Gõ từ khóa “Giêsu” hay “Jesus” vào ô tìm kiếm của Google, sẽ cho hàng loạt hình ảnh về một người đàn ông da trắng điển trai, cao gầy, tóc vàng gợn dài, có râu quai nón. Thế nhưng, trên thực tế, Chúa Giêsu có bề ngoài như thế nào, phải chăng cũng giống những hình ảnh được phổ biến về Ngài thường thấy khắp nơi như hiện nay?
Kinh Thánh ghi rõ Chúa Giêsu là một người Do Thái, chào đời vào khoảng năm thứ 4 trước Công nguyên ở hang Bêlem, khi còn nhỏ từng trải qua một thời gian ngắn ở Ai Cập trước khi chuyển về Nazareth. Đáng tiếc là chẳng hề có dòng chữ nào mô tả về bề ngoài của Ngài, ngoài một số chi tiết ít ỏi về quần áo mà Ngài và các tông đồ thời đó vẫn mặc, theo giáo sư Joan Taylor chuyên ngành Nguồn gốc Kitô giáo của Đại học Hoàng gia London (Anh). Bà vừa xuất bản quyển sách có tựa đề “What Did Jesus Look Like?”, tạm dịch: Chúa Giêsu trông thế nào?
Một diện mạo khác
Những người khác, như Môsê, người đã dẫn dắt dân Do Thái rời khỏi Ai Cập và David, người nhỏ bé đã chiến thắng gã khổng lồ Goliath, đều được mô tả có bề ngoài hơn người. Trong khi đó, những bức họa đầu tiên về chân dung của Chúa Giêsu lại được vẽ cách ít nhất 2 thế kỷ sau khi Ngài qua đời, nên khó có thể chuyển tải hình ảnh sát với thực tế về bề ngoài của Chúa Giêsu, theo nữ giáo sư phân tích. Để có được những thông tin về hình ảnh của Ngài, giáo sư Taylor đã chuyển sang nghiên cứu khảo cổ học và phân tích các văn bản cổ với hy vọng có thể tìm thấy manh mối về diện mạo tổng quát của người Do Thái ở miền Giuđêa và Ai Cập vào thời của Chúa Giêsu. Bà cũng thu thập những hình ảnh nghệ thuật trên các đồng tiền và các bức họa trong những hầm mộ chôn xác ướp thời Ai Cập cổ đại.
Theo nghiên cứu của nữ giáo sư người Anh, Chúa Giêsu cao khoảng 1,7m, tức bằng với chiều cao trung bình của nam giới thời đó nếu dựa trên các hài cốt còn sót lại đến nay. Còn trong các văn bản lịch sử và mô tả về con người theo khảo cổ học, người ở Giuđêa và Ai Cập thường có mắt nâu, tóc đen và làn da màu ô-liu. Những bản thảo cổ còn sót lại mô tả người Do Thái ở Ai Cập cũng chẳng có đặc điểm gì nổi bật để có thể dễ dàng được phân biệt với phần còn lại của dân số Ai Cập vào thời Chúa Giêsu còn tại thế.
Dáng gầy, rắn rỏi
Lịch sử cũng ghi nhận người ở Giuđêa có thói quen để tóc (và râu quai nón) ngắn vừa phải, chải chuốt cẩn thận, nhiều khả năng nhằm tránh chấy rận vốn là vấn đề lớn vào thời đó. Giáo sư Taylor cho rằng, có thể Chúa Giêsu cũng làm tương tự. Trong Kinh Thánh, Chúa Giêsu được mô tả là rành nghề mộc, Ngài rất hay đi đây đi đó nhưng lại hiếm có thời gian nghỉ ngơi để ăn uống. Lối sống tích cực vận động nhưng ít ăn uống này có nghĩa là Chúa Giêsu phải khá gầy, nhưng lại nhìn rắn rỏi vì lao động nhiều. Giáo sư Taylor lưu ý Chúa Giêsu không phải là một người sống cuộc đời yên ả, mà thay vào đó phải trải qua nhiều cực nhọc. Một số đặc điểm khác của khuôn mặt Ngài, như miệng và gò má, chưa thể đoán được vì không có chứng cứ hoặc manh mối nào.
Các Phúc Âm, cùng với những vật dụng thu thập được từ hoạt động khảo cổ, cung cấp một số chi tiết về quần áo mà Chúa Giêsu và các tông đồ thường mặc thời đó. Ngài nhiều khả năng khoác áo chùng bằng len, không nhuộm, khăn quấn thắt lưng và áo choàng bên ngoài để giữ ấm. Giày của Chúa có thể giống như các loại giày xăng-đan giản dị thời nay, và do quần áo khi đó hết sức đắt đỏ, Ngài ắt hẳn buộc phải vá mạng áo quần để có thể mặc được lâu dài.
Trong số những học giả chuyên về Kinh Thánh đã đọc sách của bà Taylor, giáo sư thần học Helen Bond của Đại học Edinburgh (Scotland) và giáo sư Jim West, chuyên gia về Kinh Thánh của Trường Thần học Ming Hua (Hồng Kông) đều đánh giá tích cực về nghiên cứu này. Nữ giáo sư Taylor đang mong đợi các học giả khác bình luận về công trình của mình, cũng như kêu gọi thêm nhiều họa sĩ tham gia nỗ lực tạo dựng hình ảnh của Chúa Giêsu dựa trên những phát hiện nói trên.
Ling Lang