Những cây thông độc đáo tại các giáo xứ trong giáo phận Vinh

GPVO – Từ lâu, cây thông Noel đã trở thành biểu tượng của ngày lễ Giáng Sinh. Vào đầu tháng 12, từ thành thị đến nông thôn, nơi có người Công giáo cũng như ngoại đạo, những cây thông Noel với nhiều cách thức trang trí bắt đầu xuất hiện.

Việc trang trí cây thông vào dịp Giáng Sinh đã có lịch sử từ năm 2000 đến 1200 trước Công nguyên, xuất phát từ truyền thống của người Đông Âu. Theo thời gian, mỗi vùng miền đều đón nhận và sáng tạo truyền thống theo cách độc đáo của riêng mình.

Cùng chiêm ngưỡng những cây thông nổi bật tại một số giáo xứ trên địa bàn giáo phận Vinh, Giáng Sinh 2018.

Cây thông nồi đất giáo xứ Lưu Mỹ

Được gợi hứng từ nghề nghiệp chính – sản xuất nồi đất – của cộng đoàn giáo xứ Lưu Mỹ, Cây thông nồi đất là ý tưởng cực kỳ sáng tạo của cha xứ Antôn Hoàng Trung Hoa đã được hiện thực hóa thành công vào Giáng Sinh năm 2017. Công trình độc đáo làm từ 6000 nồi đất ấy đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận.

Năm nay, để tiếp tục giữ kỷ lục, cha Antôn và giáo xứ tiếp tục dùng chính sản phẩm của mình để trang trí Giáng Sinh. Với trí óc sáng tạo phong phú, một “vương quốc nồi đất” thực sự đã được dựng nên trong khuôn viên giáo xứ.

Bắt đầu từ cổng chào bằng nồi đất đồ sộ bên cạnh tỉnh lộ N5. Đi vào làng, 2 cây “Đại phong xa” dài 9,19m nặng 280kg, có thể xoay gió bằng môtơ được gắn lên cây thông kỷ lục năm trước. Trong nhà xứ, một cung điện với Hài Nhi Giêsu khoác cẩm bào nồi đất cũng đựng dựng nên. Tất cả đều được trang trí bằng đèn lep tạo hiệu ứng lung linh, nổi bật.

Địa điểm quen thuộc này nằm trên vùng đất xã Trù Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Cây thông hành tăm giáo xứ Bình Thuận

Truyền thuyết về cây thông Noel ghi rõ, việc sử dụng cây thông là bởi màu xanh của cây là biểu tượng sức mạnh sự sống tồn tại trong mùa băng tuyết. Giữ biểu tượng đó, nhưng mang nét đặc sắc của vùng sản xuất rau sạch, giáo xứ Bình Thuận đang đón Giáng Sinh 2018 với cây thông làm từ hơn 5.000 cốc cây hành tăm.

Linh mục quản xứ Giuse Nguyễn Ngọc Ngữ, người đã đưa ra ý tưởng đó cho biết: “Tất cả hành tăm để làm nên cây thông đều là hoa màu của các gia đình trong xứ tự nguyện mang đến”. Được biết, giáo dân Bình Thuận phần lớn đều làm nghề sản xuất rau sạch. Cây thông đặc biệt này được làm nên với mong muốn dâng Chúa Hài Đồng hoa màu từ chính tay mình làm ra và cũng là để quảng bá sản phẩm rau sạch cho quê hương.

Ban ngày, cây thông nổi bật với màu xanh của lá hành. Ban đêm cây thông rực rỡ sắc màu nhờ các bóng đèn điện.

Cây thông dùng khung sắt cao 20m, rộng 6m và hơn 5000 cốc nhựa để giữ sống hành tăm. Quá trình hoàn thành kéo dài một tuần do các thành viên trong giáo xứ thuộc xã Nghi Thuận, Nghi Lộc, Nghệ An thực hiện.

Cây thông nón lá giáo xứ Sơn La

Nón lá là một trong những biểu tượng đặc sắc của người Việt Nam. Nón lá vừa mang nét mềm mại của người phụ nữ, vừa làm nổi bật tính kiên cường của con người trên mảnh đất khắc nghiệt.

Từ đó, một cây thông bằng chính biểu tượng này đã được chi hội Têrêxa giáo xứ Sơn La và nhiều bạn trẻ trong giáo xứ lên ý tưởng. Được cha xứ cũng như các gia đình trong giáo xứ ủng hộ bằng vật chất và tinh thần, các bạn đã dùng gần 300 nón lá cho cây thông đặc biệt này.

Qua trò chuyện, bạn Maria Lệ Thúy, chi hội trưởng chi hội Têrêxa Sơn La cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ của các anh chị khác, chi hội đã hoàn thành cây thông để kịp đón Giáng Sinh, từ việc quét sơn bóng cho nón, làm khung, nối bóng đèn, cố định nón và trang trí nền xung quanh”.

Hiện tại, cây thông nổi bật với chiều cao 15m rộng 5m đã thu hút rất nhiều người các vùng lân cận đến để tận mắt chiêm ngưỡng và “check in”.

Cây thông nằm ngay mặt tiền nhà thờ giáo xứ do linh mục Micae Hồ Trung Dũng coi sóc, tại xã Xuân Sơn, Đô Lương, Nghệ An.

Mary Nguyễn