GPVO (14/9/2022) – “Hôm nay thức dậy. Không còn thấy người. Xa nhau hôm này. Chua xót hôm mai…” (Xa dấu mặt trời). Đó chính là ca từ mà cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã thốt lên để diễn tả niềm đau và sự thương nhớ khi mất đi những người thân yêu. Chết là một thực tại không thể trốn tránh trong quy luật của kiếp nhân sinh. Không ai biết mình sẽ chết khi nào, như thế nào và ở đâu. Vì thế, xuyên suốt lịch sử nhân loại, cái chết vẫn luôn là một huyền nhiệm. Mặc dù con người biết mình sẽ chết nhưng không một cái chết nào mà không đem đến đau thương, mất mát và u buồn.
Những ngày qua, khung cảnh u trầm bao phủ mảnh đất Giáo phận Vinh khi nghe tin Đức cha Phaolô Maria Cao Đình Thuyên đã về với Chúa. Một nỗi đau khó diễn tả bằng lời với đoàn con cái trong và ngoài Giáo phận khi mất đi vị mục tử đầy nhiệt huyết, một người cha đầy lòng nhân hậu, một người bạn đầy trìu mến. Suốt cuộc đời Đức cha là hành trình dâng hiến liên lỉ, dâng hiến chính con người, sức khỏe và tình yêu cho đoàn chiên. Đức cha là vị mục tử đơn sơ, thánh thiện với trái tim giàu lòng yêu thương, luôn quan tâm đến từng con chiên. Tuy cha không còn ở với đoàn con nữa nhưng hình bóng cha luôn in hằn và khắc sâu trong cõi lòng sâu thẳm của mỗi người.
Cha là họa ảnh của Đức Kitô đang sống giữa lòng thế giới. Suốt cuộc đời cha là những bước chân không mệt mỏi để đến với Chúa và tha nhân. Cha đã đến với những người đau khổ, nghèo khó để an ủi và vỗ về như người cha đang ân cần chăm lo cho đoàn con. Cha ở lại với những nơi bị áp bức, nhân phẩm bị chà đạp và công lý bị lãng quên. Cha như sứ giả chiếu rọi ánh sáng của Chúa với mọi người, thắp lên niềm hy vọng và đốt cháy trong chúng con niềm tin yêu cậy trông. Cha cũng đã hiện diện ở những nơi chia rẽ để nối lại những nhịp cầu trong tình liên đới và hiệp nhất.
Với châm ngôn Giám mục: “Cùng chịu đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô” (Gl 2, 19), cha đã xác tín vào tình yêu và sự quan phòng; đã chấp nhận đóng đinh chính thân xác mình để làm chiếc cầu nối kết giữa Thiên Chúa với đoàn chiên. Với cha, thập giá là niềm hy vọng và là cổng dẫn vào sự sống đời đời. Chính vì thế, suốt cuộc đời của cha luôn gắn kết mật thiết với Chúa trong mọi biến cố thử thách. Đặc biệt, cha luôn say mê và tôn thờ bí tích Thánh Thể. Nhờ việc yêu mến đó, cha đã kín múc nguồn ân sủng nơi Trái tim Đức Giêsu để ban phát và chuyển cầu mọi ơn lành của Thiên Chúa đến với nhân loại.
Vẫn còn đó những hình ảnh và câu chuyện dí dỏm nhưng ẩn chứa bao ý nghĩa thâm sâu khi cha còn sống. Mỗi dịp đi làm lễ đâu, giáo dân cứ hỏi cha: “Năm nay cha bao nhiêu tuổi rồi mà vẫn khỏe vậy?” Cha chỉ mỉm cười và nói: “Hừm, mới có 96 tuổi thôi”. Mới có 96 tuổi thôi, một câu trả lời khiến ai cũng phải bật cười. Tuy nhiên, sâu xa trong câu trả lời đó, con chắc chắn rằng chính cha luôn xác tín cách mạnh mẽ về tình thương mà Chúa dành cho cha. Tuổi tác luôn là dấu hiệu để nhận biết về hiện trạng của sức khỏe nhưng chính cha muốn nhắn nhủ chúng con rằng: Tuy thân xác già cỗi nhưng hãy luôn giữ một tâm thái lạc quan, tâm hồn tươi trẻ và sức sống tràn đầy. Bởi chính Chúa đã trao ban cho mỗi người sự sống và Ngài mời gọi chúng ta hãy làm triển nở sự sống đó nơi tha nhân. Thánh Phaolô đã quả quyết: “Tôi không làm ân huệ của Chúa nơi tôi ra vô hiệu” (Gl 2, 21).
Chính điều đó làm chúng con liên tưởng tới tình yêu của Đức Kitô: “Ngài đã yêu thương họ đến cùng” (Ga 13, 1). Đó chính là tình yêu của Chúa Giêsu dành trọn cho các môn đệ khi Ngài biết cái chết sắp đến với mình. Đối với con người, 96 là tuổi thượng thọ, tuổi nghỉ ngơi và chuẩn bị tâm hồn chờ Chúa đến. Thế nhưng, đối với Đức cha, ngài vẫn dành trọn hơi thở và sức lực cuối cùng trong thiên chức. Cha không ngần ngại đường xá xa xôi, trời nắng hay mưa, sáng hay tối, cứ nơi nào cần sự hiện diện là cha sẽ đến. Mặc dù tuổi tác và sức khỏe dần yếu đi nhưng cha luôn cứ động viên chính mình bằng câu: “Đến cái cho họ vui” hay: “Đến an ủi họ cho được bình an”. Quả vậy, chính cha đã nêu gương sáng cho chúng con về tình yêu đối với tha nhân, sự nhiệt huyết trong sứ mạng và tình liên đới với nhau trong sự hiệp nhất với Đức Kitô.
Tuy cha không còn hiện diện với chúng con nơi trần thế nhưng cha đã để lại cho chúng con biết bao bài học quý báu để làm người và làm con Chúa. Trong bài chia sẻ của cha tại Đại hội Manna II của Liên đoàn Thiếu Nhi Thánh Thể Giáo phận Vinh và Hà Tĩnh được tổ chức vào ngày 10/11/2019, cha đã nhắn nhủ chúng con rằng: “Ba năm học nói, một đời học cách lắng nghe”. Lắng nghe đòi hỏi chúng con phải khiêm tốn nhìn nhận bản thân với những thiếu sót bất toàn. Lắng nghe đòi hỏi chúng con phải có một tâm hồn nhạy bén để phân định tiếng nói của Thiên Chúa hay ma quỷ. Lắng nghe cũng đòi hỏi chúng con phải có lòng xót thương để can đảm đến với những chi thể đau khổ. Hơn bao giờ hết, lắng nghe đòi hỏi chúng con biết nhìn nhận bản thân chỉ là thụ tạo bé nhỏ cần được sự nâng đỡ và trợ giúp của Chúa.
Quả vậy, cha ra đi để lại cho chúng con nỗi niềm thương nhớ và sự tiếc thương vô hạn. Thế nhưng, chúng con luôn xác tín rằng, cái chết là cửa ngõ dẫn con người về với Thiên Chúa. Và để bước qua ngưỡng cửa đó, con người phải sống tốt giây phút thực tại và chu toàn mọi bổn phận được trao phó. Như nhà thơ Bùi Giáng có viết: “Khi ra đi cũng không còn nuối tiếc. Vì đời ta đã sống trọn kiếp người. Với tất cả tấm lòng thành thương mến. Ðến mọi người xa lạ cũng như quen.” Thiết nghĩ, tình yêu vào Thiên Chúa và lòng thương mến đối với tha nhân chính là hành trang tốt nhất để dẫn đưa mỗi người được vào chung hưởng hạnh phúc viên mãn với Thiên Chúa.
Giờ đây, cha đã nằm xuống nơi lòng đất mẹ, nơi mà chính cha đã dành trọn cả cuộc đời để miệt mài gieo rắc hạt giống Tin mừng. Hy vọng rằng, những hạt giống mà cha đã gieo sẽ ươm mầm và lớn mạnh để trổ sinh nhiều bông hạt khác cho Thiên Chúa. Như hạt lúa gieo vào lòng đất mà không chết đi thì nó vẫn trơ trọi một mình, còn nếu chết đi, nó mới sinh được nhiều bông hạt khác (x. Ga 12, 20-33).
Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ Maria và ơn cứu độ của Đức Kitô Phục Sinh, linh hồn Đức cha cố Phaolô Maria sẽ được hưởng tôn nhan Chúa! Amen.
Gioan Nguyễn