Noel với anh em lương dân – Chương trình truyền giáo dịp Lễ Giáng Sinh



NOEL VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN

Chương trình truyền giáo dịp Lễ Giáng Sinh


1. NHỮNG ĐIỀU THẤY ĐƯỢC MỖI DỊP LỄ GIÁNG SINH

  • Người người mở lòng đón Giáng sinh

Noel về, ai ai cũng nức lòng mong đợi, trông tìm một niềm vui ngày Chúa giáng trần. Đây là niềm vui chung. Tuy nhiên, niềm vui này bị nhạt nhòa do kinh doanh tiêu thụ, dần dần mang tính lễ hội dân gian và chóng qua, thiếu vắng trình bày, giải thích, tô đậm ý nghĩa và nét đẹp của ngày lễ. Nhân dịp này, nếu loan báo về Chúa Giáng trần và Tin Mừng của Ngài, thật thích hợp và đúng lúc. Những sáng kiến như dùng ‘gameshow’ trong chương trình văn nghệ GS để thi đố về Chúa Giáng sinh, về ý nghĩa của lễ Noel, về niên lịch, về đạo, về sự hiện diện của Giáo Hội tại địa phương… là phương cách cách trình bày giáo l‎ý tinh tế mà hữu hiệu.

  • Nhiều lương dân đến nhà thờ

Hơn hẳn các dịp lễ khác, ngay cả ngày Thắp hương Thảo hiếu 02.11, dịp Noel luôn có nhiều anh em tôn giáo bạn, tự ý và vui vẻ đến nhà thờ, không cần phải mời gọi. Người người tuôn đến ngắm nhìn hang đá, xem văn nghệ, tụ tập vui chơi, mong thấy được điều gì hay-vui-mới-lạ… Thật đáng tiếc nếu để số đông đó tự đến rồi tự về, không gặp gỡ được ai để trò chuyện ít nhiều, để có một đồng cảm với những tưng bừng ở nhà thờ. Qua dịp đó, khó tìm được dịp khác để tiếp cận và chia sẻ niềm vui với họ! Ấn tượng tiêu cực đó sẽ là một chướng ngại to lớn cho việc truyền giáo trong tương lai.

  • Niềm vui Giáng sinh có thể lớn hơn

Dọn lễ GS, các xứ đạo hoặc các cộng đoàn luôn có nhiều sinh hoạt, nhiều phương tiện và tài chính, từ âm thanh, ánh sáng, sân khấu, hang đá, văn nghệ, đến canh thức, thánh lễ, rước kiệu, thánh ca, cả tiệc tùng… Đó là phúc lộc và niềm vui cho người Công giáo. Nhưng như Chúa giáng trần không cho riêng ai, nên niềm vui GS cần được chia sẻ, để nhiều người vui hơn, ân lộc Noel nhiều người chung hưởng càng thêm thân ái. Do đó, nguồn kinh phí, các đóng góp, các hoạt động dịp lễ nếu san sẻ cho anh em lương dân, thì thêm phúc ân và vô vàn ý nghĩa. 

Tóm lại, nét đẹp ngày lễ GS còn nhiều góc cạnh chờ được tô điểm, sinh hoạt dịp lễ GS còn nhiều hướng mới cần được khởi động. Người Công giáo với suy nghĩ mới và với sáng kiến mới có thể làm cho các hoạt động trong lễ GS đa dạng hơn, phong phú hơn, vui tươi và ‎ý nghĩa hơn, hầu thêm nhiều người hưởng nhận phúc ân ngày Chúa ra đời. 

2. MỘT CÁCH NHÌN MỚI VỀ LỄ GIÁNG SINH

  • Giáng Sinh truyền thống

Bước vào Mùa Vọng, các giáo xứ, các cộng đoàn, các gia đình… ráo riết chuẩn bị Lễ Giáng Sinh. Đâu đâu cũng cố gắng tổ chức một Noel thật trang trọng, đẹp đẽ, càng hoành tráng càng hay, không ngại hao tốn công sức và tiền của; mọi người chấp nhận vất vả để làm hang đá, dọn sân khấu, tập hoạt cảnh, trang trí Cây Noel, treo hoa đèn rực rỡ… Và chương trình Canh thức GS chú trọng trình bày Lịch sử Cứu độ như không thể thiếu. Truyền thống này xưa nay đã đẹp và vẫn vậy, nhưng Giáng sinh năm nay có nét mới lạ hơn không?

  • Giáng Sinh, niềm vui của mọi người

Từ lâu, người Công giáo mừng Lễ GS với tâm tình “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời” như tiếng hát của các thiên thần trong Đêm Noel. Ngoài ra, còn thích làm “rạng danh” cộng đoàn, giáo xứ, hội đoàn, gia đình, khu phố, đội diễn của mình. Các hoạt động trong Lễ GS xem ra quy về… đạo mình, lo cho nhà mình, hướng vào “nội bộ”. Mọi người đều mừng lễ, nhưng “mạnh ai nấy vui”, niềm vui khép kín. Trước thực trạng đó, tinh thần của Đức Thánh Cha Phanxicô “đi tới vùng ngoại biên” như mời gọi một cách nhìn mới về Lễ Giáng sinh: mở mắt tìm thêm anh em, mở lòng đón tiếp lương dân, mở tay sẻ chia với mọi người.

  • Hoài bão của Chúa Cứu Thế

Chính Chúa Giêsu, trong đêm giáng trần, qua Mầu nhiệm Nhập thể, đã mong đến với muôn dân và, qua biến cố Nhập thế, đã tìm gặp con người. Ngài mong đem lại ân phúc, hòa bình và niềm vui cho muôn dân tộc, bất kể lương giáo; nên GS đã trở thành ngày hạnh phúc cho cả nhân loại, thành lễ nghỉ của toàn thế giới. Nếu Chúa Giêsu chỉ đến cho người Do thái, thì cả thế giới hôm nay phải đi làm việc ngày 25.12 như bao ngày khác. Trong khi đó, nhiều cá nhân và cộng đoàn Kitô hữu đã vô tình, hoặc vì thói quen, biến GS thành ngày lễ của đạo, thành niềm vui riêng, chưa nghĩ đến việc thông truyền niềm tin và chia sẻ niềm vui cho anh em lương dân.

  • Chào đón anh em lương dân đến viếng Chúa

Đêm GS, nhiều anh em lương dân cố chen chúc giữa rừng người và xe cộ đông đúc, ghé nhà thờ này qua nhà thờ khác xem ‘Hang đá Bêlem’ và sân khấu văn nghệ. Nhưng họ dễ bị lạc lõng, giữa một khung cảnh xa lạ và không thấy gì vui ngoài tiếng nhạc giáng sinh hay tiếng ồn ào náo nhiệt. Chắc hẳn nhiều người đã bỏ về như đi qua một buổi họp chợ mà không thấy món hàng nào mình cần hoặc thích mua. Mấy khi và mấy ai nghĩ đến việc đón tiếp và giới thiệu Tin Mừng GS cho những anh em lương dân đó? Nếu bất ngờ họ được niềm nở đón chào, đó sẽ là dấu ấn còn mãi trong tim, và chắc họ sẽ dễ mở lòng để nghe nói về Chúa nhiều hơn.

  • Cơ hội bất ngờ để loan báo Tin Mừng

Nghĩ lại, nếu tìm một cơ hội để loan báo Tin Mừng, ngay đầu Năm Phụng vụ mới, thì Lễ GS thật thuận lợi và ý nghĩa biết bao! Như một lễ hội toàn cầu, GS là dịp để nhiều anh em các tôn giáo đến với đạo, nhiều bà con xóm giềng đến với nhà thờ. Đây hẳn là dịp may để giao lưu với lương dân. Người Công giáo đừng bỏ lỡ thời cơ, cần tận dụng dịp may để giới thiệu Chúa cho nhiều người, giúp lương dân gặp được Chúa, đồng thời gần gũi với nhà thờ, thân thiện với người Công giáo hơn!

Và còn phải nghĩ xa hơn, Lễ GS cũng là một dịp tốt để huấn luyện và biến đổi hàng trăm hàng ngàn tín hữu trẻ-già thành người loan báo Tin Mừng, như các thiên sứ loan tin vui đêm Chúa giáng trần.

Như vậy, tổ chức Lễ GS theo định hướng truyền giáo là điều rất chính đáng và có nhiều thuận lợi. Hướng đến anh em lương dân trong dịp GS sẽ làm cho các Kitô hữu trở thành một ánh sao Bêlem đưa dẫn nhiều tâm hồn đến với Chúa, và là cho Chúa Giêsu Hài Đồng rất vui vì được tỏ mình cho muôn dân.

3. GỢI Ý VÀI HOẠT ĐỘNG TRUYỀN GIÁO DỊP LỄ GIÁNG SINH

Sau đây, đề nghị một số hoạt động cụ thể để làm cho lễ GS thành một cơ hội loan báo Tin Mừng cho anh em lương dân.

  • Một cách mới “Đến với muôn dân”

Tùy địa bàn giáo xứ lớn nhỏ, tổ chức một hoặc nhiều nhóm các em thanh thiếu niên hóa trang làm thành “Ông già Noel & các Thiên thần xinh đẹp” (với vài thanh niên đi theo bảo vệ)… Đội “thiên sứ” này sẽ mang niềm vui và quà tặng của Chúa Hài Đồng, chỉ cần những gói quà đơn sơ, nắm kẹo, bánh trái, kèm lời cầu chúc GS… đi đến từng gia đình, vào các cơ quan, thăm cả cơ sở tôn giáo bạn… đến tận các “hang cùng ngỏ hẻm”, đâu cũng vào, vào đâu cũng được, không cần nghi thức, không kèn-chuông-trống, không cần nói gì, chỉ nụ cười và quà tặng đã đủ, hoặc thêm cây đàn phụ họa cho câu hát chúc GS. 

Hình thức này dễ thực hiện (hơn cả hoạt động múa lân ngày Tết), lại vui tươi, dễ gây ấn tượng thích thú nơi mọi người lương-giáo, cả chính quyền và các tôn giáo bạn. Nếu mỗi Noel, giáo xứ nào cũng tổ chức cuộc thăm viếng và tặng quà như vậy, dần dần người ta sẽ chờ mong… “Chúa đến nhà” dịp Noel.

  • Đón tiếp khách mời lương dân  

Trước lễ, phát động giáo dân trong các khu xóm đạo, một-cặp-một đi rủ mời anh em, bạn bè, sui gia lương dân cùng đến nhà thờ dự GS. Đêm 24.12, mọi người sẵn sàng đón tiếp khách mời với sự nồng nhiệt, thân thiện, cố tạo cho khách cảm giác vui vẻ và thoải mái khi tới nhà thờ, đặc biệt là trong một dịp đại lễ. 

Giáo xứ nên có Ban Lễ Tân, tại cổng nhà thờ, gắn phù hiệu cho khách với lời Chúc mừng GS (tem in sẵn lời chúc Noel, lột dán lên áo, hoặc một vòng dây thảo long bằng giấy choàng lên cổ). Đội Lễ Tân có thể ăn mặc y phục Ông Già Noel để việc đón tiếp thêm long trọng, vui tươi và ấn tượng. 

Cũng có thể phân công nhờ một số giáo dân thiện nguyện, hướng dẫn khách mời đi tham quan khuôn viên và nhà thờ, xem các máng cỏ, nhất là máng cỏ chính lớn nhất, dẫn giải ý nghĩa các bích chương, hình ảnh hay các trưng bày khác… Rồi mời chụp ảnh lưu niệm với các “mẫu thiên thần đẹp”, lãnh vé nhận-quà-Noel, tham dự văn nghệ với hội chợ ẩm thực hấp dẫn… Việc đón tiếp này không chỉ là một nghĩa cử lịch sự, một việc bác ái, mà còn là một công tác truyền giáo. Chắc chắn sẽ tạo sự thích thú, gây thiện cảm nơi khách mời và anh em tôn giáo bạn!

  • Văn nghệ Giáng sinh 

Hằng năm các giáo xứ tổ chức Canh thức GS khá công phu. Nếu đa số khán giả tham dự là khách mời bên lương hoặc tôn giáo bạn, thì một buổi “văn nghệ quần chúng” chắc sẽ sinh động và hấp dẫn hơn chương trình Canh thức “truyền thống”… Nội dung buổi văn nghệ, bên cạnh những tiết mục vui, có giới thiệu về Chúa Giáng Sinh với đường hướng và hành trình cứu thế, trình bày những nét đẹp của đạo… sao cho nổi bật niềm vui cứu độ Chúa Hài Nhi mang lại cho nhân loại.

Hình thức có thể là vũ khúc, ca hát vui nhộn & sinh động – thánh ca hoặc ca đơn hoặc hợp xướng, có thể phụ họa bằng nhạc vũ – hoạt cảnh ngắn theo Kinh Thánh, nhất là Phúc Âm – các ‘gameshows’ đố vui có thưởng, lồng vào giáo lý Công giáo cho lương dân.

Từ nhiều năm qua, ở một giáo xứ, văn nghệ đêm GS luôn có vũ khúc Kinh Hòa Bình, diễn tả nét độc đáo của tình yêu Kitô-giáo, với phút thinh lặng lắng đọng giữa bài, kèm theo lời cầu nguyện ngắn của Đêm Noel. Ai cũng cảm kích và ấm lòng! 

Chương trình có thể dành riêng một, hai tiết mục được nhấn mạnh: “Tặng riêng cho anh em tôn giáo bạn”. Khách lương dân sẽ vui và ghi nhớ lâu dài. Ngoài ra, nhiều nơi còn mời thiếu nhi tôn giáo bạn tham gia vào vai diễn trong chương trình văn nghệ. Sáng kiến và nỗ lực đó sẽ đưa ánh sáng đêm Noel đến tâm hồn anh em lương dân đang mở lòng với Chúa.

  • Các hoạt động khác

Để lôi cuốn sự quan tâm và cũng nhằm phục vụ bà con lương giáo dịp GS, có thể tổ chức thêm:

– “Giới Trẻ, Trưởng thành toàn diện” qua thực hiện máng cỏ ở các tụ điểm

Máng cỏ Bêlem là một trang trí không thể thiếu mỗi dịp GS. Giáo xứ hỗ trợ tượng ảnh, vật liệu làm hang đá, và phân công các lớp giáo l‎ý làm các máng cỏ “di động”, có thể mang đặt các khu xóm. Hoạt động làm hang đá mỗi dịp GS về sẽ tạo cho thiếu nhi thói quen đạo đức, biết trang trí máng cỏ, lại quen làm việc chung, biết cộng tác với giáo xứ, thêm quan tâm tới truyền giáo… 

Ngoài ra, thay vì chỉ đặt hang-đá-máng-cỏ trong khuôn viên nhà thờ, trong phòng giáo l‎ý, các bạn trẻ thiện nguyện của giáo xứ sẽ tuôn đi các nơi, để xin đặt tại các tụ điểm công cộng như : quán cà phê, trường học, siêu thị, quán ăn, các ngã ba-tư, các cột điện, các gia đình lương-giáo… Dần dần ai cũng mời! Mỗi máng cỏ, kèm lời chúc GS của giáo xứ gửi đến bà con tôn giáo bạn; có cả Chương trình văn nghệ GS tại nhà thờ. 

– Ảnh đẹp lưu niệm Noel năm nay 

Trong khuôn viên nhà thờ, tại các hang-đá-máng-cỏ xinh xắn, có thể “thiết kế” thêm nhiều góc trang trí, tạo cảnh đẹp. Chọn những thiếu nhi hay thanh nữ, make-up thật đẹp, hóa trang thành các Thiên-thần, Ông-Noel, Mục-đồng “sống”, bên cạnh có chiên, tuần lộc, bông tuyết… luôn gắn bảng ghi Năm Chúa Giáng Sinh [2019]… Mời bà con lương-giáo đến chụp ảnh lưu niệm. Thêm mục rửa ảnh “lấy liền”, ưu tiên cho khách lương dân… Tụ điểm này lúc nào cũng đông người, tạo tình thân đơn giản, hữu hiệu và mau chóng.

– Hội chợ Ẩm thực

Sau một-hai tiết mục hoặc ‘gameshows’ trong Chương trình văn nghệ GS, có thể tổ chức hội chợ ẩm thực, từng đợt, với các gian hàng bày sẵn nhiều các món ăn thức uống (xúc xích, cá viên chiên, trứng cút, trứng lộn, các thứ bánh, rau câu, nước sâm, hột é, các thứ xôi-chè…), mỗi phần ăn uống (chỉ 3-5-7.000đ), phục vụ theo Vé-Ẩm-thực, in nhiều màu, đã được phát cho khách lúc vào cổng, có thể “miễn phí” hoặc “giá hữu nghị” (nhằm tạo kinh phí cho một công tác từ thiện khác). Loại hình hội chợ ẩm thực này dễ tổ chức các dịp lễ, kinh phí thấp, tạo được bầu khí sôi động, hấp dẫn, và gây được cảm tình nơi lương dân, thêm nét đẹp cho Lễ Noel. 

– Quà tặng lương dân đã gặp Chúa Hài Đồng

Để tiễn chân khách mời tại cổng nhà thờ, khi kết thúc văn nghệ, chuẩn bị nhiều phần quà GS nhỏ đẹp, tất cả đều có dán bích chương chúc Noel hay khẩu hiệu Kitô giáo như: mũ, nón, áo thun, đồ gia dụng thông thường,… Phiếu nhận quà được tặng ngay từ đầu, nhưng quà lại được phát vào cuối buổi văn nghệ, đó cũng là cách cầm chân khách ở lại dự trọn buổi diễn! Những món quà này cần được đầu tư và trình bày như những “tặng-phẩm-biết-nói”, để tiếp tục loan truyền tư tưởng Kitô giáo trong Đêm Noel, như Khẩu trang có in “T-♥-G” (Tôi yêu Chúa Giêsu), đặc biệt Lịch Truyền giáo đón mừng Năm mới.

– “Tiệc Mục Đồng Đêm Noel” 

Giáo xứ hay các hội đoàn còn có thể tổ chức Bữa tiệc Giáng sinh nhẹ, bằng nồi cháo hay bếp chè, kèm với “đàn ca tài tử” “hát cho nhau nghe”… sẽ làm ấm lòng anh em lương dân, sinh viên xa quê, di dân lao động… Sau Lễ Đêm, Cha xứ ngỏ lời trong nhà thờ: “Mời anh chị em nào tối nay cô đơn như Chúa Hài Đồng… thì ở lại Dự tiệc Mục Đồng”. Quỹ Noel giáo xứ hay tiền kết trong các thánh lễ GS chắc hẳn dễ dàng “tài trợ” những sinh hoạt thân ái này, vừa đậm tình bác ái vừa mang nét truyền giáo; chẳng là bao so với những liên hoan reveillon thịnh soạn của các gia đình, nhóm, hội đoàn như xưa nay. 

– Chúa và anh em tôi vẫn đợi một “Noel cho người khuyết tật” 

Nếu có mặt người khuyết tật bên nôi, chắc Chúa Hài đồng sẽ ngạc nhiên và vui lắm! Năm nay những người khuyết tật lương-giáo trong khu vực sẽ hưởng Noel với một niềm vui bất ngờ. Có thể tổ chức vào 25.12 thì thuận lợi hơn, với một thánh lễ ấm cúng hay một cuộc viếng hang đá đặc biệt (với nghi thức suy tôn Lời Chúa của Lễ GS), rồi cũng có một bữa “Tiệc Mục đồng” đơn sơ và kết thúc với quà tặng từ tay Ông-già-Noel-Cha-xứ ở lối ra về…

– Một Noel vì Môi Trường 

Để nói lên tinh thần của giáo dân biết tôn trọng trật tự chung, nhất là bảo vệ môi sinh, giáo xứ còn có các hình thức cổ động, nhắc nhở, nhằm đề cao nếp sống văn hóa, lịch sự, tiến bộ để có một GS văn minh, như : “Tuyệt đối không xả rác” – “Cản trở lối đi làm chi!” – “Không tụ tập ăn nhậu”, “Giảm bớt tiếng ồn lúc đêm khuya” – “Tôn trọng & Không chọc phá người đi đường” – “GS trật tự là GS văn minh” – “Giới hạn đi xe gắn máy” – “Sử dụng phương tiện xe công cộng” – “Cùng nhau đi bộ” để tránh ách tắc giao thông và tai nạn Đêm Noel…

– Một Noel với phương tiện truyền thông  

Cần cổ động sử dụng các phương tiện truyền thông, đăng tải trên Facebook, Twitter những hình ảnh, video clip, những comments những cảm nghĩ tích cực, cả những hoạt dộng chuẩn bị lễ ở các nơi, những chia sẻ niềm vui trong ngày trọng đại… để trang mạng nào, màn hình nào cũng đầy tràn màu sắc GS thật vui tươi, linh thánh, thân ái. Đây cũng là một phương thức truyền giáo mới, loan truyền Tin Mừng Giáng Sinh bằng phương tiện thông tin hiện đại.

Kết

Trong chương trình cứu thế của Chúa Hài đồng, Noel là ngày vui cho toàn thế giới. Ngài không cổ vũ GS thành một biến cố trọng đại “của riêng ai”, hoặc sở hữu chỉ cho một tôn giáo, lại càng không dành để biểu dương sự hoành tráng, sang trọng của đạo nào… Hãy làm cho ngày GS thành lễ hội của muôn dân, đủ mặt anh em lương hay giáo, và bất cứ đạo nào. Chắc hẳn Chúa Cứu Thế không mong muốn anh em lương dân buồn bã và lạc lõng giữa một ngày đại lễ. Ngài mong đến được với mọi người, chứ không chỉ ngự đến trong hang-đá-máng-cỏ “Công giáo”. 

Vì thế, những sinh hoạt GS, những “quà tặng” tinh thần được gợi ý ‎trên đây, nhằm hướng về anh em lương dân, mang tính “lên đường đi đến vùng ngoại biên”. Mong những nỗ lực loan báo Tin Mừng dịp Noel tạo thành chiếc cầu để Chúa giáng sinh vào tâm hồn mọi người dương thế, làm cho GS thành ngày lễ của muôn dân tộc, ngày niềm vui và hòa bình tràn lan đến mọi tâm hồn, dù là giáo hay lương…

Và khi nỗ lực thực hiện một “NOEL VỚI ANH EM LƯƠNG DÂN” như thế, các Kitô hữu không chỉ được hưởng trọn niềm vui và ân phúc của Đấng Cứu Thế, mà còn trở thành ánh sao trên vùng trời Bêlem, thành các thiên sứ báo tin vui trọng đại, dẫn đưa bao tâm hồn đến với Chúa Hài Nhi. Điều đó có nghĩa là mỗi chúng ta đang được mời gọi trở thành các thợ gặt trên cánh đồng truyền giáo. Viễn cảnh đáng vui!

 

Lm. Gioan B. Trương Thành Công
Ủy ban Loan báo Tin Mừng / HĐGMVN

 


Download bản pdf