Ghi chép của Mary Nguyễn
Nhắc đến Con Cuông, hẳn trong tâm trí nhiều người vẫn còn lưu giữ ký ức đầy gian nan trên địa danh mang dấu ấn lịch sử này. Dù chưa một lần đặt chân tới, hàng trăm độc giả khắp nơi đã, đang cầu nguyện và luôn dõi theo hành trình chuyển mình của giáo họ độc lập trên địa bàn miền núi phía Tây Nghệ An.
Có cơ hội được thật sự “chạm” vào cuộc sống của những người giáo dân nơi đây trong vòng hai ngày, người viết nhận ra “sự lỗi nhịp” đặc biệt của cuộc sống trên mảnh đất sơn địa này.
Đã chịu nhiều đau thương trong lịch sử và đầy gian khổ của thời hiện tại, nhưng với sự sáng tạo của tình yêu được thúc đẩy, người Kitô hữu nơi đây đã hình thành nên những nhịp sống mang nét đặc trưng của riêng mình.
Nét đặc trưng đó thể hiện qua những sinh hoạt, hội họp, thánh lễ, lối sống mang văn hóa của một miền đất nhiều dân di cư tứ xứ.
Kịp có mặt tại nhà mục vụ giáo họ vào tối thứ Bảy, tiếng rộn ràng của một nhóm các em nhỏ đang sinh hoạt cùng thầy giúp xứ Antôn Hoàng Đức Tài (ĐCV Phanxicô Xaviê khóa XIV) vang lên trên sân. Được biết các em đã có mặt tại đây từ chiều thứ Bảy để học giáo lý, sau đó sẽ ở lại nhà các nữ tu (Cộng đoàn Mến Thánh Giá Con Cuông) bởi phần lớn các em đến từ nhiều vùng khác nhau cách nhà mục vụ giáo họ chừng 10-15km. Các em, cả lương và giáo, sẽ tham gia sinh hoạt vui chơi cùng nhau vào tối thứ Bảy và thánh lễ cùng lớp giáo lý vào buổi sáng Chúa nhật tiếp đó vào mỗi tuần.
Trong khi đó, một nhóm ca đoàn được một nữ tu tập hát trong nhà nguyện. Họ là những giáo dân, tân tòng và cả dự tòng, có những người phải đi tầm 10km về đây tập hát vào mỗi tối để chuẩn bị cho dịp Chầu lượt vào trung tuần tháng 6.
Với một địa bàn đất rộng người thưa như Con Cuông, việc quy tụ một hội, đoàn dù chưa đầy 20 người như vậy, cũng là một điều khó khăn. Tuy nhiên, “tình yêu Đức Kitô thúc bách chúng tôi” (2Cr 5,14) đã mang những người cùng chí hướng phục vụ đến với nhau.
Sau giờ tập hát lúc 22 giờ, mọi người ngồi lại cùng trà nước bánh kẹo, chia sẻ những câu chuyện với cha quản nhiệm Phaolô Phạm Trọng Phương. Ở nơi đó, ngoài khoảng cách trắc trở về địa lý, dường như không còn khoảng cách nào giữa con người với nhau.
Sáng ngày Chúa nhật, lúc chưa đầy 7 giờ sáng, một bà cụ trên 70 tuổi tới, đi thẳng vào bàn và cùng ăn sáng với cha Phaolô. Bà chia sẻ, bà từ Bồng Khê nơi cách trung tâm giáo họ chừng 20km tới để tham dự thánh lễ. Bà đã đi gần nửa quãng đường rồi gặp được một người lương dân, có một điều lạ là dù chưa phải tín hữu nhưng mỗi tuần, ông vẫn đều đặn tham dự thánh lễ. Cả hai người xa lạ cùng nhau đến tham dự thánh lễ.
Vị quản nhiệm 38 tuổi cho hay, khi xây nhà nguyện hiện tại, ngài dự kiến trong vòng 5 năm, khi ngôi nhà nguyện này trở nên chật chội, có lẽ nơi đây cũng đã kịp có một ngôi nhà thờ cho riêng mình. Tuy nhiên, đến nay, sau chưa đầy 2 năm, ngôi nhà nguyện ấy đã trở nên chật hẹp vào mỗi thánh lễ Chúa nhật.
Quả thật, thánh lễ 8 giờ sáng Chúa nhật đó, người viết đã phải chen vào để có được vị trí cuối cùng trong nhà nguyện. Vì thế, giấc mơ về một ngôi nhà nguyện khang trang ngay trên phần đất vừa được cấp phép cạnh trung tâm mục vụ giáo họ, càng cấp thiết hơn bao giờ hết.
Tham dự thánh lễ, không chỉ có cộng đoàn giáo họ Con Cuông, mà còn rất nhiều tân tòng, dự tòng và cả những người ngoại đạo. Họ cho biết, họ đi lễ vì thích, vì để xin ơn, để biết về đạo và để được “ông cha” chúc lành.
Cuối thánh lễ, vị quản nhiệm nhanh chân ra trước cửa nhà nguyện để bắt tay tạm biệt và gọi tên từng người. Sự hiếu khách thân thiện đó được đáp trả lại bằng những nụ cười, những cái ôm và cả những câu chuyện trước hành trình trở về nhà 70-80km của những người đến từ Tương Dương.
Sau thánh lễ, người viết theo chân thầy giúp xứ Antôn đến những vùng xa hơn để thăm những gia đình dự tòng. Trong câu chuyện lúc gặp gỡ, họ đã đặt câu hỏi về đức tin, về giáo lý, về Chúa và được thầy giải đáp. Thầy cho biết, họ đã “học đạo” cách như thế.
Trên miền đất này, đời sống kinh tế của người dân chủ yếu là làm thuê, trồng rừng rất vất vả và khó khăn. Không có một khung thời gian cho một việc làm cố định. Vì thế, không có các lớp dự tòng được tổ chức như ở các vùng khác. Việc học giáo lý, mỗi người đều có một giờ riêng, một địa điểm riêng thông qua các cuộc gặp gỡ hằng ngày, tùy thời gian họ có thể.
Vì thế, trong hai ngày lưu lại tại Con Cuông, người viết liên tục được đi đến các vùng như xã Lục Dạ, xã Bồng Khê, thị trấn Con Cuông và một số bản ở các vùng hẻo lánh cách trung tâm giáo họ gần 30km. Tại các nơi đó, có những gia đình đạo gốc nhưng vì cuộc sống đã lưu lạc lâu năm, có những người ngoại giáo muốn được trở thành con Chúa. Vì thế, thầy giúp xứ Antôn và các nữ tu Mến Thánh Giá đã chia nhau để có thể đến được từng nhà, trò chuyện với từng người trong các khung giờ khác nhau từ sáng tới đêm.
Trên con đường gập ghềnh, quanh co, những chuyến đi giữa trời hè nắng gắt hay những đêm tối sầm có lúc gặp mưa gió, những con người mang trong mình nhiệt huyết lớn lao trong công cuộc rao truyền Lời Chúa đã không ngại ngần tiến bước. Dù biết trên chặng đường dài nhiều khó khăn và nguy hiểm, nhưng họ không e sợ “vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2, 17).
“Tự bản tính, Giáo Hội lữ hành là truyền giáo” (Sắc lệnh AG 2). Việc rao truyền đức tin trên mảnh đất này đã diễn ra qua những cuộc gặp gỡ hằng ngày, qua những nụ cười, lời thăm hỏi, động viên, giúp đỡ. Tuy nhiên, với những khó khăn từ nhiều phía, việc đức tin được gieo và nảy mầm trên mảnh đất này không hề dễ dàng.
Bước theo công cuộc mà các vị thừa sai đã khởi sự từ thế kỷ XIX, những chứng nhân của Chúa đã hòa mình vào cuộc sống “lỗi nhịp” nhiều khó khăn và gian khổ đó.
Hy vọng về một ngôi thánh đường của cộng đoàn dân Chúa nơi đây sớm được thực hiện. Để giấc mơ đó sớm thành hiện thực, sự khích lệ tinh thần và vật chất của những người ở xa đã luôn dõi theo giáo họ bé nhỏ này là điều không thể thiếu.
Rời Con Cuông với những kỷ niệm đẹp, người viết tin chắc rằng, nơi đây sẽ tiếp tục chảy mãi dòng máu tử đạo để lớn mạnh, để kiên vững đứng lên trên những bách hại, gian truân.