Nghèo

            GPVO (30/11/2022) – Chiều dần buông, vài người đến nhà thờ để nhận quan tài về lo mai táng cho người trong làng vừa qua đời.

            Đang lúc lấy quan tài cũng như những phụ kiện lo phần tẩn liệm, cô gái (Giáo lý viên trong xứ) nói tôi: “Ma ơi ! Nhà người này nghèo lắm ma !”.

            Nghe nói xong, tôi trả lời: “Ủa ! Ma có bao giờ nói dân làng giàu đâu. Dường như 99,9 % dân là nghèo mà. Ma biết dân khổ lắm nhất là những ngày này mà.”

            Tranh thủ hỏi thăm thì được biết 2 vợ chồng có với nhau 2 đứa con. Hoàn cảnh gia đình nên chồng về Đồng Nai để làm mướn. Vợ hiện tại đi nấu cơm trong trường mầm non. Hỏi thăm thì lương được hơn ba triệu một tháng.

            Nghe hoàn cảnh như thế thấy thật éo le. Chồng làm cũng chả khá mà vợ làm cũng chẳng hơn. Thời buổi cứ thấy xăng giảm mạnh và tăng nhẹ như thế này thì cuộc sống ngày càng thêm khốn khó cho những người nghèo.

            Thật thế, trong cuộc sống với những vất vả của kiếp phù sinh, người Kinh cũng đã khổ chứ huống hồ gì người đồng bào thiểu số. Người Kinh dù có nghèo đi chăng nữa nhưng dù sao vẫn đỡ hơn người đồng bào.

            Người Kinh khi quá cố thì cũng có sự trợ giúp của gia đình, con cháu để lo tang ma. Người đồng bào lại khác, mỗi khi trong gia đình có người quá cố thì dường như cái khổ nó lại đè nặng trên vai của gia đình. Kèm theo đó là những hủ tục như giết bò giết heo theo văn hóa của họ nữa để rồi ngày hôm nay nhiều gia đình không dám giữ cái phong tục đó nữa. Đơn giản là nếu như có người qua đời thì phải làm thế này thế kia. Dạo này khổ quá nên có những gia đình không dám nghĩ đến để giữ cái gọi là văn hóa nữa. Nghèo quá thì làm gì gọi là bảo tồn văn hóa. Có những gia đình đến độ chiếc quan tài còn không lo liệu nỗi hay có lo thì cũng là đi vay và những khoản vay như thế không biết bao giờ thanh toán được. Đơn giản là cái nghèo cứ muốn ôm chầm lấy cuộc đời của họ.

            Chiều Chúa nhật I Mùa Vọng, vào làng để chia sẻ xe lăn cho người tàn tật cũng như người bị tai biến. Hình ảnh lem luốc của những đám trẻ hiện ra ngay trước mắt thấy mà nhói lòng. Không mang gì theo nên cuối cùng gửi cho một người phụ nữ chút gì đó để mua quà cho mấy nhỏ. Nhìn chúng không thể nào không khỏi chạnh lòng. Trong đầu cứ suy nghĩ rằng bọn nhỏ này sẽ đi về đâu.

            Một vài hình ảnh gửi cho người anh thân thương. Nhận được, Anh chỉ nói: “Cũng một kiếp người”. “Nhìn thương quá cha ha ! Tội nghiệp quá !” Đó là cảm xúc của người em kết nghĩa.

            Nghèo quá thì làm gì gọi là bảo tồn văn hóa. Có những gia đình đến độ chiếc quan tài còn không lo liệu nỗi hay có lo thì cũng là đi vay và những khoản vay như thế không biết bao giờ thanh toán được. Đơn giản là cái nghèo cứ muốn ôm chầm lấy cuộc đời của họ.

            Chắc có lẽ ai ai cũng đong đầy cảm xúc khi thấy trước mắt mình hình ảnh của những người nghèo như thế này dù qua màn ảnh của chiếc iphone hay con laptop.

            Chưa hết, khi hỏi thăm con bé đi cùng để ôm chiếc xe lăn thì lại càng nhói lòng: “Ma biết không ? Nhà con đâu có bếp đâu. Con nấu cơm ở cái mương sau nhà đó ! Con nấu ăn ngon hơn ba mẹ con”.

            Đó là chia sẻ của đứa trẻ đang học lớp 10. Biết hoàn cảnh như thế nên rồi khuyên con bé ráng đi học để sau này phụ giúp gia đình. Tôi có dặn nó nói ba mẹ bữa nào vô tôi để tôi chia sẻ chút chút về nhà làm cho nhà cái bếp.

            Vậy đó! Xung quanh tôi, bao vây tôi toàn là những người nghèo. Sống với họ để cảm nhận được cái nghèo của họ cũng như chung chia với họ chút nào hay chút đó. Nụ cười của những người nhận xe lăn chiều hôm nay thật rạng rỡ. Có lẽ đây là mơ ước mà họ ước mơ giờ này đã thành hiện thực.

            Những ước mong có phép mầu nào đó để cho người đồng bào bớt nghèo và bớt khổ. Cũng khó lắm, đơn giản là vì cái nghèo nó thương người đồng bào đến nỗi không muốn buông tha cho họ. Chỉ biết cảm và thương với những người mà tôi được may mắn đang hiện diện cũng như đồng cảm với kiếp nghèo của họ.

Lm. Anmai, CSsR