Số lượng người Việt định cư tại nước ngoài chiếm gần như tuyệt đại đa số tại Hoa Kỳ. Vì thế, vùng đất này cũng là nơi đã cưu mang, gieo trồng và triển nở nhiều ơn gọi trở nên linh mục nhiều nhất.
Thực tế đến nay đã có bốn vị giám mụcgốc Việt đã và đang làm mục vụ tại Hoa Kỳ, Canada và Úc. Trừ cố Giám mục Đa Minh Mai Thanh Lương được cử đi du học từ trước 1975 và ở lại làm mục vụ đến ngày qua đời, còn lại ba vị khác đều từng có thời gian sống ơn gọi tại chính quê hương Việt Nam.
Không có được số liệu thống kê chính thức, nhưng chắc rằng trong tổng số hàng ngàn linh mục gốc Việt đang phục vụ tại các quốc gia từ Mỹ, Pháp, Đức, Ý, Úc, Mỹ Latin, có đến hơn 3⁄4 là những linh mục còn tương đối trẻ, được tu học và nhận sứ vụ tại xứ người.
Ở đâu cũng có linh mục, tu sĩ Việt Nam
Ở Hoa Kỳ, người ta còn nhớ, từ rất sớm sau năm 1975, Đức Hồng y Tổng Giám mục Giáo phận Boston đã mở cửa đón nhận gần như trọn vẹn mấy chục linh mục và tu sĩ Dòng Đồng Công (nay là Dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc) từ Việt Nam sang.
Nhiều tu sĩ còn đang dang dở ơn gọi tại các đại chủng viện, học viện các dòng khác, vì nhiều lý do và những con đường khác nhau tới được hải ngoại cũng may mắn được tiếp nhận vào các nhà dòng, chủng viện tiếp tục con đường ơn gọi. Trong số này có thể nhắc đến Giám mục Phụ tá Giáo phận Orange County là Giuse Nguyễn Thái Thành. Ngài nguyên là tu sĩ ở Dòng Thánh Giuse Nha Trang.
Số người như Đức cha Nguyễn Thái Thành, cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn (Chánh xứ Saint Barbara) có lẽ không nhiều bằng những linh mục mà khi đặt chân đến đất Mỹ khi còn là thiếu nhi, chưa có một ngày “ăn cơm nhà Đức Chúa Trời”, nghĩa là chưa một ngày sống đời tu.
Họ sang Mỹ cùng với gia đình và nhiều năm sau đã chọn đường đi tu. Chúng tôi đã gặp lại những em Thiếu nhi Thánh thể ngày nào còn sinh hoạt ở xứ đoàn Hòa Hưng, An Phú (Tổng Giáo phận Sài Gòn) nay đã là linh mục như các Cha Trịnh Hoàng, Trịnh Thái. Hoặc cha Vũ Hải Đăng, năm 1993 còn đang là ca viên ở Giáo xứ Đắc Lộ (Tân Bình) cùng nhiều người khác.
Cũng có thể dễ dàng gặp gỡ không ít các linh mục trẻ mà cha mẹ là người Việt thuần gốc, nhưng các vị nói tiếng Việt nhiều lúc khó nghe, vì sinh ra và lớn lên ở Hoa Kỳ. Đáng trân trọng là các linh mục này đã chọn đường tu sau khi hoàn thành bậc đại học, nhiều người là kỹ sư, bác sĩ, luật sư… có đủ điều kiện để thành công trong cuộc sống.
Nhiều người cũng ngạc nhiên là đã có hai du học sinh Việt Nam, một ở Hà Nội, một ở Sài Gòn cách nay 10 năm sang New Orleans Hoa Kỳ học tập bằng nguồn kinh phí của gia đình và nỗ lực của mình, sau khi tốt nghiệp đại học đã không trở về đất nước mà xin gia nhập Chủng viện Notre Dame vừa trở thành linh mục trong lễ phong chức vào ngày 2-6-2018.
Số linh mục Việt Nam ở Hoa Kỳ đang hoạt động trên nhiều lĩnh vực, phần lớn là các giáo xứ đa sắc dân (Mỹ, Mexico, Việt Nam), tuyên úy các đại học, truyền thông, nghiên cứu (cả tôn giáo, khoa học kỹ thuật), phát triển các hội dòng ở những vùng sa mạc hoang vu như các cha, các thầy thuộc Đan viện Xitô Thánh Giuse ở Lucerner Valley, California.
Hầu hết các linh mục giáo phận đã gia nhập vào cộng đoàn giáo phận địa phương. Riêng các nhà dòng cả nam và nữ phần lớn vẫn còn là các tu viện trực thuộc các tỉnh dòng trong nước. Cũng đã có một vài trường hợp sau một thời gian dài phục vụ tại Hoa Kỳ, các linh mục Việt Nam đã được sự chấp thuận của các vị giám mục trở về phục vụ tại địa phận gốc ở quê nhà.
Những hỗ trợ cho ơn gọi trong nước
Những ngày cuối tháng 5, đầu tháng 6 hằng năm, tại Hoa Kỳ đã diễn ra nhiều lễ phong chức linh mục ở khắp các giáo phận. Ở đâu cũng xuất hiện các tân chức là người gốc Việt. Có nhiều tân chức là người của các giáo phận trong nước được cử sang tu học.
Như ngày 27-5-2018 tại Tổng Giáo phận Louisville, Bang Kentucky đã có hai tân chức thuộc Giáo phận Vinh. Trước đó, vào ngày 20-5 tại Tổng Giáo phận Boston cũng có hai tân chức thuộc Giáo phận Thanh Hóa được nhận sứ vụ. Năm nay, bị ảnh hưởng dịch cúm, nhiều giáo phận cả hải ngoại lẫn trong nước đã lên danh sách các tiến chức, nhưng ngày lễ truyền chức thì các đức giám mục vẫn chưa quyết định được. Có lẽ phải đợi dịch bệnh lắng xuống, chứ truyền chức mà chỉ tham dự thánh lễ online thì thật buồn!
Có thể nói, không thể thống kê đầy đủ số linh mục, tu sĩ từ Việt Nam đã được các giáo phận Hoa Kỳ tiếp nhận, nâng đỡ, tạo điều kiện tu học suốt từ những năm 2000 trở lại đây. Còn nhớ, cách đây hai năm, có bốn thầy thuộc Giáo phận Bùi Chu đã được vào tu học tại Đại Chủng viện Denver (Colorado) với học bổng toàn phần của Giáo phận Colorado.
Thầy Hiến, một trong số bốn thầy mới từ Bùi Chu đến Mỹ đã bày tỏ tâm tình tri ân các giáo phận Mỹ đã rộng rãi đón tiếp các chủng sinh từ Việt Nam sang tu học. Theo thầy Hiến, niềm vui và an ủi, khích lệ đáng được nhắc đến là sự nâng đỡ, giúp đỡ thiết thực và đầy yêu thương của các bà mẹ, bà chị là giáo dân ở các cộng đoàn dân Chúa Việt Nam hải ngoại luôn dành cho các tu sĩ từ Việt Nam sang.
Nhiều tổ chức, quỹ bảo trợ ơn gọi cho các giáo phận, hội dòng trong nước đã được hình thành từ nhiều năm qua, vẫn đang được duy trì phát triển dưới nhiều hình thức. Bên cạnh đó là những hỗ trợ âm thầm nhưng cũng đầy hiệu quả của các cá nhân, các hội đồng hương khác.
Tất cả là hồng ân chư thánh tử đạo Việt Nam
Trung tâm Công giáo Việt Nam tại Orange County, mang thánh hiệu là Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, có lẽ là Trung tâm Công giáo Việt Nam đầu tiên được hình thành tại Hoa Kỳ cũng như tại hải ngoại. Trung tâm được thành lập do cố Linh mục Thomas Đỗ Thanh Hà (gốc giáo phận Long Xuyên, qua đời cuối năm 2017). Ngài nguyên là cha giáo ở Tiểu Chủng viện Long Xuyên, với cả trăm môn sinh đã trở thành linh mục đang phục vụ trong nước và hải ngoại, trong số có nhiều giám mục khả kính đang ở Việt Nam.
Linh mục Giuse Nguyễn Văn Luân, Chánh xứ La Vang (Giáo phận Orange County) là một trong số năm nghĩa tử cận kề của Linh mục Thomas Đỗ Thanh Hà, thổ lộ: Chính cha cố đã gieo mầm và làm triển nở, trổ sinh nhiều hoa trái linh mục ở trong nước trước đây và sau này khi Ngài sống và làm việc ở nước ngoài. Tất cả đều tin rằng, số ơn gọi được phát triển sâu rộng ở các nơi trên toàn cõi Hoa Kỳ hay nói chung ở nhiều nước khác, cũng như ở Việt Nam mặc dù có những khó khăn và hạn chế nhiều mặt, đó là nhờ hồng ân của các thánh tử đạo Việt Nam.
Riêng ở Hoa Kỳ, không ít gia đình linh mục, tu sĩ gốc Việt Nam thừa nhận có một nguyên nhân hữu hình khác. Đó là có nhiều cộng đoàn giáo hữu Việt Nam sống tập trung, nhiều nề nếp sinh hoạt sống đạo truyền thống còn được duy trì.
Trong đó điều đáng nói là việc luôn đề cao ơn gọi trong các gia đình, trong các đoàn thể giáo dân của mọi giáo xứ. Nhiều linh mục, tu sĩ là hậu duệ của các thánh tử đạo, có truyền thống gia đình nhiều ơn gọi và được khích lệ của các bậc đã dâng hiến đời mình cho Chúa trước và vẫn bền đỗ đến cùng.
Phạm Hùng Nghị, từ Hoa Kỳ