RVA (7/11/2021) – Lúc 11 giờ sáng, thứ Bảy, ngày 6/11 vừa qua, tại thành phố Manresa, miền Catalugna, Đức Hồng y Marcello Semeraro, Tổng trưởng Bộ Phong thánh, đã đại diện Đức Thánh cha chủ sự lễ phong chân phước cho cha Benedetto di Santa Coloma de Gramenet và hai linh mục cùng dòng Capuchino tử đạo trong thời nội chiến tại Tây Ban Nha.
Bạo lực bùng nổ chống Giáo hội Công giáo tại nước này, từ ngày 18/7/1936 đến 1/4/1939, đã làm cho 70% các nhà thờ bị tàn phá và giết hại gần 10.000 người.
Cha Benedetto di Santa Coloma sinh năm 1892 và gia nhập dòng Capuchino năm 1909, khi được 17 tuổi và thụ phong linh mục năm 1915 lúc 23 tuổi. Cha làm giáo tập, rồi cố vấn tỉnh dòng, sau cùng làm, bề trên tu viện tại Manresa. Ngày 22/7/1936, tu viện này bị các dân quân mác xít và vô chính phủ chiếm đóng và tàn phá. Cha Benedetto họp các tu sĩ và ra lệnh di tản, tìm nơi an toàn để lánh nạn. Cha đến một nhà ở miền quê gọi là Casajoana gần Menresa để trú ẩn. Tại đây, ngày 6/8 cùng năm 1936, cha bị một nhóm dân quân đột nhập, họ muốn buộc cha phải chửi thề và nói phạm thượng, nhưng cha quyết liệt từ chối. Cha bị bọn chúng dẫn đến nơi gọi là La Culla và sát hại tàn nhẫn.
Hai linh mục cùng dòng, cha Giuse Oriol và Domenec da Sant Pere cũng bị nhóm dân quân giết chết vì oán ghét đức tin.
Trên trang mạng của Bộ Phong thánh có viết rằng: “Chứng tá đức tin mạnh mẽ và ý nghĩa của ba vị Tôi tớ Chúa được phong chân phước cũng có thể nói với Giáo hội ngày nay và thế giới về sự cần thiết loan báo Tin mừng và làm sao để việc truyền giảng Tin mừng này đi tới cả những thực tại khó khăn và phức tạp nhất.
“Chính lòng trung thành với Tin mừng của Chúa Kitô và với bậc sống thánh hiến của mình đã đưa ba vị Tôi tớ Chúa đến chỗ chấp nhận là hạt giống rơi xuống lòng đến để mang lại hoa trái phong phú và lâu bền, đồng thời có khả năng là ánh sáng thế gian và là muối đất”. (Bộ Phong Thánh causasanti.va)
Bài giảng của Đức Hồng y
Trong bài giảng, Đức Hồng y Semeraro nhấn mạnh rằng: “Sự tử đạo không xuất phát từ mình, từ sự coi rẻ mạng sống, hoặc từ một hình thức anh hùng tột cùng, nhưng từ hành động mang lại sự sống của Chúa Thánh Linh, Đấng Thánh Hóa. Khi Thánh Linh che phủ cuộc sống của người môn đệ, thì họ trở thành chứng nhân khắp nơi: dù họ ở đâu hay thuộc thời đại nào. Điều này càng mạnh mẽ và rõ ràng hơn trong việc tử đạo. Để tiến qua cái chết tiến vào sự sống, cần có Chúa Thánh Linh hoạt động để những người có Thần Trí thánh thiện tiếp tục hân hoan cả khi họ gặp sầu muộn thử thách; tuy nghèo nhưng họ có khả năng làm cho nhiều người được phong phú, và dù họ không có gì cả, họ có tất cả” (Xc 2 Cr 6,10).
G. Trần Đức Anh, OP.