GPVO (5/9/2022) – Qua các trang mạng, mọi người thấy được quang cảnh Lễ Khai Giảng năm học mới của trường Tu Nấc, Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam.
Vị có trách nhiệm cho biết sau buổi lễ khai giảng: “Trường Tu Nấc không hề thu tiền trạm biến áp, không thu tiền bảng, tiền bàn ghế hay thậm chí tiền máy lạnh”.
Ở Trà My, Quảng Nam là như vậy. Nơi tôi đang hiện diện và sống như thế nào ?
Thật sự ra mà nói, chuyện học hành cũng như bao nhiêu chuyện thế sự khác, xét cho bằng cùng chả dính dáng gì đến tôi. Thế nhưng nói như thế, nghĩ như thế cũng không được vì lẽ những đứa trẻ ở đây ít là cũng đi ngang qua đời mình hay mình đi ngang qua đời nó một thời gian.
Ngược thời gian mấy chục năm trước khi có duyên đến nơi vùng đang ở, nhiều và nhiều gia đình dường như chìm trong cảnh khổ. Có lẽ nói do thời cuộc, do kinh tế. Cũng có lý để nại vào đó, đơn giản vì là cuộc sống mà. Thế nhưng rồi sau đó vài chục năm nghĩa là tính đến thời điểm hiện tại thì quả thật là thê lương khi nhìn lại trình độ học vấn cũng như đời sống của con người ở nơi đây.
Trình độ cao nhất có thể nói là 12. Đại Học hay trên 12 dừng lại ở con số cực kỳ khiêm tốn. Những đứa trẻ gần gũi mà tôi biết được cũng chỉ dừng ở 12. Sau khi học 12 xong thì lại trở về nhà với công việc đồng áng. Đa phần thì các em chỉ dừng lại ở cuối cấp II. Chưa tính đến chuyện lấy chồng sớm làm gì để lời ru thêm buồn ! Ngày hôm nay xã hội đã phát triển nhưng tình trạng sinh con sớm cũng như đông con còn đang phổ biến nơi tôi đang hiện diện.
Chàng thanh niên chỉ mới ba mươi ngoài nhưng đã có đến 5 đứa con.
Người đàn ông khác cũng mới ngoài ba mươi nhưng có 3 đứa. Điều lạ là anh ta nói vẫn muốn có thêm nữa : “Đẻ thêm nữa cho nó vui ma. Nhà người ta đông con thì nhà mình cũng phải đông con chứ ma !”.
Thật tình đã không nghĩ đến thì thôi nhưng nghĩ đến quả là vấn nạn và đau đầu. Ra chợ, gặp chị bán hàng (người Kinh) nói : “Ở đây chán lắm Cha ơi ! Giờ đi học về cũng chả biết làm gì!”
Lời của chị nói quả không sai. Ở cái vùng này đi học về thì cũng chả biết làm cái chi.
Lần nọ, vào Trung Tâm Y Tế để khám tim. Thấy nhân viên, bác sĩ và cả cái máy đo điện tim cũng tội nghiệp. Cắm điện vào thì máy không ăn điện. Ăn điện rồi thì chỉ số nhịp tim không nhảy. Chỉ đến khi nhân viên (quen với cái bệnh của máy) gõ cộp cộp thì mới ra kết quả nhịp tim.
Cứ như vậy để rồi thử hỏi dù học cho nhiều thì về đây làm gì ? Dù là y tá, bác sĩ giỏi đi nữa nhưng với máy móc như vậy thì bệnh nhân chỉ có chết và bác sĩ cũng đành bó tay.
Điều đáng nói ở đây đó chính là điều không can đảm đối diện với sự thật. Sự thật bị che giấu, sự thật bị lấp liếm thì làm sao có thể thay đổi được. Nhất là về y tế và giáo dục trong cuộc sống ngày hôm nay. Khi người ta gian dối thì sẽ không bao giờ tiến bộ được.
Sự thật bị che đậy do bởi truyền thông. Xem TV xem chừng ra tươi đẹp lắm nhưng thực tại lại đáng buồn. Cứ tính tỷ lệ tri thức cũng như thu nhập đầu người của những vùng nghèo này thì ra thôi. Tiếc thay là những bản báo cáo thật đẹp với những con số thật ngưỡng mộ.
Cũng chả chỉ mình xã hội mà cả tôn giáo nữa. Chỉ vì thích nghe, chỉ vì thích chạy theo thành tích cũng như những báo cáo thật đẹp nên để lại một hậu quả khó lường.
Nhìn xã hội ngày càng phát triển nhưng thấy người dân ở cái vùng nghèo này dường như dậm chân tại chỗ nhất là về tri thức cảm thấy buồn buồn. Viết ra chả phải bêu xấu, chả phải đả phá, chả phải công kích ai. Viết ra để nói lên trăn trở của bản thân về cuộc đời, về cuộc sống ở nơi đây. Ai không tin cứ xin mời đến thực địa tại hiện trường sẽ thấy rõ hơn thực chất. Muốn biết sự thật thì đến ở chứ đừng đọc báo hay xem TV.
Cứ như cái đà này thì 10 hay 20 năm nữa dân trí cũng như cuộc sống ở đây cũng vậy thôi.
Ở những thành phố lớn thì ta thấy chuyện chạy ghế chạy trường, ở cái vùng nghèo này cái ăn cái mặc vẫn còn thiếu thốn thì chuyện đi tìm con chữ cũng chả ai mong. Chính vì vậy cái nghèo nó cứ ôm chầm mãi những người ở đây.
Tu Nấc, Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam đã nghèo nhưng vùng nghèo ở đây cũng có khá gì hơn. Một khi tri thức không có thì cuộc sống cứ mãi mãi khổ thôi. Muốn phát triển xã hội, gia đình và bản thân không có con đường nào khác ngoài con đường đầu tư vào giáo dục.
Lm. Anmai, CSsR