Năm 1986, anh trai của Iqbal kết hôn, và để chi trả cho đám cưới, gia đình Iqbal đã vay 600 rupee (khoảng 4 đôla Mỹ) từ một người đàn ông sở hữu doanh nghiệp dệt thảm. Đổi lại, Iqbal buộc phải làm thợ dệt thảm cho đến khi trả hết nợ. Không được hỏi ý kiến, khi chỉ mới lên 4 tuổi Iqbal đã bị chính gia đình bán làm nô lệ. Iqbal phải học các kỹ năng của một thợ dệt thảm. Trong và sau khi học nghề, chi phí thức ăn và các công cụ sử dụng đều được cộng thêm vào khoản vay ban đầu.
Điều kiện làm việc thật khủng khiếp. Iqbal và các em khác phải ngồi xổm trên một băng ghế gỗ và cúi người về phía trước để buộc hàng triệu nút thắt của thảm. Các em được yêu cầu làm theo một mẫu cụ thể, chọn từng sợi chỉ và thắt từng nút cẩn thận. Các em không được phép nói chuyện với nhau.
Năm 10 tuổi, sau sáu năm trong xưởng dệt thảm, một ngày nọ, Iqbal biết đến Mặt trận Giải phóng Lao động bị Áp bức (BLLF), tổ chức đang hoạt động để giúp đỡ những trẻ em như Iqbal. Sau giờ làm việc, Iqbal lẻn đi gặp Mặt trận này và được biết pháp luật Pakistan cấm sử dụng lao động trẻ em. Đồng thời, chính phủ buộc những người sử dụng lao động này phải hủy bỏ tất cả các khoản nợ chưa trả.
Trong năm 1992, Iqbal đã trốn thoát và trở thành một người ủng hộ công khai thẳng thắn chống nạn bóc lột trẻ em, giúp giải phóng khoảng 3.000 trẻ em khỏi lao động và du lịch ở Pakistan, và nâng cao nhận thức về nạn nô lệ trẻ em.
Iqbal bắt đầu phát biểu tại các cuộc họp của Mặt trận Giải phóng Lao động bị Áp bức, và sau đó trước các nhà hoạt động và nhà báo quốc tế. Iqbad nói về kinh nghiệm của chính mình khi còn bị lạm dụng sức lao động. Vì vậy, Iqbal nhận được nhiều sự chú ý của quốc tế.
Năm 1994, Iqbal trở thành người nhỏ tuổi nhất nhận Giải thưởng Nhân quyền Reebok cho Thanh niên Hành động, và được quốc tế công nhận là người lãnh đạo của những trẻ em bị áp bức lao động.
Sự nổi tiếng và ảnh hưởng ngày càng lớn khiến Iqbal nhận vô số lời đe dọa giết hại. Tập trung vào việc giúp những đứa trẻ khác trở nên tự do, Iqbal phớt lờ những lời đe doạ này.
Vào Chúa nhật Phục sinh tháng 4/1995, Iqbal Masih bị bắn chết khi đang đi thăm họ hàng ở một ngôi làng gần Muridke, cách Islamabad khoảng 350 km về phía đông nam. Khi đó Iqbal mới 12 tuổi. Có khoảng 800 người tham dự lễ tang của Iqbal.
Ngày 23/3 vừa qua, tại lễ trao giải thưởng ở dinh tổng thống, Patras Masih, anh trai của Iqbal đại diện em mình nhận giải thưởng, nói: “Tôi buồn. Tôi muốn chính Iqbal nhận giải thưởng này. Đó là một vinh dự cho quốc gia Kitô giáo. Tôi cám ơn tổng thống vì đã nhớ đến sự tử đạo của em tôi”.
Trong một bài đăng trên Facebook, Davis Afzal Sahotra, Tổng thư ký Kitô giáo của Tổ chức Phúc lợi Hòa bình Công cộng ở Punjab viết: “Khi còn rất trẻ, anh hùng dân tộc Iqbal Masih đã nêu một tấm gương dũng cảm cho những trẻ em bị buộc phải làm việc với mức lương thấp. Cuối cùng, thiếu niên đã được vinh danh sau 27 năm qua đời”.
Mặc dù chính phủ Pakistan đã cấm lao động trẻ em giúp việc nhà, bằng cách thông qua một sửa đổi luật, quy định rằng trẻ em dưới 18 tuổi làm việc trong các nhà máy là bất hợp pháp, nhưng Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF) cho biết, ở Pakistan, có khoảng 3,3 triệu trẻ em đang tham gia lao động. Các cuộc khảo sát gần đây ước tính rằng khoảng 4,5 triệu người, trong đó có khoảng 1 triệu trẻ em, làm việc trong điều kiện như nô lệ tại 20.000 lò gạch ở Pakistan. Theo Ủy ban Nhân quyền Pakistan, trẻ em làm việc trong các lò gạch có tỷ lệ tử vong cao hơn, và cứ 20 trẻ thì có một em bị mất thị lực. Nhiều em thuộc các cộng đoàn tôn giáo thiểu số, như Kitô giáo, bị gạt ra ngoài lề xã hội.
Albert David, thành viên Ủy ban Quốc gia về Người thiểu số của Pakistan nói tại lễ trao giải thưởng: “Đáng buồn thay, đất nước chúng ta phải đối mặt với vấn đề luật không được thực thi. Cứ như thể các cơ quan nhắm mắt làm ngơ trước những hành động tàn bạo như vậy”.
David đang lên kế hoạch cho một chiến dịch nâng cao nhận thức để tiếp cận với trẻ em thiểu số liên quan đến lao động. Ông nói thêm: “Đây là một điểm nổi bật trong đời sống xã hội của chúng tôi. Giải thưởng mới nhất dành cho một nhà hoạt động Công giáo, khuyến khích chúng tôi canh tân cam kết tiếp tục sứ vụ của thiếu niên dũng cảm, cùng với sự cộng tác của chính phủ và xã hội dân sự”.
Ngọc Yến