên kết thân tình của người linh mục trong mầu nhiệm Đức Kitô. Thật vậy, linh mục là “người nối mạng với trời và hòa mạng với người”. Việc kết hợp sâu xa với Chúa qua bí tích Thánh Thể và đời sống cầu nguyện giúp linh mục nên một với Chúa và hiệp nhất với Người. Đó là cầu nối giúp mọi người trên đường lữ hành trần gian sớm nhận ra tình yêu vô biên cao cả của Thiên Chúa và quy tụ mọi người về với Đức Kitô.

Khép lại buổi sáng của ngày thứ hai là Thánh lễ do Đức cha Anphong Nguyễn Hữu Long cử hành. Giảng trong thánh lễ, vị chủ chăn Giáo phận đã quảng diễn về mẫu gương của Đức Giêsu khi từ bỏ chính chính, “tự hủy mình đến cùng” (kenosis).  Có thể nói, chính nhờ sự tự hủy của Người mà chương trình cứu độ của Thiên Chúa được thực hiện. Từ đó, con người được hưởng hoa trái của ân sủng từ trời cao. Thật vậy, từ bỏ chính mình quả là điều khó nhất, bởi vì: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3). Đức cha cũng mời gọi quý cha ý thức rằng con đường linh mục mà Chúa đưa vào là con đường chật hẹp, đòi buộc phải từ bỏ chính mình cách tột độ. Bản chất của đời sống linh mục là sự khát khao từ bỏ để làm theo ý Chúa, bỏ hết cuộc sống như mọi người từ vật chất đến tinh thần. Nhờ đó, linh mục sẽ trở nên thanh thoát để hoàn toàn thuộc về Chúa và thực thi sứ vụ loan báo Tin mừng.

Thường huấn là dịp để quý cha gặp gỡ, sống tình huynh đệ linh mục, chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm mục vụ và cùng nhau gặp gỡ Chúa qua những giờ kinh, chầu Thánh Thể và Thánh lễ. Khóa thường huấn đã giúp quý cha nạp thêm “năng lượng” thiêng liêng để tiếp tục những bước chân sứ vụ, đối diện nhiều thách đố trong thế giới hôm nay. Nhờ đó, với niềm vui và nhiệt huyết tông đồ, quý cha hướng cuộc đời mình vươn tới sự thánh thiện theo gương Đức Kitô, Mục Tử Nhân Lành. Đồng thời, các ngài cũng trở nên những mẫu gương sống động cho đoàn chiên và hướng dẫn đoàn chiên bước đi trên con đường trọn lành.

Tâm Quảng